THAM NHŨNG NHẤT CHÂU Á,
MẤT ĐẦU TƯ CHÂU ÂU
Trần Nguyên Thao
Mặc cho một nửa nước nghèo đói vì chiến lược kinh tế lấy doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm chủ đạo đang bị phá sản. Mặc cho tầng lớp chuyên gia, trí thức lên tiếng đòi cải tổ chính trị, kinh tế, Cộng đảng vẫn muốn điều hành đất nước theo lề thói cũ. Cuối tháng 7, Hanoi công bố đề án “tái cơ cấu DNNN”; theo đó, "doanh nghiệp nhà nước vẫn là nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô". Giải pháp này làm cho doanh nghiệp tư khó tồn tại vì mất hẳn tính bình đẳng trong kinh doanh, nhưng các quan chức lại dễ tham nhũng hơn.
Hai tuần sau, BBC loan tin phản ứng của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố kết quả khảo sát môi trường kinh doanh tại Việt Nam, trong đó chỉ số Business Climate Index (BCI) cho thấy Việt Nam bị tụt xuống dưới mức trung bình (48/100) lần đầu tiên qua hai năm trở lại đây. Trước đây không lâu Tờ Financial Tiems đã đưa ra nhận định: “đầu tư vào Việt Nam chỉ dành cho những người dũng cảm!”
Theo bản khảo sát này thì doanh gia Âu Châu dù đang làm ăn tại VN cũng không yên lòng; họ vẫn “ngắm nghía” các nơi khác, để rời cơ sở kinh doanh đến vùng đất nhiều triển vọng hơn : Có đến 53% doanh nghiệp nói rằng họ sẽ giảm vốn đầu tư tại Việt Nam, 70% đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam từ “trung bình” tới “rất kém” và chỉ 1% đánh giá là “rất tốt”. Các con số vừa nói phản ảnh một thực trạng đáng lo ngại vì cách đây hai năm một cuộc điều nghiên tương tự cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp lúc đó đều đánh giá tình trạng kinh doanh là “tốt” và “rất tốt”; rất ít doanh nghiệp đánh giá “trung bình” và hiếm khi có “yếu kém” như ngày nay.
Tham nhũng nhất Á châu
Yếu tố quan trọng để doanh nhân ở lại hay gia tăng đầu tư tại VN là Hanoi phải có những cải cách cần thiết để tăng sự cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực, bởi vì hiện tại doanh nhân Châu Âu đang chuyển hướng đầu tư vào Nam Dương và gần đây nhất là Miến Điện. Doanh nghiệp nào cũng đòi hỏi những cải cách rất căn bản, nhưng lại là các “món khó ăn” đối với Hanoi như: hệ thống cầu, đường phải tốt để vận chuyển hàng hóa, điện nước cung cấp đều đặn, giá nhiên liệu ổn định, đơn giản hệ thống hành chánh, nhất là phải bớt nạn tham nhũng thì doanh nghiệp tư mới có đất sống.
Tại cuộc hội thảo vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng tổ chức ở Quảng Ninh hôm mùng 9 tháng 8 đã đưa ra thang điểm minh bạch quốc tế về tình trạng tham nhũng. Việt Nam trong những năm gần đây chỉ đạt mức 2,6 - 2,7 điểm. Hồi năm ngoái đạt 2,9 điểm. Những nước dưới mức 3 điểm thuộc loại tham nhũng nghiêm trọng. Theo tổ chức Minh Bạch Quốc Tế thì tại khu vực Châu Á, tình trạng tham nhũng của Việt Nam nghiêm trọng hơn cả so với các nước như Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Trung Cộng...
Thực tế tham nhũng tại VN ngày nay còn trên mức “nghiêm trọng”, nhưng Cộng đảng muốn nương ngay tình thế này mà thanh toán nội bộ. Theo một nguồn tin được rò rỉ ra cho báo lề dân thì, tại hội nghị kiểm điểm bộ chính trị tháng 7/2012 là bước đầu tranh ăn khá gay gắt. Tất cả 14 ủy viên bộ chính trị đều kiểm điểm, nhưng nội dung bản kiểm điểm của ông đương kim Thủ Tướng Dũng được mô tả là “có vấn đề”, nên hội nghị trung ương đảng vào tháng 10 tới đây, sẽ là giai đoạn bỏ phiếu, nếu ông Dũng bị đa số bất tín nhiệm thì đương nhiên mất ghế thủ tướng. Trường hợp không giải quyết được thì tháng 11 Cộng đảng sẽ “mượn tay” quốc hội để bỏ phiếu. Hiện tại Cộng đảng muốn trấn áp dân chúng để yên thân người nào ghế đấy, mỗi nhóm có võ riêng như đồng tiền hai mặt, nhưng cùng là một phường “tiêu lòn với giặc, tàn ác với dân”, nhất là trong giai đoạn này. Đây là hiện tượng được người dân trong nước gọi là vẫn “Nguyễn Y Vân – vẫn y nguyên”, cho tới lúc có một nhóm đủ mạnh thì sẽ tiêu diệt nhóm yếu hơn. (*)
Con số thống kê Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam vừa công bố cho thấy đầu tư nước ngoài trực tiếp - Foreign direct investment (FDI) vào VN trong bảy tháng đầu năm chỉ ở mức 8,3 tỷ Đô la, bằng 66,9% so với cùng kỳ năm 2011 (BBC Aug 03).
