V Ă N H Ó A N H Â N B Ả N L Ạ C V I Ệ T
Ngô Đình Vận
Chương VI
TIẾNG NÓI CHỨA ĐỰNG BẢN SẮC DÂN TỘC
Trời sinh ra mọi loài động vật đều ban cho mỗi loài một thứ tiếng riêng. Tiếng chim hót, tiếng gà gáy, tiếng mèo kêu, tiếng chó sủa, tiếng người nói; tất cả các âm thanh ấy tạo ra sinh hoạt hằng ngày trên mặt đất.
Tiếng của con người cũng chẳng khác gì loài chim, mỗi loài chim có một tiếng hót khác nhau, con người thì mỗi sắc tộc đều có tiếng nói riêng biệt.
Vì thế tiếng nói là một phần quan trọng trong mọi nền văn hóa của các chủng tộc. Khi con người chưa có chữ viết thì người ta chỉ có một cách duy nhất là nói với nhau để bầy tỏ, để chia sẻ ý nghĩ, thái độ của mình với người khác. Tiếng nói có thể ví như một con thuyền chuyên chở tư tưởng, học thuật của từng bộ tộc trôi theo giòng sống, trôi theo thời gian.
Một thực tế đơn giản là dân Việt có tiếng nói riêng; tiếng nói ấy đang là thứ tiếng mà trên 86 triệu dân Việt đang sống ở Việt Nam và ở khắp nơi trên thế giới dùng đến hằng ngày.
Dân Việt khởi đầu đã là một sắc dân hợp chủng, tiếng Việt của bộ tộc Việt đã pha trộn với tiếng của các bộ tộc khác như Mường, Thái, Tầy, Nùng… nhưng phần chính yếu vẫn phải là tiếng Việt thì mới gọi là tiếng Việt; còn nếu nòng cốt là tiếng Mường thì phải gọi là tiếng Mường.
Trong các thập niên 20 và 30 của thế kỷ 20, người ta đã ghi nhận có một vài cuộc khảo cứu về ngôn ngữ của vài tu sĩ Công Giáo về sự liên quan của tiếng Việt và tiếng Mường, tiếng Việt và tiếng Thái. Kết quả theo các vị tu sĩ này thì có khoảng 1800 tiếng Việt giống tiếng Mường và khoảng 1500 tiếng Việt giống tiếng Thái. Tài liệu này được phổ biến ở một tạp chí Công Giáo trước năm 1960.
Đề cập tới tiếng Việt, sách Việt Nam Anh Hoa của tác giả Thái Văn Kiểm có đoạn viết “…liên hệ tộc phổ giữa tiếng Kinh và tiếng Mường được tất cả những người có nghiên cứu hai thứ tiếng nầy thừa nhận là hết sức chặt chẽ. Tiếng Mường hiện đại còn giữ lại rất nhiều nét của tiếng Kinh cũ, hay tiền Việt Nam (proto - Vietnamien)”.
Dân tộc nào có tiếng nói thì đương nhiên có bản sắc riêng hay nói cách khác là cá tính và đây là phần quan trọng nhất nằm trong Văn Hoá.
Dân Việt cũng như các sắc tộc khác có bản chất, cá tính riêng, sau đó cùng với sự tiến triển chung của con ngưòi, các dân tộc có đưòng sá liên lạc, giao dịch với nhau nên đương nhiên có sự dung nạp, pha trộn cả về hai mặt Văn Minh và Văn Hoá. Bản sắc của dân tộc có thể bị mất đi nếu dân tộc đó bị ngoại bang thôn tính, đồng hoá tới độ mất cả tiếng nói.
Tiến trình biến hoá của tiếng Việt từ thời thượng cổ đã gắn liền với lịch sử nước Nam . Dân Việt đã phải chịu sự cai trị của các triều đại phưong Bắc cả trên hai ngàn năm qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên dân Việt vẫn giữ được tiếng Việt, hơn thế nữa qua các giai đoạn đô hộ dân Việt còn biết thích ứng với hoàn cảnh để làm phong phú cho tiếng Việt bằng cách dùng thêm nhiều tiếng Hán đọc theo âm Việt và sau này được gọi là từ ngữ Hán Việt.
