Wednesday, January 26, 2011

Kim Tước - Giáng Xuân / Thơ Ngô Đình Vận, Nhạc Lại Minh Thuận



Ca khúc Giáng Xuân, thơ Ngô Đình Vận, nhạc Lại Minh Thuận. Với tiếng hát Kim Tước. Arranged by Lai Minh Thuan. Recorded and mixed by Thuan Minh Lai & Van Dinh Ngo. Được trích từ CD Nhạc Tình Xa Xứ.
Thực hiện video clip http://noigio.blogspot.com

GIÁNG XUÂN

Trời xanh mây trôi cùng ánh nắng vàng
Ngày xuân Cali tha thiết dịu dàng
Và em rong chơi trên phím đàn vui
Còn ai băn khoăn biết rằng quê người.

Trời trong hân hoan cùng gió biếng lười
Ngày xuân DC hoa thắm ngợp trời
Và em tung tăng trên phố phường vui
Còn ai lang thang nhớ mình quên đời.

Trời cao xuân sang hoa bướm rạng ngời
Đầu năm Houston mơ ước chọc trời
Và em giơ tay vươn tới ngày mai
Còn ai chơi vơi cuốn theo dòng đời.

Trời mây hoang vu hương gió ngạt ngào
Ngày xuân Denver sông núi dạt dào
Và em xinh tươi trong nắng hồng bay
Còn ai bâng khuâng với thân phận người.

Trời xuân bao dung hương sắc tràn đầy
Lòng ai bâng khuâng pha lẫn buồn vui
Còn em chơi vơi khi nắng hồng phai
Đường xa về ngăn lối đêm là ngày.

Ngọc Thủy - Hương Mai / Thơ Ngô Đình Vận, Nhạc Lại Minh Thuận



Ca khúc Hương Mai, thơ Ngô Đình Vận, nhạc Lại Minh Thuận. Với tiếng hát Ngọc Thủy. Arranged by Lai Minh Thuan. Recorded and Mixed by Thuan Minh Lai & Van Dinh Ngo. Được trích từ CD Nhạc Tình Xa Xứ II.
Thực hiện video clip http://noigio.blogspot.com

HƯƠNG MAI

Rừng phong rừng trụi lá
Cành trơ với mây mù
Mùa đông trời giá rét
Đường lênh đênh sương mờ.

Rừng thưa rừng ngợp gió
Gió vắng lá chuyện trò
Thổi dài niềm cô độc
Loãng vào miền bao la.

Lưng chừng đồi cỏ uá
Chòm Nghinh Xuân nở hoa
Hoa tươi vàng rạng rỡ
Thoắt nhớ Mai quê nhà.

Như trăm ngàn tình sử
Với muôn điều sót thương
Em vẫn là ảo mộng
Ru nắng mềm Đông Phương.

Rừng xa rừng thương nhớ
Lá rụng vào trăm năm
Lá sẽ về trong nắng
Cỏ hoa thơm núi rừng.

Ở đây là xứ lạ
Đời lạc lõng bơ vơ
Ở đây là quán trọ
Khao khát tình quê xa.

Trong vùng trời cô tịch
Chim gõ kiến kêu vang
Gọi mặt trời thức giấc
Sưởi ấm lòng rừng hoang.

Gọi em thì hoa nở
Nắng hanh vàng nứt da
Dáng em gầy thanh tú
Đón xuân nào thiết tha.


CD NGỌC THUỶ: MỘT HƠI MỚI
RẤT DỄ THƯƠNG TRONG ÂM-NHẠC VN HÔM NAY

...
Trong nỗ lực làm mới nhạc Việt ở hải-ngoại mà lắm lúc tôi tưởng đã là như một bãi sa-mạc, vì ảnh-hưởng quá mạnh của nhạc trẻ Mỹ cũng như là vì ảnh-hưởng của toàn-cầu-hóa (nhằm thỏa mãn một thị-trường "quốc-tế" thay vì VN), hướng đi mới của Ngô Đình Vận với sự tiếp tay của Lại Minh Thuận là một làn gió mát, một hương thơm đến từ quê hương VN ở tận trong cõi lòng và tiềm-thức của chúng ta! Hướng đi này, tôi nghĩ, đầy hứa hẹn... nhất là khi, như nhà tôi đã có dịp nhận-định, nó lại được chuyên chở bằng một giọng ngọt ngào hiếm có, một giọng vừa truyền cảm, dễ thương vừa điêu luyện như của Ngọc Thủy!

Ngọc Thuỷ không chỉ có một giọng trong, trẻ, mà còn luyến láy rất điệu nghệ, lại có những chỗ nhấn mạnh, bỏ nhỏ rất tình, khi nũng nịu, khi giận hờn, khi yêu đương, khi nghịch ngợm rất hợp với thứ nhạc đa dạng và giàu âm điệu này—gần như không có bài nào giống bài nào.

Tóm lại, một sản-phẩm rất đáng yêu để mua vào dịp Tết với 10 bài:

1/ Quan Họ Đi Xa (Piano Nghiêm Phú Phi)
2/ Anh Đi Tìm Bông Lúa
3/ Hương Mai
4/ Phượng Tím
5/ Phương Thu
6/ Anh Đi Tìm Bông Lúa (Piano Nghiêm Phú Phi)
7/ Chích Choè
8/ Trời Tương Tư
9/ Sao Mai
10/ Chuồn Chuồn

Những bài có ghi "Piano Nghiêm Phú Phi" là Ngọc Thuỷ được đặc-biệt nhạc-sư và danh-cầm Nghiêm Phú Phi, nguyên Giám-đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, đánh đệm cho một cách rất lả lướt chỉ ít lâu trước khi ông mất. Tưởng cũng cần nhắc, trong một đời dành cho âm-nhạc, nhạc-sĩ Nghiêm Phú Phi đã từng viết nhạc đệm cho hơn 1000 bài tân-nhạc VN như trong nhiều bài mà ta nghe rất quen thuộc.

Nhìn vào bìa sau của CD "Nhạc Tình Xa Xứ," ta không khỏi gặp một sự bất ngờ thú vị: Tổng-phát-hành cho CD này là Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ (ĐT: 703 525-4538, E-mail: canhnam@dc.net), một cơ-sở xuất bản sách đã có mặt ở vùng Thủ-đô từ hơn 1/4 thế-kỷ nay. Và đây hình như là cái CD nhạc đầu tiên do Tổ Hợp phát hành.

Nguyễn Ngọc Bích
Viết xong đêm mồng 4/I/2011
Khu Đồng Xuân
Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc

Wednesday, January 19, 2011

Nguyễn Ngọc Bích - Một Chuyến Đi Âu-Châu Cách Đây Gần Nửa Thế-Kỷ

MỘT CHUYẾN ĐI ÂU-CHÂU CÁCH ĐÂY
GẦN NỬA THẾ-KỶ - Nguyễn Ngọc Bích


Gần đây, được đọc một bài “Quà Giáng Sinh” của anh Nguyễn Tường Tâm thật dễ thương về hiện-tượng “Tây Ba Lô” ở trên thế-giới, một hiện-tượng bị hiểu lầm khá phổ-biến ở VN hôm nay, tôi không khỏi nhớ đến những ngày lang thang thời sinh-viên của mình.

Vốn là cách đây đã gần 50 năm, vào năm 1962, tôi được một cái học-bổng khá lớn để đi Nhật học và thu thập tài-liệu cho một luận-án tiến-sĩ của tôi về văn-học Nhật-bản thời trung-đại (Đề-tài luận-án của tôi hồi đó được quyết-định là viết về Takamura Monogatari, một truyện tình giữa hai anh em nhà Takamura—hơi loạn-luân nhưng rất hiện-đại—có từ mạt-thời Heian [Bình-an] vào thế-kỷ XII).

Trên đường đi Nhật từ Mỹ, tôi ghé qua Pháp thăm một số bạn bè và họ hàng, sau đó sang Đức (Đại-học Munich) rồi đi Áo (Đại-học Vienna) để trau dồi thêm tiếng Đức và học về “Vergleichende Literatur” (Văn-học tỷ giảo Âu-châu).

Cité Universitaire

Chặng đầu không có vấn-đề gì vì mọi sự đã được thu xếp từ Mỹ, từ vé máy bay đi các nước đến tiền ghi danh, đóng học-phí và tiền ăn ở cho hai đại-học München (= Munich) ở Đức và Wien (= Vienna) ở Áo.

Đặt chân tới Pháp, tôi không ngỡ ngàng gì vì tôi học trường Pháp từ nhỏ ở trong nước nên không đến nỗi ngọng, tự mình xoay sở được vì người ta đã có châm-ngôn “Đường đi nước bước là ở miệng mình,” ngụ ý là cái gì không biết thì nếu có miệng cũng hỏi ra được. Đến Pháp, cảm-tưởng nổi bật nhất của tôi là như về nhà đối với một người Tây-học như tôi: Đi đâu tôi cũng nhận ra những hình ảnh thân quen, nào là Arc de Triomphe (“Khải-hoàn-môn”) trên đường Champs Elysées đến Tour Eiffel rồi Panthéon, Sorbonne (tức Đại-học Paris), nhà thờ Notre Dame… Vào bảo-tàng-viện Louvre cũng thấy không lạ lẫm gì với những hình ảnh nổi tiếng như tranh Madonna cười mỉm chi của Leonardo da Vinci (mà khi học trong sách Pháp được biết dưới tên Pháp-hóa là Léonard de Vinci) hay bức tượng Pietà nổi tiếng của Michelangelo, những tranh của Courbet (“L’Enterrement à Ornans,” Chôn cất ở Ornans), Millet (“Le Semeur,” Người Gieo Hạt, “Les Glaneuses,” Những Người Mót Lúa) hoặc các tượng “Người ném đĩa” (“Le Discobole”), Vénus de Milo của Hy Lạp dù như sự hiểu biết của tôi hồi đó về mỹ-thuật Tây-phương chưa thể nói là phong phú gì v.v. Sở dĩ vậy là vì tôi đã từng được xem đi xem lại những tranh tượng đó trong sách giáo-khoa ở Trung-học ngày tôi còn ngồi mòn đũng quần ở Lycée Chasseloup-Laubat ở Sài-gòn. Tóm lại, cứ như về quê vậy!

Chuyện ở Pháp thì còn nhiều, tuy-nhiên vì có quá nhiều người Việt biết chuyện ở xứ này rồi nên có lẽ tôi chỉ xin kể đôi ba chuyện vặt vãnh thêm thôi. Thuở đó, không ai là không biết những bài thơ Cung Trầm Tưởng được Phạm Duy phổ nhạc. Do đó nên tôi cũng phải mò đến vài nơi để xem “ga Lyon đèn vàng” là như thế nào, “vườn Luxembourg” ra làm sao mà lắm người mê dù như tôi không hề có “người em tóc đỏ” nào để mà hôn, để mà “đền em một tháng trời gần / đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi…”

Nhưng đến những nơi như ga Lyon, “Gare du Nord” hay là vùng Les Halles nổi tiếng anh chị cũng là để được nghe về những chuyện mà ta có thể gọi được là chuyện dã-sử của người An-nam-mít ở Pháp. Tỷ như chuyện An-nam ta đánh nhau với Rệp, rồi để trị Rệp một lần cho chót (“une fois pour toutes”) An-nam ta cũng bắt một anh Rệp đầu têu, đem về rạch bụng anh ta, lôi ruột anh ta ra rồi cho anh ta ôm ruột rà về nhà. Chết thì không chết nhưng sau đó không thấy Rệp nào dám gây sự với Mít nữa. (Đúng ra những chuyện như thế này, tôi không nên kể trong thời-đại “politically correct” như ngày hôm nay, nhưng thôi, đã nói là hồi-ký thì những ký-ức như thế này chỉ là có trên giấy mà thôi—làm gì có chuyện thật như thế, tôi không hề được chứng-kiến mấy chuyện đó.)

Hoặc về sau tôi cũng được biết là trong nghề “strip tease” (“chuổng cời giỡn”) của VN ta ở Pháp có một cô đào rất nổi tiếng, bí-danh “Chonamquan” (“Chợ Nam-quan”?), đặc-biệt được các đấng mày râu tây và ta thích lắm, nhất là màn múa quạt của cô ta, khi hở khi kín dùng quạt để “che chỗ đó”! “Chonamquan” đưa điệu múa quạt của mình lên đến trình độ nghệ-thuật nên về sau hình của cô được in thành một cuốn sách nhỏ trong sưu-tập “La métaphysique du strip-tease” (“Hình-nhi-thượng-học về màn chuổng cời giỡn”). Xong cũng vì có nghề này mà bên cạnh đó lại còn có một nghề lạ nữa, dành riêng cho đàn ông, mà tôi không được quyền nói ra ở đây (sợ trẻ vị thành-niên mà đọc lén thấy thì rất bất tiện cho tôi, một người mang danh nhà giáo).

Thời-gian này, tôi không đến nỗi phải ngủ bụi, ngủ bờ ở Paris vì đã có sẵn mấy cháu họ và vài người bạn ở Maison de l’Indochine trong Cité Universitaire mà tôi có thể đến ngủ trọ, ngủ ké được. Ăn cũng ăn cơm trợ cấp ở trong nhà ăn của Cité mặc dù tôi không là sinh-viên ở Pháp lúc bấy giờ (nhưng các anh em bạn lúc nào cũng sẵn cung-cấp cho ticket). Còn nếu ra tỉnh thì cũng có thể ghé qua tiệm cơm ở đường Monges (có Sứ-quán trợ cấp) ở Quận 5, Quartier Latin của sinh-viên. Tóm lại, tôi hội-nhập khá dễ dàng với các sinh-viên VN đi học ở Pháp hồi đó, không có gì xa cách cả.

Duy chỉ có một lần đang ở Maison de l’Indochine, tôi bỗng thấy một cặp Việt-Âu khá đẹp đôi đi vào. Anh ta nhỏ con thôi, lùn nữa là khác nhưng trông khá tuấn tú còn cô bạn anh rất xinh nhưng cũng nhỏ con như anh. Họ đến gần tôi mới biết là họ không nói tiếng Pháp với nhau mà lại nói tiếng Đức. Không hiểu sao, tôi lại lân la làm quen được. Nhưng chỉ sau vài câu trao đổi là tôi đã bị thách thức. Biết tôi ở Mỹ sang lại còn nói chuyện triết-học hiện-sinh, anh liền quay ra “quay” tôi đến nơi đến chốn: “Anh hiểu thế nào là hiện-sinh? Tại sao buồn nôn? v.v.” Làm tôi cũng hơi bối rối. Hồi còn học ở Philo, tức chuẩn-bị cho Tú-tài đôi ở Sài-gòn, tôi cũng được ông thầy Pierre Ansart nói sơ qua về thuyết hiện-sinh thời-thượng ở Pháp thời bấy giờ, nào là Sartre, Camus bên cạnh những Merleau-Ponty, Emmanuel Mounier v.v. Nhưng chỉ là thoáng qua thôi, đâu đã được đọc gì từ nguyên-bản đâu. Sang Mỹ, ở Princeton, những giờ rảnh rỗi ngoài giờ học cật-lực cho các môn chính, tôi thỉnh thoảng cũng vào thư-viện lấy sách tiếng Pháp đọc, những tiểu-thuyết thời-thượng như Bonjour Tristesse của Françoise Sagan hay L’étranger của Camus còn L’Etre et le Néant của Sartre thì chỉ cầm lên, đọc vài trang là bỏ xuống liền. Nghĩa là rất “spotty,” không quy-củ gì cả! Do đó khi gặp câu hỏi của anh bạn kia, tôi không khỏi bối rối. Nhưng không lẽ ngậm miệng, cụp đuôi nên cuối cùng tôi cũng cố gắng trả lời được anh, trình bầy vấn-để, đưa được ra ý-kiến của mình mà có lẽ cũng không đến nỗi tệ lắm (tôi không cho chủ-nghĩa hiện-sinh là một triết-lý đầy đủ mà xem đó chỉ là một thái-độ sống thôi). Chúng tôi chia tay sau đó và ấn-tượng của tôi là sao lại có thể có một cặp đẹp đôi như vậy. (Nhiều năm sau, tôi nghĩ lại, có thể đó đã là anh Võ Văn Ái và cô bồ Đức của anh, nhất là sau này tôi được biết là anh có một thời-gian đi học ở Đức và lại học đúng ngành triết.)

