Sunday, December 25, 2011

Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt - Ngô Đình Vận / Chương I

                  V Ă N  H Ó A  N H Â N  B Ả N  L Ạ C  V I Ệ T

                                           Ngô Đình Vận

Chương I

KHÁI NIỆM VĂN HÓA NHÂN BẢN LẠC VIỆT

Văn Hóa là hai tiếng mà chúng ta thường dùng đến hằng ngày; việc sử dụng từ ngữ Văn Hóa trong các câu chuyện thông thường thì cả người nói lẫn người nghe đều hiểu một cách khái quát miễn sao cảm được cái ý chính của hai chữ Văn Hóa trong câu chuyện.

          Tuy nhiên, khi cần phải định nghĩa từ ngữ Văn Hóa thì thật là một điều rắc rối, phức tạp.

          Mở cuốn Việt Nam Tự Điển do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo và phát hành ở Hà Nội năm 1931 thì thấy ghi “Văn Hóa; sự giáo dục cho văn học đã thấm vào trí não người ta”.

          Một định nghĩa khác trong cuốn Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh xuất bản năm 1932 thì viết: “Văn hóa; Văn vật và Giáo hóa, dùng văn tự mà giáo hóa cho người”.

          Cuốn sách thứ ba là Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức do nhà Khai Trí in năm 1970 tại Sài Gòn thì lại viết: “Văn Hóa; Văn Học và Giáo Dục tức sự  học hỏi, dạy dỗ chữ nghĩa, văn chương”.

          Đương nhiên là cả 3 cách định nghĩa trong 3 cuốn tự điển nêu trên đều quá vắn tắt và không đưa ra được một định nghĩa rõ ràng về hai chữ Văn Hóa.

          Như vậy thì Văn Hóa là gì, Tìm đọc cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh viết xong ở Cố đô Huế năm 1938 thì mới vỡ lẽ ra là ngay cả vị học giả nổi tiếng này cũng từng bối rối về hai chữ Văn Hóa.

          Ngay ở bài Tựa của cuốn sách Việt Nam Văn Hóa sử Cương, học giả Đào Duy Anh đã viết: “Theo giới thuyết của Felix Sartiaux thì Văn Hóa về phương diện động, là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì Văn Hóa là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định và tất cả các tính chất mà những tác dụng ấy bầy ra ở các xã hội loài người”.

          Học giả Đào Duy Anh cũng viết rõ rằng: “dựa theo giới thuyết của Felix Sartiaux mà chia đại khái ra ba bộ phận như sau:
         
          1. KinhTế Sinh Hoạt.
          2. Xã Hội Sinh Hoạt.
          3. Trí Thức Sinh Hoạt.

          Tiếp đó, trong Thiên Thứ Nhất, phần Tự Luận, học giả Đào Duy Anh đã đặt ngay cái tiểu mục bằng câu hỏi “Văn Hóa là gì?”, để rồi đi đến kết luận: “Hai tiếng Văn Hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các Phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng: Văn Hóa tức là sinh hoạt”.

          Học giả Đào Duy Anh cũng dẫn giải thêm: “Văn Hóa đã là sinh hoạt thì không kể là dân tộc văn minh hay dã man đều có văn hóa riêng của mình, chỉ khác nhau về trình độ cao thấp mà thôi”.

          Tìm một sách có cái tựa Văn Hóa khác là cuốn Văn Hóa Dân Tộc và Văn Hóa Lưu Vong của Phạm Kim Vinh xuất bản năm 1986 tại miền Nam California, Hoa Kỳ thì cũng thấy ngay nỗi băn khoăn của tác giả về hai chữ Văn Hóa.

          Luật Sư Phạm Kim Vinh cũng trích dẫn các điều lý giải về hai chữ Văn Hóa của học giả Đào Duy Anh và ông Phạm Kim Vinh còn chịu khó trích dẫn các ý kiến của học giả Hoàng Văn Chí và giáo sư Nguyễn Khắc Kham như sau:

          “Học giả Hoàng Văn Chí thì cho rằng tuy mọi người đều hiểu đại khái về Văn Hóa là gì nhưng định nghĩa danh từ ấy là một việc rất khó, bằng chứng là trong cuốn Review of Anthropology xuất bản năm 1977, có tất cả 127 định nghĩa khác nhau”.

          Giáo sư Nguyễn Khắc Kham cũng từng viết: “Những hình thức biểu hiệu của Văn Hóa Việt Nam là ngôn ngữ, văn tự, thơ văn và nghệ thuật”.

          Qua các sự tìm kiếm, góp nhặt nói trên, chúng tôi thấy mình bị rơi vào hoàn cảnh của câu chuyện cổ “mù sờ voi”, càng tìm kiếm thì càng lạc vào cõi mơ hồ, mênh mông của hai chữ Văn Hóa.

          Đọc một số ý kiến của các bậc cha, anh đi trước, chúng tôi dựa vào các vị này để “chẳng đặng đừng” phải chọn một định nghĩa Văn Hóa tương đối và thích hợp với chủ đề “Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt”.

          Định nghĩa trong phạm vi của cuốn sách nhỏ Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt này là Văn Hóa bao gồm mọi mặt của đời sống con người trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất.

          Thật ra thì trong cuốn sách kiểu tóm tắt nầy chúng tôi muốn góp ý rằng Văn Hóa Lạc Việt là một nền Văn Hóa Nhân bản, Đa chủng, Đại chúng và Thực dụng.

          Tiện đây, chúng tôi cũng chọn việc định nghĩa các từ ngữ Nhân bản Lạc Việt, Đa chủng, Đại chúng, Thực dụng vì các chữ này đều là từ ngữ Hán Việt.

          Nhân bản là cái tính gốc của con người gồm cả tốt và xấu nhưng theo thói quen thì bây giờ nói tới Nhân bản người ta chỉ còn hiểu là các tinh tốt.

          Ở đây chúng tôi chọn ý nghĩa được hiểu theo cách bây giờ ; như vậy bất cứ chủng tộc nào cũng có nhân bản, sự khác biệt nhau nằm ở chỗ tùy từng sắc tộc bầy tỏ, ứng dụng, phát triển để thích ứng với hoàn cảnh, địa dư. Chính sự khác biệt này là nét đặc thù của mỗi sắc tộc.

          Lạc Việt theo cuốn Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, tác giả đã trích dẫn rằng: “Ông Đào Duy Anh cho rằng nhóm Lạc Việt ấy đã thường tự sánh mình với một giống chim hậu điểu cứ đến mùa gió bấc lạnh lẽo cũng rời bờ biển Giang Nam với họ và tiến xuống miền Nam, đến khi mùa nóng trở về thì chim và người cùng quay lại chốn cũ. Dần dần trong tâm lý của họ phát sinh ra quan niệm tô tem Họ nhận giống chim Lạc là vật tổ rồi lấy tên của giống chim này đặt cho thị tộc của mình”.

          Tuy nhiên việc chính yếu ở đây là chúng tôi muốn ghi nhận và nghiên cứu về thời kỳ Lạc Việt, tiếp đến là giai đọan Hùng Vương với nền Văn Minh Đồ Đồng vào khoảng trên 400 năm trước Tây Lịch.

          Đại chúng là đông người, thí dụ như ca dao, tục ngữ của dân Việt là do sự sáng tạo của nhiều người thuộc nhiều đời để lại.

          Về nội dung của cuốn sách nhỏ này, chúng tôi sẽ trình bầy tóm tắt theo thói quen viết báo. Các bài viết sau đây chỉ là kết quả của sự tìm đọc, phân tích cũng như quan sát cuộc sống bình thường của người Việt để trình bầy các thí dụ điển hình, giản dị.

          Vì phương tiện và khả năng hạn hẹp, chúng tôi không thể đi sâu vào các lãnh vực chuyên môn như Lịch sử, Triết học, Nhân chủng, Khảo cổ, Xã hội, Khoa học

          Việc trình bầy đề tài Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt, chúng tôi sẽ dựa vào các yếu tố sau đây:

          Thứ nhất: một số truyền thuyết được coi như những chuyện liên quan đến thời thượng cổ của dân Việt.