Tư tưởng, ý kiến của dân Việt trong thời Bắc Thuộc thì chỉ được bầy tỏ bằng tiếng nói mà đời sau gọi chung là văn chương truyền khẩu. Dân Việt muốn giữ lại điều gì đều phải lệ thuộc vào chữ Hán. Việc ghi chép ấy cũng rất hạn chế và chỉ được lưu hành trong giới quan lại làm việc với các kẻ cầm quyền và một số ít những người theo học chữ Hán được mệnh danh là giai cấp sĩ phu, gọi nôm na là các nhà nho.
Tới năm 1282 thì có một sự kiện quan trọng đề cập tới việc Thượng Thư Nguyễn Thuyên ưa dùng chữ quốc ngữ tức là chữ Nôm để làm thơ phú. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vìết “Bấy giờ cá sấu đến sông Lô, vua sai Hình Bộ Thượng Thơ Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Vua cho là việc này giống như việc của Hàn Dũ, bèn ban gọi là Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc ngữ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy”. Chữ quốc ngữ được nói tới ở đây là chữ Nôm, lối chữ này dựa vào chữ Hán rồi biến chế để viết mà đọc thẳng ra tiếng Việt.
Cũng liên quan tới sự việc nêu trên, Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm viết “Về bài văn ném xuống sông đuổi cá sấu này, sử không chép rõ là viết theo thể văn nào và làm bằng Hán hay Việt Văn vậy ta cũng không nên vội cho như ý kiến thông thường rằng bài ấy là bài văn tế và viết bằng tiếng Nôm. Nhân việc đuổi cá sấu kể trên sử chép rằng Hàn Thuyên có tài làm thơ phú quốc ngữ… đời sau thơ quốc âm gọi là Hàn Luật là vì thế… việc ông Hàn Thuyên làm gây một phong trào, đời bấy giờ chắc có nhiều người theo gương ông làm thơ bằng quốc âm”.
Chữ Nôm được các đại thần đời nha Trần ưa dùng đã do ai chế ra và từ bao giờ thì vẫn là một vấn đề còn được tra cứu. Có thuyết cho rằng chữ Nôm có từ thời Hán Linh Đế lúc Sĩ Nhiếp (187-226) làm Thái Thú đất Giao Chỉ, tuy nhiên đây cũng chỉ là giả thuyết.
Về việc tìm kiếm văn thơ hai triều Lý Trần được ông Lê Quý Đôn nhận định là rất khó khăn. Hầu hết các tác phẩm chữ Nôm ở thời nhà Trần đều bị mất trong đó có Phi Sa Tập của Nguyễn Thuyên, Phú Quốc Âm của Nguyễn Sĩ Cố, Quốc Âm Thi Tập của Chu An… Trong phần Thiên Chương, ông Lê Quý Đôn đã dẫn bài tựa sách Trích Diễm Thi Tập của Hoàng Đức Lương vào đời Hồng Đức có các câu như sau:
“Sách vở về đời nhà Lý, nhà Trần phần nhiều chỉ thấy công việc nhà chùa là được lưu hành, như thế đâu phải lòng tôn sùng nho học không sâu sắc bằng tôn sùng Phật học, mà chỉ vì nhà chùa không ngăn cấm, cho nên sách được khắc vào ván để truyền lại mãi đời sau, còn thơ văn nếu chưa được lệnh vua, chúa không dám khắc ván lưu hành…”.
Ở một đoạn khác ông Hoàng Đức Lương viết “Than ôi, một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, có lẽ nào không có quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn nhà Đường, như thế chả đáng thương xót lắm sao?”.
Tiếp đó ông Lê Quý Đôn đã dựa vào việc làm của ông Hoàng Đức Lương để phàn nàn về tình trạng đương thời của ông (1726-1784) rằng “Than ôi! Ông Hoàng Đức Lương nhặt nhạnh thơ văn cổ, biên tập thành 15 cuốn sách, cũng chỉ có thể nói là mới được một hai phần trong trăm ngàn phần mà thôi, thế mà nay còn lại không được một nửa thì người đời sau lại càng đáng than tiếc đến độ mực nào? Thể lệ triều nhà Trần, nếu chưa được chỉ chuẩn của vua thì thơ văn không dám khắc ván lưu hành; đến như ngày nay phố phường khắc sách không bị ngăn cấm, mà sao sách cổ cũng vắng teo?”.