“Bist du Japaner?”

Tôi thích văn thơ từ nhỏ nên khi sang Mỹ, hễ có dịp là tôi đi làm một ông đại-sứ con về văn-minh, văn-hóa hay lịch-sử VN. Song vì tài-liệu không có sẵn bao nhiêu nên tôi thường phải dịch văn, và nhất là thơ, VN sang tiếng Anh trước khi đi trình bầy. Chẳng mấy lúc, tôi có một tập thơ dịch nho nhỏ để khi cần thì lôi ra, vừa ngâm vừa đọc, cho Mỹ “sợ chơi.” Không chỉ dịch thơ từ tiếng Việt sang tiếng Anh, nhất là thơ Thế Lữ mà tôi mê từ lúc mới 5-6 tuổi, tôi còn thích dịch thơ ngoại-quốc sang tiếng Việt nữa—trước hết là để kiểm-soát trình-độ ngoại-ngữ của mình, hai là để thử tài dịch của mình và ba là để… khỏi quên tiếng Việt. Nhưng tôi tự hẹn là nhất định không dịch thơ Pháp, thơ Mỹ, thơ Anh và nhất là thơ Tàu. Tại sao? Tại vì, theo lối suy nghĩ của tôi hồi đó, ở VN có quá nhiều người giỏi hay ít nhất cũng có khả-năng dịch mấy thứ tiếng đó rồi. Tại sao phải đi dịch thêm một bài như “Nguyệt lạc, ô đề sương mãn thiên” (“Phong-kiều dạ-bạc” của Trương Kế) trong khi có hàng chục người đã thử tài vào đó rồi, với những bản dịch thật hay như của Trần Trọng Kim hay Tản Đà rồi? Do đó mà tôi đi học tiếng Đức, rồi về sau, tiếng Nhật, để mong giới-thiệu những nền văn-minh và văn thơ mà ở VN chưa mấy người biết đến.

Đó là lý-do tại sao những ngày ở Princeton, tôi đi học tiếng Đức, thường vào lúc 7 giờ sáng, trời rét (mùa Đông) căm căm mà vẫn phải dậy lết đến lớp. Nhưng một điều lạ tôi khám-phá ra, đó là chính vì phải dậy sớm nên đầu óc minh mẫn, chưa có “thức ăn” gì khác ở trong đầu nên học (sinh-ngữ) rất dễ vô.

Đó cũng là lý-do tại sao tôi lại tìm cách mò sang Đức để học thêm tiếng Đức. Những ngày ở Munich của tôi là những ngày thần tiên. Thần tiên vì vào một môi-trường ngôn ngữ mới, mình không có chọn lựa nào khác ngoài việc phải nói tiếng Đức suốt ngày. Thần tiên vì là một sinh-viên ngoại-quốc, mình gặp rất nhiều bạn cũng đến từ các nước khác, đến để học tiếng Đức nên đồng cảnh-ngộ, rất dễ thông-cảm với nhau. Tỷ như ở Đức thì ngày đêm sáng tối, bữa cơm nào cũng có “Kartoffel” (“khoai tây”) cả. Ăn một hai bữa thì vui, ăn ngày này qua ngày khác thì bắt đầu chán và hết vui. Thậm chí có một hôm anh bạn người Ý của tôi giơ tay lên trời than: “Tao không hiểu trước khi ông Columbus sang Mỹ-châu đem khoai tây về thì người dân xứ này ăn cái quái gì?”

Thần tiên nữa là vì cái gì đối với mình cũng mới. Sản-phẩm của một nền giáo-dục Pháp-Mỹ và VN, tôi xa lạ với lịch-sử và truyền-thống Germanic mà nước Đức là tiêu-biểu. Có sang học ở Đức mới biết người Đức tự xem mình là trung-tâm của Âu-châu, là gạch nối giữa Đông (tức Nga cộng Đông-Âu) và Tây (tức Pháp, Anh, Bỉ, Hòa-lan) cũng như giữa Bắc-Âu và các nước La-tinh như Ý, Y-pha-nho, Bồ-đào-nha. Do đó, họ tự-hào là những người hiểu biết hết cả Đông-Tây-Nam-Bắc và họ hãnh-diện về những tác-phẩm dịch của họ. Họ cho rằng Shakespeare dịch sang tiếng Đức bởi August Wilhelm von Schlegel có khi còn hay hơn cả nguyên-bản nữa, tiểu-thuyết và thơ Nga dịch sang tiếng Đức cũng vậy và rằng họ hiểu mỹ-thuật Ý, mỹ-thuật Hy-lạp còn hơn cả người bản-xứ. (Tuy-nhiên, anh bạn Ý của tôi thì cho rằng khi gặp mấy người Đức mà vỗ ngực, khoe khoang như thế thì người Ý lại có cách trả lời rất thích hợp. Họ chả cãi lại làm chi, chỉ cần chụm năm đầu ngón tay lại vẫy vẫy mấy cái là xong, có nghĩa là: “Thôi đi bồ, bịp vừa phải thôi chứ!”) Mặt khác, nó cũng có điều gì không hoàn-toàn sai trong cái tự-hào đó của người Đức: Ta hãy thử xem mấy bản dịch thơ Tàu sang tiếng Đức, có bài tuyệt diệu, hay thơ Ba-tư của Hafiz (thế-kỷ XIV) do Goethe chuyển ngữ sang tiếng nước ông, ta sẽ thấy liền là họ không ngoa. Hoặc nếu ta biết là anh em Schlegel đóng một vai trò then chốt trong việc dựng ra ngành Ấn-độ-học ở Đức thì ta chắc cũng phải khâm phục cái học-thuật của Đức, nhất là về ngành ngôn-ngữ-học lịch-sử, trong thế-kỷ XIX. (Một chi-tiết đáng nhắc: Trương Vĩnh Ký là người Việt độc-nhất được một bộ bách khoa từ-điển của Đức công-nhận ngay từ hồi đó, từ cuối thế-kỷ XIX, là một nhà thông thái—un savant--của nhân-loại.)

Chính trong cái không-khí dịch-thuật được đề cao đó mà tôi nổi hứng dịch tập thơ Hebraische Gesänge (“Những bài ca Do-thái”) của Else Lasker-Schüler, một nữ-thi-sĩ thật trong sáng và tuyệt diệu, sang tiếng Anh (Rất tiếc là năm 75 khi chạy khỏi VN, tôi đã để mất tập thơ này). Kể cũng lạ, hồi đó ở Mỹ thì tôi là sinh-viên ngoại-quốc nhưng sang Đức người ta lại coi tôi là sinh-viên (cũng “ngoại-quốc” nhưng đến từ) Mỹ thành thử trong những buổi họp mặt văn nghệ, nhiều khi tôi lại bị các bạn học Mỹ đẩy tôi ra hát dân-ca Mỹ như “Old Man River,” “Jamaica Farewell” hay cả “Summertime” (trong nhạc-kịch Porgy and Bess của Gershwin), đại diện cho nhóm ở Mỹ. Đó có lẽ là một trong những biểu-hiện sớm nhất trong kinh-nghiệm của tôi về hiện-tượng “globalization” (“toàn-cầu-hóa”) trong đó những tính-cách dân-tộc bị hòa lẫn vào trong một thế-giới không còn phân-biệt ranh giới rõ ràng nữa.

Thần tiên nữa là ở đây, tôi được học về văn-minh, văn-hóa Đức. Được học về Expressionismus (“Biểu-hiện chủ-nghĩa”), Die Blaue Reiter (Nhóm hội-họa “Những người kỵ mã xanh”), v.v. trong các phong trào hội-họa cận-hiện-đại ở Đức trong thập niên 1930 (về sau bị Hitler coi là “rác rưởi”), nhân đó đi thăm các bảo-tàng-viện như Alte Pinakothek v.v.

Thần tiên không kém là những lần đi núi. Theo họ trèo lên đến đỉnh núi mấy nghìn thước, trời lạnh buốt dù là đang hè, họ vẫn rủ nhau cởi trần truồng ra xuống suối tắm, mình đi theo cũng đành phải “nhập gia tùy tục” đứng ngay dưới chỗ nước đá vừa tan xong mà tắm. Đến khi dùng cái gì, như cái kẹo chẳng hạn, mà vất giấy bọc kẹo xuống đất là người hướng dẫn bắt phải lồm cồm bò xuống núi lượm lại, rồi lấy dao đào một cái hố chôn xuống đó chứ không được quyền xả rác ở trên núi. Trên đường về, đi qua các làng ở vùng Bayern (Bavaria) trong mùi cứt bò ấm áp thấy mấy ngôi nhà xinh xinh, ngăn nắp (Đức mà!) với kiểu đặc-thù ở vùng này: ngoài nhà có gắn những thanh gỗ chéo và ở ban-công thường có mấy chậu hoa nở đủ màu.

Thần tiên cuối cùng là nhiều khi ở trong tỉnh, chiều đến đi chơi với các bạn vào các “biergarten” (“vườn bán/uống bia,” nghĩa là rất lớn chứ không phải chỉ là một tiệm nhỏ con con), gặp con gái Đức chúng hỏi: “Bist du Japaner?” (“Anh có phải là Nhật không?”) vì sau Thế-chiến II, người Đức vẫn còn rất thân thiện với người Nhật trong các giống Á-đông bởi họ là đồng-minh trong chiến-tranh và cũng cùng thua Mỹ. Khi mình trả lời: “Nein, nein. Ich bin kein Japaner, ich bin Vietnamesischer.” Họ vẫn bảo: “Das macht nicht.” (“Không sao!”) rồi gọi tôi lại, cho ngồi trên đùi (bởi hồi đó tôi còn khá nhỏ con), mời uống bia. Bia đen, bia vàng, đủ cả! Khổ nỗi, tôi tửu-lượng rất kém nên chỉ uống được vài hụm đã sặc sụa.

Nhưng vui nhất là đang khi uống, thỉnh thoảng họ lại khóa tay mình lại nơi khuỷu tay, rung rinh cả bày đưa người sang bên trái, đưa người sang bên phải rồi hát những bài rượu như: “In München stet’s ein Hofbräuhaus, ein, zwei Süffel” (“Ở Munich có một tửu-đường trong cung, với một, hai anh bí tỉ”)

Song bên cạnh cái vui cũng có cái buồn, cái ngậm ngùi. Chính vì đến Munich nên tôi mới được nghe và biết tường-tận hơn về lịch-sử phong trào Đức Quốc-xã thời Hitler. “Kristallnacht”—Đêm nhóm Nazi đi đập phá các cơ-sở của người Do-thái—là bắt đầu từ đây, khai màn cho sự đi lùng bắt Do-thái trên khắp nước dẫn đến biết bao sự kỳ-thị, bất công… và cuối cùng dẫn đến cả những lò thiêu hàng triệu người Do-thái sau đó (ở Dachau, Buchenwald, Auschwitz hay còn gọi là Oswiencim trong tiếng Ba-lan, v.v.). Sau chiến-tranh, một sự công-bằng nào đó đã được tái-lập qua các phiên tòa xử các tội-đồ giết người Do-thái, vì “tội ác chiến-tranh” (“war crimes”) hay còn gọi là “trọng-tội chống lại nhân-loại” (“crimes against humanity”), ở Nürnberg (Nuremberg) không xa Munich bao xa.

Nhưng cũng ở đây lại vươn lên hy-vọng. Vì trong cuộc chiến, Munich bị bom tàn phá đến gần như không còn một viên gạch. Nhưng sau khi hòa-bình lập lại, chính người dân Munich lại đi lượm lại từng viên đá, từng cục gạch vỡ vụn ra để xây dựng lại những di-tích thành cổ hay nhà thờ theo đúng mẫu kiến-trúc xưa.

Ở nhà xưa của Beethoven

Sau Munich, tôi đi sang Áo học thêm ở Universität Wien, lấy một khóa tiếng Đức cao-cấp ở Đại-học Vienna. Ở đây, tôi được chỉ-định đến ở số nhà 7 Trautsohngasse, không xa Đại-học mấy, đi bộ được. Đến nơi mới khám-phá ra rằng đây là một địa-chỉ ngày xưa nhạc-sĩ lừng danh Beethoven đã từng ở, nên ngoài cửa có tấm bảng đồng đen ghi lại như một di-tích lịch-sử của xứ này. Bây giờ căn nhà cổ xưa này đã thành một căn nhà trọ do một đôi vợ chồng già lo và chia các phòng ra cho sinh-viên ở. Tôi do đó cũng được một phòng, ở cạnh một sinh-viên Pháp, cháu gọi George Taboulet, tác-giả cuốn sách nổi tiếng La geste française en Indochine (“Sự-nghiệp oanh-liệt của Pháp ở Đông-dương”), bằng cậu hay chú gì đó. Ở gần nhau, chúng tôi nói tiếng Pháp với nhau, và tôi chỉ còn nhớ được một nhận-định khá sắc sảo của anh: “La France et le Vietnam, nous sommes comme un couple divorcé. On n’est plus ensemble mais on ne s’oublie pas.” (“Pháp với VN, mình như một đôi vợ chồng ly dị, mình không còn ở với nhau nữa nhưng quên thì không quên được.”) Còn bà chủ nhà thì khi nói chuyện với tôi, thấy tôi biết nhiều. lại còn nói tiếng Pháp, tiếng Đức bên cạnh tiếng Anh nữa nên có một hôm bà khen tôi: “Sie sind ein echte Weltbürger” (“Ông đúng là một công-dân thế-giới thứ thiệt”). Ở tuổi 25 mà đã được khen như thế, phải nói thật là tôi cũng hơi nở mũi.

Ở đây, tôi cũng gặp nhiều bạn đến từ nhiều quốc gia. Xinh nhất và dễ thương nhất, và có lẽ cũng có cảm-tình với tôi, là một cô Ba-lan chừng 18-20 thôi. Mặc dầu cô đến từ một nước Cộng-sản (lúc bấy giờ Ba-lan còn CS) nhưng khi nói chuyện với tôi, cô ít khi mang chuyện chính-trị vào. Duy chỉ có một lần cô buột miệng hỏi tôi về Hồ Chí Minh. Được dịp, tôi tuôn ra một tràng tố-cáo ông ta. Sau đó, chúng tôi vẫn chuyện trò với nhau nhưng có vẻ cô cũng hơi dè dặt một chút.

Ở Vienna, tôi cũng rất thích. Phần vì hồi đó tôi còn đang ở trong tình-trạng muốn được biết tối-đa về ngôn ngữ và văn-minh, văn-hóa Đức (Áo cũng nói tiếng Đức và nằm trong khu-vực văn-hóa Đức). Nên ngoài giờ học, tôi chịu khó đi lang thang thám hiểm các nơi chung quanh cái thành phố đã có hồi làm thủ-đô lẫy lừng của một đế-quốc mang tên Đế-quốc Áo-Hung (Austro-Hungarian Empire) dưới thời triều-đại Habsburg. Vienna cũng có vinh-dự là thành-phố đã hai lần chặn sự tiến-công của Hồi-giáo (1529 và 1689) tìm cách tràn sang Âu-châu, cũng tương-tự như Đại-Việt dưới đời nhà Trần ba lần chặn bước tiến của Mông-cổ xuống Đông-Nam-Á vậy.