          Thứ hai: tiếng nói của dân Việt.

          Thứ ba: phong tục tập quán của dân Việt.

          Thứ tư: các di vật còn nhìn thấy, sờ mó được như đồ đồng, đồ gốm.

          Từ 4 yếu tố trên bầy tỏ rằng từ khởi đầu dân Việt có một nền Văn Hóa riêng với những nét đặc thù của dân tộc.

          Các đặc thù ấy không thể đem so sánh với bất cứ nền văn hóa của các sắc tộc khác vì người ta chỉ có thể so sánh cao thấp về Văn Minh của một xã hội bán khai với một xã hội tân tiến mà thôi.

          Từ các chất liệu riêng biệt đó dân Lạc Việt giao tiếp với sắc tộc khác nên có thêm yếu tố thuộc về Văn Hóa của các chủng tộc khác để rồi biến thành một nền Văn Hóa có cả cái đặc thù và sự dung nạp, pha trộn được gọi là Văn Hóa Đa chủng.

          Mặt khác, qua tiến trình lịch sử của dân Việt, nhiều tiếng nói, phong tục, tập quán đã biến đổi theo hoàn cảnh, theo thời gian.

          Có các tiếng cổ đã mất hẳn, có các tập tục đã bị đào thải nhưng nó vẫn nằm trong tiến trình lịch sử của một dân tộc, chẳng hạn như tục lệ vẽ mình, nhuộm răng, ăn trầu của người Việt.

          Tóm lại các yếu tố Văn Hóa cũng được phân loại như kiểu cổ ngữ và sinh ngữ tức là những gì đã lỗi thời thì chỉ còn lại trong sử sách, những gì hay, tiếp tục ứng dụng thì vẫn còn thấy được trong đời sống của dân Việt bây giờ.

          Từ các ý kiến nói trên, chúng tôi thấy rằng qua những nét văn hóa đặc thù của mỗi chủng tộc, chung ta sẽ có thể tìm biết rằng chủng tộc ấy có quan niệm về sự sống thế nào và sinh hoạt ra sao.

          Do đó, các chế độ, những chính sách chủ trương tiêu diệt văn hóa của sắc tộc khác là điều lầm lẫn vì nó làm mất đi sự phong phú của di sản văn hóa nhân loại.

(Xem tiếp Chương II)

Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt - Ngô Đình Vận / Chương II

                  V Ă N  H Ó A  N H Â N  B Ả N  L Ạ C  V I Ệ T

                                            Ngô Đình Vận

Chương II

DÂN LẠC VIỆT LẬP NƯỚC VIỆT

Theo sử Việt, qua phần Ngoại Kỷ của Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sử thần Ngô Sĩ Liên soạn năm 1479, ghi rằng:

          “Xét: Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hy thị đến ở Nam Giao để định đất Giao Chỉ ở phưong Nam. Vua Vũ chia chin châu thì Bách Việt thuộc phần đất Châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy . Từ đời Thành Vương Nhà Chu (1063-1026 TCN) mới gọi là Việt Thường thị, tên Việt bắt đầu có từ đấy”.
         
“Kỷ Hồng Bàng Thị Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông.

          Nhâm Tuất năm thứ 1. Xưa cháu ba đời Viên Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua (Kinh Dương Vương). Vua là bậc thánh trí thông minh. Đế Minh rất yêu quí, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.

          Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần long sinh ra Lạc Long Quân (xét: Đường Kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau từ lâu rồi).

          Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương.

          Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó. Bèn từ biệt nhau, chia con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong con trưởng là Hùng Vương, nối ngôi vua.

          Hùng Vương con Lạc Long Quân (không rõ tên húy), đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc).

          Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đều là đất thần thuộc Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô. Dặt tướng văn là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng (chữ Lạc Tướng sau chép sai là Hùng Tướng). Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Quan coi việc gọi là Bố Chính, đời đời cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương. Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, đến thưa với vua. Vua nói:Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa. Tục vẽ mình của người Bách Việt có lẽ bắt đầu từ đấy”.

          Ba đoạn sử về thời thượng cổ của dân Việt nêu trên, chúng tôi trích từ tập thứ nhất của Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản khắc chữ Hán năm Chính Hòa 1697 do Thư Viện Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Paris Pháp Quốc lưu giữ và được dịch giả Ngô Đức Thọ dịch ra quốc ngữ do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội phát hành năm 1998 tại Hà Nội (chương trình xuất bản này được Unesco tài trợ).

          Bản (Hán văn) Chính Hòa 1697 là bản cổ nhất còn tìm lại được và bản dịch ra quốc ngữ của ông Ngô Đức Thọ là bản dịch mới bây giờ so với bản Hán văn khác được dịch giả Nhượng Tống dịch từ năm 1944.

          Về sử sách của người phương Bắc nhắc tới một nước Việt cổ, chúng ta có thể lướt qua một số sử liệu đưọc trích dẫn trong cuốn Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam của Giáo sư Phạm Cao Dương xuất bản năm 1987, trong đó có những chuyện như sách Sử Ký của Tư Mã Thiên đời nhà Hán (145 trước Công Nguyên) đã ghi rằng: năm Tân Mão (1109 trước Công Nguyên) đất Việt là Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam đều là phần của Việt xâm mình, cắt tóc để tránh giao long làm hại.

          Sách Cương Mục Tiền Biên của Kim Lý Tường và sách Thông Trí của Trịnh Tiều đời Tống (960-1279) viết về chuyện nước Việt Thường cống Rùa thần cho vua Nghiêu (2377-2250 trước Công Nguyên).

          Sách An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng Trưng ghi rằng: Giao Chỉ khi chưa đặt thành quận, huyện, bấy giờ có ruộng Lạc, theo nước triều lên xuống mà làm ruộng, làm ruộng là Lạc Dân, thống trị dân là Lạc Vương, người giúp việc là Lạc Tướng đều dùng ấn đồng, thao (dây) xanh, nước gọi là Văn Lang. Phong tục thuần hậu, mộc mạc, chưa có chữ nghĩa, còn dùng lối thắt nút dây làm dấu ghi nhớ.

          Tìm đọc qua một số sách sử cũ chúng ta thấy rằng phần đông các tác giả đời sau (sau ông Ngô Sĩ Liên) đều bầy tỏ sự nghi ngờ về các truyền thuyết thần thoại.

          Chẳng hạn như trong cuốn Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ (1726-1780) do hội Việt Nam Nghiên Cứu Văn Hóa Á Châu dịch và xuất bàn năm 1960 tại Sài Gòn; chúng ta thấy tác giả Ngô Thời Sỹ viết: “Xét nước Việt ta lập quốc tuy ở sau đời vua Hy và Hiệt nước Tầu, mà văn tự chưa có, ký tái còn thiếu, về phần thế thứ niên kỷ, chính trị phong tục đáng nghi hay đáng tin đều không có gì đủ làm chứng cứ. Ông Chu Tử nói rằng đọc sách không nên để sử quan dối được mình, cho nên chữ Quách Công, Hạ Ngũ trong sách Xuân Thu cũng còn có sự ngờ. Ông Mạnh Tử ở thiên Vũ Thánh chỉ trích lấy hai, ba đoạn mà thôi, nếu dẫn cùng lời nói mà không xét đến lẽ phải, tác giả dối ta, ta lại tin vào đó để dối người sau, có nên không?”.

          Dưới triều vua Tự Đức (1847-1883) là giai đoạn hoàn tất bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục năm 1881 thì cả nhà Vua lẫn ông Tổng Tài (người đứng đầu ban soạn sử) Phan Thanh Giản đều bầy tỏ sự hoài nghi về huyền sử do sử thần Ngô Sĩ Liên thời trước viết vào phần Ngoại Sử của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

           Về mặt di vật lịch sử liên quan tới dân Lạc Việt, chúng ta thấy trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có hình đầu rồng giao hòa với chim Việt (đầu thuyền rồng); Theo Triết gia Kim Định, trong các cuốn Sứ Điệp Trống Đồng và Hùng Sử Việt Ca thì cho rằng đây là biểu tượng giao hòa của Tròn Vuông, Trời Đất, Rồng Tiên, Đực Cái tức là nguyên lý của Âm Dương.

