HỒ XUÂN HƯƠNG TIẾP-TỤC RA VỚI THẾ-GIỚI
Nguyễn Ngọc Bích
Cách đây kể cũng có đến gần 10 năm, tôi được mời để dự một hội-nghị quốc-tế về Hồ Xuân Hương. Biết tôi là người đã bỏ công ra dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Anh từ khá sớm(1) và có lẽ cũng vì được người ta mách là tôi biết nhiều thứ tiếng nên ban tổ-chức còn muốn tôi làm diễn-giả chính để nói ngay từ ngày đầu về đề-tài "Hồ Xuân Hương đi ra với thế-giới." Tôi có thưa lại đây là một đề-tài quá rộng lớn, không thể hoàn-tất trong một sớm một chiều được. Tôi sẽ chia đề-tài ra thành nhiều chương nhỏ, chủ-yếu là dựa theo ngôn ngữ: tỷ-dụ, thơ Hồ Xuân Hương dịch sang tiếng Anh làm sao, rồi đến thơ bà dịch sang tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Hán, tiếng Nhật v.v. Vì thơ bà không thể dịch đằng-thằng được, thơ bà phần lớn là hai nghĩa, nếu chỉ dịch theo một nghĩa (tỷ-dụ, nghĩa đen mà không lo dịch nghĩa bóng) thì sẽ mất hết ý-nghĩa. Song muốn làm vậy thì ngôn ngữ đối-tượng cũng phải có đầy đủ những tài-nguyên như ở trong tiếng Việt khá lắt léo, phức-tạp của bà Hồ--tóm lại, một sự không thể hay gần như không thể trong một ngoại-ngữ. Cứ chỉ riêng những vần oái oăm mà được bà đem ra sử dụng trong một số thơ của bà là đủ làm cho người dịch điên đầu.
Mặc dầu biết thế, những người cứ đâm đầu vào dịch thơ bà để chuốc lấy thất bại (đôi khi thảm-bại) không phải là ít. Dịch sang tiếng Anh, chẳng hạn, có lẽ sớm nhất là tôi dịch chung với hai thi-sĩ Mỹ, Burton Raffel và Robin Morgan, 15 bài (đăng trong A Thousand Years of Vietnamese Poetry in ra từ năm 1975 do nhà xuất bản Alfred A. Knopf ở New York), rồi đến Huỳnh Sanh Thông (21 bài trong The Heritage of Vietnamese Poetry, 1979, sau đó tăng thêm một bài thành 22 trong An Anthology of Vietnamese Poems, 1996, cả hai cuốn do Yale University Press in ra), xong đến Võ Đình (9 bài trong Vietnam Culture Journal của Nguyễn Quỳnh, 1983-84), rồi đến David Cevet (dịch 46 bài cả thảy từ bản dịch tiếng Pháp của Maurice Durand, in trong All She Wants, 1987), và cuối cùng là John Balaban, một dịch-giả và nhà thơ Mỹ, dịch 49 bài trong tuyển-tập Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương do nhà Copper Canyon Press in ra 2000. Song nếu hầu hết những bản dịch trên đây là dịch từ các bài thơ Nôm truyền-tụng của bà thì ông Hoài Nam Tử ở Dallas, Texas, lại còn đi xa hơn nữa khi vào năm 1997 ông dịch 45 bài thơ Nôm quen thuộc, 5 bài thơ chữ Hán về Vịnh Hạ Long, cộng thêm 10 bài thơ Nôm và 5 bài thơ chữ Hán rút từ tập Lưu Hương Ký mới tìm ra được cách đây có hơn nửa thế-kỷ, tổng-cộng thành 65 bài (in trong tập Poetic English Version of Ho Xuan Huong's Poems, tác-giả tự xuất bản).(2)
Tưởng thế thì đâu còn mấy nhu-cầu dịch thêm thơ bà nữa. Nhưng không, ở Hà-nội ông Hữu Ngọc năm 1998 đã dành riêng một chương (Chương XI, trang 833-859) trong cuốn sách dầy cộm của ông, Sketches for a Portrait of Vietnamese Culture ("Phác-hoạ một chân-dung Văn-hoá VN") do nhà xb Thế Giới in ra, để dịch khoảng 20 bài thơ và câu đối của bà. Đó là chưa kể, hiện như có một tiểu-kỹ-nghệ dịch thơ Hồ Xuân Hương sang các tiếng khác, nhất là ở Đông-Âu, như: Koyumi dịch sang tiếng Nhật, La Trường Sơn dịch sang tiếng Hoa, Constantin Lupeanu dịch sang tiếng Ru-ma-ni, Petr Komers dịch sang tiếng Tiệp, Blaga Dimitrova dịch sang tiếng Bun, có cả người dịch sang tiếng Đại-Hàn nữa v.v. Rõ ràng là sức tiến của văn-hoá Việt-nam ra bên ngoài đang lan rộng và Hồ Xuân Hương là một ngòi bút được nhiều dân-tộc ưa chuộng.