Song ta cũng không nên quên: Hitler chính là người Áo, gốc gác là một anh họa-sĩ không mấy thành công nên đổ hết hận thù vào một giống dân khác, người Do-thái, như anh ta viết trong tiểu-sử/tuyên-ngôn của anh, cuốn sách mang tên Mein Kampf (“Cuộc chiến-đấu của tôi”). Với một ý-chí sắt đá và với sự tiếp tay của những bộ-hạ chỉ biết mù quáng làm theo chỉ-thị, khiếp đảm trước cái oai-phong của tên thượng-sĩ chủ mình, Hitler đã lên nắm được (hay đúng hơn là “cướp được”) chính-quyền được ở Đức để rồi đem sáp-nhập quê hương của mình vào với Đức (qua một biến-cố gọi là “Anschluss”), thực-hiện cái mộng ngàn đời của dân Teutonic muốn được thấy cả khối thống nhất trong một quốc gia, dưới một chính-quyền mạnh. (Đây cũng là giấc mơ mà Hà-nội đã bán cho dân-chúng VN, để chúng ta điêu đứng như ngày nay.) Sau Thế-chiến II, Áo cũng như Đức bị chia ra làm bốn khu-vực dưới quyền kiểm-soát của bốn cường-quốc: Anh, Pháp, Mỹ, Nga. Bên phía các đồng-minh thì chả bao lâu, họ cho chính-quyền Áo được cai quản trở lại nhưng phải đến nhiều năm sau, trước khi tôi sang Áo một chút, Nga mới chịu trả lại cho Áo chủ-quyền trên khu-vực Nga chiếm đóng sau khi buộc Áo phải cam-kết trung-lập—một cái giá cũng không đến nỗi quá đắt cho nền độc-lập, thống nhất và chủ-quyền của một quốc gia. Nhưng vì khu Nga quản-trị cũng mới về trong tay của người Áo nên tôi cũng có dịp thỉnh thoảng đi sang khu Nga chiếm đóng trước đó để thấy: chỉ trong vòng có chừng 15 năm (từ 1945 đến 1960) mà cả khu đã xập xệ so với khu các cường-quốc Tây-phương (Mỹ, Anh, Pháp) cai quản.

Vienna là một thành phố đầy ắp lịch-sử. Lịch-sử âm-nhạc đã đành với những tên tuổi như Mozart (mà trong tiếng Đức đọc là “Mô-txác-t” chứ không phải “Mô-da” như ta quen đọc theo tiếng Pháp), Beethoven, Schubert, Franz Lehar (tác-giả The Merry Widow), Strauss v.v. Ở ngay giữa Công-viên Thành phố (Stadtpark) có tượng Mozart và tượng Schubert, tượng Richard Strauss, tác-giả của bài valse bất hủ The Blue Danube (“Dòng sông xanh,” lời Việt của Phạm Duy mà Thái Thanh cũng đã từng gởi lên không-trung trong một giọng hát cao vút, “vượt thời-gian”).

Nhưng đến Vienna cũng là để thất vọng khi ra xem “dòng sông xanh.” Không hiểu thời Strauss, sông Donau (tên tiếng Đức của sông Danube) có xanh thật không chứ hồi tôi đi học ở Vienna (và cả về sau này khi tôi trở lại hơn một lần ở Vienna), dòng Donau (đọc “Đô-nao”) đã hết xanh từ lâu rồi. Nước đục ngầu, chuyên chở nhiều phù-sa nên hơi giống nước sông Seine ở Paris, và nhiều chỗ nước cống hay nước thải (của các nhà máy gần đó) còn đổ ra nên còn hôi thối nữa là khác. (Năm sau sang Nhật, tôi cũng thấy hiện-tượng ô-nhiễm môi-trường này trong những con sông ở Nhật, như ở Osaka, chẳng hạn, làm cho một tiếng chuông đầu cảnh cáo về vấn-đề này, cuốn Silent Spring của Rachel Carson, viết từ đầu thập niên 1950, đã trở nên một tiếng nói tiên-tri.)

Nhưng bỏ ra ngoài một vài kỷ-niệm bất ưng đó, Vienna là một thành-phố có rất nhiều di-tích lịch-sử để xem. Cung vua của triều-đại Habsburg đã hẳn, trong đó có nhà nuôi, chăn và huấn luyện ngựa Lippizzaner nổi tiếng khắp thế-giới, chưa kể đến các bảo-tàng-viện (Albertina Museum) và Vienna Choir Boys, ban đồng-ca nhi-đồng của nhà thờ lớn Stephansdom (St. Stephen’s Cathedral), với những giọng hát thiên-thần. Đi ra ngoài thành phố một chút cũng có những lâu-đài thật đáng xem như Schőnbrunn, được coi như cạnh-tranh với Versailles của Pháp.

Còn ở thành phố thì chỉ cần đi lang thang chung quanh vùng Ringstrasse (“Đường Vòng”) là đủ hết ngày này qua ngày khác một cách rất thích thú. Và hiển-nhiên, ta cũng không thể quên được những tiệm bánh (“die Konditorei”) ngon tuyệt trần-gian (“out of this world”) của đất thần-kinh này.

Cuối khóa học, tôi hẹn ông anh tôi, lúc bấy giờ đang làm ở Ban Việt-ngữ Đài BBC, sang chơi với tôi để hai anh em đánh một vòng sang Ý trước khi về Pháp. Không ngờ đây là mở đầu cho một giai-đoạn hai anh em chúng tôi trở nên “tây (hay nói đúng hơn là ‘ta’) ba-lô” bất đắc dĩ trong một chuyến đi để đời, ngủ bụi ngủ bờ trong một chuyến mạo-hiểm không tính trước qua ba nước. Song đó sẽ là đề-tài của bài sau, xin hạ-hồi phân giải.

Nguyễn Ngọc Bích
Viết xong trong hai ngày 26 và 27/XII/2010
Khu Đồng Xuân
Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc

Nguyễn Ngọc Bích - Từ Áo Qua Ý Về Pháp Cách Đây Gần Nửa Thế-Kỷ

CHUYỆN HAI ANH “TA BA-LÔ”
HAY LÀ TỪ ÁO QUA Ý VỀ PHÁP CÁCH ĐÂY GẦN NỬA THẾ-KỶ - Nguyễn Ngọc Bích


Đầu hè năm 1962, trên đường đi Pháp rồi sang Đức để trau dồi vốn liếng tiếng Đức của tôi (học ở Mỹ), tôi đã ghé Luân-đôn thăm anh tôi, Nguyễn Ngọc Phách, lúc bấy giờ đang làm việc ở Anh cho Đài BBC. Kinh-nghiệm những ngày tôi ở Anh cũng rất đáng kể lại nhưng chắc phải để dịp khác. Như chuyện tôi rất ngỡ ngàng khi khám-phá ra rằng “the Queen’s English” rất khác tiếng Anh ở Mỹ, thậm chí có thể làm cho ta có cảm-tưởng rơi vào một nước nói tiếng khác; rồi cơm Tàu ở Anh cũng rất khác cơm Tàu ở Chinatown New York v.v.

Chỉ cần biết là trong thời-gian đi làm cho Ban Việt-ngữ của Đài BBC thì anh tôi cũng bỏ thời giờ ra lấy thêm một số lớp ở London University về văn-học Anh (nhất là Shakespeare) và tiếng Ý (Tại sao tiếng Ý? Có lẽ tại vì Shakespeare dùng khá nhiều điển xuất phát từ nước này, như chuyện Romeo and Juliet, chẳng hạn). Chính vì thế mà chúng tôi hẹn nhau, cuối hè, khi tôi học xong lớp tiếng Đức của tôi ở Áo, anh tôi sẽ bay sang để đi chu-du một chuyến với tôi, từ Áo sang Ý rồi về Pháp trước khi tôi đáp máy bay về VN trên đường đi Nhật. Những ngày hoà-bình đó, giờ nghĩ lại tưởng như là “ngày Giời, tháng Bụt,” khung trời mở cửa thênh thang trước mặt ta. Dù như nếu ta nhớ lại lịch-sử thì năm 62 cũng là năm của cuộc “khủng-hoảng hoả-tiễn ở Cuba” (“the Cuban missile crisis”) sém đưa Nga và Mỹ vào một trận thư hùng của Thế-chiến III, suýt đưa nhân-loại vào lò vũ-khí hạt nhân theo một kịch-bản mà người ta gọi là “một kịch-bản thế-giới tương-tàn.”

Song dù ngành học của tôi là Chính-trị-học, tôi vẫn chưa hiểu gì nhiều về những thứ chính-trị ở thượng-tầng khí-quyển đó. Có thể nói là chả hiểu gì cả, “ignorance is bliss” như người ta thường nói trong một câu ngạn-ngữ tiếng Anh.

Thành hai anh em chúng tôi cứ thong thả dong chơi. Sang tới Vienna, tôi đưa anh tôi đi một vòng rồi đi tìm chỗ ăn. Bởi anh tôi thích ăn cơm ta (mà chúng tôi biết chắc là chưa có ở Vienna hồi bấy giờ--chả bù với ngày nay thì lại có những tiệm thật ngon như của con anh Nguyễn Văn Trần), chúng tôi đành phải nghĩ đến tìm tiệm Tàu. Tưởng một thành-phố như Vienna thì cơm Tàu kiếm thế nào chẳng ra. Chẳng dè đi hết buổi, từ sáng đến tối, không đâu thấy có tiệm nào như vậy cả. Đó là một cái lạ đầu tiên. Cuối cùng thì cũng nhờ hỏi quanh hỏi quất, chúng tôi tìm ra được một tiệm khuất trong một ngõ hẻm ở ngoại-ô. Vào đã thấy hơi là lạ bởi tiệm vắng tanh. Nhưng đói quá rồi, đành phải gọi cơm đi thôi. Cơm đem ra thì không ghê khiếp nhưng cũng nuốt được. Và vì cả tiệm chẳng có ma nào ngoài hai anh em chúng tôi nên một lúc, chúng tôi cũng gợi chuyện được với ông chủ. Thì ra ông ta lại là Tàu Hải-phòng lưu lạc sang đến tận Vienna, và một lúc sau chúng tôi lại còn chứng-kiến được một chuyện lạ hơn nữa: đó là ông đầu bếp không phải là Tàu mà lại là một ông Tây đen Phi-châu. Chả trách!

Bởi ngày rộng tháng dài nên chúng tôi cứ tà tà, hôm nào nổi hứng đi đâu thì đi đó. Trước khi rời Vienna, chúng tôi kiểm-soát lại tiền thì thấy khá thiếu hụt. Sợ không đủ để đi một vòng nước Ý trước khi về Pháp, ông anh tôi vội đánh điện về Luân-đôn cho một người bạn (anh Tôn-thất Kỳ) nhờ ứng tiền ra cho vay, gửi sang gấp để chúng tôi còn đi hai nước nữa. Nhưng đợi mãi, gần một tuần mà vẫn chẳng thấy tiền đâu trong khi tiền tôi mang theo đã bắt đầu cạn, tiền ông anh đem sang cũng không rủng rỉnh gì cho lắm.

Salzburg

Cuối cùng, chúng tôi đành phải quyết-định lên đường thôi. Để hà tiện tiền khách-sạn, chúng tôi tính cứ mua vé xe lửa lên đó ngủ tới chặng sau, tới nơi thăm thú rồi lại lấy vé đi tiếp. Bằng cách này, trên đường sang Ý, chúng tôi ghé Salzburg, quê của Mozart, và lập-tức ông anh tôi mê tít cái thành phố nên thơ này. Có lúc ngồi gốc cây hóng mát, chân nhúng xuống nước trong như lọc của dòng sông Isar, ông anh tôi đã nổi hứng phán: “Về già, anh muốn về chết ở đây.” Ông anh tôi không nói ra nhưng tôi ngờ, ông chỉ có ý định đó là vì mấy cô bé Salzburg, mặt lúc nào cũng ửng hồng như con gái Đà-lạt, lại có thói mặc một cái yếm màu mà tiếng Đức (ở Áo) gọi là “Dirndl”—xinh ơi là xinh. Cái áo có yếm này được người ta xem là đặc-thù của các cô vùng này đến nỗi người ta gọi luôn các cô cũng là “Dirndl.” Thế có nghĩa là Dirndl vừa là cái áo, vừa là cô con gái mặc áo loại yếm vuông đó. Mà phải nói thật, không chỉ có ông anh tôi mê các Dirndl, thả ra tôi cũng chẳng chê!

Có thể nói thời-gian ở Salzburg là lúc nào mình cũng cảm thấy như bay bổng, gần như đang sống ở Đào-nguyên, với nhạc Mozart văng vẳng bên tai, đan vào với tiếng suối róc rách (“Côn-sơn có suối nước trong / Nước nghe róc rách như cung đàn cầm…”—thơ Nguyễn Trãi), trong khi nhìn chung quanh thì chỉ thấy các nàng Dirndl như sửa soạn sắp đến “dâng” cho mấy chàng Lưu Nguyễn tân-thời này “hai trái đào tiên.”

Bắc-Ý

Chẳng thế mà cực chẳng đã, chúng tôi mới rời bỏ được Thiên-thai để sang vùng Tyrol đầy đàn hát và múa vũ trước khi đi vào nước Ý. Tới Ý, chúng tôi trực-chỉ đi Bologna đến nhà người bạn mà tôi đã gặp và học chung với ở Munich. Anh ta và gia-đình bố mẹ đón tiếp chúng tôi thật niềm nở, coi gần như một thứ thượng-khách nên chúng tôi được ăn ở khá tươm tất trong mấy ngày. Thành phố Bologna không đẹp nhưng khá cổ kính, đặc-biệt đi ở những đường phố chính đều có hàng hiên rộng gạch đỏ, có mái che nên không bị nắng mưa, đi lại mua bán rất mát mẻ dễ chịu. Và hiển-nhiên đây cũng là quê hương của món xúc-xích Ý nổi tiếng mang tên… Bologna!

Mấy ngày ở Bologna, chúng tôi được anh bạn chiều chuộng đủ điều. Giới-thiệu với các bạn bè, rủ đi chơi các nơi, thăm thú các thành phố lân cận. Mới biết người Ý tính lạc-quan, thích vui đùa, chỉ phải đối với người Ý trẻ, nhiều người còn nói được tiếng La-tinh (một hình-thức cổ của tiếng Ý) một cách khá tự-nhiên. Nên họ đổi từ tiếng Ý hiện-đại sang tiếng La-tinh một cách khá dễ dàng, họ đùa nghịch, kể truyện cười, chọc ghẹo nhau khi bằng tiếng Ý khi bằng tiếng La-tinh… làm cho anh em tôi đôi khi ngớ ra dù rằng hồi nhỏ mình cũng có học tiếng La-tinh và tôi còn nhất lớp nữa.