          Duyệt qua một số sự kiện nêu trên, chúng ta thấy được nhiều điểm quan trọng:

          Thứ nhất : Việc có một nước Việt cổ là điều có thật, Tư Mã Thiên là một sử gia nổi tiếng ngay thẳng nên khi ông ghi chuyện Việt Thường cống Bạch Trĩ cho Chu Thành Vương hẳn ông phải dựa vào một sử liệu đáng tin cậy.

          Thứ Hai : Lịch sử của nhiều dân tộc và tôn giáo đều có các chuyện thần thoại; Thần thoại như một nhu cầu của sinh hoạt loài người vì vậy chúng ta không nên truy cứu thần thoại mà chỉ xem như các dụ ngôn của tiền nhân để lại.

          Thứ Ba : Dân Việt từ nhiều đời qua đã hãnh diện về nòi giống con Rồng Cháu Tiên của mình; đây là sự thật hiển nhiên khiến dân Việt đã cố gắng sống xứng đáng với nguồn gốc Thần linh đó.

          Người Việt từ lâu đã lập đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ miền Bắc Việt Nam và chọn ngày mồng 10 tháng 3 Âm Lịch làm ngày Giỗ Tổ. Về việc dân chúng sùng bái Quốc Tổ theo sách Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Qúy Đôn trong phần Linh Tích có đoạn ghi “Thôn Cổ Tích, xã Mỹ Cương, huyện Sơn Vi là dân tạo lệ ở miếu thờ Thánh Tổ Hùng vương. Khoảng đầu niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 đời vua Lê Dụ Tông), người trong thôn bàn việc sửa sang miếu thờ, cử người đi lấy gỗ ở thượng lưu sông Thao…” 

          Dân Việt cũng có câu phong dao:

          “Dù ai đi ngược về xuôi
          Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba”.

          Để nhắc nhở dân gian tưởng nhớ tới công đức của tiền nhân đã lập ra nước Việt theo đúng tinh thần câu tục ngữ  Uống nước nhớ nguồn.

(Xem tiếp Chương III)

Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt - Ngô Đình Vận / Chương III

                     V Ă N  H Ó A  N H Â N  B ẢN  L Ạ C  V I Ệ T

                                              Ngô Đình Vận

Chương III

TỪ NHIỀU NGÀN NĂM GỐC RỄ MỊT MỜ

Dân Việt có trên 4000 năm Văn Hiến”, đó là câu nói rất phổ thông mà người ta thường dùng tới mỗi khi đề cập đến gốc tích của dân Việt.

          Câu nói phổ thông này như một “điệp khúc” được cất lên kéo dài từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21 để chờ khi nào được coi là đầy tuổi thì dân Việt sẽ có 5000 năm Văn Hiến ở tương lai.

          Tuy nhiên việc tìm kiếm về nguồn gốc dân Việt thì là một chuyện nan giải nếu không muốn nói là vô vọng.

          Gốc rễ của dân Việt hết sức mù mờ, điều này thực ra nằm trong số phận chung của loài người. Cái vấn nạn muôn thuở của kiếp người vẫn dằn vặt khôn nguôi là “không biết con người sinh ra từ đâu, bao giờ, sống để làm gì rồi chết đi về đâu?”

          Con người rất thông minh có thể hiểu biết vạn vật, biết về núi cao, rừng sâu, lên tới không gian, đặt chân tới cả mặt trăng, biết về nguyên tử, phân tử, vi trùng, vi khuẩn, siêu vi khuẩn nữa nhưng con người vẫn còn quá xa lạ với chính con người.

          Cũng có thể vì không thể giải thích được cái gốc của chính mình nên con người phải trông cậy vào tín ngưỡng, vào tôn giáo.

          Tùy theo mỗi cá nhân, tín ngưỡng ra sao, tin ở tôn giáo nào thì tôn giáo ấy sẽ giải thích về lẽ sinh tử cho người đó.

          Điều gặp gỡ chung của hầu hết các tôn giáo, các chủng tộc đều có gốc thần thoại.

          Dường như chỉ có chuyện kỳ bí mới đáp ứng được cái khát vọng siêu nhiên của con người, chỉ có chuyện lạ lùng mới đủ hấp dẫn để quảng bá sâu rộng và lâu dài.

          Đối với các tôn giáo thì thần thoại chính là “thức ăn” nuôi dưỡng niềm tin của tín đồ, của đạo hữu. Bất cứ chuyện kỳ bí của tôn giáo thế nào thì vẫn được niềm tin của tín đồ chấp nhận.

          Thần thoại hay huyền thoại của một dân tộc thì lại khác, chẳng có gì bắt buộc phải tin cả, những chuyện kỳ bí ở đây mang tính cách tiêu biểu, tượng trưng nhưng điều kỳ lạ chính là sự hãnh diện có thật của dân chúng về cái huyền thoại không thật của chủng tộc mình.

          Như rất nhiều dân tộc, dân Việt cũng có huyền thoại. Truyện Hồng Bàng với các nhân vật Thần Nông, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, các ông Vua Hùng chẳng biết đã được truyền tụng từ bao giờ mà tới cuối thế kỷ thứ 13 mới được ghi vào cuốn Lĩnh Nam Chích Quái.

          Xét theo niên kỷ, hai cuốn sách cổ có liên hệ tới lịch sử của dân Việt là Việt Điện U Linh Tập và Lĩnh Nam Chích Quái.

          Việt Điện U Linh Tập theo dịch giả Lê Hữu Mục là do Lý Tế Xuyên viết vào khoảng năm 1329. Cuốn sách này ghi truyện một số nhân vật lịch sử được phong thần.

          Cuốn Lĩnh Nam Chích Quái cũng có nhiều giả thuyết khác nhau về niên kỷ và tác giả nhưng dịch giả Lê Hữu Mục cho rằng tác giả của sách này là Trần Thế Pháp viết vào khoảng từ 1370 đến 1400.

          Sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi lại một số truyện kỳ bí của dân Việt được truyền khẩu từ trước , trong số này có truyện Hồng Bàng, các truyện thời Hùng Vương. Sách này tới năm 1492 được nhà sưu khảo Vũ Quỳnh hiệu đính, thêm bớt và viết tựa.

          Trong bài tựa của Vũ Quỳnh viết cho sách này có đoạn như sau: “Tục nước Nam đang còn giản lược, chưa có sách vở để chép việc thực nên việc cũ bị dị vong rất nhiều, may chỉ nhờ khẩu truyền mà còn lại không mất…”

          Về mặt sử liệu thì từ năm 1272 dưới triều Trần Thánh Tông, sử thần Lê Văn Hưu đã soạn xong bộ Đại Việt Sử Ký ghi lại từ đời Triệu Vũ Đế (207-136 trước Tây Lịch) tới đời Lý Chiêu Hoàng (1225).

          Mấy cuốn sử khác có tên như Việt Chí, Việt Sử Lược, Việt Sử Cương Mục… được nhiều nhà nghiên cứu nhắc tới nhưng sách thì bị thất lạc, tên tác giả và thời gian viết lại có nhiều giả thuyết khác nhau.

          Cuốn Việt Sử Cương Mục của Hồ Tông Thốc thì được sử thần Ngô Sĩ Liên ghi lại là bị cháy mất.

          Cuốn Việt Sử Lược bị mất một thời gian lâu mãi tới thế kỷ thứ 18 dưới triều Càn Long nhà Thanh mới được in ở Trung Hoa. Theo một số nhà nghiên cứu thì Việt Sử Lược được viết vào khoảng 1377 tác giả là Trần Chu Phổ. Sách này được in ra với phần hiệu đính của Tiền Hy Tộ người đất Giang Tô bên Trung Hoa.

          Tiếp đó, năm 1455 vua Lê Nhân Tôn đã sai sử thần Phan Phu Tiên soạn tiếp Đại Việt Sử Ký. Công việc của sử thần Phan Phu Tiên là viết từ đời Trần Thái Tông (1225-1258) đến khi quân nhà Minh rút về phương Bắc vào cuối năm 1427.