Viết về chi tiết sách sử của dân Việt bị mất mát trong phần Văn Nghệ Chí ông Lê Quý Đôn viết rằng “Về thời toàn thịnh dưới triều Trần, văn học cực thịnh luật lệ giấy tờ thực đầy đủ. Hồi đầu đời Nghệ Tông (1370-1372), Chiêm Thành đem quân đánh ta, đốt phá cướp bóc hầu hết. Sau đó, các sách vở dần dần thu tập lại được. Đến đời Nhuận Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường cống về Kim Lăng. Triều ta dẹp loạn, lập lại trị bình, các bậc danh nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên cùng nhau sưu tầm sách vở giấy tờ, nhặt nhạnh từng tờ giấy còn sót lại, nhưng sau cuộc binh hỏa , mười phần còn được bốn năm phần. Vua Thánh Tôn ham thích sách vở hồi đầu năm Quang Thuận hạ chiếu tìm tòi các dã sử, thu tập các truyện ký cổ kim còn chứa ở nhà riêng hạ lệnh đem dâng lên tất cả… Đến thời rối loạn do Trần Cảo gây ra (1516) kinh thành bị mất, sĩ dân tranh nhau vào nơi cung cấm lấy vàng, lấy lụa, giấy tờ sách vở rắc bỏ đầy đường.
Đến đời Ngụy Mạc (1527-1591) dần dần những sách ấy cũng được thu thập, biên chép lại, nhưng đến khi triều đình lấy lại được kinh thành, các sách vở lại bị lửa cháy. Những sách do các quan và nhân dân còn chứa cất được cũng phần ít còn giữ được. Tan nát đến thế, đáng tiếc thay!...”.
Chính ông Lê Quý Đôn cũng sưu tập thêm các bài thơ, phú, văn tế, văn bia… để góp vào việc tìm kiếm cổ văn từ nhiều đời trước.
Tục ngữ của dân Việt có câu:
“Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Thời ông Lê Quý Đôn đi sưu tầm văn bia cách nay trên 260 năm nhưng một số bia cũng đã bị thời gian tàn phá vì đó là bia đá.
Bia miệng là tiếng Việt từ nhiều ngàn năm nay vẫn còn và bia miệng đặc biệt này sẽ còn truyền mãi tới tương lai vì thế là dân Việt thì phải nói được tiếng Việt.
Kho tàng văn hoá của dân Việt nằm ngay trong tiếng nói, nếu không truyền miệng từ đời này qua đời kia thì làm sao chúng ta biết được dân Việt có truyền thuyết Tiên Rồng, làm sao đến Tết chúng ta làm bánh chưng, bánh dầy để cúng trời đất, cúng tổ tiên.
Hiểu rõ được tầm quan trọng của văn chương truyền khẩu, do đó khi có chữ để ghi lại thì đã có nhiều nhà khảo cứu sưu tầm sử liệu, tục ngữ phong dao, truyện cổ của dân Việt, nỗ lực khảo cứu nhằm gìn giữ văn hóa. Điển hình cho các nhà biên khảo này là các ông Phan Kế Bính, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Riêng ông Nguyễn Văn Ngọc đã sưu tần để soạn bộ sách Tục Ngữ Phong Dao và bộ Truyện Cổ Nước Nam (1932).
Trở lại với tiếng Việt, một người Việt muốn nói tiếng mẹ đẻ thì phải học tiếng Việt. Việc học nhanh hay chậm còn tùy thuộc vao năng khiếu, hoàn cảnh của học trò nữa.
Một em bé Việt sinh ra, lớn lên tại đất mẹ thì việc nói được tiếngViệt là chuyện đương nhiên. Cái chuyện đương nhiên, chẳng có gì lạ cả nhưng nhìn kỹ thì đó là cả một tiến trình học tập liên tục; phong dao Việt Nam có các câu về việc tập nói tiếng Việt như “Thỏ thẻ như trẻ lên ba”, “Con lên ba cả nhà học nói”, các câu này nói rõ khi đứa bé lên ba tuổi thì bập bẹ biết nói và lúc đó cả gia đình vì yêu thương đứa bé, đã chơi đùa, nhại tiếng nói của đứa trẻ cho vui nhưng cũng chính vì thế từ cha mẹ, ông bà, anh chị, cô bác, chú dì… đều là những thầy cô thay nhau dạy tiếng Việt cho đứa bé. Khi đứa trẻ lớn lên thì bè bạn, hàng xóm, láng giềng là môi trường để đứa bé nói sõi hơn. Tiếp đó thì mới là trường học dạy cho đứa trẻ nói đúng, nói hay qua việc đọc và viết chữ Việt.