Không chỉ đưa đi xem Bologna, anh bạn còn hướng-dẫn chúng tôi sang những thành phố gần đó như Siena, Ravena (nổi tiếng ice cream ngon) hay Pisa (với cái tháp tròn nghiêng hơn năm trăm năm mà vẫn không đổ). Chúng tôi còn lưu lạc sang tận cả Venezia (= Venice), thành phố của các gondola, các thuyền cong mũi do các tay chèo đưa đi thăm thú các nơi qua các kinh rạch, tựa như ngày nay ta đi thăm các chợ sông ở Bangkok bằng taxi nước vậy. Đêm về, các tay chèo gondola này nhiều khi còn nổi hứng hát vang lên những điệu dân-ca nổi tiếng như “Santa Lucia” hay “Funiculi Funicula.” (Giờ đây, Bangkok có nhiều đường phố lớn đắp đè lên các kinh lạch xưa nên cuộc sống trên các sông rạch đã bị thu hẹp đi nhiều so với trước nhưng vẫn còn có nơi ta có thể mường tượng được ra cuộc sống trên sông hồ ngày xưa, nên đã có lúc Bangkok được gọi là Venice of the Orient. Thật ra, Kẻ Chợ ngày xưa, nghĩa là Hà-nội vào thế-kỷ thứ 17-18 cũng có hiện-tượng này, con người ta đi lại trên sông hay các kinh rạch tự-nhiên, thoải mái như ngày nay người ta sống trên một số kinh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long vậy.)

Nhưng sau khi đi thăm Venice với cái piazza (quảng-trường chữ nhật) San Marco nổi tiếng của nó thì anh em chúng tôi cạn hẳn tiền, mỗi người chỉ còn vài nghìn lira, chắc chắn không đủ để đi ngủ khách-sạn (dù là “albergo della gioventù,” quán trọ rẻ tiền dành cho tuổi trẻ, đi chăng nữa). Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn còn tham, còn cố đi thăm Firenze (tức Florence) mà cả thành phố có thể xem như một bảo-tàng-viện sống về mỹ-thuật thời Phục-hưng (thế-kỷ XIV-XV ở Ý). Dante (1265-1321, đọc “Đan-tê” chứ không phải “Đăng-tơ” như trong tiếng Pháp), nhà thơ lớn nhất của Ý, tác-giả La Divina Comedia (“Hí-khúc thần tiên” hay còn gọi là “Thần-khúc”), sống ở đây. Và hiển-nhiên, đến Fi-ren-xê là cũng để trầm mình vào mỹ-thuật, tranh tượng thời Phục-hưng với những tác-phẩm tuyệt trần đời của Brunelleschi (kiến-trúc-sư), Donatello (điêu-khắc-gia), Masaccio, Piero della Francesca, Botticelli (tranh “Venus nổi lên từ sóng nước”), Mantegna, Bellini (tất cả là hoạ-sĩ sơn dầu) trong sơ-kỳ bùng nổ của giai-đoạn này. Sang đỉnh-điểm thời Phục-hưng (1490-1520) thì ta lại còn có những nghệ-sĩ lớn hơn thế nữa, những đại-hoạ-gia như Leonardo da Vinci (tranh Mona Lisa) hay Raphael, những điêu-khắc-gia, hoạ-sĩ và kiến-trúc-sư như Michelangelo (tượng Pietà, tranh trên vòm Sistine Chapel), Bramante (kiến-trúc-sư) v.v.

Dù chúng tôi học hỏi được rất nhiều song bụng thì khá đói vì tiền không còn bao nhiêu, nhiều lúc chỉ dám mua bánh mì ăn trừ, ăn chay nghĩa là không có cái gì đi kèm cả. Hai anh em bèn nảy ý, đã đến mức này thì chỉ còn mỗi một cách là đi tìm việc độ nhật. Tức thì chúng tôi thấy một số người mặt mũi đen đuốc đang đứng bên đường sàng như sàng rác. Lân la hỏi thăm (những lúc này mới thấy lõm bõm tiếng Ý là quan-trọng, là chuyện sống còn), chúng tôi được biết là họ đãi rác để tìm kim-khí, bất cứ loại kim-khí gì (đồng, chì, sắt vụn v.v.). Hỏi: Chúng tôi làm được không? Tại sao không, họ trả lời. Nếu chúng mày làm thì sẽ được lãnh mấy trăm lira một giờ, nghĩa là một thứ lương rẻ mạt. Song rẻ thì rẻ, vẫn là tiền mà lúc bấy giờ chúng tôi cần hơn bao giờ hết, để sống qua ngày.

Chỉ buồn cười là cuối ngày, anh em tôi mỗi người được vài trăm lira, thấy khoái chí, nghĩ rằng mình đã có thể mua bánh mì ăn tối đó. Còn đang suy tính thì bỗng thấy có một xe cam-nhông chở hàng lớn đi qua, vội vẫy lại xin quá giang. Anh tài xế lái một mình cả ngày nên có lẽ cũng thấy buồn, bèn phanh kin kít lại để cho chúng tôi lên. Nhưng xe lớn nên khi đậu lại được thì cũng cách chúng tôi cả mấy trăm thước là ít. Hai anh em bèn cắm cổ chạy theo, sợ lâu quá người ta không chờ mình nữa. Hộc tốc đến nơi, leo được lên xe, cám ơn rối rít rồi thở hắt ra, hổn hển. Gặp một anh tài vui tính người miền Nam (nước Ý) nên cũng hơi khó nghe một chút song chúng tôi cũng bắt được chuyện. Tức thì anh kể đủ chuyện, nào chuyện vợ, chuyện con, chuyện Ý miền Bắc, Ý miền Nam kỳ-thị nhau như thế nào, rồi chuyện chính-trị v.v. Nghĩa là chuyến đi khá thích thú, anh còn dạy chúng tôi là “mấy thằng Ý miền Bắc, chúng khinh khi chúng tôi (Ý miền Nam), chúng gọi chúng tôi là heo là lợn (‘porci’) trong khi chúng cũng chẳng hơn gì, lũ chó!” Chúng tôi nghe tiếng được tiếng không song cũng tạm hiểu, cười hể hả với anh.

Chả mấy lúc xe đến Torino (Turin trong tiếng Anh, tiếng Pháp), quê hương của xe Fiat. Anh thả chúng tôi xuống. Bấy giờ khá đói, chúng tôi mới mò đi tìm chỗ ăn. Thấy có chỗ bán spaghetti khá rẻ, định xà lại song rờ vào túi mới thấy tiền làm ra ban chiều biến đâu mất hết. Thì ra nó trả bằng tiền đồng, lúc chạy theo xe không để ý, tiền xốc hết cả ra, chỉ còn có vài tờ giấy vụn. Thế là lại phải ăn chay, nghĩa là chỉ có bánh mì không. Được cái, bánh mì Ý thì cũng ngon không thua gì bánh mì baguette của Pháp nên cũng lót dạ được. Vả, cũng nhờ kinh-nghiệm đó mới biết được là ở Ý, người ta bán spaghetti hay các thứ thức ăn khác (pizza, lasagna, macaroni…) theo từng 100 gram một. Thấy người ta đề giá đó, người không quen sẽ ham đòi mua một đĩa chẳng hạn, họ sẽ cân đo và tính lên gấp 5 gấp 6: thì hoá ra một đĩa có thể là 500-600 gram và người bán cứ việc nhân lên với giá của 100 gram mà tính tiền. Nghĩa là ngu ngơ mà đụng vào là cháy tay!

Vì Torino chả có gì lắm để coi (mãi sau này tôi mới biết là ở đây có cái “shroud of Turin,” một cái áo mà theo truyền-thuyết Jesus đã mặc hồi sinh-thời nên giờ đây còn mang máng thấy hình ông in trên áo) nên chúng tôi lại tìm cách mò đi Milano (Milan trong tiếng Anh, tiếng Pháp). Đến nhà ga Milano, vừa bước từ trên xe lửa xuống, hai anh em chúng tôi thấy mình bị coi như một thứ xiếc. Không hiểu từ đâu, một đàn con gái khoảng 16-17 tuổi, cũng phải có đến 10-12 cô, làm một vòng đi quanh anh em chúng tôi, vừa đi vừa chỉ trỏ rồi cười nói vui vẻ. Chưa biết phải phản-ứng ra làm sao thì một cô trong đám hất hàm hỏi: “Cinese?” (“Ba Tàu hả?”) Đến khi chúng tôi lắc đầu trả lời: “Vietnamita” thì các cô ra vẻ thích thú, hỏi tiếp: “Thế các anh có muốn chúng tôi đưa đi coi tỉnh không?” Lạ quá! Thấy các cô đon đả thân thiện, chúng tôi chịu ngay. Thế là cả ngày hôm đó, chúng tôi được đi thăm Milano do một đàn con gái tíu tít dẫn đi, cô nào cũng đòi nói, đòi dạy, chỉ cái này, khoe cái kia. Thực ra, Milano cũng không có nhiều cái để coi nhưng kỷ-niệm hai anh nhà quê được một lô con gái Ý dẫn đi thăm thú thành phố phải kể là một kinh-nghiệm để đời, khó quên. (Giờ ngồi nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu tại sao hồi đó, con người ta có thể hồn-nhiên như vậy được. Không những đây không phải là một bọn Gypsy nhằm lột tiền lột máy ảnh của mình, mà cũng không phải là người quen biết nữa. Hoàn-toàn ngẫu-hứng. Tôi cũng không rõ tại sao hôm đó, mấy cô này có thể bỏ được ra cả mấy tiếng đồng-hồ hướng-dẫn chúng tôi đi vòng quanh tỉnh.)

Đêm ở Milano, vì không có tiền nên chúng tôi phải ra công-viên ngủ. Tưởng mình nghèo khó mới phải ra công-viên ngủ, nào ngờ khi ra đến đó thì đã thấy nhiều ghế băng có người chiếm cứ rồi. Phải chật vật, hai anh em chúng tôi mới tìm được ra mỗi người một ghế. Đêm trăng sao thật sáng, lại ngủ trong gió hiu hiu thật tuyệt diệu. Thỉnh thoảng tỉnh dậy thì thấy mấy người đàn ông Ý ngồi nói chuyện với nhau rôm rả. Chúng tôi bèn hỏi: “Các ông không có nhà à?” “Bậy nào, chúng tôi đều có vợ có con có nhà có cửa cả.” “Thế tại sao các ông lại đi ngủ công-viên?” “Thế các anh không thấy là ngủ ngoài này mát thú à?” Khi chúng tôi công-nhận là có thế thật thì họ cười ha hả: “Ngủ thế này có thích hơn không? Nếu tỉnh dậy mà có chuyện gì hay, mình có thể gọi bạn mình dậy kể cho nó nghe. Chứ ở nhà mà nghe vợ con lải nhải thì còn gì là thích thú?”

Sau Milano, chúng tôi tìm đường đi về Pháp. Lại xin quá giang (autostop) đi về phía Bắc, lên núi Alpes. Đến Lugano, nơi có một cái hồ thật đẹp, là chúng tôi bắt đầu đi vào Thuỵ-sĩ, nghĩa là lên núi khá cao và trời bắt đầu lạnh nhiều, dù đây là mới chớm vào thu. Chúng tôi tranh thủ thời-gian để cố về Pháp cho mau nên ngày đêm xin autostop. Được cái may là có thể hai anh em tôi, nhỏ con, trông cũng khá hiền lành nên xin autostop ở mấy nước như Áo, Ý và Thuỵ-sĩ không đến nỗi khó lắm. Cũng có thể là hồi đó (1962) thế-giới hãy còn ở trong tuổi thơ ngây (“age of innocence”) nên chúng tôi vẫn còn được nhiều người thương, cho quá giang tương-đối dễ dàng.

Qua biên-giới

Nhưng tất cả những cái dễ dàng đó, khi đến gần biên-giới Pháp, bỗng biến mất. Để qua Pháp, chúng tôi phải đi qua một cái đường hầm rất dài xuyên qua núi. Tưởng mọi sự cũng được dễ dàng như mọi khi, chúng tôi cứ đứng bên này đường hầm làm dấu xin quá giang nhưng không ma nào dừng lại cả. Như vậy cả ngày mà không có kết-quả, anh em chúng tôi tự nhủ: Hay là mình cứ lên đường rồi nếu gặp may thì sẽ có người cho quá giang, chứ đứng một chỗ mất gần hết ngày mà chẳng gặp ai cả thì không biết đợi đến bao giờ. Nói là làm vì trời đã xẩm tối và nhiệt-độ đã xuống khá thấp. Thế là chúng tôi lên đường.

Đi cả mấy tiếng đồng-hồ mới hết cái đường hầm (tôi không còn nhớ tên nữa), vừa ra thì gặp gác biên-giới của Pháp hỏi giấy tờ. Thì ra đến đó chúng tôi mới vỡ lẽ, sở dĩ không ai cho chúng tôi quá giang là vì người ta ngại cho mình lên xe người ta để qua biên-giới. Người ta đâu biết là trên mình mình có cái gì, biết đâu có đồ lậu hay ma tuý thì làm sao người ta giải-thích được cho các lính gác hay đoan ở biên-giới.

Qua được hầm rồi, trời đã khuya thật khuya và thời-tiết lạnh buốt xương da. Ông anh tôi còn hút thuốc nên đỡ phần nào, riêng tôi thì hoàn-toàn không thuốc lá, không rượu chè nên cứ cắn răng mà chịu. Vì thế cứ phải cố gắng đi cho ấm người nhưng cuối cùng, chịu không thấu, hai anh em mới rủ nhau đi tìm một chỗ nào trú gió. Chung quanh là đồng không mông quạnh, không thấy đến một nóc nhà. Mãi chúng tôi mới tìm thấy một góc tường ở giữa ruộng, nghĩ là có thể nép vào đó mà tránh được gió núi đang rít từng cơn. Chúng tôi dựa vào nhau để truyền chút hơi ấm, anh tôi lấy bật lửa ra châm đốt một tờ báo mang theo từ sáng song cũng chỉ được phừng lên một chút ánh sáng nóng rồi lại tắt ngúm. Cố ngủ vì quá mệt song cũng chỉ ngủ được chừng 5-10 phút rồi cũng phải bật dậy vì quá lạnh. Còn đang phân vân chưa biết làm sao thì tự-nhiên thấy có một ánh đèn pin soi về phía mình. Chưa rõ là cái gì thì bỗng thấy hai nòng súng của một khẩu súng trường hai nòng chĩa thẳng vào người chúng tôi. Hỏi: “Chúng mày đang làm gì? Qu’est-ce que vous faîtes ici?” Vội đáp: “Chúng tôi độ đường, tìm cách trú vào đây!” Đã tưởng ông ta sẽ nhủ lòng thương hại mà cho vào nhà nhưng rồi ông ta chỉ nhìn từ trên đầu xuống đến chân chúng tôi, chắc cũng để đánh giá chúng tôi không phải là kẻ cắp nên nói: “Alors, vous allez décamper, non?” (“Các anh không bán xới đi à?”)

Lúc bấy giờ, khoảng độ 4 giờ sáng. Nghĩ cố ngồi thêm cũng chẳng được vì quá lạnh, hai anh em lại rủ nhau lên đường mong là đi lại một lúc thì thân-nhiệt sẽ toả ra cho bớt lạnh. Nhưng không hẳn, trời vẫn còn khuya và lạnh buốt, gió vẫn rít từng hồi mà là gió núi nên buốt đến tận tâm can, xương tuỷ. Cố chịu trận được một lúc khá lâu thì trời cũng bắt đầu tờ mờ sáng. Đến khoảng độ 6 giờ thì bắt đầu có xe đi lại, hai anh em vội đứng ra làm dấu xin quá giang. Nhưng hoàn-toàn thất bại.

Ức nhất và không thể hiểu được là gần đó cũng có một cô con gái tóc blonde ra vẫy, tức thì có xe ki…ít đậu lại ngay cho lên. Những lúc này mới thấy là người ta khôn. Xe vừa đậu lại, tức thì ở trong một lùm cây gần đó có ngay một anh con trai vác va-ly chạy ra theo cô gái xin đi cùng. Thì hoá ra họ đi theo cặp, cô con gái đứng ra làm mồi, khi xe đậu lại là anh con trai hiện ra liền để đi theo và bảo vệ cô bồ của mình.