          Dưới triều vua Lê Thánh Tôn, nhà vua đã sai sử thần Ngô Sĩ Liên soạn lại Đại Việt Sử Ký và viết xong vào năm 1479.

          Trong phần Phàm Lệ, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Những việc viết trong Ngoại kỷ là gốc ở dã sử, những việc qúa quái đản thì bỏ đi không chép…”

          Về mặt viết lại lịch sử, tác giả Ngô Sĩ Liên cho biết: “Sách này làm ra gốc ở hai bộ Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu và của Phan Phu Tiên, tham khảo them Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy, truyền lại rồi khảo đính, biên tập mà thành”.

          Căn cứ vào các bài viết của sử thần Phạm Công Trứ qua sách Đại Việt Sử Ký Tục Biên và bài tựa của sử thần Lê Hy và phần phân tích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Tác Giả, Văn Bản, Tác Phẩm của Phan Huy Lê, chúng ta có được diễn tiến của công trình soạn thảo bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư qua các giai đoạn như sau:

-    Giai đoạn Ngô Sĩ Liên viết xong năm 1479, trong đó có việc dùng huyền sử đưa vào lịch sử qua phần soạn Ngoại sử đồng thời dựa vào sách của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên để soạn lại sách mới; Ngô Sĩ Liên cũng viết thêm các phần Tam Triều Bản Kỷ, gồm các triều vua Lê Thái Tổ (1428-1433), Lê Thái Tôn (1434-1442), Lê Nhân Tôn (1443-1459).

-    Giai đoạn Vũ Quỳnh 1511, nhóm sử quan này chép lại và hiệu đính sách của Ngô Sĩ Liên rồi viết tiếp Tứ Triều Bản Kỷ từ 1460 đời Lê Thánh Tôn tới 1509 đời Lê Uy Mục.

-    Giai đoạn Phạm Công Trứ 1665, nhóm các sử thần do ông Phạm Công Trứ cầm đầu để nguyên các phần của Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh biên soạn có hiệu đính đôi chút rồi viết tiếp từ đời Lê Trang Tôn (1533-1548) đến đời Lê Thần Tôn (1619-1643).

-    Giai đoạn Lê Hy 1697, cùng nhóm sử quan của ông soạn từ niên hiệu Cảnh Trị đầu năm 1663 dưới triều Lê Huyền Tôn đến đời Lê Gia Tôn năm 1675.

          Tóm lại bộ  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư được soạn khoảng  trên 200 năm mới hoàn thành để được khắc gỗ và in vào 1697 dưới triều vua Lê Hy Tôn và chúa Trịnh Căn. Bản in này được gọi là bản Chính Hòa là bản cũ nhất còn tìm lại được.
         
Nhận xét và phê bình bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào các triều đại sau chúng ta ghi nhận vài sự kiện tiêu biểu:

          Dưói triều Lê Hiển Tôn (1740-1786), Tổng Tài Quốc Tử Quán Lê Qúy Đôn đã khen cách viết của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên là: “gọn gàng, đúng đắn có thể dùng được”, khen bút pháp của Ngô Sĩ Liên là: “kể việc cũng kỹ và có mối gường”.

          Cũng dưới triều Lê Hiển Tôn đã có ông Ngô Thời Sỹ (1726-1780) viết Việt Sử Tiêu Án (in năm 1800), ông này cho rằng việc Ngô Sĩ Liên đưa huyền sử vào phần Ngoại Kỷ là chuyện hoang đản “nên tước hết đi, là vì sử cũ sưu tầm chuyện cổ, thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua”.

          Tác giả Ngô Thời Sỹ đã mạnh dạn phê bình việc đưa Triệu Đà một kẻ xâm lược vào chính sử Đại Việt như một triều đại là điều sai lầm quan trọng. Ông Ngô Thời Sỹ viết rõ: “Đến việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử viết thế. Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng Luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm, cho Triệu Đà là bậc thịnh đế của nước ta. Qua hàng ngàn năm mà không ai cải chính lại, vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng”.

          Tiếp đó vào năm 1856 dưới triều Tự Đức, Tổng Tài Phan Thanh Giản người đứng đầu nhóm soạn sử cũng phê bình việc đưa huyền thoại vào chính sử của Ngô Sĩ Liên là “từ chỗ hư không bày đặt ra…”

          Trong Tấu Nghị dâng lên vua Tự Đức về việc soạn bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, ông Phan Thanh Giản viết “còn những sự kiện liên quan tới Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân thì sẽ lấy riêng làm truyền văn để ghi vào phía dưới ngõ hầu phù hợp với nghĩa nghi dĩ truyền nghi”.

          Tóm lại, bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư dù có các khuyết điểm nêu trên nhưng vẫn được các nhà nghiên cứu lịch sử đời sau coi là một bộ Quốc Sử căn bản dùng vào việc soạn các sử sách khác.

          Mặt khác, những lời phê bình xác đáng của ông Ngô Thời Sỹ đối với phần ngoại kỷ và đời Triệu Đà của Đại Việt Sử Ký cũng được phần lớn các nhà viết sử đời sau ghi nhận và đồng ý với quan điểm của ông.

(Xem tiếp Chương IV)

Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt - Ngô Đình Vận / Chương IV

                   V Ă N  H Ó A  N H Â N  B Ả N  L Ạ C  V I Ệ T

                                            Ngô Đình Vận

Chương IV

CÁCH SOẠN SỬ GƯỢNG ÉP, DỐI TRÁ DƯỚI TRIỀU LÊ THÁNH TÔN

Một Nước được dựng lên phải có hai yếu tố chính là Dân và Đất thì Vua mới có cái thế để cầm quyền.

          Nói tới Dân, theo truyền thuyết được ghi lại trong nhiều truyện của Lĩnh Nam Chích Quái (soạn khoảng 1370-1400) thì chúng ta có được một số sự kịện như sau:

          Dân dưới thời Kinh Dương Vương thuộc nước Xích Qủy thường khổ vì nạn yêu quái. Con yêu có gốc từ cây Chiên Đàn, cây cổ thụ này chết hóa thành yêu nên gọi là Mộc Tinh còn mang tên là Xương Cuồng.
         
          Kinh Dương Vương thương dân gặp nạn nên đã dùng thần thuật thắng được Mộc Tinh.

          Nước Xích Quỷ là phương Nam đất đai rộng, hẹp thế nào không được truyền rõ.

          Tiếp đó, con của Kinh Dương Vương là Sùng Lãm nối ngôi vua tức là Lạc Long Quân. Dân chúng mỗi khi hoạn nạn thì kêu cầu vua cứu giúp. Lạc long Quân còn mang tên là Đào Kinh Long thấy dân khổ vì Ngư Tinh và Hồ Tinh nên đã trị cả hai con yêu độc địa này.

          Tới thời Hùng Vương thứ nhất, sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi rõ rằng “…Âu Cơ cùng với 50 người con trai ở tại Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc)tự suy tôn ngưòi hùng trưởng lên làm vua hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang”.  

          Vua thấy dân đánh cá thường bị thuồng luồng cắn hại nên mới dạy dân xâm mình để thuồng luồng tưởng là đồng loại nên không còn cắn nữa.

          Truyền thuyết được ghi vào Dã Sử (LNCQ) cho biết sinh hoạt của dân Bách Việt rằng “Ban đầu, quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm; lấy gạo ngâm làm rượu , lấy cây quang lang, cây soan đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắn, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cầy, lấy nước cấy, đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm; gác cây làm nhà để tránh nạn hổ hang; cắt ngắn đầu tóc để tiện vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm; nhà có người chết thì giã gạo để cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp; trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu, dê làm lễ thành hôn; đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới thương thông; lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế. Bách Nam là thủy tổ Bách Việt vậy”. 

          Nước Văn Lang có bờ cõi rộng lớn “Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình Hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (Chiêm Thành), chia nước làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phú Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam. Quế Lâm, Tượng Quận…”.