Thủ phạm chính gây trở ngại lớn nhất cho sự phát triển khu vực tư doanh chính là DNNN, vốn được cho là nòng cốt và tương lai của nền kinh tế Việt Nam, mà còn là lá chắn nguồn FDI từ bên ngoài suốt nhiều năm qua.
Hongkong & Shanghai Banking Corporation (HSBC) vừa loan báo rằng, sai lầm lớn nhất của Việt Nam là tập trung 40% tổng sản lượng quốc gia - Gross domestic product (GDP) vào các tập đoàn nhà nước kém hiệu quả, tạo ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường nhưng lại đòi hỏi sự hỗ trợ khổng lồ để tiếp tục tồn tại. DNNN, bị các nhà đầu tư lên án là với số vốn lớn mạnh đã ra sức thao túng vị trí “đầu tàu của ngành”, chiếm thế độc quyền bằng cách mở rộng đa ngành để tạo khó khăn cho việc thâm nhập thị trường của các tập đoàn nước ngoài, ảnh hưởng đến mức FDI tiềm năng đổ vào Việt Nam những năm qua.
Một sự thể khác là ngày nay các phân tích gia quốc tế đều thống nhất rằng, trước nhu cầu thị trường nhân công thế giới ngày càng tinh vi thì thế mạnh của VN là công nhân đông đảo và giá rẻ sẽ bị xói mòn rất nhanh. Giới quan sát nói VN sẽ khó đón nhận những làn sóng FDI khổng lồ trong tương lai với đội ngũ lao động kém trình độ, chủ yếu bắt nguồn từ những bất cập trong nền giáo dục vốn thiếu sự tự do để cạnh tranh, chuyên môn hóa của nước này.
Năm 2011, Intel, hãng sản xuất chip điện tử hàng đầu của Mỹ, đã gặp trở ngại trong việc đầu tư vào Việt Nam khi số công nhân đủ trình độ tuyển dụng chỉ bằng một phần nhỏ số lượng yêu cầu. Hãng Intel vào thời điểm đó đã gạt qua một bên lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam, tuyên bố rằng đó không phải là điều họ tìm kiếm.
Vòng quay luẩn quẩn
Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định: hiện tượng chỉ số giá tiêu dùng - Consumer Price Indexes (CPI) giảm tới mức (âm -3%) trong hai tháng vừa qua là dấu hiệu rất đáng lo ngại. Lạm phát giảm thấp đột ngột không phải là hiện tượng đáng mừng. Và uỷ ban này cho rằng khả năng CPI sẽ tăng trở lại vào những tháng tới “nếu nới lỏng chính sách quá mức thì nguy cơ sẽ lại làm bùng nổ lạm phát vào những năm tiếp theo”. Đặc biệt, theo uỷ ban, vấn đề nợ xấu là “rào cản lớn nhất trong việc khơi thông tín dụng và hạ mặt bằng lãi suất hiện nay”, cho nên “cần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu” vì “một khi vấn đề này chưa được giải quyết thì những giải pháp khác của chính sách tiền tệ được đưa ra sẽ đem lại rất ít hiệu quả” (Saigon Tiếp Thị).
Để hỗ trợ và kích thích kinh tế, Chính phủ đang tăng đầu tư công trở lại sau thời kỳ siết chặt để chống lạm phát. Theo đó, ngoài việc giải ngân 20 ngàn tỷ nằm trong kế hoạch 2012 thì sẽ ứng trước 30.000 tỷ đồng của tài khóa năm 2013. Tính ra, trong nửa cuối năm nay mỗi tháng sẽ có khoảng 22.000 - 23.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân. Đây là một lượng tiền khá lớn bơm ra trong thời gian còn lại của 2012.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự lo ngại cho rằng: Việc giải ngân bao nhiêu cần phải căn cứ vào năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, giải ngân phải bảo đảm có hiệu quả, không nên đầu tư bằng mọi cách cho hết số tiền trên. Tung tiền ra mà vô hiệu quả thì lạm phát sẽ quay lại rất sớm.
Cho đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp dưới 1%, và không thể đạt được mục tiêu gia tăng tín dụng đề ra. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy nhanh lộ trình giảm lãi suất và dự kiến có thể sẽ hạ lãi suất tiếp. Các chính sách về ổn định và tăng trưởng vẫn được Hanoi áp dụng giống như kiểu “Đông che, Hè mở”, theo đuổi mục tiêu ngắn hạn. Hậu quả dễ thấy là Việt Nam cứ quanh quẩn với bài toán: bơm tiền kích tăng trưởng rồi lại siết chặt để chống lạm phát. Điều này đã được đúc kết trong một quy luật “hai tăng một giảm” và được lập lại như một vòng quay khép kín. Trong khi đang tập trung cho đẩy mạnh tín dụng, dường như nguy cơ lạm phát do nới lỏng chính sách tiền tệ mà Việt Nam liên tiếp mắc phải trong thời gian qua đã không được các giới chức tài chánh lưu tâm.
