Tuesday, October 25, 2011

Trần Duy Sáng & Viet Roots Với Ca Khúc "Chuồn Chuồn"



VanHoaNBLV cùng Viet Roots có một buổi nói chuyện với anh Trần Duy Sáng về ca khúc "Chuồn Chuồn" vào ngày 2 tháng 7 năm 2011, nhân dịp anh cùng gia đình từ Australia ghé thăm miền Nam California, Hoa Kỳ.

Ca khúc Chuồn Chuồn được trích từ CD Nhạc Tình Xa Xứ, thơ Ngô Đình Vận, nhạc Lại Minh Thuận với tiếng hát Ngọc Thủy. Tổng-phát-hành cho CD này là Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ (ĐT: 703 525-4538 , E-mail: canhnam@dc.net), một cơ-sở xuất bản sách đã có mặt ở vùng Thủ-đô từ hơn 1/4 thế-kỷ nay. Và đây hình như là cái CD nhạc đầu tiên do Tổ Hợp phát hành.

CHUỒN CHUỒN

Chuồn chuồn phải gió í a cái con là con chuồn chuồn í a
Chập chờn mà bay lượn a í a nhưng nó chẳng buồn đậu xuống cánh hoa
Anh ơi anh cũng giống í a cái con là con chuồn chuồn í a
Anh chưa trúng gió nhưng anh cứ dập dờn không ngó í i ngó tới em
Chuồn chuồn phải gió í i ì là con chuồn chuồn.

Anh ơi anh cũng giống í a cái con là con chuồn chuồn í a
Khi bay thì ơ gió a í a gặp ráng trời mỡ chó thì mưa
Lòng em i í i ì a bão táp mưa sa í a
Mà anh anh đâu có biết anh cứ tà tà anh i í i anh ấm ương
Chuồn chuồn phải gió í i ì là con chuồn chuồn.

Chuồn chuồn phải gió í a cái con là con chuồn chuồn í a
Trêu ngươi thì em lấy a í a nhựa mít em bắt em xem chơi cho đỡ buồn
Em ơi anh cũng giống í a cái con là con chuồn chuồn í a
Khi vui thì anh khẻ đậu lúc buồn thì anh lại bay i í i ơ bay
Chuồn chuồn phải gió í i ì là con chuồn chuồn.

Em ơi anh cũng giống í a cái con là con chuồn chuồn í a
Muốn tu thì chẳng i í i đặng mà muốn sánh đôi cũng ơ phiền
Anh như i í i ì a cánh mỏng chuồn chuồn í a
Trông coi mà không kỹ ớ nó rách te tua ơ mấy i í i mấy hồi
Chuồn chuồn phải gió í i ì là con chuồn chuồn.

Thực hiện video clip http://noigio.blogspot.com

Wednesday, October 19, 2011

Trần Nguyên Thao - Kinh Tế Việt Nam: Cải Cách Hay Là Chết

Các biện pháp hỗn độn đang được Hanoi áp dụng làm cho nền kinh tế Việt Nam không bao giờ ra khỏi ngõ cụt tăm tối. Dân mất tin tưởng vào khả năng điều hành nền kinh tế nơi nhà nước, đổ xô đi mua Đôla và vàng lá để cất giữ. Nợ công tăng cao đến 70%, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát và giá cả tại VN cao nhất trong 17 nước châu Á và vẫn ấp ủ mầm móng nguy cơ bùng phát. Việt nam phải gánh chịu những tác dụng phụ của việc thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát. 70% doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay hoặc phải vay với lãi suất cao. Gần 50 ngàn doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, đưa đến nạn thất nghiệp khá cao, xã hội mất ổn định. Khi doanh nghiệp thua lỗ thì thị trường chứng khoán bắt buộc phải kéo dài thời kỳ ảm đạm.

Đòi cải tổ kinh tế

Hanoi luôn đi vào say mê thái quá trong cách điều hành nền kinh tế quốc gia. Thập niên trước, Hanoi mê man với “ảo mộng con rồng Đông Á”. Vay vốn khắp nơi đổ vào các công ty quốc doanh để đạt mức tăng trưởng cao. Sau nhiều năm thi nhau đục khoét vô tội vạ, “đòn bẩy” quốc doanh rơi vào trạng thái “bầy nhầy mục rữa”, lạm phát lên cao. Lúc này Hanoi lại hì hục lao đầu vào chống lạm phát một cách quyết liệt. Giải pháp này sẽ để lại hậu quả lâu dài cho các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng “mất máu” còn lâu mới phục hồi được.