Mấy bản dịch tiếng Pháp của Hà-nội
Tôi còn đang phân vân không hiểu cái tiếng Pháp gọn gàng, nhẹ nhõm, nghịch ngợm của người Gaulois có làm cho tinh-thần thơ của Hồ Xuân Hương dễ chuyển sang tiếng của Molière hay Baudelaire hay không? Thì bỗng một anh bạn chuyển qua e-mail cho tôi mấy bản dịch (hình như của Hữu Ngọc, dịch chung với Françoise Corrèze) trong cuốn Aigrettes sur la rivière của Lê Thành Khôi (Gallimard/Connaissances de l'Orient, 1995) như bài "Dệt cửi" mà được dịch như sau:
Le tissage de nuit
La lampe allumée, ô quelle blancheur!
Le bec de cigogne, la nuit durant, ne cesse de gigoter.
Les pieds appuient, se relâchent, bien allègrement,
La navelle enfile la trame, s'en donne à coeur joie.
Large, étroit, petit, gros, tous les formats trouvent à s'ajuster,
Courtes ou longues, les pièces de toutes dimensions se valent.
Elle attend trois automnes avant d'en dévoiler la couleur.
Rõ ràng là, ít nhất trong bốn câu đầu, hơn hẳn bản dịch tiếng Anh, cũng của chính ông Hữu Ngọc:
Light up the lamp... what exquisite fairness!
The stork's bill does not cease to hop all the night through
Limbs go to work, and then relax, all with a lively will
The shuttle does the weaving, full joyfully applied.
Wide, narrow, small or big, the dimensions always fit,
Short or long, if the part is good, it goes
For the one who likes the perfect job, let him dip full good and long
Three falls you need to come before the true colour comes.(3)
Đến bài "Thiếu nữ ngủ ngày" thì bản dịch Lê Thành Khôi gần như tuyệt-tác dù như câu 5 có lẽ đã dịch thành "contresens"--"sương còn ngậm" đâu có nghĩa là "không có sương":
La jeurne fille assoupie en plein jour
Frémissement de la brise d'été
A peine allongée, la jeune fille s'assoupit
Le peigne, de ses cheveux, a glissé
Le cache seins rouge s'est défait
Pas de rosées sur les deux collines du Pays des Fées
La source aux fleurs de Pêcher ne jaillit pas encore
L'homme de bien, hésitant, ne peut en détacher sa vue
Partir lui est pénible, mais inconvenant de rester.
Bản dịch trước đó của nhóm Jean Ristat(4) có lẽ còn hay hơn nữa vì đã chuyển được những câu thật VN, như câu cuối, thành gần như một thành-ngữ Pháp:
Jeune fille endormie
Le vent d'été de sa fraîcheur caresse
Jeune fille alanguie profondément endormie.
Un peigne de bambou retient sa chevelure,
Le corsage défait découvre deux seins purs:
Collines de tendresse aux parfums retenus
Source de féerie aux promesses mutines.
Le galant cavalier hésite à la quitter,
Déchiré entre l'inassouvi et l'inachevé.