          Tên cũ của các Bộ ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái có vài bộ khác với tên mà ông Ngô Sĩ Liên đưa vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Qua sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi và vài tài liệu viết trong Việt Sử Thông Giám Cương Mục thì người ta mới biết thêm một số chi tiết như sau:

          1) Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình). 2) Chu Diên (SơnTây). 3) Phú Lộc (cũng thuộc Sơn Tây). 4) Vũ Ninh (Bắc Ninh). 5) Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị). 6) Ninh Hải (Quảng Yên). 7) Dương Tuyền (Hải Dương). 8) Lục Hải (Lạng Sơn). 9) Vũ Định (Thái Nguyên, Cao Bằng). 10) Hoài Hoan (Nghệ An). 11) Cửu Chân (Thanh Hóa). 12) Tân Hưng (Hưng Hóa, Tuyên Quang). 13) Cửu Đức (Hà Tĩnh). 14) Văn Lang là kinh đô ở Phong Châu (Vĩnh Yên). 15) Bình Văn (không rõ ở đâu).

          Vấn đề bờ cõi được kể ở phần trên rất mơ hồ về hai mặt phía Tây và phía Bắc; cũng vì thế mà sau này có thuyết cho rằng nước Văn Lang bao gồm một phần đất rộng ở miền Nam nước Trung Hoa.

          Ngoài ra tên vài Bộ cũ quen thuộc như Tượng Quận, Nhật Nam, Quế Lâm ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái không biết vì lý do gì mà sử thần Ngô Sĩ Liên đã thay vào các tên khác.

          Truyền thuyết về Vua, dân và Đất được ghi lại trong Dã Sử không hề có một chữ nào nói tới niên kỷ cũng như đối chiếu với Bắc Sử và có lạ lùng thế nào chăng nữa thì cũng không sao vì đây là huyền thoại, Dã Sử.

          Tuy nhiên, khi sử thần Ngô Sĩ Liên đưa Dã Sử vào phần Ngoại Kỷ mở đầu cho lịch sử thì ông đã chắp vá với cả Bắc Sử, tiểu thuyết. Ông cũng đưa rất nhiều chi tiết nói rõ về niên kỷ làm cho vấn đề trở thành rắc rối gây nhiều tranh luận về sau.

          Điển hình nhất cho yếu tố thời gian với các con số, sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết rằng “Trở lên là Hồng Bàng Thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất cùng với thời Đế Nghi truyền đến cuối đời Hùng Vương, ngang với Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 là năm Qúy Mão thì hết, tất cả 2622 năm” (dịch giả đời sau chú thích là từ năm 2879 tới 258 trước Công Nguyên).

          Việc chắp vá Ngoại Kỷ hoàn tất năm 1479, được các triều đại Hậu Lê đương nhiên thừa nhận kéo dài trên 310 năm. Mãi tới đời Lê Hiển Tôn mới có Đốc Trấn Lạng Sơn Ngô Thời Sỹ viết Việt Sử Tiêu Án vạch ra nhiều khuyết điểm của sử cũ. Các quan điểm của ông Ngô Thời Sỹ đã được tác giả Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí là Phan Huy Chú (1782-1840) khen ngợi rằng “Sửa chữa những chỗ sai lầm của sử cũ, bút pháp tinh tường”.

          Để tìm hiểu phê bình Ngoại Kỷ một cách gẫy gọn, chúng ta có thể chia ra ba vấn đề đã được ông Ngô Thời Sỹ đề cập có sai lầm là Niên Kỷ, Chính Thống và Kiêng Kỵ.

          Thứ nhất, về chuyện Niên Kỷ, ông Ngô Thời Sỹ phê bình sử cũ rằng “Họ Hồng Bàng khởi từ năm Nhâm Tuất đến hết năm Qúy Mão, Hùng Vương mất nước, An Dương nổi lên, đích xác thuộc về năm 57 đời vua Chu Noãn. Lại lấy con toán mà kể xem từ khoảng đời Kinh, đời Hùng, 20 đời vua 2622 năm, nhiều ít trừ đi, bù lại, mỗi vua được 120 tuổi. Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế?”.

          Trong một đoạn khác, ông Ngô Thời Sỹ nhận xét “Sử ghi đời Lạc Long, tại sao đến đời Hùng Vương lại chép sơ lược? Một loại hoang đảng nên tước hết đi, là vì sử cũ sưu tầm chuyện cổ, thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua”.

          Thứ hai, về chuyện chính thống, ông Ngô Thời Sỹ vạch ra rằng sử cũ đã cố tình sắp xếp để người con theo Lạc Long Quân lên làm vua thay vì Lĩnh Nam Chích Quái kể rằng người con trưởng theo Âu Cơ lên núi làm vua. Ông Ngô Thời Sỹ viết “Nhà làm sử muốn lấy người theo cha làm chính thống nên đổi lời văn…”. Tiếp đó ông cũng viết rõ “Những người con theo mẹ ai cũng phải lệ thuộc Long Quân, há có lẽ tất cả những người theo cha mới có thể làm vua chúa, mà những người theo mẹ chỉ có thể làm man mọi ư?”.

          Từ chuyện Chính Thống này, chúng ta còn nhận ra các sai lầm khác của ông Ngô Sĩ Liên là thời thượng cổ dân Việt cũng như nhiều bộ tộc khác sống theo mẫu hệ; hơn nữa dân Việt Cổ không kỳ thị nam nữ, điều này thấy được qua truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân chia con đồng đều, cũng như tục lệ khai trống đồng do nữ giới dùng trâm cài tóc thả xuống mặt trống.

          Việc đổi từ mẫu hệ qua phụ hệ mà ông Ngô Sĩ Liên sửa khi viết Ngoại Kỷ là do quan niệm của người phương Bắc vào đời sau thời thượng cổ đặt ra mà các Nhà Nho Đại Việt sau này bắt chước và coi như khuôn vàng thước ngọc.

          Thứ ba, về chuyện Kiêng Kỵ, theo gốc Dã Sử (LNCQ) kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ là vợ Đế Lai nhưng ông Ngô Sĩ Liên lại sửa ra Âu Cơ là con Đế Lai.

          Điều kỳ quái hơn nữa mà người đọc nhận được là ông Sĩ Liên đang nói về thời Thượng Cổ khi chưa có Nho Giáo nhưng ông đã lấy ngay chuyện ông vừa sửa để xiển dương cho Nho Giáo qua lời bàn luận theo Tống Nho dựa vào Thông Giám Ngoại Kỷ của Tư Mã Quang để bàn rằng “Đế Lai là con Đế Nghi, cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?”.                

          Cũng vì có sự sửa đổi như nói trên nên ông Ngô Thời Sỹ đã chỉ trích rất mạnh bạo rằng “Sử kiêng không nói việc ấy ra, chỉ nói là lấy con gái Đế Lai là vì xấu hổ việc chim chuột trai gái không khác gì cầm thú, đều là việc không nên nói ra, không bằng bỏ đi thì hơn”.

          Qua câu trên chúng ta thấy ông Ngô Thời Sỹ rất khôn ngoan khi dùng lối viết nửa gợi ý, nửa ám chỉ khiến người đọc liên tưởng ngay tới vụ án Vườn Vải (Lệ Chi Viên) vào năm 1442. Vụ án thảm khốc này đã gây cho một số người bị chết oan uổng trong đó có Khai Quốc Công Thần Nguyễn Trãi khoảng 63 tuổi và vợ bé của ông là Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ trên 40 tuổi.

          Ông Ngô Thời Sỹ đã chỉ đường cho đời sau bằng mấy chữ mà ông nhấn mạnh “Sử kiêng…là vì xấu hổ…” khiến người ta hiểu ngay rằng triều Lê Thánh Tôn đã kiêng và xấu hổ vì có phụ hoàng là Lê Thái Tôn gần 20 tuổi đã chết đột ngột vào ngày mùng 4 tháng  8 năm Nhâm Tuất (1442).

          Cái chết bất ngờ này đã là nguyên cớ gây ra vụ án Vườn Vải với đầy uẩn khúc ở chốn “Thâm Cung Bí Sử” của nhà Hậu Lê.

          Sau khi ông Ngô Thời Sỹ chỉ trích Ngoại Kỷ khoảng 50 năm thí lại có nhóm sử thần nhà Nguyễn do Tổng Tài Phan Thanh Giản cầm đầu chê trách Ngoại Kỷ.