Bên cạnh các tiếng nói đối lập về chính trị, hàng loạt tiếng nói khác tiếp tục cất lên từ hàng ngũ chuyên gia kinh tế độc lập cáo giác rằng, Hanoi chỉ biết áp dụng giải pháp giật cục, bạ đâu làm đó, chưa bao giờ thấy có chính sách nhất quán với tầm nhìn dài hạn. Cách điều hành này làm cho mọi giới kinh doanh không thể tính chuyện làm ăn lâu dài được.

Gần đây, nhiều chuyên gia còn đòi Hanoi phải mạnh tay cải tổ toàn diện luật đất đai, hệ thống quản lý doanh nghiệp quốc doanh, cải cách cơ cấu kinh tế tài chính, đồng thời thay đổi mô hình tăng trưởng vốn đã trở nên lạc hậu, cản trở các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Thay đổi chính sách đối với doanh nghiệp Trung Cộng, ngăn chặn hẳn hàng Trung Cộng nhập vào VN qua đường tiểu ngạch (trốn thuế), không cho thương lái Trung Cộng tự do thu mua sản phẩm trong lãnh thổ Việt Nam. Việc cho doanh nghiệp Trung Cộng trúng thầu đến 90% các công trình kinh tế lớn bị cáo giác là cách Hanoi tiếp tay với Trung Cộng giết chết doanh nghiệp Việt Nam.

Đầu tư giảm, nợ công cao

Việt nam đang diễn ra hai hiện tượng: đầu tư trực tiếp vào VN đang giảm sút nhanh và nợ công lại tăng lên khủng khiếp. Theo Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến cuối tháng 9 năm nay, mức cam kết đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam (FDI) đã giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, 2010. Theo giới phân tích, lạm phát trong nước và vấn đề tỷ giá đồng tiền Việt Nam là nguyên nhân làm cho các nhà đầu tư quốc tế dè dặt.

Số liệu của MOF công bố vào giữa tháng 10 cho thấy, tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP của Việt Nam tăng mạnh kể từ năm 2006 đến nay. Tình trạng nợ công của Việt Nam tăng cao cũng được báo chí đưa ra mỏ xẻ, với những cảnh báo cho rằng nếu không có được các giải pháp kịp thời, Việt Nam sẽ mất khả năng chi trả.

Báo Sài Gòn Tiếp Thị trích dẫn các số liệu của Bộ Tài chính và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, nợ công của Việt Nam hiện đang chiếm trên 70% tổng thu nhập quốc dân, và nếu không có biện pháp thích ứng, tỉ lệ này có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những năm tới. Như vậy, chỉ mới 2 tháng, nợ công của VN đã tăng thêm 20%.

Cuối tháng 8, Bộ Tài Chánh VN công bố, nợ nước ngoài của VN ở mức 32.5 tỷ Đôla, tương đương 42.2% tổng sản lượng toàn nước (GDP). Cùng thời gian đó, công ty Fitch Ratings, cơ quan chuyên đánh giá tín dụng tầm mức quốc tế lại nói, nợ nước ngoài của VN là 50% GDP.

Đầu tư kém hiệu quả, chính phủ chi tiêu vô tội vạ, và nạn tham nhũng bất trị là nguyên nhân đưa đến nợ nần cao ngất, Về tham nhũng, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh trình bày với ủy ban Thường vụ Quốc hội tại cuộc họp trong tuần qua (Oct 16) cho biết, những vụ tham nhũng tại Việt Nam từ tháng 8 năm ngoái đến tháng 7 năm nay gây thiệt hại cho công quỹ khoảng 11 ngàn 400 tỷ đồng.

Chính vì cách làm thì ít, ăn cắp thì nhiều, nên công ty Fitch Ratings đã cho điểm mức độ “đáng tín nhiệm” VN chỉ ngang với Mông Cổ và Venezuela, còn “tệ” hơn cả hai nước Philippines và Indonesia.

Chính việc cho ra đời hàng loạt Tổng công ty nhà nước trong 5 năm qua đã đẩy mức nợ quốc gia của Việt Nam từ con số chỉ hơn 10 tỷ đôla, nay lên đến hơn 55 tỷ đôla. Cũng trên tờ VN Economic, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã không chút ngần ngại khi nhận định là “tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay”.