Tóm lại, những bản dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Pháp càng về sau càng khá hơn những bản áp-dịch (literal translations) như của Maurice Durand khi ông ra cuốn L'oeuvre de la poétesse vietnamienne Hồ Xuân Hương (Textes, traduction et notes) do Ecole française d'Extrême-Orient in ra ở Paris vào năm 1968. Nhưng ta thấy có hiện-tượng lười biếng như quyển này chép lại của quyển kia: bộ Anthologie de la littérature vietnamienne ("Tuyển-tập Văn-học VN") do Nhà xb Ngoại-ngữ ở Hà-nội in ra năm 1973, với tổng-biên-tập là ông Nguyễn Khắc Viện, đã dịch thơ Hồ Xuân Hương dựa ít nhiều trên bản dịch Maurice Durand, đến quyển Anthologie de la poésie vietnamienne ("Tuyển-tập Thơ VN") do nhà Gallimard in ra ở Pháp năm 1981 (Nguyễn Khắc Viện, tổng-biên-tập) chép lại hoàn-toàn mấy bản dịch đã in ra ở Hà-nội gần 10 năm trước (1973), quyển Hồ Xuân Hương ou le voile déchiré ("HXH hay là màn mỏng bị xé toạc") của Hữu Ngọc và Françoise Corrèze do Editions Fleuve Rouge (Nhà xb Sông Hồng) ở Hà-nội in ra năm 1984 tuy có thêm bài nhưng vẫn dùng mấy bài dịch cũ, thậm chí đến quyển Mille ans de littérature vietnamienne ("Một nghìn năm văn-học VN") do Phan Huy Đường làm tổng-biên-tập (nhà xb Philippe Picquier in ra ở Pháp năm 1996 rồi 2000) cũng không có tiến-bộ gì cả--vẫn 5-7 bài chép lại nguyên con từ bản dịch 1973.(5) Thế có nghĩa phải chăng là mấy bài đó đã được dịch đến mức tối-ưu, không ai có thể cải thiện hơn được nữa?
Hai bản dịch khác với nhóm bản dịch Hà-nội
May là còn có nhóm Jean Ristat dịch theo một tinh-thần khác, như ta thấy trong cuốn Hồ Xuân Hương - Poèmes in ra ở Paris khoảng năm 1985, trong đó ta thấy được ghi tên năm người dịch là: Hoàng Xuân Hãn, Lâm Bá Châu, Jean Ristat, Olivier Stern và Nguyễn Minh Thanh. Có điều lạ là không hiểu sao một số bài thơ của họ Hồ lại được cụ Hãn gọi là "devinettes" ("câu đố") như các bài "Bánh trôi nước," "Cái quạt," "Dệt cửi," "Đèo Ba Dội," "Hang Cắc Cớ," và "Trống thủng." Trong khi đó những bài khác thì lại gọi là "Les Poèmes," những bài thơ. Ngoài ra, cuốn sách mỏng này còn in một số bản dịch thơ lấy từ trong tập Lưu Hương Ký (1814, 9 bài) và 4 bài thơ chữ Hán Vịnh Hạ Long của Hồ Xuân Hương.
Nhưng dù gọi là gì đi nữa thì cũng phải công-nhận là những bản dịch này thanh thoát hơn nhiều, so với các bản dịch từ Hà-nội, tỷ như bài "Than thân II" (thường được biết dưới tên "Tự tình thơ II" - "Canh khuya văng vẳng trống canh dồn"):
Déjà la nuit s'avance et pleure le tambour,
Femme je reste seule, en face de ma vie.
Le parfum du vin m'enivre et m'éveille à la fois.
Maintenant se couche la lune,
Et la mousse accroche ses derniers rayons,
Les rochers çà et là percent la brume.
Dieu! le printemps s'en va ainsi que ma jeunesse?...
Avec qui partager quelques miettes d'amour?...
Hay bài "Đèo Ba Dội" dịch thế này thì cũng đã gần thành tuyệt-tác:
Le col Ba Dội
Un col, un col et encore un col,
Béni soit le créateur de ce paysage escarpé!
Le portique est rouge vermeil, le faîte bien touffu,
Un rocher vert git là, tacheté de mousse,
La branche de pin frémit aux rafales du vent,
La feuille de saule est mouillée de rosée.
Sages et Princes, nul ne peut s'y soustraire,
Genoux rompus, pieds trainants, tous doivent grimper.
