Sunday, December 25, 2011

Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt - Ngô Đình Vận / Chương III

                     V Ă N  H Ó A  N H Â N  B ẢN  L Ạ C  V I Ệ T

                                              Ngô Đình Vận

Chương III

TỪ NHIỀU NGÀN NĂM GỐC RỄ MỊT MỜ

Dân Việt có trên 4000 năm Văn Hiến”, đó là câu nói rất phổ thông mà người ta thường dùng tới mỗi khi đề cập đến gốc tích của dân Việt.

          Câu nói phổ thông này như một “điệp khúc” được cất lên kéo dài từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21 để chờ khi nào được coi là đầy tuổi thì dân Việt sẽ có 5000 năm Văn Hiến ở tương lai.

          Tuy nhiên việc tìm kiếm về nguồn gốc dân Việt thì là một chuyện nan giải nếu không muốn nói là vô vọng.

          Gốc rễ của dân Việt hết sức mù mờ, điều này thực ra nằm trong số phận chung của loài người. Cái vấn nạn muôn thuở của kiếp người vẫn dằn vặt khôn nguôi là “không biết con người sinh ra từ đâu, bao giờ, sống để làm gì rồi chết đi về đâu?”

          Con người rất thông minh có thể hiểu biết vạn vật, biết về núi cao, rừng sâu, lên tới không gian, đặt chân tới cả mặt trăng, biết về nguyên tử, phân tử, vi trùng, vi khuẩn, siêu vi khuẩn nữa nhưng con người vẫn còn quá xa lạ với chính con người.

          Cũng có thể vì không thể giải thích được cái gốc của chính mình nên con người phải trông cậy vào tín ngưỡng, vào tôn giáo.

          Tùy theo mỗi cá nhân, tín ngưỡng ra sao, tin ở tôn giáo nào thì tôn giáo ấy sẽ giải thích về lẽ sinh tử cho người đó.

          Điều gặp gỡ chung của hầu hết các tôn giáo, các chủng tộc đều có gốc thần thoại.

          Dường như chỉ có chuyện kỳ bí mới đáp ứng được cái khát vọng siêu nhiên của con người, chỉ có chuyện lạ lùng mới đủ hấp dẫn để quảng bá sâu rộng và lâu dài.

          Đối với các tôn giáo thì thần thoại chính là “thức ăn” nuôi dưỡng niềm tin của tín đồ, của đạo hữu. Bất cứ chuyện kỳ bí của tôn giáo thế nào thì vẫn được niềm tin của tín đồ chấp nhận.

          Thần thoại hay huyền thoại của một dân tộc thì lại khác, chẳng có gì bắt buộc phải tin cả, những chuyện kỳ bí ở đây mang tính cách tiêu biểu, tượng trưng nhưng điều kỳ lạ chính là sự hãnh diện có thật của dân chúng về cái huyền thoại không thật của chủng tộc mình.

          Như rất nhiều dân tộc, dân Việt cũng có huyền thoại. Truyện Hồng Bàng với các nhân vật Thần Nông, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, các ông Vua Hùng chẳng biết đã được truyền tụng từ bao giờ mà tới cuối thế kỷ thứ 13 mới được ghi vào cuốn Lĩnh Nam Chích Quái.

          Xét theo niên kỷ, hai cuốn sách cổ có liên hệ tới lịch sử của dân Việt là Việt Điện U Linh Tập và Lĩnh Nam Chích Quái.

          Việt Điện U Linh Tập theo dịch giả Lê Hữu Mục là do Lý Tế Xuyên viết vào khoảng năm 1329. Cuốn sách này ghi truyện một số nhân vật lịch sử được phong thần.

          Cuốn Lĩnh Nam Chích Quái cũng có nhiều giả thuyết khác nhau về niên kỷ và tác giả nhưng dịch giả Lê Hữu Mục cho rằng tác giả của sách này là Trần Thế Pháp viết vào khoảng từ 1370 đến 1400.

          Sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi lại một số truyện kỳ bí của dân Việt được truyền khẩu từ trước , trong số này có truyện Hồng Bàng, các truyện thời Hùng Vương. Sách này tới năm 1492 được nhà sưu khảo Vũ Quỳnh hiệu đính, thêm bớt và viết tựa.

          Trong bài tựa của Vũ Quỳnh viết cho sách này có đoạn như sau: “Tục nước Nam đang còn giản lược, chưa có sách vở để chép việc thực nên việc cũ bị dị vong rất nhiều, may chỉ nhờ khẩu truyền mà còn lại không mất…”

          Về mặt sử liệu thì từ năm 1272 dưới triều Trần Thánh Tông, sử thần Lê Văn Hưu đã soạn xong bộ Đại Việt Sử Ký ghi lại từ đời Triệu Vũ Đế (207-136 trước Tây Lịch) tới đời Lý Chiêu Hoàng (1225).

          Mấy cuốn sử khác có tên như Việt Chí, Việt Sử Lược, Việt Sử Cương Mục… được nhiều nhà nghiên cứu nhắc tới nhưng sách thì bị thất lạc, tên tác giả và thời gian viết lại có nhiều giả thuyết khác nhau.

          Cuốn Việt Sử Cương Mục của Hồ Tông Thốc thì được sử thần Ngô Sĩ Liên ghi lại là bị cháy mất.

          Cuốn Việt Sử Lược bị mất một thời gian lâu mãi tới thế kỷ thứ 18 dưới triều Càn Long nhà Thanh mới được in ở Trung Hoa. Theo một số nhà nghiên cứu thì Việt Sử Lược được viết vào khoảng 1377 tác giả là Trần Chu Phổ. Sách này được in ra với phần hiệu đính của Tiền Hy Tộ người đất Giang Tô bên Trung Hoa.