Một em bé gốc Việt sinh ra ở nước ngoài thì việc học tiếng mẹ đẻ là điều nan giải. Đứa bé mới sinh ra ít tháng là đã được gửi tới nơi giữ trẻ để bố mẹ đứa bé dành thì giờ cho công ăn việc làm. Nơi giữ trẻ là do người đồng hương trông nom hay dân bản xứ thì còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia đình đứa bé. Bởi vậy giới trẻ gốc Việt ở nước ngoài như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc, Pháp, Đức… sẽ gặp trở ngại rất nhiều trong việc học tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt đối với giới trẻ gốc Việt ở nưóc ngoài biến thành ngôn ngữ phụ là chuyện tất nhiên.
Để khuyến khích giới trẻ gốc Việt ở hải ngoại gìn giữ tiếng mẹ đẻ, từ nhiều thập niên qua đa số các cộng đồng Việt Nam đều có các trung tâm giảng dạy Việt Ngữ. Tuy nhiên dù cố gắng thế nào thì các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài vẫn không thể tránh được các khó khăn trong việc chăm sóc cho giới trẻ nói lưu loát tiếng Việt.
TIẾNG NÓI LUÔN BIẾN HOÁ, THÊM BỚT
Sinh ngữ thì luôn biến hoá, có các tiếng (chữ) thêm vào hoặc bớt đi. Người ta luôn tạo ra các chữ mới hoặc bỏ những chữ lỗi thời hầu thích ứng với các tiến bộ chung của đời sống. Sinh ngữ cũng nhờ đó mỗi lúc một phong phú, linh hoạt hơn.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày vấn đề một cách thông thường, khái quát về sự tiến triển của tiếng Việt. Ở đây chúng tôi không đi sâu vào phạm vi ngữ học để phân biệt thế nào là tiếng nói hay chữ viết, tiếng hay chữ đều được hiểu chung là một để dễ dàng trình bầy một vấn đề phức tạp là tiếng Việt.
Sự tiến hoá của tiếng Việt qua chiều dài lịch sử nhiều ngàn năm có các thay đổi, thêm bớt qua thời gian, thêm bớt một số chữ mới vì giao tiếp, đón nhận các tôn giáo, các tư tưởng từ nước ngoài đưa tới; thay đổi vì nhu cầu tiến bộ của khoa học kỹ thuật; thay đổi vì lý do chính trị…
Sự tiến hóa thêm bớt cho tiếng Việt ra sao thì kết qủa vẫn là chuyện gì làm cho ngôn ngữ phong phú, trong sáng thì tồn tại lâu dài. Việc gì làm vẩn đục, thô thiển chữ nghĩa thì sẽ bị đào thải.
Cho tới nay, đầu thế kỷ thứ 21, chúng ta vẫn chưa tìm được tiếng Việt thời cổ ra sao, có thể chẳng sao giờ biết được. Đọc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì thấy rằng năm 791 dân Việt gọi Mẹ là Cái qua việc tôn sùng Đô Quân Phùng Hưng là Bố Cái Đại Vương. Trong tục ngữ của dân Việt cũng có câu “Con dại cái mang”.
Tìm các biến đổi của tiếng nói qua ca dao, tục ngữ thì rất khó vì tất cả các câu này qúa ngắn lại là văn chương truyền khẩu nên không biết câu ấy, chữ ấy có từ thời nào.
Về việc ngôn ngữ thay đổi theo thời gian chúng ta chỉ có thể tìm hiểu khi đã có chữ viết mà chữ viết ấy phải là chữ Nôm thì chúng ta mới biết được chính xác tiếng nói vào thời có các tác phẩm viết bằng chữ Nôm của các tác giả thời trước.
Cách đây trên 650 năm theo Giáo sư Dương Quảng Hàm thì tài liệu chữ Nôm cổ nhất là bản khắc tại núi Hộ Thành tỉnh Ninh Bình vào năm 1343 dưới triều Trần Dụ Tông, trên đó có tên 20 làng bằng chữ Nôm, cũng dưới triều Trần Dụ Tông vào năm 1346 có người tên là Hà Ô Lôi được phép tiên ban cho nghề ca hát đến nỗi tiếng hát đã làm loạn cả triều đình. Chuyện này được kể trong Lĩnh Nam Chích Quái nói rõ là có ba bài thơ quốc ngữ; bài thứ ba là của chính Hà Ô Lôi ứng khẩu trước khi bị Minh Ưng Vương giết, bài thơ này như sau:
“Sinh tử là trời sá quản bao
Chết vì thanh sắc cam là chết
Chết đáng là nên cơm cháo nào”.