Nếu đặc-điểm chính của mấy bản dịch của nhóm Jean Ristat có thể nói là gọn và bay bướm thì ta lại có một bản dịch cặn kẽ hơn của một nhà khoa-học VN ở Pháp mới ra gần đây, tập Poèmes de Hồ Xuân Hương của ông Vân Hoà do Edilivre xuất bản năm 2009 ở Paris.(6) Dịch-giả là một nhà khoa-học sinh năm 1922 ở Việt-nam, một chuyên-gia nghiên cứu về thổ-nhưỡng-học (tác-giả của những sách chuyên-khoa như Les forêts de Pinus khasya et de Pinus mekusii du Centre Vietnam). Nay về hưu, ông quay ra dịch tục-ngữ, ca-dao và thơ Hồ Xuân Hương. Trong bài tựa sách, ông cũng giải thích tại sao phải dịch kỹ càng hơn thì mới hết ý được của nguyên-bản. Do vậy, hai câu mà bản Jean Ristat dịch thành hai dòng hơi thoát:
Đôi gò Bồng-đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào-nguyên suối chửa thông
Collines de tendresse aux parfums retenus
Source de féeries aux promesses mutines
thì bản dịch Vân Hoà đã thêm thắt (thành bốn câu) để làm rõ nghĩa hơn:
Les deux collines du Bonheur émergent de la vallée
Tels des boutons de rose gonflés de rosée du matin.
La source aux Pêchers dissimule sous l'épais gazon
Un fabuleux lit gorgé d'eau encore inexploré.
Tuy dài nhưng không bị "contresens" như trong bản dịch Lê Thành Khôi. Đây là một sự lựa chọn khá nên thơ mà ông giải thích vì sao ông phải làm như vậy để bù đắp cho những hiệu-ứng của thơ Hồ Xuân Hương trong tiếng Việt mà không thể nào có được trong tiếng nước người, điển-hình ở đây là tiếng Pháp. Ông nói làm sao mà dịch được những ấn-tượng-ngữ như "chín mõm mòm, đỏ lòm lom"? những đảo-ngữ (nói lái) như "trái (chái) gió" hay "lộn lèo"? hay những chữ hai nghĩa? Vậy, chỉ còn có cách là dịch bằng "paraphrase" tức giải thích dài ra một chút trong tiếng đối-tượng, như:
Một trái trăng thu chín mõm mòm,
Này vừng quế đỏ, đỏ lòm lom.
"La lune d'automne comme un fruit doré à point,
Auréolé d'un disque d'un rouge sanglant."
hay:
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm,
Con đường vô ngạn tối om om.
"L'eau qui tinte goutte à goutte vous prend sous son charme
Même si le chemin qui y conduit se perd dans le noir."
hoặc:
Trái gió cho nên phải lộn lèo
"Mais le vent contraire l'a retournée (la barque)
Et me voilà empêtré dans ces fichus cordages."
Để xem bản dịch Vân Hoà có thành công không, ta thử lấy bài "Bánh trôi" và đem so sánh hai bản dịch xem sao, một của nhóm Jean Ristat và bản dịch sau của Vân Hoà:
Bánh trôi nước
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Bản Jean Ristat
De nacre est mon corps, aux courbes arrondies,
Tant de fois happé, roulé, bousculé par la vie.
Endurci, brisé par la main qui pétrit,
Reste mon coeur d'amour épris.
Le gâteau flottant (Bản dịch Vân Hoà)
J'ai le teint blanc, la forme arrondie.
Tant de fois battue, meurtrie, ballottée par les vagues de la vie.
Ferme ou molle, je me fie entièrement à la main qui me pétrit.
Ma seule parure, c'est mon coeur de cinabre
Toujours pareil à lui-même, malgré les avatars de la vie.
Như vậy, ta có thể thấy là cả hai bản dịch đều có chất thơ, thậm chí cả có vần nữa. Nhưng ai thích bản nào thì có lẽ còn lệ-thuộc vào ta thích được hiểu rõ câu thơ tới mức nào trong tiếng đối-tượng.