Không phải chỉ có một trường-hợp, trong ngày hôm đó chúng tôi chứng-kiến ít ra là hai ba cặp làm như vậy. Và họ hoàn-toàn thành công.

Trong khi chúng tôi chờ từ sáng đến chiều, không thấy ai cho lên cả. Còn đang phân vân chưa biết tính sao vì trời lại bắt đầu tối, sợ lại phải qua một đêm lạnh buốt thì bỗng có một cái xe Citroën Sport trờ tới, đậu lại và hỏi: “Lên không?” Mừng hết lớn, chúng tôi vội vàng nhảy lên và cám ơn rối rít. Tức thì người chủ xe hỏi: “Các anh biết tại sao tôi ngừng lại cho hai anh lên không?” Khi chúng tôi trả lời không thì ông ta mới giải-thích: “Các anh biết không? Tôi đi làm buổi sáng, khoảng 7 giờ tôi qua đây đã thấy hai anh. Giờ chiều về, tôi vẫn còn thấy hai anh ở đây nên tội quá mới cho hai anh lên. David, dis bonjour à ces messieurs.”

David là tên thằng con đi cùng xe với bố, chừng 9 tuổi. Nói chuyện qua lại một hồi, chúng tôi bắt đầu thân mật. Ông bố hỏi thăm chúng tôi học gì, học ở đâu. (Tôi học ở Mỹ còn anh tôi học ở Anh.) Rồi lang bang sang chuyện chính-trị, chính em, chính-tình thế-giới, rồi đến văn-chương, khoa-học, triết-lý v.v. Đang nói huyên thuyên, bỗng chúng tôi nghe đến cái bốp! Thì ra ông ta bớp đứa con: “David, tu vois? Ces messieurs là ne sont même pas français et pourtant, ils parlent français si bien. Alors que toi, tu es un fainéant et ne fous rien.” (“David, mày thấy không? Mấy ông đây đâu có phải là người Pháp mà họ nói tiếng Pháp ngon lành. Còn mày thì mày lười lĩnh, chẳng làm gì cả.”)

Chúng tôi đâm ra ái ngại cho thằng nhỏ, nghĩ bụng chắc nó sẽ hận thù mình suốt đời. Chúng tôi cũng phải cố nói mấy lời an ủi, cho rằng tuổi trẻ thì đôi khi ham chơi một chút thôi chứ không có sao. Chuyến quá giang này là một chuyến vĩ đại vì chúng tôi được đưa tuốt luốt một mạch từ trên núi về đến Lyon, cách xa đó gần 400 cây số.

Ngủ ở vườn hoa, ở ga xe lửa

Đêm hôm đó ở Lyon, chúng tôi cũng vẫn không có nhà nào để đến tá túc. Tiền vào “auberge de la jeunesse” lấy đâu ra, bèn tìm đường ra công-viên ngủ. Tưởng ở đây cũng dễ như ở bên Ý. Nào ngờ, vừa đặt lưng xuống được một chút thì đã có cảnh-sát đến đuổi đi: “Allez, allez!” Lúc đầu còn chạy quanh, cảnh-sát đuổi mình ở góc này thì lại giả vờ đi rồi sang góc khác ngủ. Rồi cố ý làm ngơ, xem như mình ngủ say quá rồi không còn biết trời trăng gì nữa. Nhưng cảnh-sát cũng chẳng vừa. Sau khi đuổi hai ba lần chẳng xong, họ bắt đầu giở ngón nghề của họ. Lúc đầu họ còn chiếu đèn pin sáng loá vào mắt mình. Cố nhắm nghiền mắt lại ngủ tiếp. Thế là họ rút ở trong túi họ ra một cái súng nước bắn đầy nước vào ngay lỗ tai mình, thế là phải vội vã lồm cồm bò dậy… và hậm hực ra đi.

Được cái may, công-viên cũng gần nhà ga (nếu tôi nhớ không nhầm thì cái công-viên còn gọi là “Jardin de la Gare”) nên chúng tôi đi ra ga, giả vờ làm như chờ tàu rồi ngủ gà ngủ vịt. Nhưng thế cũng không yên vì chả mấy lúc có nhân-viên nhà ga đi lại hỏi, vé các anh đâu? Làm gì có vé để mà trưng ra nên lại bị đuổi. Thành thử đêm hôm đó, hai anh em chúng tôi khá vật vờ.

Đợi đến sáng sớm ra đường đi về hướng Paris xin autostop. Khá may, trời còn tờ mờ sáng đã có người đậu lại và cho lên. Thì ra đây là một bác VN làm ngành lục-lộ đã ở Pháp cả 40-50 năm rồi. Vừa lái xe, ông vừa kể chính ông là kỹ-sư coi sóc việc xây dựng đoạn đường đang đi nhưng cũng vì vậy, ông chỉ có thể cho chúng tôi đi được khoảng 50 cây số thôi, bởi đến đó là đoạn cuối đường ông phải tới làm việc hôm đó.

Còn đang bơ vơ chưa biết tính sao thì may quá, lại có một cái xe Volkswagen ngừng lại hỏi: “Các anh đi đâu?” “Chúng tôi đang tìm cách quá giang đi Paris.” “Thế thì lên đi.” Tưởng nhiều nhất là chỉ đi được một đoạn đường, nào ngờ anh bạn người Do-thái tốt bụng kia cho đi tuốt gần 800 cây số về luôn Paris. Thế là mọi khó khăn của chúng tôi tan biến.

Đến Paris, anh thả chúng tôi ở Paris V (Cinquième) gần vườn Luxembourg. Chúng tôi cám ơn anh và hẹn anh đi ăn cơm VN hôm sau để tạ ơn. Về Maison de l’Indochine, chúng tôi không thể sung sướng hơn được sau khi rũ hết bụi đường bằng một màn tắm kỵ cọ thật kỹ lưỡng. Và vui nhất là tiền cũng đợi chúng tôi ở đây: Thì hoá ra ông bạn anh tôi ở BBC, khi được điện-tín của ông anh, lại cứ nghĩ là gửi sang Áo thì muộn mất rồi nên bèn gửi thẳng sang Pháp. Ông đâu biết là vì nhờ sự hiểu lầm của ông mà anh em chúng tôi có dịp đi ngủ như ở hầu hết các công-viên ở miền Bắc nước Ý, rét gần chết lần băng biên-giới qua Pháp… nhưng rồi cũng học được không biết mấy sàng khôn và đo được lòng tốt của biết bao người!

Nguyễn Ngọc Bích
Nhớ lại sau gần nửa thế-kỷ
Đêm 12 tháng 1, 2011
Đồng Xuân, Bang Trinh-nữ
Hoa-kỳ-quốc

Thursday, January 6, 2011

CD Ngọc Thủy: Một Hơi Mới Rất Dễ Thương Trong Âm-Nhạc VN Hôm Nay - Nguyễn Ngọc Bích

Tôi vừa nhận được qua đường bưu-điện CD “Nhạc Tình Xa Xứ” với hình ca-sĩ Ngọc Thuỷ ở ngoài bìa, phía sau là một bụi tre, hát nhạc của Lại Minh Thuận phổ nhạc thơ Ngô Đình Vận. Cả ba tên tuổi đối với nhiều người có lẽ còn xa lạ nên nhân dịp này tôi xin được giới-thiệu vài hàng về bộ ba này.

Thơ Ngô Đình Vận

Tôi với Vận có một thứ duyên kỳ lạ. Biết nhau từ ở Việt-nam song gốc gác tuy ở cùng một sở, Việt Tấn Xã, hai chúng tôi cũng ít có dịp gặp nhau để gần gũi, thân tình. Song qua một ông anh của tôi, tôi được biết Vận là một thứ lính khá lạ, có lòng nhưng không nhất thiết được các xếp thương. Từ kinh-nghiệm lính này, anh đã viết nên một cuốn truyện đặc-sắc, Chiến trường tồi tệ, nhưng cũng gây không ít rắc rối cho anh dù như hai bài thơ trong đó đã được phổ thành những bài nhạc khá phổ-biến một thời.

Qua Mỹ, có lần anh đến chơi Virginia, tôi mới được biết là trong thời-gian bị kẹt lại ở Việt-nam với CS (5 năm) anh đã quay ra học Kinh Dịch để trở nên khá thông thạo về những lẽ biến thiên của cuộc đời. Không giống những người trẻ khác, anh rất thích những biểu-hiện về văn-hóa quê hương. Gặp cụ Tá Chi Trương Cam Khải, anh say mê những nét vẽ thuần Đông-phương của cụ, từ những nét bay bướm vẽ hoa lá đến những đường gân guốc vẽ trúc, vẽ đá, gợi cho ta suy tưởng đến những đại-họa-sư Trung-hoa đời nhà Tống. Gặp cụ bà Kim Y Phạm Lệ Oanh, anh thấy nơi cụ một nữ-học-giả bình dị mà uyên bác, bề ngoài trông thật đơn sơ mà bên trong là cả một kho tàng chữ nghĩa, dịch Kinh Thi, dịch truyện tàu (Liêu trai chí dị), đọc chữ Nôm, một trong những nữ-sĩ đầu tiên viết tiểu-thuyết tân-thời từ đầu thập niên 1940.

Vận ở Mỹ song lại thích trở về nguồn. Sang Cali, trong nhiều năm anh đi làm cho Đài phát thanh Khoa-học Kỹ-thuật nhưng không bao giờ anh sao nhãng chuyện văn chương, chữ nghĩa. Đó là lý-do thỉnh thoảng tôi lại nhận được điện-thoại của Vận như trên trời rơi xuống hỏi chuyện này, nhắc chuyện kia.

Bỗng một hôm, Vận gọi cho tôi khoe là đã làm xong được một bài hát, “Quốc-tế Việt ca,” mà anh muốn tôi giúp làm thành lời tiếng Anh để có thể hát được theo nhạc của bài Việt. Và thế là ta có bài do Hoàng Trọng Thụy phổ nhạc và hòa âm, Kim Tước và Vũ Anh hát (trên Youtube Quoc te Viet Ca):

QUỐC TẾ VIỆT CA


Hỡi những người Việt Nam trên toàn thế giới
Đã yêu tự do như yêu mạng sống mình
Hãy đứng lên lấy lại quyền làm người
Như người dân trên toàn thế giới
Như người dân trên toàn thế giới.

Hỡi những người Việt Nam ở khắp nơi
Dân tộc chúng ta chưa từng được nói
Chưa từng biết đến độc lập tự do
Chưa từng góp tiếng đích thực cho đời.

Hỡi những người Việt Nam trên toàn thế giới
Từ Đông sang Tây hãy thức dậy
Cùng với mặt trời nắng soi đường không tắt
Cùng với mặt trời dân mình tìm đến tương lai.

Hỡi những người Việt Nam ở khắp nơi
Cùng những người Việt ôm giữ quê hương
Hãy nắm tay nhau đòi hòa bình công chính
Đòi quyền dân cho dân tộc Việt Nam.

Hỡi những người Việt Nam ở khắp nơi
Cùng những người Việt ôm giữ quê hương
Hãy góp sức chung xây hòa bình ngàn năm tới
Mở kỷ nguyên toàn cầu vui sống bình yên.

Bài có tham-vọng thay bài “Quốc tế ca” đầy sắt máu của CS nhưng với một tâm-hồn thật bao la, thật Việt-nam:

“Hãy góp sức chung xây hòa bình ngàn năm tới
“Mở kỷ nguyên toàn cầu vui sống bình yên.”

Bẵng đi một thời-gian dài (nhiều năm), tôi không được tin tức gì của Vận. Tưởng anh đã cạn nguồn cảm-hứng! Song tôi đã nhầm to.

Lại một hôm khác, đánh kiểu du-kích, anh gọi cho tôi từ miền Tây để cho tôi nghe qua điện-thoại bài “Lệ Biển,” thơ Ngô Đình Vận, nhạc Lại Minh Thuận, hòa âm Nghiêm Phú Phi, giọng hát Kim Tước:

LỆ BIỂN (Trích)

Tôi khóc những người
Đã chết oan khiên
Người lạ người quen
Chết đói, chết khát
Chết dấm, chết dúi
Chết đuối, chết chìm
Chết ức, chết oan
Chết thảm thương
Trên đường đi tìm đất sống bình yên…

Tôi khóc phận người
Một đoạn đường đời
Gai góc thảm thương
Tôi khóc lặng câm
Van vái hồn thiêng
Về với bình minh
Đánh thức núi sông.


Bài hát được làm ra để chuẩn-bị đánh dấu ngày 30/4 năm 2005! Song Vận không chỉ làm nhạc đấu tranh hay nhạc ai oán, xót xa. Bài hát ngậm ngùi này đi sâu vào lòng người, cũng như bài “Sao Mai” nói về một người em ở lại (“Đôi ta là một sống hai nơi”):

Tôi ở bên này em bên kia
Sao hôm lạnh ngắt nỗi chia lìa
Sao mai bên đó em còn thức
Mong rạng đông về soi bóng tre…

… Tôi thương em mà lại thương tôi
Thương bao thân phận những dập vùi
Tôi ôm trống trải lòng kinh hãi
Đời có chăng còn quên nhớ thôi…
Tôi thương người mà biết thương tôi
Thương bao cơ cực những mảnh đời
Thương sông mải miết đi tìm núi
Thương đất khô cằn thương nước vơi.

Nhạc Lại Minh Thuận

Thơ Vận hay, có tâm-hồn, ý nghĩa nhưng nếu không gặp những nghệ-sĩ hàng đầu của VN thì có lẽ sẽ còn phải mất nhiều thời-gian nữa mới tới được người nghe hay người đọc. Thơ của anh đã được Phạm Duy phổ nhạc từ trước 75, sang Mỹ anh được Hoàng Trọng Thuỵ tiếp tay, Nghiêm Phú Phi đệm piano, Kim Tước và Vũ Anh hát, chứng tỏ là những bài hát kia có giá lắm. Nhưng từ khi anh gặp Lại Minh Thuận thì thơ của anh được bay bổng hẳn lên, cho ta cảm-tưởng là người này sinh ra để làm thơ cho người kia phổ nhạc. Sau nhiều lần được nghe nhạc do hai người làm ra, cuối cùng, trong một dịp đi Cali, tôi cũng được gặp Lại Minh Thuận, người nhạc-sĩ mà tên tuổi giờ đây hầu như gắn liền với thơ Ngô Đình Vận tương-tự như nhạc Đoàn Chuẩn đi với lời của Từ Linh. Một con người đa tài mà dễ thương hết cỡ!

Anh chụp hình, quay phim, không chỉ chơi nhạc mà còn làm nhạc, làm video… rất hay! Mà lại rất khiêm tốn, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, trên môi nở một nụ cười. Gặp Vận, đến nay anh cũng đã làm được cả mười mấy, hai chục bài phổ thơ của Vận… mà mỗi bài một vẻ, không bài nào giống bài nào. Có người thích bài “Phượng Tím” của anh, nói về một loại cây đặc-biệt nổi ở một vài nơi gần Los Angeles và ở bên Úc nữa (có tên là “Jacaranda”) nhưng tôi đặc-biệt mê những bài thuộc loại dân-ca mới mà anh đã làm ra khi phổ nhạc những bài như “Chích Chòe,” “Bươm Bướm,” “Chuồn Chuồn” của Vận.