          Theo một số tài liệu được in trong cuốn Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam của tác giả Phạm Cao Dương, người đọc thấy Tấu Nghị của nhóm sử thần đệ lên vua Tự Đức có đoạn viết “Nay vâng tra cứu sử cũ thì đời họ Hồng Bàng có những tên Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân. Nhưng đó lại thuộc đời thượng cổ, vẫn còn hổn độn mơ hồ, tác giả do những chỗ hư không bầy đặt ra rồi lại vì sợ không đủ cho người ta tin, nên phải dựa vào truyện Liễu Nghị đời Đường của nhà viết tiểu thuyết để làm chứng cớ. Cứ như Kinh Dương Vương thuộc nước Tần, Động Đình thuộc nước Sở, có liên quan gì với nước ta đâu?”.

          Nhóm sử thần nhà Nguyễn tấu nghị xin vua Tự Đức “lấy Hùng Vương làm đầu để làm sáng tỏ nguồn gốc của chính thống trong Việt Sử” (đưa vào phần chính là Cương). “Còn những sự kiện liên quan đến Kinh Dương và Lạc Long thì sẽ lấy riêng làm truyền văn ghi vào phía dưới” (đưa vào phần phụ là Mục).

          Vua Tự Đức sau đó ra dụ chỉ đồng ý với tấu nghị của các sử thần vì thế bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đã mở đầu từ đời Hùng Vương và coi các chuyện Kinh Dương, Lạc long là chuyện phụ.

          Từ sự phê bình của nhóm sử thần nhà Nguyễn, chúng ta lại thấy được một chuyện quái dị khác ở trong Ngoại Kỷ, đó là việc ông Ngô Sĩ Liên đưa truyện Liễu Nghị đời Đưòng niên hiệu Nghi Phượng (676-678) lên khoảng trên 2800 năm trước Công Nguyên, ghép Long Nữ của tiểu thuyết đời Đường Cao Tông thành Long Nữ đời Việt cổ cũng do ông phóng tác từ Dã Sử.

          Ở đây, chúng ta lại thấy một sự sai lệch khác không thích ứng với thời gian, đó là việc con gái Thần Long ở thời Việt cổ viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với cha về việc bị chồng bạc đãi.

          Chi tiết viết thư quả là một gượng ép vì Long Nữ ở thời đại Đồ Đá dùng chữ viết kiểu gì và viết bằng cách nào? Không lẽ Long Nữ viết bằng lối chữ Nòng Nọc theo truyền thuyết hoặc dùng lối thắt nút của thời Hùng Vương?

          Còn Long Nữ viết thư bằng chữ Hán thì chữ Hán chỉ có từ khoảng thế kỷ 16 đến 11 trước Công Nguyên dưới triều đại nhà Thương và Chu. Ngành khảo cổ cũng chỉ đào được vài di vật liên hệ tới chữ là Giáp Cốt Văn và Chung Đỉnh Văn mà thôi.

          Từ các sử liệu được trích dẫn nói trên, chúng ta thấy phần đông các nhà viết sử đời sau đều quy lỗi cho sử thần Ngô Sĩ Liên đã gây ra những lầm lẫn và dối trá đáng tiếc này. Cũng có thể ông Ngô Thời Sỹ rồi tới thời ông Phan Thanh Giản đều sống dưới các triều đại Quân Chủ nên đã không dám đề cập tới người chủ xướng việc viết lại sử là vua Lê Thánh Tôn, một ông vua được các nhà Nho nước ta coi là vị Thánh của Nho Giáo Đại Việt.

          Chuyện hiển nhiên là ông Ngô Sĩ Liên có chắp vá lệch lạc về Ngoại Sử thế nào nhưng khi vua Lê Thánh Tôn thừa nhận Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là Quốc Sử thì chính nhà vua phải chịu trách nhiệm.
         
          Từ sự sửa Dã Sử đầy lầm lỗi và dối trá để trở thành Ngoại Sử nói trên, chúng ta còn tìm được nhiều sự sai lầm khác nữa của Đại Việt Sử Ký qua các phần biên soạn dưới triều đại Lê Thánh Tôn.

          Về cá nhân một sử thần tức là kẻ được nhà vua sai soạn sử, ông Ngô Sĩ Liên không thể tự chuyên và lạm quyền tới độ lấy Dã Sử thêm bớt để đưa vào Lịch Sử, còn lấy cả hai bộ sử của các bậc tiền bối là Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên để soạn sách mới.

          Ông Ngô Sĩ Liên đã làm các việc táo bạo ấy mà cả triều đình gồm các Đại Thần Văn, Võ, còn có cả Tao Đàn với Nhị Thập Bát Tú do nhà vua làm Nguyên Soái mà không có ai dám lên tiếng chỉ trích; ông Ngô Sĩ Liên cũng không bị bất cứ ai gièm pha là Khi Quân, Phạm Thượng là những trọng tội dưới thời Phong Kiến.

          Về phản ứng của triều đình thời Lê Thánh Tôn đối với Ngoại Kỷ, sử quan Đặng Quốc Lang đã đưa ra ý kiến trong tấu nghị năm 1856 đệ lên vua Tự Đức rằng “Đương buổi ấy (triều Lê Thánh Tôn), các quan đình thần chuyên về Nho Học rất uy nghi đông đảo, nhưng không có một người nào lên tiếng chê việc đó là không hợp lý…”  

          Từ sự im lặng đồng nhất mang tính cách tuyệt đại đa số khuất phục này thì chúng ta có thể nghĩ rằng chính vua Lê Thánh Tôn là Chủ Sự của việc viết lại Quốc Sử nếu không muốn nói là Chủ Biên còn ông Ngô Sĩ Liên chỉ là kẻ đầy tớ ngoan ngoãn thừa hành.

          Để dẫn chứng cho lập luận này chúng ta có thể ghi nhận và phân tích một số sự kiện tiêu biểu liên quan tới vấn đề ghi chép và soạn sử dưới triều Lê Thánh Tôn như sau:

          Thứ nhất là việc ghi chép của sử quan ở Hàn Lâm Viện cho đời sau có tài liệu để soạn sử. Theo Bản Kỷ Thực Lục viết có đoạn ghi rằng cuối năm Quang Thuận thứ 8 (1467), vua Lê Thánh Tôn đã sai Nội quan tới Hàn Lâm Viện dụ riêng sử quan Lê Nghĩa mà nói “Vua muốn xem ghi chép hàng ngày từ năm Quang Thuận thứ nhất (1460) đến năm Quang Thuận thứ 8 (1468)”.

          “Nghĩa trả lời: Vua mà xem Quốc Sử, hẳn không phải là việc hay. Những việc làm của Đường Thái Tông và Phòng Huyền Linh đã bị đời sau chê bai đấy!”

          “Nội quan nói: vua bảo là xem những ghi chép hàng ngày để biết trước đây có lỗi gì còn có thể sửa được”.

          “Nghĩa nói: chỉ cần bệ hạ gắng làm điều hay thôi, việc gì phải xem quốc sử”.

          “Nội quan dụ bảo nhiều lần, Nghĩa nói: Thánh Chúa nếu biết sửa bỏ lỗi lầm thì đó là phúc lớn vô hạn của xã tắc, thế dẫu không khuyên can mà cũng là khuyên can. Rồi dâng những ghi chép hằng ngày lên. Vua xem xong trả lại cho Sử Viện”.

          Ở đây chúng ta thấy rõ vua Lê Thánh Tôn đã phá lệ đòi xem trước các ghi chép như thế thì sử quan làm sao còn tiếp tục ghi chép khách quan, vô tư được nữa.
         
Thứ hai, cá nhân sử thần Ngô Sĩ Liên thì ông đã bị vua Lê Thánh Tôn ra dụ kể tội vào năm 1461 khi ông làm việc ở Đô Ngự Sử Đài. Trong dụ này nhà vua đã rất nặng lời trách mắng Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng “Nay Lệ Đức Hầu (Nghi Dân) mất nước về tay ta, các ngươi không biết vì ăn lộc mà theo hắn lại đi thờ ta. Nếu không nói ra, trong lòng các ngươi không tự hổ thẹn mà chết ư? Thực là bọn gian thần bán nước”.