Mới hơn nữa, một bản dịch tiếng Slovak
Có lẽ trong đời tôi gặp nhiều may hay ít nhất cũng nhiều bạn tốt. Sở dĩ tôi có được đầy đủ các sách nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, phần không ít nhờ những người bạn hay người quen, rất nhiều khi vong niên, vì chỉ biết tôi nghiên cứu về nữ-sĩ mà cất công đi tìm tài-liệu cho tôi từ Nam chí Bắc hay sang cả các quốc gia khác (như Pháp, Đức, Canada, Đài-loan, Nhật...). Hồi tôi mới xuất bản cuốn Hồ Xuân Hương Tác-phẩm (2000), được tin anh Nguyễn Tường Bá đi Pháp gặp cuốn Hồ Xuân Hương Hán-Nôm truyền-tụng thi-tuyển của La Trường Sơn, một tác-giả Trung-quốc, liền lập-tức đi in một phóng-bản gởi cho tôi làm quà. Thật quý-hoá quá! Năm ngoái, sách của Vân Hoà ở Pháp còn mới toanh, vừa ra lò là có người em của ông ở Florida mách và xin hộ cho tôi một cuốn. Đến năm nay, tôi vừa đọc trên báo Đời Nay của anh Trần Việt Tân là có bản dịch sang tiếng Slovak, thế là có ngay nhà báo Trần Quang Thành ở Bratislava gọi sang, cho biết: "Không sao, sang Họp Mặt Dân Chủ tháng 6 tôi sẽ đem sang cho anh một cuốn. Nó vừa ra lò, chưa mấy ai biết nhưng có người đã mua được cho tôi một cuốn để mang sang cho anh rồi."
Đi đón anh ở phi-trường Dulles, chưa tay bắt mặt mừng xong, anh đã đưa cho tôi cuốn sách. Một cuốn sách bìa dầy, trang trọng, simili cuir nâu sậm, khổ 14,5 cm x 20 cm, trông như một loại sách cổ-điển. Trang bìa rất đơn sơ, chỉ có 3 hàng chữ: Hồ Xuân Hương viết bằng chữ Hán ở trên cùng, rồi bằng chữ Quốc-ngữ ở ngay hàng trên tên sách, Jarná vôňa,(7) không cả có tên dịch-giả, rồi phía dưới là vẽ cái quạt.
222 trang, gồm Tựa (trang 6-18) nói về chữ Nôm và truyền-thống thơ Nôm VN, rồi tiểu-sử Hồ Xuân Hương, Lưu Hương Ký và những tác-phẩm thơ Nôm truyền-tụng của bà, và cuối cùng là thơ của bà đã được dịch sang các thứ tiếng (Pháp, 1968), Nga (1967), Mỹ (2000), Tiệp (2007), Ru-ma-ni (2007)... Hai điểm son cho tác-phẩm dịch của bà Eva Antoshchenko Múčková sang tiếng Slovak: Một là các bài thơ (80 bài cả thảy, từ trang 20 đến trang 179) đều có bản chữ Nôm đi kèm, in phía trên bản Quốc-ngữ ở bên trang trái, còn đối-diện là bản dịch sang tiếng Slovak in ở trên và một bức tranh rút từ bộ Technique du peuple annamite của Henri Oger đặt các nghệ-nhân VN vẽ vào đầu thế-kỷ trước. Thành thử "layout" của mỗi một cặp trang trong rất nghệ-thuật và mát mắt, lại rất là VN, không bị lai căng, không phải là tiếng Tàu hay tranh Tàu chẳng hạn. Cuối cùng là chú-thích khá cặn kẽ cho từng bài một, từ trang 180 đến trang 212. Lại còn có ba trang (214-216) cho biết xuất-xứ chữ Nôm của các bài thơ in trong sách, như lấy từ đâu (Xuân Hương thi tập, Quốc văn tùng ký, Quốc âm thi tuyển, Liệt truyện thi ngâm, Quế Sơn thi tập v.v.), nghĩa là kỹ hơn nhiều sách tiếng Việt in thơ của Hồ nữ-sĩ. Sau rốt là phần Thư-tịch (trang 218-219) và Mục-lục (trang 220-222).