Cái hay của Ngô Đình Vận ở trong những bài này là anh cho ta cảm-tưởng anh lấy từ những bài dân-ca hay ca-dao có sẵn, đổi thay đôi chút để làm thành một bài tân-dân-ca kiểu Phạm Duy. Nhưng không, anh làm thơ mới hoàn-toàn mà vẫn giữ được cái tinh-thần dân-ca, kiểu dân-ca Bắc Ninh với cái nghịch ngợm, cái trọc ghẹo của con gái làng Lim. Như trong bài “Quan Họ Đi Xa,” chẳng hạn, anh cho một cô gái xuân-thì ban đêm ngồi nhớ mông lung xong chợt nhớ đến một bức tranh Đông Hồ, “Cá Đớp Trăng,” bèn nảy ra ý-tưởng muốn như con cá kia, “hớp luôn hồn của một chàng trai mà cô thầm yêu trộm nhớ.” Trí tưởng tượng chẳng mấy lúc biến cô thành một người muốn được bắt con cá (=anh chàng) nọ để làm tình làm tội nó… để rồi nghĩ lại, lại đem lòng yêu thương nó.

Bài “Chích Chòe” cũng vậy, nó nhảy tung tăng, nó hót líu lo, làm cho nhà thơ một lúc đâm ra yêu tất cả, yêu cỏ, yêu cây, yêu bầu, yêu bí…

Đến bài “Chuồn Chuồn” cũng thế. Cô gái trong bài bực chàng trai nọ cứ “chập chờn” bay lượn mà chẳng chịu “đậu xuống cánh hoa,” đúng là một con “chuồn chuồn phải gió”!

Khi bay thì gió,
Gặp ráng trời mỡ chó thì mưa
Lòng em bão táp mưa sa
Anh đâu có biết, anh cứ tà tà anh ấm ương…

Đây là những tâm-cảnh vừa cũ (như trong ca-dao) nhưng lại cũng vừa mới như một cô con gái đời nay, đầy sức sống và không thiếu những tư tưởng ngộ nghĩnh nếu không muốn nói là ngỗ nghịch với những câu như:

Em ơ mà hớp được hồn anh
Thì em, em sẽ đem lên là cái thớt
Em sẽ hành cho nó sướng tay
Là ơi con cá nó hớp vừng trăng…
Đánh vẩy rồi lại chặt vây
Mổ luôn cái bụng lôi ngay cái ruột trường
(trong bài “Quan họ đi xa”)

Để phổ nhạc được những tâm-tư rắc rối đó, không lạ là Lại Minh Thuận đã phải đi tìm đến nhiều điệu nhạc rất đa dạng, chứng tỏ là anh đã quán-triệt được cả nhạc cổ-truyền Việt-nam (quan họ, lý, chèo cổ, Nam-ai v.v.) lẫn nhạc Tây-phương để ta có những nhịp điệu sống động như ta thấy trong nhạc “country, country-rock, R&B” và cả nhạc lên đồng.

Tiếng hát Ngọc Thuỷ

Trong nỗ lực làm mới nhạc Việt ở hải-ngoại mà lắm lúc tôi tưởng đã là như một bãi sa-mạc, vì ảnh-hưởng quá mạnh của nhạc trẻ Mỹ cũng như là vì ảnh-hưởng của toàn-cầu-hóa (nhằm thỏa mãn một thị-trường “quốc-tế” thay vì VN), hướng đi mới của Ngô Đình Vận với sự tiếp tay của Lại Minh Thuận là một làn gió mát, một hương thơm đến từ quê hương VN ở tận trong cõi lòng và tiềm-thức của chúng ta! Hướng đi này, tôi nghĩ, đầy hứa hẹn… nhất là khi, như nhà tôi đã có dịp nhận-định, nó lại được chuyên chở bằng một giọng ngọt ngào hiếm có, một giọng vừa truyền cảm, dễ thương vừa điêu luyện như của Ngọc Thủy!

Ngọc Thuỷ không chỉ có một giọng trong, trẻ, mà còn luyến láy rất điệu nghệ, lại có những chỗ nhấn mạnh, bỏ nhỏ rất tình, khi nũng nịu, khi giận hờn, khi yêu đương, khi nghịch ngợm rất hợp với thứ nhạc đa dạng và giàu âm điệu này—gần như không có bài nào giống bài nào.

Tóm lại, một sản-phẩm rất đáng yêu để mua vào dịp Tết với 10 bài:

1/ Quan Họ Đi Xa (Piano Nghiêm Phú Phi)
2/ Anh Đi Tìm Bông Lúa
3/ Hương Mai
4/ Phượng Tím
5/ Phương Thu
6/ Anh Đi Tìm Bông Lúa (Piano Nghiêm Phú Phi)
7/ Chích Choè
8/ Trời Tương Tư
9/ Sao Mai
10/ Chuồn Chuồn

Những bài có ghi “Piano Nghiêm Phú Phi” là Ngọc Thuỷ được đặc-biệt nhạc-sư và danh-cầm Nghiêm Phú Phi, nguyên Giám-đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, đánh đệm cho một cách rất lả lướt chỉ ít lâu trước khi ông mất. Tưởng cũng cần nhắc, trong một đời dành cho âm-nhạc, nhạc-sĩ Nghiêm Phú Phi đã từng viết nhạc đệm cho hơn 1000 bài tân-nhạc VN như trong nhiều bài mà ta nghe rất quen thuộc.

Nhìn vào bìa sau của CD “Nhạc Tình Xa Xứ,” ta không khỏi gặp một sự bất ngờ thú vị: Tổng-phát-hành cho CD này là Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ (ĐT: 703 525-4538, E-mail: canhnam@dc.net), một cơ-sở xuất bản sách đã có mặt ở vùng Thủ-đô từ hơn 1/4 thế-kỷ nay. Và đây hình như là cái CD nhạc đầu tiên do Tổ Hợp phát hành.

Nguyễn Ngọc Bích
Viết xong đêm mồng 4/I/2011
Khu Đồng Xuân
Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc

Nobel 2010 - Tiểu Lan

Liu Xiaobo, Lưu Hiểu Ba,
Tên nhà tranh đấu tự do, nhân quyền.
Ông là biểu tượng kiên cường,
Của trên một tỷ người dân bình thường.
Ông làm cho lũ bạo quyền,
Sợ ông trong lúc nhốt ông trong tù.
Phương danh ông tỏa rất xa,
Giải Nobel đã chọn về cho ông.
Bắc Kinh nổi giận mất khôn,
Tấn công vào giải Hòa Bình năm châu.
Ra uy xấc xược, hỗn hào,
Vẫn không ngăn nổi cao trào mến yêu.
Vắng người giải vẫn được trao,
Bằng khen, huy hiệu đặt vào ghế không.
Nobel hai ngàn mười năm (2010)
Đợi người tù của lương tâm chưa về.

Tiểu Lan. Dec 12, 2010.

Di Dân Sinh Đẻ - Tiểu Lan

Văn minh thời đại bây giờ,
Đại gia Hoa Lục thích trò di dân.
Có bầu ít tháng mưu toan,
Đi qua Mỹ đẻ chắc ăn lại lời.
Đẻ thêm một bé thứ hai,
Không lo phạm luật độc tài Bắc Kinh.
Nhà thương làm giấy khai sinh,
OK dân Mỹ, nhiệt tình Welcome.
“Di dân sinh đẻ” tốt lành,
Tương lai con trẻ rạng danh họ hàng.
Thoát bao kìm kẹp tinh thần,
Vượt luôn “qũy đạo trường thành” âm u!
Hoan nghênh “thế lực địch thù”,
Giúp con tôi sống tự do làm người.
Còn như Cộng Đảng, ối trời!
Có ngu thì mới tin lời phô trương,
“Đông Phương Hồng” nhuộm bao năm,
Mà trong “cốt lõi” thành công xanh lè.

Tiểu Lan. Nov 25, 2010.

Ối! Ba Ma - Tiểu Lan

Một Ma thì đã ớn rồi,
Ba Ma thì thật rụng rời khiếp kinh.
Ma Chơi lởn vởn nghĩa trang,
Đâu bằng Ma thật nắm đồng Đô La.
Ba Ma nói thẳng Thế Cờ,
Những quân Ma đểu đừng nhờ cậy ông.
Các Ma xuất cảng không ngừng,
Tại sao lại ít mua hàng Cờ Hoa.
Đừng mong dân Mỹ hào hoa,
Hiện tình ít việc, tà tà “sóp pinh”.
Nhiều Ma đứng nấp dù ông,
Lại còn chơi bẩn chân trong, chân ngoài.
Tiếp tay Ma Tịt ăn hoài,
Không chia “lợi nhuận” thì ông rút dù.
Khôn ngoan thì phải “bù trừ”,
Có đi có lại mới là chơi chung.
Cửa nào xôm tụ có ông,
Cửa nào rắc rối thì “dông” cấp kỳ.
Luật chơi quốc tế có nghề,
Ông đây mà sợ võ hù hay sao?
Á Châu còn có mặt tao,
Đừng hòng múa võ “đại đao” cướp mồi.
Bạn ta còn lắm tay chơi,
Nào là Ấn, Úc, xứ Hồi “In Đô”.
Vòng đai mà siết bất ngờ,
Lưỡi rồng còn đứt, lưỡi bò kể chi.
Ngoại giao phải biết “lắng nghe”,
Chơi trò “trịch thượng” kể như hại mình.

Tiểu Lan. Nov 14, 2010.

"Bác" Gái Hồ Hai - Tiểu Lan

Minh khai phận gái bẽ bàng,
Thất tình nên quyết phá ngang thù đời.
Gái chi bướng bỉnh, suy đồi,
Muốn sang Nga học, mặc cho Vương (Hồ) vầy.
Bám theo làm vợ “ông thầy”,
Ở chung vài tháng bỏ ngang lão già.
Lấy mau bạn cũ Doãn (Lê Hồng Phong) ta.
Cầm đầu Cộng Sản gọi là Đông Dương.
Minh khai rữa mối hận lòng,
Ngờ đâu Hồ đực cũng mong xoá bài.
Hồ râu cố bám quan thầy,
Sáp vào “đồng chí” mập phì gái nga.
Minh Khai cọp cái vợ xưa,
Về Nam hoạt động bị Tây nó vồ.
“Nam Kỳ Khởi Nghĩa” bại to,
Tây Tà giận dữ đem ra pháp trường.
Minh Khai sơi ít kẹo đồng,
Hóc Môn thảm cảnh, đất Giồng máu loang.

Tiểu Lan. Nov 09, 2010.

"Bác" Gái Hồ Cả - Tiểu Lan

Tội ghê cô bé Tuyết Minh,
Cãi lời mẹ dạy, vớ quân giang hồ.
Thằng cha tứ chiến, dối lừa,
Rành về phản phúc, trông chờ lợi danh.
Tội ghê cô bé nhà lành,
Hành nghề cô đỡ lấy anh Thụy (Hồ) “bèo”.
Cưới xin mở tiệc, đãi khao.
Là thằng “phải gió” nó theo giặc Tầu.
Hội đen, hội đỏ đủ mầu,
Bỏ người vợ trẻ âu sầu một nơi.
Biết ra thì chuyện đã rồi,
Cũng đành phận gái giữ đời chính chuyên.
Thằng chồng dâm ác khôn cùng.
“gậy ăn mày” thọc tứ tung chẳng từ.
Chơi xong thì nó lại vù,
Để cho cô vợ phải tu một đời.

Tiểu Lan. Nov 09, 2010.

Thương "Bác" Hồ Gái - Tiểu Lan

Đảng Ta” khốn nịn quá chừng,
Có hai “Bác Gái” sao không dám nhìn.
Hai “nường” hôn thú đàng hoàng,
Tuyết Minh vợ cả dân Tầu, Quảng Tây.
Vợ hai là mợ Minh Khai,
“Mót Cu” thuở ấy xưng là Phan Lan.
Nhận chồng là cái gã Lin,
Ấy là chưa kể “chả, nem” từng bầy.
“Đảng ta” bất hiếu lắm thay,
Sao không giỗ kỵ cúng chay hai “nường”.
Để cho “ma đói” suối vàng,
Trăm cay nghìn đắng cô hồn lang thang.
Đảng hô tôn trọng Nữ Quyền,
Tại sao Đảng lại bỏ quên hai “nường”.
Trọng Nam khinh Nữ rõ ràng,
Chạy theo Nho Giáo là đường Bại Phong.
Ác ghê cái “Bác” đàn ông,
Chơi rồi “quất ngựa truy phong” chạy làng.

Tiểu Lan. Nov 08, 2010.

Ẩn Số - Tiểu Lan

Toán thì phải Tính đúng rồi,
Sắp về “giúp nước” đã chơi cái nhà.
Trước đây thì rất “hào hoa”,
Nào nhà, nào giải coi pha chẳng màng.
Nào là Bauxite phải ngừng,
Nào là tư cách thì không có lề.
Chuyện đời xấp ngửa có nghề,
Xem ra “cốt lõi” có bề choảng nhau.
Canh bài còn diễn dài lâu,
Từ từ Ẩn Số ló đầu, hở đuôi.
Đằng nào Lệ cũng thành rồi,
Có lòng cũng phải có nơi thực hành.
Nhân tài hải ngoại khá đông,
Túa về “giúp nước” rất mong có nhà.
Tiến lên địa ốc “nước ta”,
Phải chi sòng phẳng mới là Văn Minh.

Tiểu Lan. Nov 06, 2010.

Rao Thuốc Đểu - Tiểu Lan

Thói đời” đểu cáng là thường,
Thằng nào không đểu là phường ngu si.
Tây, Ta đểu có kém gì,
Huống chi thiên hạ “ke” gì bất lương.
“Thói đời” trong chuyện mần ăn,
Thằng Nga, thằng Mỹ, thằng Anh, thằng Tầu.
Củ Sâm với lại thằng Đài,
Coi giò, xem cẳng đứa nào dễ chơi.
Đểu rằng cũng có luật hay,
Còn hơn đểu vẽ quá tay Lưỡi Bò.
“Thói đời” lắm vụ giằng co,
Xét ra thằng Mỹ vẫn là dễ thương.
Thời cơ chỉ đến một lần,
Để lâu mất giá, thịt xương nhiễm trùng.
Lùng tùng xèng, lùng tùng xèng,
Sữa ong có vú, thảo trùng quý thay.
Bao nhiêu thuốc sảng rao đầy,
Chọn mua Mỹ đểu, thuốc này mới linh.

Tiểu Lan. Nov 04, 2010.

Hội To - Tiểu Lan

Tháng giêng là tháng ăn chơi”,
Hội to một cục Đảng trôi lềnh bềnh.
Từ lâu Đảng đã đổi đường,
Chạy theo Tư bản một phường gian manh.
Thị trường Kinh tế loanh quanh,
Cướp trên, lột dưới, toàn dân đói nghèo.
Cộng vào tài Sản Đảng tiêu,
Lao công tất bật sớm chiều thiếu ăn.
Nói chi tập thể Nông dân,
Cấy cầy cho bọn ngồi không kiếm tiền.
Ruộng vườn bị cướp liên miên,
Đầu cơ giá lúa dân lành ngất ngư.
Đảng trơ mặt thớt cười trừ,
Chỉ thiên, chỉ địa “hướng đi Búa Liềm”.
Chém cha cái Đảng sủa càn,
Quét đi Đảng điếm dân an tức thì.

Tiểu Lan. Nov 02, 2010.