          Vua Lê Thánh Tôn hạch tội các ông Liên và Thọ quá đáng vì có rất nhiều quan lại làm việc dưới thời Nghi Dân rồi tiếp tục phục vụ dưới triều của vua, nhưng nhà vua chỉ kể tội có hai ông này. Hơn nữa trước đây khi nhà vua còn là hoàng tử thì ông cũng đã hưởng lộc của triều Lê Nhân Tôn nhưng sau khi Nhân Tôn bị Nghi Dân giết thì ông lại tiếp tục hưởng lộc của Nghi Dân. Ông đâu có “hổ thẹn mà chết?” và chẳng ai dám kết tội ông là “gian thần bán nước”.

          Tiếp đó, năm 1464, vua Lê Thánh Tôn nhân vụ biếm chức Binh Bộ Tả Thị Lang Nguyễn Đình Mỹ ra dụ lại nhắc tới một tội khác của Ngô Sĩ Liên.

          Từ hai sự việc này, chúng ta thấy rõ ông Ngô Sĩ Liên đã lãnh hai bản án treo trong thời gian làm sử quan với nhiều người khác trước khi được vua Lê Thánh Tôn đặc cách sai ông viết lại lịch sử. Chuyện khó khăn nhất của ông Ngô Sĩ Liên là phải viết về Tam Triều Bản Kỷ tức là đời Lê Thái Tổ (ông của Thánh Tôn), Lê Thái Tôn (cha của Thánh Tôn), Lê Nhân Tôn (anh của Thánh Tôn) là ba triều xảy ra nhiều vụ thảm sát công thần cùng những tranh chấp phe đảng đẫm máu ở chốn thâm cung của nhà Hậu Lê.

          Phần biên soạn của ông Ngô Sĩ Liên nặng nề như thế nhưng Quốc Sử vào tháng Giêng năm Hồng Đức thứ Mười (1479) chỉ có một dòng ghi nguyên văn “Sai sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, 15 quyển”.

          Thứ ba là người ra lệnh ghi chép và soạn sử là vua Lê Thánh Tôn. Ông vua này có quá nhiều truyền thuyềt, sử liệu viết khác nhau về ông nên đời sau khó lòng biết rõ hư thực thế nào!

          Sử thần Ngô Sĩ Liên viết về đời vua Lê Thái Tôn chỉ có vài chi tiết rất ngắn là năm Canh Thân (1440) “Tháng 6, sách phong Ngô Thị làm Tiệp Dư, được ở cung Khánh Phương”. Năm Nhâm Tuất, Đại Bảo thứ ba (1442) chỉ có một câu là “Muà thu, tháng 7, ngày 20, Hoàng Tử Tư Thành sinh”.                 

          Ngược lại, trong nhiểu sử liệu đời sau viết thì câu chuyện về Ngô Thị Tiệp Dư đã dính liền với các sách viết về Nguyễn Trãi, viết về Thị Lộ, viết về vua Lê Thánh Tôn vì Ngô Thị chính là mẹ của vua. Các chi tiết này không hề có trong chính sử.

          Chuyện gian truân của Ngô Thị Ngọc Dao được viết đều có các điểm chung là Ngọc Dao có chị làm cung nữ là Ngô Thị Xuân. Ngọc Dao vào cung thăm chị, vua Lê Thái Tôn trông thấy thích, gọi vào, sau đó cho làm cung nữ.

          Năm 1440, vua phong cho Ngọc Dao chức Tiệp Dư (được xếp vào hạng thứ 14 sau nhiều loại Phi, Tần) lúc đó Lê Thái Tôn mới trên 17 tuổi, như thế Ngọc Dao chỉ vào khoảng trên 15 tuổi. Sau đó Ngọc Dao có mang khiến thần phi Nguyễn Thị Anh trên 16 tuổi ghen ghét. Nguyễn Thị đã đem chuyện cũ ra vu vạ cho Ngọc Dao và xúi vua giết Tiệp Dư đi. Đại thần Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ đã hết sức can vua đừng phạm vào ác nghiệp là giết con khi còn là bào thai.

          Sách Việt Sử Toàn Thư của tác giả Phạm Văn Sơn kể rõ việc Nguyễn Thị vu vạ như sau “Ngô Tiệp Dư bị cáo dính với Huệ Phi (con gái Đô Đốc Lê Ngân) về việc mời thầy Mo làm bùa để được vua yêu, nhân thế Huệ Phi bị dáng xuống làm Tư Dung, Tiệp Dư bị xử phát lưu; Nguyễn Trãi xui Thị Lộ lĩnh thu giam, có ý bảo toàn cho mẹ con Ngô Thị. Thái Tôn bằng lòng giao cho nàng đem giữ Tiệp Dư ở chùa Hoa Văn. Nguyễn Trãi thường sai người đem tiền gạo cấp dưỡng cho người đàn bà bất hạnh này. Mùa thu, năm Đại Bảo thứ 3, Tiệp Dư sinh hoàng tử Tư Thành, Thị Lộ xui bà đem con trốn đi”.

          Từ vụ này chúng ta thấy rằng vua Lê Thái Tôn đã chẳng đoái hoài gì tới mẹ con Ngọc Dao; ông vua cha này còn mê mệt Nguyễn Thị Anh và các cung tần khác. Cũng có thể vì chuyện Tư Thành không được nhìn nhận chính thức nên sử thần Ngô Sĩ Liên chỉ viết qua loa về thân thế Ngô Thị Tiệp Dư.

          Mặt khác Đại Việt Sử Ký Thực Lục do nhóm sử quan Phạm Công Trứ soạn theo lối biên niên tức là dựa vào các sử liệu của đời trước để lại; sách này đã kể một truyền thuyết thần diệu qua việc cầu tự và giấc mơ của Tiệp Dư.

          Sử chép “Mẹ vua là Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị, người làng Đông Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Trước kia, khi còn là Tiệp Dư, Thái Hậu đi cầu tự, mơ thấy Thượng Đế ban cho một Tiên Đồng, thế rồi có thai (tục truyền rằng Thái Hậu khi sắp ở cữ, nhân thử thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng Đế, Thượng Đế sai một Tiên Đồng xuống làm con Thái Hậu, Tiên Đồng chần chừ mãi không chịu đi, Thượng Đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra, sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất”.

          Điều trớ trêu là người con cầu tự Tiên Đồng giáng thế này sau khi lên ngôi vua đã cực lực bài bác Phật Giáo và Đạo Giáo để đưa Đại Việt vào khuôn khổ kinh điển Nho Giáo độc tôn. Bản Kỷ Thực Lục ghi “Mùa thu, năm Quang Thuận thứ 2 (1461) ra sắc chỉ cho các xứ, phủ, lộ rằng: chùa quán nào không có ngạch cũ thì không được tự tiện làm mới”.

          Đọc chính sử về vua Lê Thánh Tôn, chúng ta còn gặp rất nhiều chuyện lạ, lúc vua còn là hoàng tử; Tư Thành đã trải qua nhiều cuộc thanh toán về phe nhóm ở chốn thâm cung, nhưng bất cứ biến cố nào thì Tư Thành cũng không hề hấn gì. Các phe nào là Vương gia, Đại thần, Gian thần, Hoạn quan có thanh toán với nhau đẫm máu ra sao thì kết cục phe thắng đều yêu mến Tư Thành.

          Mới năm 1441, Thần Phi Nguyễn Thị Anh đòi giết Ngọc Dao nhưng khi con của Thần Phi là Hoàng Tử Bang Cơ lên ngôi mới hơn 2 tuổi, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh buông rèm coi chính sự, bà này giết đại thần, hoạn quan không hề nương tay nhưng năm 1445 bà lại cho gọi Tư Thành vào cung rồi phong làm Bình Nguyên Vương.