Tóm lại, khó mà có ngay cả trong tiếng Việt một cuốn sách kỹ như thế về thơ truyền-tụng của Hồ Xuân Hương. Về chữ Nôm, tác-giả có sự tiếp tay giúp đỡ của các chuyên-viên về chữ Nôm điện-toán như Tiến-sĩ Ngô Thanh Nhàn (ở Mỹ), người đã giúp G.S. John Balaban trong bản dịch Spring Essence của ông, và một số chuyên-gia trong nước đẻ ra chữ Nôm Unicode như Lê Văn Cường, Tô Trọng Đức, Lương Thị Hạnh và Giáp Thị Hải Chi. Chỉ hơi đáng tiếc là chữ Nôm trong sách vẫn còn không ít lỗi. Có thể nói là cuốn Spring Essence có bao nhiêu lỗi về chữ Nôm (mà tôi đã có dịp chỉ ra một số trong bài "Hồ Xuân Hương: Những văn-bản thơ Nôm được công-bố từ năm 1968" do Viện Việt Học ở California in ra từ tháng 4/2003) thì ngần ấy lỗi vẫn được nhắc lại trong cuốn sách của Eva Múčková. Những bài không có trong sách Spring Essence của John Balaban, khoảng hơn 30 bài, thì tuy là chép từ sách cổ song không phải là không có lỗi. Ta chỉ cần so sánh bản Nôm với bản phiên âm sang Quốc-ngữ là ta thấy liền:
Như bài "Hang Thánh Hoá" (trang 82) có câu 7 viết trong phần Quốc-ngữ là "Đến mới biết là hang Thánh Hoá" trong khi bản Nôm thì lại viết rõ ràng "Đến đây mới biết rằng Thánh Hoá."
Bài "Quả mít" (trang 26), câu 3 chữ Nôm viết "đóng nõ" nhưng bản phiên âm chữ Quốc-ngữ lại ghi "đóng cọc"
Lỗi chính-tả trong tiếng Việt không phải là hiếm nhưng tệ nhất trong việc trục trặc giữa Nôm và Quốc-ngữ có lẽ là bài "Cái quạt" (trang 36), trong đó có tới ba câu bị sai (trên 8):
"Duyên em dính dáng tự ngàn xưa" (câu 3) bị đánh thành "dán tự bao giờ"
"Dạng ra ba góc da còn thiếu" (câu 4) bị phiên thành "Chành ra ba góc"
"Khép lại hai bên thịt vẫn thừa" (câu 5) bị phiên thành "đôi bên"
Tôi không biết tiếng Slovak để mà đưa ra ý-kiến về bản dịch của Eva Múčková sang tiếng ấy. Điều này sẽ phải chờ những bạn của ta sinh sống lâu năm và thông thạo tiếng Slovak thì mới giúp ta đánh giá được. Mục-đích của tôi cũng không phải là chú trọng vào một vài cái thiếu sót hãy còn trong cuốn sách, mục-đích của tôi chính là để giới-thiệu một tác-phẩm mới nhất dịch thơ Hồ Xuân Hương ra với thế-giới. Với góc nhìn đó thì ta phải cảm ơn Eva Múčková đã làm cho sự giao-lưu văn-hoá giữa VN và Slovakia bước thêm một bước tiến rất dài.
Nguyễn Ngọc Bích
Viết xong đêm 15 tháng 11 năm 2011
Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc
Chú thích
(1) Nguyễn Ngọc Bích, A Thousand Years of Vietnamese Poetry ("Một nghìn năm thi ca VN"), New York : Alfred A. Knopf, 1975, trang 117-125. Quyển sách của tôi đến cuối năm 1974 mới in xong nhưng tôi đi đọc thơ Hồ Xuân Hương do tôi dịch từ những năm 1966-67 ở các đại-học Mỹ, trên truyền thanh, truyền hình.
(2) Các tác-phẩm được nêu theo thứ tự trên là:
Huỳnh Sanh Thông, The Heritage of Vietnamese Poetry ("Di-sản thơ VN"), New Haven , CT : Yale University Press, 1979, trang 99-103, 184.
Huỳnh Sanh Thông, An Anthology of Vietnamese Poems ("Tuyển-tập thơ VN"), New Haven , CT : Yale University Press, 1996, trang 211-220.
Võ Đình, 9 erotic poems by Hồ Xuân Hương ("9 bài dâm-thi do HXH"), Tập-san Văn-hoá / Vietnam Culture Journal (New York ), Nguyễn Quỳnh chủ-biên, số ra năm 1983-84.