Vụ Án Cồn Dầu - Tiểu Lan

Phiên tòa táng tận lương tâm,
Độc hơn luật lệ vua quan thời nào.
Mắt quan đã Sắc như dao,
Xỉn rồi thì lại đỏ ngầu ác ôn.
Bắt người đánh đủ 100 đòn,
Nạn nhân chết thảm phó quan vô tù.
Cha hờ sẵn lắm ô dù,
Quan say vượt ngục trốn tù vào Nam.
Truyện xưa còn có phép trên,
Vượt xa vụ án bất lương Cồn Dầu.
Lệ vườn, luật ruộng ăn theo,
Có tàn, có Tán xử ào cho xong.
Tham quan cướp đất của dân,
Công an cướp cả áo quan bà già.
An ninh đánh chết người ta,
Điều tra lươn lẹo bảo là trụy tim.
Từng bầy nghiệt súc tấn công,
Thi nhau khủng bố, đánh dân tận tình.
Bắt luôn cả 6 giáo dân,
Nhốt rồi đem xử bịt mồm cho qua.
Quan tòa Tán đại tội ra,
Dẹp luôn cả chuyện luật sư cãi dùm.
Tán Thu Dung luật ruộng vườn,
Dẫm lên cả bộ luật rừng “nước ta”.
Cái gì là “Viện Kiểm Tra”,
Ngậm tăm cho luật Tán ra, Tán vào.
Thi đua Tán trợ tham ô,
Bắt dân mất đất bỏ tù như chơi.

Tiểu Lan. Oct 28, 2010.

Thi Đua "Yêu Nước" - Tiểu Lan

Thi đua “yêu nước” rất kỳ,
Bắt người chống giặc ngoại xâm vào nhà.
Thi đua yêu nước hoan hô,
Để cho “tầu lạ” tha hồ tóm dân.
Thi đua yêu nước truy lùng,
Những ai nói tới biển Đông của mình.
Trường Sa không được nhắc tên,
Hoàng Sa là chuyện để yên một bề.
Thi đua đánh đập dân quê,
Cướp vườn, cướp đất ăn chia từng bầy.
Thi đua Bauxite triển khai,
Cùng nhau Hán hóa đợi ngày ăn đong.
Thi đua yêu nước nói quanh,
Thi đua yêu nước ta cùng thua đi!

Tiểu Lan. Little Saigon, CA. Oct 21, 2010.

Tầu Lạ - Tiểu Lan

Tầu la, tầu lạ, tầu là,
Đánh cho hộc máu vẫn “là anh em”.
Kéo tầu trên biển đòi tiền,
Nhốt dân chài bắt cá tôm dài dài.
“Anh em” cắn sứt làn môi,
Sửa sang sắc đẹp cho tươi chữ vàng.
Thăng Long lễ đại sỗ sàng,
Vua Tầu sừng sững “trị an” nước này.
Vua mình không cánh mà bay,
Thiên đô đâu đó chờ ngày vượt biên.

Tiểu Lan. Westminster, CA. Oct 08, 2010.

Cao Thấp - Tiểu Lan

Đỉnh cao trí tuệ loài người!
Cúi luồn sát đất liếm giầy Trung Sô,
Tác phong của Bác, Đảng Hồ.
Nịnh quan thầy Đỏ bầy trò hại dân,
Van xin ông Sít Ta Lin,
Cho tôi được phép theo đường Bác Mao.
San bằng ruộng đất một lèo,
Phú nông, địa chủ túm đầu bắt ngay.
Tố cha, đấu mẹ, giết thầy,
Một bầy súc vật Đội thay thế Trời.

Tiểu Lan. Oct 07, 2010.

Đường Kách Mệnh - Tiểu Lan

Bác khui địa đạo Minh Khai,
Dạy cho cháu gái chơi bài tiến công.
Bôn ba Thượng Hải một vùng,
Nhảy dù bác lại tập cùng Lin Sam.
Bác Hồ luyện võ dầy công,
Tìm đường về nước đánh đồn Lạc xa.
Mật khu Pắc Bó vào ra,
Cấy mầm Kách Mệnh bác hô trồng người.
Giao liên Nông Thị dân Tầy,
Kẻ vào cửa trước người dời cửa sau.
Già Thu nằm khểnh vuốt râu,
Ngâm nga bảy chữ, tám câu truyền nghề.
Phĩnh bầu tâm sự Ngát kia,
Chú Văn, chú Võ kéo về giấu quanh.

Tiểu Lan. Santa Ana, CA. Oct 06, 2010.

"Khổng Hòa Bình" - Ba Búa

Khổng là hiền triết chính danh,
Bị loài Cộng Phỉ mượn tên diễn tuồng.
Bầy ra cái “Khổng Hòa Bình”,
Cạnh tranh với giải Nobel lẫy lừng.
Chọn ông Liên Chiến, Đài loan,
Trao cho của nợ “ác ôn gian tà”.
Nạn nhân trúng giải bất ngờ,
Phải ra thông báo ngất ngư, lắc đầu.
Trò hề hạ cấp, tào lao,
Mác-Lê vào buổi chợ chiều rách bươm.

Ba Búa. Dec 10, 2010.

Mỹ Sợ Thì Nguy - Ba Búa

Mỹ kêu rất sợ Trung Hoa,
Đã giầu lại mạnh nước to đông người.
Quá giầu nên đã cho vay,
Thành ông chủ nợ vung tay chi tiền.
“Đại gia” mà lại ăn gian,
Để đồng Nguyên thấp bán hàng lời to.
Thừa tiền chế đạn tầm xa,
Phóng luôn “tên lửa” dọa hù Á Châu.
Mỹ rên đáng sợ “ông Tầu”,
Lưỡi bò khoanh tưới hột điều cần ai.
Cả làng đây đó vái dài,
Sợ loài Rồng Đỏ thẳng tay đánh mình.
Toàn cầu vẫn mãi dập dình,
Kéo dài suy thoái bệnh tình khó ngưng.
Điên đầu thế giới đỡ đòn,
Đồng lòng chống cự ác gian quá ngầu.
Nội tình chồng chéo biết đâu,
E rằng Đại Hán đội đầu Kim Cô.

Ba Búa. Nov 19, 2010.

Lý Hồ Dâm - Ba Búa

Hồ dâm bôi bác hội ta,
“Dái Khô Hải Ngoại” tại gia tu hành.
Hội ngầm của giới độc thân,
Tại sao Hồ lại nhận nhằng treo chim.
Làm cho mất tiếng, mất tăm.
Hội nhà độc lập nấu ăn một mình
“Độc thân” dởm có vợ con,
Hồ râu gian ác mạo danh Hội nhà.
Hồ huây huầy cái con dê,
35 cường điệu “Bác” thì độc thân.
Dê xồm huây xốm huầy xôm.
Đẻ ra một lũ dê non “hợp đoàn”.
Đực thì có gái tơ non,
Cái thì động cỡn, lên cơn ngoại tình.
Một bầy cán cối lộng hành,
Gieo bao nghiệp chướng cho dân cho nhà.
Thù Hồ hại nước phá gia,
Gây bao ly tán nhà nhà thảm thương.
Rơi vào cái cảnh ly hương,
Độc thân tại chỗ mà căm cáo Hồ.

Ba Búa. Nov 11, 2010.

Thủy Hại - Ba Búa

Thủy điên, thủy điện, thủy điền,
Cả ba loại nước tham quan có lời.
Nước điên gây lụt chết người,
“Cán ta” ăn bớt gạo, tiền cứu dân.
Nước tuôn phát điện mà dùng,
Bao thầu, cung ứng theo luồng ăn chia.
Mỗi khi mưa lũ kéo về,
Xả luôn nước ngập tràn khu đồng bằng.
Nước sông tưới ruộng, xanh vườn.
Địa phương “thủy lợi” nắn giòng, đê bao.
Nước nào cũng hốt tiền tiêu,
Mặc dân ta thán, “Đảng” theo “công trình”.
Vụ nào thì cũng thi công,
Vụ nào thì cũng nửa chừng dở dang.
Nước nhà ngàn chuyện đảo điên,
Cũng vì “Bùn Đỏ Ba Đình” tuôn ra.

Ba Búa. Nov 12, 2010.

Lý Bôi "Bác" - Ba Búa

Tại sao nhiều nhóm giang hồ,
Ở nơi hải ngoại lại chơi “Bác” Hồ?
Chuyện này là một nan đề,
Từ từ sẽ nặn tẩy quê cùng mình.
Từng phe, từng hội tận tình,
Bới lông, tìm vết để phang “Bác” già.
Tìm ra đủ ngón dâm tà,
“Bề dầy Kách Mệnh” “Bác ta” vốn dùng.
Khởi đầu lấy mợ Tuyết Minh,
Thứ nhì lại bợ gái chằng Minh Khai.
Lee Sam, Thị Lạc, Thị Bầy,
Pháp, Hoa, Nga, Thái, Nùng, Tầy, “Bác” chơi.
Phập xong “Bác” lại múa môi,
Những rằng “yêu nước cả đời độc thân”.
Suối khe nước chảy tần ngần,
Có con bìm bịp đỏ lòng kêu vang.
Nước trong huầy ớ nước trong,
Huầy thời huầy bịp người dân thật thà.
Còn như đối với Trung Sô,
Tẩy Hồ chúng nắm, con cờ chúng đi.
Đến đây ta lại quay về,
Giang Hồ hải ngoại cũng vì ghen tuông.
Bên này đêm đến nằm không,
Xúm nhau lập hội kêu bằng “dái khô”.
Hội này rất nản “Bác Hồ”,
“Dái” ta thì héo, “dái” già lại tươi.
“Bác” thì yêu nước có nôi,
Còn đây chỉ ức vì đời bất công.
Giang hồ, mất nết, thật thà,
Tại sao thua lão già dâm, gian tà.
Tẩy ghen bị lật xấu xa,
Thôi thì bôi “Bác” may ra gỡ huề.
Chị em đại lượng chấp chi,
Bỏ qua cho đám lau nhau đuổi tà.
Đêm thâu, canh vắng, lập lờ,
Dế huây, dế lại dái huầy, dế kêu.
Cũng là thưa thốt nhái theo,
Ngày xưa các cụ đã từng làm thơ.
“Ba đồng một thước vải sô,
Làm sao che được Bác Hồ đây em?”.
Lại còn khẩu khí cụ Hương (Trần Văn Hương),
Ngồi suông gãi “bác” mà thương cảnh người.

Ba Búa. Nov 09, 2010.

Lý Củ Chi - Ba Búa

Họ Cù đi kiện củ chi,
Đảng bao nhiêu củ, củ gì cũng hôi.
Tranh nhau “củ cải”, “củ từ”,
Phái này, phe nọ tơi bời tố nhau.
Dựa vào Thần cũ, Thế cao,
Ở trong ruột Đảng khởi đầu bò chơi.
Ngứa càng gãi chút giúp vui,
Riết rồi làm tới trổ mòi chơi ngông.
Hướng về Hội Đại phá ngang,
Bò vô bao tử lang thang, phá mồi.
Đồ dư đặc sản “khó tiêu”,
Nào là Bauxite, nào là “tầu ma”.
Nào là “Chú Thủ nhà ta”,
Nào là cướp đất thối tha Cồn Dầu.
Củ từ hay cái củ nâu,
Củ nào cũng bự cũng thâu khẳm tiền.
Kiền càng nổi nóng chơi liền,
Cắn vô bao tử sưng lên vù vù.
“Cấp Cao” dàn cảnh bắt tù,
Còn bao uẩn khúc biết đâu mà lần.
Giòng đời thay đổi khôn lường,
“Lên voi xuống chó” cũng trong Hội này.

Ba Búa. Nov 06, 2010.

Lý Qụa Khoang - Ba Búa

Con kiến mà kiện củ khoai”,
Cù chơi thì đặng, cù dai thì đừng.
Cả làng đều rõ luật rừng,
Chỉ riêng Hà Vũ tin dùng cù cưa.
“Đảng ta” thích dởm, cù đùa,
Tại sao trổ ngón thọc bừa vào hang.
Cái trò “lộng giả thành chân”,
Thì thôi bắt nhốt để ngưng cù nhầy.
Tội rằng “Nữ đáo Nam phòng”,
Phạm vào “đạo đức, tác phong” mất rồi.
Tội này cũng tội “tốt thôi”,
Ngày xưa Xuân cũng đáo chơi Ba Đình.
“Đảng ta” lớp lớp, trùng trùng,
Chú nào cũng có cục cưng mầy mò.
Rành rành một đống quá to,
Đức Xương cùng với Trường Tô “kết đoàn”.
Tội “hài” là để che trò,
Ghè cho một trận vì cù quá sâu.
Rồi đây “bùn đánh sang ao”,
Để qua Đại Hội quạ nào quạ khoang.

Ba Búa. Nov 05, 2010.

Đại Hội Băng Đảng XI - Ba Búa

Ba Đình họp Đảng ba đầu,
Hầm hè, hậm hực ngó nhau chán chường.
Hướng đi quanh quẩn lùng bùng,
Trông qua “nước lạ” cũng đang xoay đầu.
Đường ngang, ngõ tắt về đâu,
Con đường Xã Hội lún sâu xuống bùn.
“Đại gia đầu đỏ” ăn trùm,
Nhân dân đói khổ kêu than thấu trời.
Thiên tai, hạn hán, họa người,
Cộng đâu chưa thấy, Sản thời lung lay.
“Anh Ba” gồng mỏi bắp tay,
Để cho thiên hạ chúng coi võ hù.
Dọa ngang không sợ thì xù,
Phen này “động thái cứng đơ” vụng về.
Triều Tiên thì cố làm liều,
Ăn mày thường trực, “Chí Phèo hạt nhân”.
Cuba thì đã nhão gân,
“Quýt” luôn cái “job” gác sân thức hoài.
Bây giờ thời thế chuyển thay,
“Đảng ta” táp phải gân gà khó tiêu.

Ba Búa. Oct 27, 2010.

Nobel Ghế Trống - Phi Hồng

Nobel ghế trống lần đầu,
Reo lên giai điệu ngậm ngùi chờ mong.
“Làn mây ngũ sắc rượt trăng” (1),
Tưởng người sống với lương tâm ở tù.
Trên năm mươi nước tham gia,
Gần hai mươi xứ theo bè tẩy chay.
“Vắng người trúng giải nơi đây,
Nói lên ý nghĩa tràn đầy ước ao.
Hòa bình, Dân Chủ nhu cầu,
Cho muôn dân ở địa cầu văn minh”.
Bao nhiêu ngọn đuốc thắp lên,
Lui Xiaobo ấy Chính Nhân Hòa Bình.

Phi Hồng. Dec 13, 2010.

Ghi chú:
1) Điệu Dân Ca Trung Hoa có nghĩa là “Colorful Clouds Chasing The Moon” (Cai Yun Zhui Yue) đã được Lynn Chang nghệ sĩ xử dụng Violin trình bầy trong buổi lễ trao giải Nobel Hòa Bình vào ngày 10 tháng 12 năm 2010 tại Oslo, Norway.

Máu Thiên An Môn - Phi Hồng

Máu ở Thiên An Môn đã đổ ra,
Điều này không phải là vô ích.
Giòng máu ấy thật hào hùng, phấn khích,
Cho tất cả mọi người yêu chuộng tự do.
Nếu các cơ chế độc tài không rút,
Máu sẽ còn đổ ra và tiếp tục đổ ra,
Như những tiếng rên la trên trái đất,
Mà tinh hoa là triệu, triệu người bất khuất.
Vì dân chủ phải được thăng hoa,
Vì bạo cường đã tới giờ phải chết.
Tin đi anh, tin đi em,
Tin đi tất cả đám dân đen,
Là tất cả chúng ta đang đối đầu với cơn thử thách.
Máu ở đâu thì cũng là lửa nóng,
Bùng lên sáng rực Bắc Kinh, Hà Nội,
Đốt cháy tiêu những lá cờ đẫm máu màu hồng.
Là con người ai mà thoát chết,
Khác với nhau chỉ ở chỗ hào hùng.