Để bảo vệ cho quan điểm này, ông Lê Đăng Doanh nêu ra một loạt các số liệu về lạm phát tăng cao, cán cân mậu dịch bị thâm thủng, đầu tư nước ngoài tụt dốc, tiền đồng mất giá, chênh lệch giàu nghèo gia tăng v.v… Ý kiến ông Doanh cũng tương tự như các chuyên gia cùng ngành, kêu gọi Hanoi phải cải cách như trình bầy ở phần trên.

Chưa có giải pháp cho Vàng Lá

Hồi tháng Hai (dịp Tết Nguyên Đán), Hanoi đưa ra Nghị quyết 11 với mong đợi ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó nói kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng và rằng trong quí Hai NHNN sẽ trình chính phủ nghị định mới. Cho đến nay đã 8 tháng, NHNN vẫn nói là còn đang “xây dựng khung pháp lý cho nghị định; vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí nhạy cảm, đang phải cân nhắc một cách thận trọng”.

Trong tháng 10, Ngân Hàng Nhà Nước đã cho thêm năm ngân hàng được phép mua, bán vàng là Eximbank, ACB, Techcombank, Đông Á, và Sacombank; Cùng với Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Được biết tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc của các ngân hàng này sẽ được mua và bán vàng ra cho người dân theo giá niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và các ngân hàng này sẽ bán ra thị trường tới sáu tấn vàng từ nguồn cung vàng có sẵn trong kho. Việt Nam đã có sẵn trên 10 ngàn cửa hàng vàng trên toàn quốc vẫn đang hoạt động.

Vào tháng Ba năm nay, NHNN ra lệnh các chi nhánh mua bán vàng đóng lại tài khoản vàng ở nước ngoài nhằm hạn chế giao dịch vàng để giúp điều mà nhà nước mô tả là ổn định tiền đồng.

Tuy nhiên sau đó NHNN lại cấp quota cho các công ty kinh doanh vàng để nhập 13 tấn vào tháng 8 và tháng 9. Nhưng còn tình trạng nhập khẩu vàng lậu mỗi năm trung bình 20 đến 40 tấn, có năm đến 60 tấn, như lời ông Nguyễn Văn Bình, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước đã từng nói thì sao? Chắc chắn số vàng nhập lậu trong quy mô lớn như vậy phải có thế lực cầm quyền chủ trương đằng sau, lại không thấy nhà nước đả động gì.

Tiền đồng có xu hướng mất giá so với đôla tại thị trường không chính thức khi có chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới do giới đầu cơ gom đôla để nhập lậu vàng nhằm thu lợi từ chênh lệch giá.

Một kinh tế gia hàng đầu tại Việt Nam muốn ẩn danh mới đây nói với BBC rằng “thực tế cho thấy thị trường chợ đen tại Việt Nam có sức sống hết sức dẻo dai qua năm tháng bất chấp các biện pháp cấm đoán của chính phủ. Nếu Ngân hàng Nhà nước coi vàng là hàng hóa thì phải để tự do xuất nhập và trao đổi trên thị trường”.

Tuy nhiên giới quan sát hoài nghi về điều họ gọi là nhà nước lại dùng công cụ hành chính nó khó tạo được việc thông thương giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế. Và kết quả là nhiều khả năng sẽ vẫn tồn tại chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới.

Cộng Đảng lại lừa dân lần nữa?

Trưóc trào lưu ngày càng có nhiều tiếng nói đòi cải cách cả chính trị lẫn kinh tế, Hanoi cũng lên tiếng nhìn nhận, tỉ lệ lạm phát có nguy cơ tăng mạnh trong lúc tiền đồng bị áp lực vì giá tiêu dùng gia tăng với tốc độ nhanh nhất Á Châu.

Theo tin hãng Bloomberg, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi đi Bắc Kinh đã lên tiếng tại hội nghị trung ương lần thứ 3, kết thúc hôm thứ Hai (Oct 10) rằng: “Lạm phát vẫn ở mức cao và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, trung ương đảng đã quyết định tái cơ cấu nền kinh tế đất nước và những nhiệm vụ chính trong 5 năm tới là tái cấu trúc đầu tư, cơ cấu lại thị trường tài chánh và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước”.

Cộng đảng thực tình muốn cải cách hay chỉ là mánh khóe gian dối vẫn áp dụng lâu nay, nhằm làm dịu những đòi hỏi hợp lý của toàn dân.

Hy vọng các giới trí thức, chuyên gia và toàn dân Việt sẽ tỉnh táo đề phòng, không để bị cộng đảng bịp bợm thêm nữa.

Trần Nguyên Thao
October 18, 2011