Trong hơn 1 tháng qua, khi điện tăng giá 5%, gas tăng giá hơn 20%, xăng vừa tăng giá đến lần thứ ba trong hơn 7 tháng, loại A92 sẽ có giá bán 23.000đ/lít, A95 giá 23.500đ/lít, dầu hỏa 21.400đ/lít và diesel 21.600đ/lít (Aug 13). Nhưng tất cả các DN và cơ quan quản lý trực tiếp đều tuyên bố rằng: giá tăng không ảnh hưởng đến đời sống người dân và không gây lạm phát. Và dường như thế là đã đủ nên trong các thông tin và giải trình tăng giá các mặt hàng quan trọng gần đây người ta đã không còn đưa ra các tính toán về tác động của tăng giá lên hàng hóa và dịch vụ cụ thể cũng như lạm phát nói chung. Tóm lại, Hanoi muốn dấu nhẹm các số liệu về giá cả thị trường sau nhiều đợt tăng giá nhiên liệu và điện lực.
Lượng tiền 300 ngàn tỷ đi đâu ?
Theo công bố của NHNN, tổng dư nợ nền kinh tế ở mức 2.617.000 tỉ đồng; tín dụng sáu tháng đầu năm chỉ có 0,76%, xấp xỉ 20.000 tỉ đồng. Như vậy, ngân hàng đổ tiền vào trái phiếu chính phủ trong sáu tháng đầu năm gần gấp đôi tiền cho vay ra nền kinh tế. Tính đến hết tháng 6, có 83.964 tỉ đồng trái phiếu chính phủ và trái phiếu do chính phủ bảo lãnh được phát hành, theo số liệu báo cáo trái phiếu sáu tháng đầu năm của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Căn cứ vào số liệu trên, thì rõ ràng đồng tiền không được dùng vào nền kinh tế. Giới ngân hàng đã dựa vào nhiều quy luật khắt khe, khiến doanh nghiệp không thể vay được vốn. Và vì thế vấn đề dưới đây đã nêu ra từ trước vẫn còn nguyên : Về lượng tiền 300 ngàn tỷ NHNN bơm ra thị trường, tính đến cuối tháng 6, đã chạy về đâu? Nếu dùng tiền để mua nợ xấu thì lập thêm một công ty mua bán nợ xấu phải chăng là để hợp thức hóa số tiền đã sử dụng hay là một thủ thuật khác cho dòng tiền chạy quanh và biến mất?
Các câu hỏi tương tự được nhiều chuyên gia kinh tế, tài chánh công khai nêu ra trước công luận, nhưng đảng cầm quyền duy nhất tại VN chẳng những làm ngơ; mà còn liên tục đưa ra những thông tin gây hỏa mù trong nền kinh tế để phe nhóm thủ lợi, khiến dân chúng và thậm chí cả giới phân tích rất khó để có thể thực sự định hình được những gì đang diễn ra trong nền kinh tế.
Trần Nguyên Thao
August 17, 2012
_____________________________
(*)Lặng lặng mà nghe chúng tự phê
Thằng thì cười sướng đứa đê mê
Mấy chục năm rồi đâu vẫn đấy
Phê chi rốt cuộc cũng trò huề
Phê tự phê rồi suốt bấy lâu
Chó cắn đuôi mình sủa gâu gâu
Khen sao khéo vẽ cho thêm nhục
Một phường bán nước thủ dâm nhau.
Lê Diễn Đức
TIN NÓNG
“Ông trùm ngân hàng” Nguyễn Đức Kiên đã bị công an Hanoi bắt tối thứ Hai Augt 20 tai nhà riêng. Tin này được loan ra như là minh chứng cho rằng, phía hai ông Sang & Trọng đã ra tay tấn công vào “hầu bao” phe Nguyễn tấn Dũng. Các thị trường tài chính và chứng khoán phản ứng rất hỗn loạn ngay từ giây phút ban đầu này. Dân chúng đã kéo đến các ngân hàng có dính dấp đến Ông Kiên để rút tiền ra. Thị trường chứng khoán VN trượt dốc chưa từng thấy.
Ngân Hàng Nhà Nước phải lên tiếng trấn an dân chúng.
Bộ công an cũng lên tiếng nói là, ông Kiên bị tố cáo có vi phạm trong phạm vi ba công ty do ông làm chủ tịch Hội đồng quản trị là Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Do đó, Bộ Công an khẳng định rằng việc bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên không có liên quan gì đến hoạt động của ông này tại Ngân hàng Á châu.
Ông Kiên được giới kinh tế, tài chánh và báo chí gán cho cái tên “bố già”. Báo chí mạng mô tả Ông Kiên là người cùng nhóm với Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn văn Bình, cả hai đều cùng băng làm ăn, và bị Nguyễn thanh Phượng cùng với cha là Nguyễn tấn Dũng giật dây.
No comments:
Post a Comment