          Bản Kỷ Thực Lục ghi lúc Tư Thành học cùng với các vương khác, các quan dạy học thấy Tư Thành là bậc khác thường vì thế Tư Thành “lại càng sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài chỉ vui với sách vở cổ kim…” Bản Kỷ Thực lục sau đó viết tiếp “Tuyên Từ Thái hậu yêu vua như con mình đẻ ra, Nhân Tôn coi vua như người em hiếm có…”
         
Đọc văn bản này chỉ qua mấy câu ngắn, chúng ta nhận ngay được sự vô lý vì nếu mẹ con Tuyên Từ Thái Hậu yêu thương Tư Thành đến thế thì tại sao Tư Thành lại phải cố sống kín đáo, che đậy cái tốt của mình làm gì?

          Tư Thành còn quá trẻ làm sao đã có thủ đoạn gian trá như vậy được, họa chăng ở chốn cung đình đã có kẻ nào xảo quyệt thuộc loại cao tay như hoạn quan Lương Đăng có biệt nhãn với cậu nhỏ Tư Thành rồi xúi bẩy, dạy dỗ cho Tư Thành sớm học được thói nham hiểm với mưu đồ chờ cơ nối nghiệp chính thống.

          Còn nếu không phải như vậy thì sử quan đời trước đã ghi úp mở như thế với dụng ý gì? Đối với thường dân mà ăn ở gian dối với các đại ân nhân thì bị coi là bất nghĩa, còn hoàng tử Tư Thành là con thánh nên có man trá cũng chẳng sao! Mặt khác, theo đạo vua tôi của thời quân chủ thì hoàng tử Tư Thành đã dối vua Nhân Tôn, đây là trọng tội.

          Nhân Tôn làm vua được 17 năm thì bị người anh cả (cùng cha khác mẹ) là Nghi Dân cướp ngôi vào năm 1459. Nghi Dân giết Nhân Tôn, giết Tuyên Từ Thái Hậu nhưng lại tức khắc đổi tước phong cho Tư Thành là Gia Vương và xây phủ đệ ở bên phải nội điện cho ở.

          Nghi Dân làm chuyện cướp ngôi ghê gớm như vậy nhưng trong lúc dầu sôi lửa bỏng mà vẫn cố bỏ thì giờ để biệt đãi với hoàng đệ Tư Thành thì lại thêm một chuyện lạ nữa. Hay là Nghi Dân thưởng công cho kẻ đã thông đồng làm nội gián cho mình?

          Nghi Dân làm vua được 8 tháng thì lại bị các đại thần xúm nhau lại giết hết bè đảng phản nghịch. Các đại thần cầm đầu cuộc lật đổ Nghi Dân như Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm… sau khi dẹp xong loạn đảng rồi thì bàn việc tìm người thay thế Nghi Dân vào ngày 6 tháng 6 năm Quang Thuận thứ nhất (1460).

          Bản Kỷ Thực Lục ghi về việc các đại thần bàn bạc với nhau rằng “Ngôi trời khó khăn, thần trí rất trọng, nếu không phải là bậc đại đức, thì sao có thể kham nổi. Nay Gia Vương thiên tư sáng suốt, hùng tài đại lược, hơn hẳn mọi người các vương không ai so được, lòng người đều theo, đủ biết ý trời đã quyết. Ngay ngày hôm ấy đem xe kiệu đến đón vua ở Gia Để (có sách chép là Tây Để). Quyết định giáng Nghi Dân làm Lệ Đức Hầu”.

          Phần chính của Bản Kỷ Thực Lục chép như vậy ở quyển 12, nhưng ngay dưới đó lại có ghi chú thêm rằng “xét: có sách nói là sau khi giết bọn phản nghịch là Trần Lăng. Lê Lăng lấy lụa đưa chi Nghi Dân bắt phải tự tử. Giết Nghi Dân xong liền đi đón Cung Vương Khắc Xương. Cung Vương cố tình từ chối, mới đón vua ở Tây Để về lên ngôi. Sau vua nghe lời gièm. Cung Vương phải chết”.

          Đọc ghi chú này chúng ta thấy hoàn toàn khác hẳn với phần chính viết ở trên vì các đại thần đi đón Cung Vương Khắc Xương trước nhưng ông này từ chối nên mới đi mời Tư Thành chứ không có chuyện bàn bạc với nhau để ca tụng tài đức của Gia Vương hơn hẳn các vương khác.

          Ghi chú này lại rất mù mờ chỉ viết ba chữ “có sách nói”, vậy sách này là sách gì? Sao không viết rõ ra? Hay là sách Đại Việt Thông Giám của nhóm sử quan Vũ Quỳnh. Căn cứ trên văn bản, chúng ta có thể nghĩ rằng ghi chú này không do nhóm Vũ Quỳnh đưa vào Chính Sử; vì nếu ghi chú như vậy thì rất mâu thuẫn với lời bàn do Vũ Quỳnh viết về triều Lê Thánh Tôn ở quyển 13 của Bản Kỷ Thực Lục. Lời bàn viết rằng “Trước đây, khi vua còn làm Phiên Vương, vẫn tự giấu tài, đến khi nước gặp đại biến, các quan lật đật đón lập lên. Khi vào nối đại thống, vua biết bọn Đồn, Ban đã bị giết, nhưng Lạng Sơn Thân Vương (Nghi Dân) lại bị hại, ngài bùi ngùi không vui, có lòng thương xót, trách là cốt nhục tương tàn để cho người ngoài lợi dụng, anh em một nhà đều bị tai họa”.

          Như thế có thể các nhóm sử quan đời sau như Phạm Công Trứ , Lê Hy đã lấy sử liệu khác ghi vào theo cách thức được gọi là chỉnh lý. Còn nếu thực sự vua Lê Thánh Tôn nghe lời gièm mà bức tử anh ruột (cùng cha khác mẹ) là Cung Vương Khắc Xương thì ông vua này là kẻ đại bất nhân và viêc “Ngài bùi ngùi không vui…” thì chỉ là trò xảo quyệt. Luật Hồng Đức dựa theo Chu lệ (lệ của nhà Chu) có định ra thập ác tức là 10 trọng tội; kẻ nào phạm một trong những tội này đều bị xử tử hình. Giết anh em trong nhà nằm trong điều thứ 4 được gọi là Ác Nghịch.

          Tổng Tài Vũ Quỳnh viết lời bàn này vào khoảng năm 1511 tức là chỉ 14 năm sau khi vua Lê Thánh Tôn mất. Một tiết lộ ghê gớm và tồi tệ nữa ở chốn thâm cung cũng được ông Vũ Quỳnh đưa ra với đoạn viết “Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá nên mắc bệnh nặng, Trường Lạc Hoàng Hậu bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm dấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới lại thêm nặng”.

          Không hiểu vị vua được các đại thần mệnh danh là “bậc đại đức” đã gieo rắc bệnh hoạn hiểm nghèo cho bao nhiêu cung tần mỹ nữ?

          Vua Lê Thánh Tôn ở ngôi được 38 năm, ngày Nhâm Tý 30 tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 28 (1497) vua băng ở điện Bảo Quang. Vua sinh được 14 hoàng tử và 20 hoàng nữ. Thái Tử Tranh, con trưởng của vua do hoàng hậu Trường Lạc sinh ra đã nối ngôi đặt miếu hiệu là Hiến Tôn. Sau khi an táng vua cha, nhà vua đã “thả vài trăm cung nữ”.

          Vua Lê Hiến Tôn ở ngôi 7 năm, thọ 44 tuổi, tháng năm năm Cảnh Thống thứ 7 (1504), Bản kỷ Thực Lục chép “Vua vì ham nữ sắc, bị bệnh nặng… ngày 24 vua băng ở diện Đồ Trị”.

          Từ các chi tiết này, chúng ta thấy rõ hậu cung nhà Hậu Lê là hang ổ lây lan của căn bệnh hoa liễu hiểm nghèo.
         
          Xuyên qua một số sử liệu trích dẫn ở trên, chúng ta thấy vua Lê Thánh Tôn đã đe dọa sử quan rồi còn đòi xem cả các ghi chép đương thời thì làm sao những người soạn sử còn có thể viết khách quan ngay thẳng được. Sử mà thêm bớt, “đổi trắng, thay đen” tùy theo ý muốn của vua thì còn đâu là sử nữa! Điều này cũng không hợp với lẽ chính danh của Nho Học.

(Xem tiếp Chương V)