          Tiếp đó, năm 1455 vua Lê Nhân Tôn đã sai sử thần Phan Phu Tiên soạn tiếp Đại Việt Sử Ký. Công việc của sử thần Phan Phu Tiên là viết từ đời Trần Thái Tông (1225-1258) đến khi quân nhà Minh rút về phương Bắc vào cuối năm 1427.

          Dưới triều vua Lê Thánh Tôn, nhà vua đã sai sử thần Ngô Sĩ Liên soạn lại Đại Việt Sử Ký và viết xong vào năm 1479.

          Trong phần Phàm Lệ, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Những việc viết trong Ngoại kỷ là gốc ở dã sử, những việc qúa quái đản thì bỏ đi không chép…”

          Về mặt viết lại lịch sử, tác giả Ngô Sĩ Liên cho biết: “Sách này làm ra gốc ở hai bộ Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu và của Phan Phu Tiên, tham khảo them Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy, truyền lại rồi khảo đính, biên tập mà thành”.

          Căn cứ vào các bài viết của sử thần Phạm Công Trứ qua sách Đại Việt Sử Ký Tục Biên và bài tựa của sử thần Lê Hy và phần phân tích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Tác Giả, Văn Bản, Tác Phẩm của Phan Huy Lê, chúng ta có được diễn tiến của công trình soạn thảo bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư qua các giai đoạn như sau:

-    Giai đoạn Ngô Sĩ Liên viết xong năm 1479, trong đó có việc dùng huyền sử đưa vào lịch sử qua phần soạn Ngoại sử đồng thời dựa vào sách của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên để soạn lại sách mới; Ngô Sĩ Liên cũng viết thêm các phần Tam Triều Bản Kỷ, gồm các triều vua Lê Thái Tổ (1428-1433), Lê Thái Tôn (1434-1442), Lê Nhân Tôn (1443-1459).

-    Giai đoạn Vũ Quỳnh 1511, nhóm sử quan này chép lại và hiệu đính sách của Ngô Sĩ Liên rồi viết tiếp Tứ Triều Bản Kỷ từ 1460 đời Lê Thánh Tôn tới 1509 đời Lê Uy Mục.

-    Giai đoạn Phạm Công Trứ 1665, nhóm các sử thần do ông Phạm Công Trứ cầm đầu để nguyên các phần của Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh biên soạn có hiệu đính đôi chút rồi viết tiếp từ đời Lê Trang Tôn (1533-1548) đến đời Lê Thần Tôn (1619-1643).

-    Giai đoạn Lê Hy 1697, cùng nhóm sử quan của ông soạn từ niên hiệu Cảnh Trị đầu năm 1663 dưới triều Lê Huyền Tôn đến đời Lê Gia Tôn năm 1675.

          Tóm lại bộ  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư được soạn khoảng  trên 200 năm mới hoàn thành để được khắc gỗ và in vào 1697 dưới triều vua Lê Hy Tôn và chúa Trịnh Căn. Bản in này được gọi là bản Chính Hòa là bản cũ nhất còn tìm lại được.
         
Nhận xét và phê bình bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào các triều đại sau chúng ta ghi nhận vài sự kiện tiêu biểu:

          Dưói triều Lê Hiển Tôn (1740-1786), Tổng Tài Quốc Tử Quán Lê Qúy Đôn đã khen cách viết của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên là: “gọn gàng, đúng đắn có thể dùng được”, khen bút pháp của Ngô Sĩ Liên là: “kể việc cũng kỹ và có mối gường”.

          Cũng dưới triều Lê Hiển Tôn đã có ông Ngô Thời Sỹ (1726-1780) viết Việt Sử Tiêu Án (in năm 1800), ông này cho rằng việc Ngô Sĩ Liên đưa huyền sử vào phần Ngoại Kỷ là chuyện hoang đản “nên tước hết đi, là vì sử cũ sưu tầm chuyện cổ, thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua”.

          Tác giả Ngô Thời Sỹ đã mạnh dạn phê bình việc đưa Triệu Đà một kẻ xâm lược vào chính sử Đại Việt như một triều đại là điều sai lầm quan trọng. Ông Ngô Thời Sỹ viết rõ: “Đến việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử viết thế. Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng Luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm, cho Triệu Đà là bậc thịnh đế của nước ta. Qua hàng ngàn năm mà không ai cải chính lại, vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng”.

          Tiếp đó vào năm 1856 dưới triều Tự Đức, Tổng Tài Phan Thanh Giản người đứng đầu nhóm soạn sử cũng phê bình việc đưa huyền thoại vào chính sử của Ngô Sĩ Liên là “từ chỗ hư không bày đặt ra…”

          Trong Tấu Nghị dâng lên vua Tự Đức về việc soạn bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, ông Phan Thanh Giản viết “còn những sự kiện liên quan tới Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân thì sẽ lấy riêng làm truyền văn để ghi vào phía dưới ngõ hầu phù hợp với nghĩa nghi dĩ truyền nghi”.

          Tóm lại, bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư dù có các khuyết điểm nêu trên nhưng vẫn được các nhà nghiên cứu lịch sử đời sau coi là một bộ Quốc Sử căn bản dùng vào việc soạn các sử sách khác.

          Mặt khác, những lời phê bình xác đáng của ông Ngô Thời Sỹ đối với phần ngoại kỷ và đời Triệu Đà của Đại Việt Sử Ký cũng được phần lớn các nhà viết sử đời sau ghi nhận và đồng ý với quan điểm của ông.

(Xem tiếp Chương IV)

No comments:

Post a Comment