Phi Hồng. San Jose, Dec 1991.

Chầu Rìa - Ba Càng

Mấy anh khoa bảng lỗi thời,
Ỳ xèo góp ý cho bầy Cộng Nô.
Xin vai cố vấn bá vơ,
Góp vào tuồng bịp mặt mo chầu rìa.
Tôi đòi đâu có quyền gì,
Gọi vâng, bảo dạ còn e mích lòng.
Quan thầy là lũ ngoại xâm,
Giở trò yêu nước có đường đi đoong.
Nước trà xanh đãi mấy phen,
Nhiều thằng đi đứt mạng quèn kể chi.
“Bác” Hồ đâu dám ho he,
Huống chi các chú mấy phe Ba Đình.

Ba Càng. Nov 25, 2010.

Thảm Kịch Đại Hán - Ba Càng

Chủ trương Đại Hán Hủ Nho,
Gây bao tai họa dành cho nước Tầu.
Trước tiên, Chủng Tộc ghét nhau,
Khổ thay dân Hán lại là nạn nhân.
Nước Tầu trăm giống sống chung,
Rõ ràng Ngôn Ngữ các vùng khác nhau.
Bề ngoài Thống Nhất từ lâu,
Bên trong Xung Khắc khơi sâu hận thù.
Văn minh thời đại bây giờ,
Làm sao chấp nhận Hán là “siêu nhân”.
Ngay như nước Mỹ trẻ trung,
Lúc này Tổng Thống là ông Da Mầu.
Thứ hai, dòng Hán thích Trai,
Giết bao bé Gái bi ai khôn cùng.
Khiến cho đời thiếu cân bằng,
Đương nhiên xã hội bất an trường kỳ.
Tật này đốn mạt, u mê,
Bỏ đi mới tránh họa vì bất nhân.
Thứ ba, là chuyện Bất Công,
Tham quan, Lãnh Chúa, mọi miền kêu ca.
Giầu, Nghèo cách biệt quá xa,
Làm sao tránh khỏi căm thù nghiệt oan.
Thứ Tư, đường lối Ngu Dân,
Bạo quyền kiểm soát chẳng còn Tự Do.
Che tai, bịt mắt, chặn mồn,
Cản đường Dân Chủ tiến cùng Năm Châu.
Giữa thời điện toán đuổi nhau,
Làm sao có được phép mầu cản ngăn;
Vài giây Tin gửi tứ phương,
Truyền Thông Đại Chúng không ngừng cạnh tranh.
Thứ năm, giao dịch Ngoại Thương,
Sống bằng Sản Xuất nhiều hàng bán ra.
Lại kềm thấp giá đồng Nguyên,
Mặc cho Đối Tác phàn nàn, kêu la.
Than ôi kinh tế Vĩ Mô,
Dựa vào Ngoại Quốc trở thành thói quen.
Sáu, dùng Vũ Lực hung hăng,
Lúc nào cũng muốn Xâm Lăng Xứ Người.
Ngoại giao hăm dọa nước ngoài,
Biểu dương Độc Đoán ép người, tham lam.
Không cần biết đến Luật Chung.
Chẳng màng Trách Nhiệm An Ninh toàn vùng.
Bảy là Ảo Vọng thổi phồng,
Tự Kiêu kuôn nghĩ là “Ta hơn đời”.
Đụng vào thực tế mới hay,
Rằng “Ta” Lạc Hậu kém người quá xa.
Lại còn Ngoan Cố, gầm ghè,
Nói nhăng, lấp liếm cái ngu của mình.
Đây là bảy điểm vạch trần,
Giúp cho Hoa Lục Chỉnh Đường thoát nguy.
Mác Lê xập tiệm ê chề,
Thay vào Đại Hán có bề toi công.
Ước mong Thế Giới Hòa Bình,
Nâng cao Hiệp Chủng sống chung An Hòa.

Ba Càng. Nov 19, 2010.

"Nước Sôi" - Ba Càng

Nobel” ép rệp trong tù,
Mà sao “trấn động giang hồ” mới kinh.
“Nước sôi” đừng có lại gần,
Phỏng tay rồi lại phỏng chân đây này.
Món gì “nóng sốt” nữa đây,
Nhao nhao xúm lại coi chơi đỡ buồn.
Càng ngăn, càng cấm, càng đông,
Càng khơi sóng dậy chập chùng ngàn khơi.
Ngoại giao đỏ mặt tía tai,
Kể như thua chắc lá bài đánh ra.

Ba Càng. Nov 11, 2010.

"Học Giả" Lưỡi Bò - Ba Càng

Lưỡi bò Đại Hán thè lè,
Đề tài hội thảo “vấn đề Biển Đông”.
Rát nhiều học giả giật mình,
Vì hai chú nhóc nói vung tán tàn,
Tô (1) thì bàn chuyện sử xanh,
Toàn vùng là của một miền Trung Hoa.
Hai ngàn năm trước rất xa,
“Con Trời” đã nắm Trường Sa lâu đời.
Than ôi! Ban Cố (2) đâu rồi,
Để cho Tô Hạo xéo dày Hán Thư.
Còn Vương Hàn Lĩnh quá ngu,
Không hề đọc sử Trung Hoa Thanh Triều.
“Cái năm một tám tám lăm (1885),
Việt Nam là đất thuộc quyền Trung Hoa”.
Bao nhiêu học giả ngớ ra,
Vì không hiểu nổi “Chú Ba” nói gì.
Vương, Tô dẫn sử lơ mơ,
Đến khi bị hỏi lập lờ dối quanh.
Gã Vương trổ ngón dọa sằng,
Việt Nam mà cứng coi chừng chiến tranh.
Chuyện đời tân cổ lắm duyên,
Vương, Tô nhắc nhở Tô, Vương thời nào.
Họ Vương Bắc Tống binh đao,
Thua luôn Đại Việt hai keo rút về.
Triết Tông (3) cách chức tức thì,
Kinh Công (4) đành phải về quê làm vườn.
Còn như Tô Thức (5) kiêu căng,
Sửa thơ An Thạch mà không biết tài.
Tới khi đời sống nổi trôi,
Biết mình ngu dốt muộn rồi thật đau.
Mới hay Văn Học nước Tầu,
Dưới thời Cộng Sản ngóc đầu chẳng xong.
Để cho Thế Giới rẻ khinh,
Khó mà thảo luận hòa bình với nhau.

Ba Càng. Nov 17, 2010.

Ghi chú:
(1) Tô Hạo, Giáo sư của Trung Cộng tham dự Hội Thảo về Biển Đông.
(2) Ban Cố, Sử gia viết Hậu Hán Thư có viết về vụ nổi dậy của Hai Bà Trưng.
(3) Tống Triết Tông vua thời Bắc Tống (1085).
(4) Kinh Công tước hiệu của Tể Tướng Vương An Thạch.
(5) Tô Thức tên của nhà thơ Tô Đông Pha, ông là người đã sửa thơ của Vương An Thạch.

Thơ Vương An Thạch viết:

Minh Nguyệt sơn đầu khiếu,
Hoàng Khuyển Ngọa hoa tâm.

Tô Đông Pha chê là vô lý vì mặt trăng không thể hót trên đầu núi được, Chó vàng không thể nằm trong nhụy hoa nên sửa rằng:

Minh Nguyệt sơn đầu chiếu,
Hoàng Khuyển ngọa hoa âm.

Sau này ông mới biết có loài chim tên là Minh Nguyệt, có loài sâu tên là Hoàng khuyển.

Vương Học Dỏm - Ba Càng

Vương “học giả” học dởm rồi,
Học Vương, học vãi, học hoài chẳng tiêu.
Gã Vương Hàn Lĩnh (1) hỗn hào,
Việt Nam là đất của Tầu đời Thanh (1885).
“Ai tai” chuyện rõ rành rành,
Pháp đưa Đồng Khánh trị vì nước Nam.
Bên Tầu dưới trướng Mãn Châu,
Cạo đầu, kết bím vái chầu vua Kim (Mãn Thanh).
Tới thời yêu nữ nổi lên,
Từ Hy Thái Hậu nắm đầu muôn dân.
Ấu Vương Quang Tự Tải Điềm,
Cũng là vua dởm thực quyền có đâu.
Hán nào mà bướng, cứng đầu,
“Phật Bà” (2) làm phép cho chầu Diêm Vương.
Khang (3), Lương (4) còn chạy cùng đường.
Làm sao Đại Hán dám chường mặt ra.
Còn như biển đảo quá xa (5),
Bản Văn Quốc Tế (6) ghi là đất Nam.
Học gì dốt nát, nói càn,
Phơi bầy bản chất “Bắc Triều” xâm lăng.

Ba Càng. Nov 12, 2010.

Ghi chú:
(1) Trung Cộng cử Vương Hàn Lĩnh đến Sài Gòn họp về Biển Đông hôm 11/11/2010 trong tư cách là một Học giả.
(2) Phật Bà biệt danh của Từ Hy.
(3) Khang Hữu Vi nhà cách mạng Trung Hoa.
(4) Lương Khải Siêu nhà cách mạng báo chí Trung Hoa.
(5) Trường Sa, Hoàng Sa.
(6) Văn Bản của Hòa Hội Quốc Tế tại San Francisco năm 1951.

Tống Cổ "Bác" Đi - Ba Càng

Cháu ngoan yêu mến “Bác” Hồ,
Tại sao lén lút đem lùa “Bác” đi.
Còn như cái “Bác” Mao kìa,
Thì thôi tống cổ “Bác” đi cho rồi.
Thằng “Đô” tự cắt máu tay,
“Bác trên”, “Bác dưới” la mày giết tao!
Người người nhẩy loạn cào cào,
Mua vàng tích trữ, miệng trào máu ra.
Thằng “Đô” vẫn sẽ khật khừ,
Đồng “Nhân Dân Tệ”, “Tiền Hồ” tả tơi.
Đêm mơ đuổi “Bác” thì vui,
“Bác” mà ở lại thì xui cùng mình.

Ba Càng. Nov 09, 2010.

Thời Đại Giặc Hồ - Ba Càng

Dân ta không được làm người,
Thì sao đứng thẳng đội trời Việt Nam.
Cúi đầu quy phục Bắc phương,
Làm sao đạp đất đứng trên xứ mình.
Đảng thì ăn cướp ngày đêm,
Có gì pháp luật, công bình ở đây.
Dân oan bị đánh thẳng tay,
Nói về Dân Chủ, bắt ngay bỏ tù.
Thời Hồ thời đại Cộng Nô,
Làm sao yêu nước, yêu người, yêu nhau.
Liên Sô Cộng đã lộn nhào,
Còn bầy Đại Hội “chợ chiều” bịp ai.

Ba Càng. Nov 08, 2010.

Ngoại Giao Lớn Lối - Ba Càng

Ngoại giao chơi lạ chơi lùng,
Ép người không được đón mừng Nobel.
Dọa nhằng tham dự biết liền,
Dùng đòn kinh tế chặn ngang, đánh nhầu.
“Á hà” đòn độc phủ đầu,
Coi chừng “gậy đập lưng ông mấy hồi”.
Phương Tây trước vẫn nương tay,
Bây giờ bi “sốc” giở ngay ngón nghề.
“Welcome” thương mại kéo tay,
Để xem cho rõ rằng ai lỗ nhiều.
Ngoại giao hăm dọa ắt tiêu,
Chạm vào nọc của “giáo điều” Tây phương.
Tự do, độc lập đương nhiên,
Còn như Dân Chủ là đường chơi chung.
Thân danh cũng một đại cường,
Tại sao lại sợ họ Lưu quá chừng.
Ở tù mà vẫn ung dung,
Bên ngoài lớp lớp mà run mới kỳ.

Ba Càng. Nov 06, 2010.

Bò Lở Lưỡi - Ba Càng

Lưỡi Bò “đã có vấn đề”,
Liếm quanh “quá độ” tứ bề bất an.
Chơi cha thiên hạ phô trương,
Xúi đàn em nấu hạt nhân loại tồi.
Đại Hàn, Nhật Bản kêu trời,
Đài Loan chạm nọc đứng ngồi không yên.
Asean cũng phát phiền,
Ngó qua bên Ấn Độ Dương khật khừ.
Triều Tiên chơi sảng lắm trò,
Chú ba hách láo cấm luồng thuyền bơi.
Phen này Mẽo phải ra tay,
Thả luôn cá mập vào chơi Đại hàn.
Một bầy cá đuối, cá kình,
Lại thêm cá sấu thình lình nổi lên.
Chú Ba hét toáng cả lên,
Diễn trò Hồ Quảng bằng mồm thị oai.
Từng đoàn thuyền gỗ dạt lùi,
Mặc cho cá mập thảnh thơi tung hoành.
Mẽo còn chơi ác rất khăm,
Xua luôn đàn cá vào vùng Biển Đông.
Nhật, Hàn, Đài được bổ gân,
Asean bớt nhức xương, mỏi người.
Lưỡi bò bị rạch tơi bời,
Sinh ra lở loét, nặng mùi, rát đau.
Chung quanh kẻ trước người sau,
Thi đua trang bị gươm dao giữ mình.
Mẽo thì “giúp đỡ” Hàn, Đài,
Nhật, Phi cùng với Asean từng người.
Gấu Nga ăn sống nuốt tươi,
Kilo cùng với Sukhoi bán nhiều.
“Đàn anh” giờ đã xanh mầu,
Gạ quay lại cảng Cam ranh lập lờ.
Rắn thần Ấn Độ bò ra,
Phùng mang huýt gió truyền nghề “ắc ê”.
Chú Ba phách lối lỗ nhiều,
Đại cường xúm lại “thank you” bán đồ.
Phen này Bò chắc lâm nguy,
Lở mồm, long móng có khi hết thời.

Ba Càng . Nov 04, 2010.

Thằng "Đô" La "Bác" - Ba Càng

Bác Mao cùng với Bác Hồ,
Bác nào cũng né trèo cao bể đồ.
Bác Hồ nép vế Bác Mao,
Bác nào cũng tránh nhảy cao ế hàng.
Cặp kè hai bác chơi gian,
Bác nào cũng ớn chú Sam giở trò.
Bác Mao kẹp nách Bác Hồ,
Bác nào cũng hãi chú “kia” lậy mình.
Chú sam quay quắt, hết hồn,
Một bầy “Bác Cháu” còn ôm khứa này.
Chú Sam xuống giá nào hay,
Một dàn “anh chị” đổi thay Bác Hồ.
Chú Sam nó hoạn bất ngờ,
Tập đoàn “Bác Cháu” què giò, gẫy tay.
Những thằng đang “diếm” Sam đầy,
Kể như đi đứt bao ngày chắt chiu.
Bác Hồ bén gót Bác Mao,
Bác nào cũng sợ thằng “Đô” ể mình.
Bác Mao run, Bác Hồ buồn,
Thằng “Đô” la sảng, bán buôn hết thời.
Chú Sam xuống gối, vái dài,
Bác Hồ hốc hác, Bác mao héo gầy.
Lại thêm cái mụ mày ngài,
“He lơ rỳ” cứ phây phây ép người.
Làm sao “chỉnh hướng” tức thời,
“Tập” tành, “Lý” luận kêu “giời” chưa xong.
“Thị Trường Kinh tế” lòng dzòng,
Hướng lên “Xã Hội” tiêu tùng chán ghê.


Ba Càng. Nov 04, 2010.