David Cevet, All She Wants ("Tất cả những gì nàng muốn"), poetry by Ho Xuan Huong, London : Tuba Press, 1987.
John Balaban, Spring Essence, The Poetry of Hồ Xuân Hương, Port Townsend, WA: Copper Canyon Press, 2000, 135 trang.
Hoài Nam Tử, Poetic English Version of Hồ Xuân Hương Poems, Dallas , TX : Tác-giả tự xuất bản.
Ngoài ra, thơ Hồ Xuân Hương dịch sang tiếng Anh còn được thấy lác đác trong các sách như:
William McNaughton, Light from the East. An Anthology of Asian Literature: China , Japan , Korea , Vietnam & India , New York : Dell Publishing Co, 1978.
Keith Bosley, Poetry of Asia: Five Milleniums of Poetry from Thirty-three Languages, New York : Weatherhill, 1979, trong đó thơ HXH là dịch chung với Nguyễn Thị Chân Quỳnh.
Katharine Washburn và John S. Major, với tổng-biên-tập là Clifton Fadiman, World Poetry: An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time, New York-London: W.W. Norton & Co. và Book-of-the-Month Club, 1997.
(3) Hữu Ngọc, Sketches for a Portrait of Vietnamese Culture ("Phác-hoạ một chân-dung văn-hoá VN"), Hà-nội: Nhà xb Thế Giới, 1998, trang 584-602.
(4) Hoàng Xuân Hãn, Lâm Bá Châu, Jean Ristat, Olivier Stern, Nguyễn Minh Tranh, Hồ Xuân Hương: Poèmes, Paris: 1985(?).
(5) Sớm sủa trong những tác-giả dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Pháp thì phải kể:
Trần Cửu Chấn, Les grandes poétesses du Viêt-Nam, études littéraires (Đoàn-thị-Điểm, Bà Huyện Thanh-Quan, Hồ-Xuân-Hương, Sương-Nguyệt-Ánh), Saigon : Imprimerie de l'Union Nguyễn Văn Của, 1950. (Nhà xb Thế Giới ở Hà-nội có in lại năm 1995)
Dương Đình Khuê, Les chefs d'oeuvre de la Littérature vietnamienne ("Những tuyệt-phẩm của Văn-học VN"), Saigon : Kim Lai Ấn-quán, 1966.
Sau đó là những tác-giả như được liệt-kê trong bài:
Maurice Durand, L'oeuvre de la poétesse vietnamienne Hồ-Xuân-Hương (Textes, traduction et notes), Paris: Ecole française d'Extrême-Orient, 1968.
Nguyễn Khắc Viện và người khác biên-tập, Anthologie de la Littérature vietnamienne ("Tuyển-tập Văn-học VN"), Tập II: trang 170-177, Hà-nội: Editions en Langues étrangères (Nhà xb Ngoại-ngữ), 1973. Bộ này, đến năm 1991, được Hà-nội in lại với tên mới, Panorama de la Littérature vietnamienne mà khi in lại ở Pháp lại đổi tên lần nữa (Xem Phan Huy Đường ở dưới đây).
Nguyễn Khắc Viện biên-tập, Anthologie de la Poésie viêtnamienne ("Tuyển-tập Thơ VN"), Paris : Gallimard (Connaissance de l'Orient), 1981, trang 75-77.
Hữu Ngọc và Françoise Corrèze, Hồ Xuân Hương ou le voile déchiré ("HXH hay là màn mỏng bị xé toạc"), Hà-nội: Editions Fleuve Rouge (Nhà xb Sông Hồng), 1984.
Phan Huy Đường biên-tập, Mille ans de Littérature vietnamienne: Une anthologie ("Một nghìn năm văn-học VN: Tuyển-tập"), Paris : Editions Philippe Picquier, 1996, 2000, trang 141-145.
(6) Vân Hoà, Poèmes de Hồ Xuân Hương, Paris: Edilivre, 2009.
(7) Hồ Xuân Hương, Jarná vôňa [Eva Antoshchenko Múčková dịch], Bratislava : Nhà xb Terra, 2010.