Tới đời Phế Đế Trần Hiện vào năm 1385 có vài sự kiện liên quan tới việc dùng chữ Nôm được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi đại ý rằng khi Đại Thần Nguyên Đán về trí sĩ ở Côn Sơn có làm thơ tặng cho bạn bè và được Thái Úy Trang Định Vương Ngạc làm thơ tặng lại. Lúc đó, Hồ Quý Ly đã nắm giữ quyền bính nên Định Vương Ngạc đã làm bài thơ chữ Nôm để châm biếm việc Nguyên Đán đem con trai gửi gấm cho Quý Ly để trông cậy về sau.
Nguyên Đán còn có hai cô con gái là Thái và Thai, ông sai nho sinh đem văn học dạy cho họ. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết “Nguyễn Ứng Long dạy Thái, Nguyễn Hán Anh dạy Thai. Ứng Long nhân gần gũi lả lơi, làm thơ ca quốc ngữ khêu gợi Thái, thông dâm với Thái, Hán Anh cũng làm thơ quốc ngữ bắt chước Ứng Long; Thái có thai, Ứng Long bỏ trốn. Đến ngày Thái đẻ, Nguyên Đán hỏi Ứng Long ở đâu? Người nhà trả lời là Ứng Long sợ tội trốn đi rồi…”.
Sau đó Nguyên Đán cho gọi cả hai chàng Ứng Long, Hán Anh về khuyên hai chàng chăm học và cả hai đều đỗ đạt. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi “Sau Hán Anh làm quan tới chức Chuyển Vận. Ứng Long đến đời nhà Hồ được cất nhắc sử dụng, đổi tên là Phi Khanh (Phi Khanh sinh ra Nguyễn Trãi cũng đổ Thái Học Sinh)”.
Qua năm 1387, Quý Ly được Thượng Hoàng Nghệ Tông tin dùng nên đã nắm hết quyền bính. Phế Đế lại phong cho Quý Ly làm Đổng Bình Chương Sự, ban cho một thanh gương, một lá cờ đề tám chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”, Quý Ly làm thơ quốc ngữ (Nôm) tạ ơn.
Quý Ly lộng quyền nhưng ông lại là người tích cực cải cách, ông đặt ra tiền giấy thay thế tiền đồng, sửa luật ruộng đất, chỉnh đốn đê điều, cải tổ thi cử, giáo dục. Năm 1392, Quý Ly còn làm một việc táo bạo là soạn sách Minh Đạo gồm 14 thiên vạch ra những nghi vấn đề Đức Thánh Khổng và Luận Ngữ là giáo điều của Nho học Đại Việt. Tiếp đó năm 1396, Quý Ly còn soạn Quốc Ngữ Thi Nghĩa (giải thích Kinh Thi bằng chữ Nôm) để dạy cho hậu phi và cung nhân học tập; đây là các việc làm táo bạo của ông về phạm vi văn học nhằm thoát khỏi cái khuôn khổ Tống Nho hủ bại. Năm 1400, Quý Ly phế bỏ Thiếu Đế, ông vua nhà Trần này mới có 3 tuổi, lại là cháu ngoại của Quý Ly.
Quý Ly xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Ngu đổi thành họ Hồ. Nhà Hồ từ Hồ Quý Ly qua Hồ Hán Thương có 7 năm (1400-1407) ngắn ngủi nhưng nhà Hồ đã làm được rất nhiều sự cải cách thực tế, ích lợi cho đất nước. Đặc biệt là Hồ Quý Ly cổ võ cho việc dùng chữ Nôm.
Tới đời Hậu Trần thời vua Trùng Quang theo bài viết với tựa “Nguyễn Biểu một gương Liệt Sĩ và mấy bài thơ cuối đời Trần” của tác giả Hoàng Xuân Hãn cho biết vào năm 1413 vua Trùng Quang tên húy là Trần Quý Khoáng đã làm bài thơ tặng Nguyễn Biểu có các câu:
“Mấy vần thơ cũ ngợi Hoàng Hoa
Trịnh trọng rày nhân dựng khúc ca
Chiếu phượng mười hàng tơ cặn kẽ
Vó câu ngàn dặm tuyết xông pha…”
Sứ thần Nguyễn Biểu họa lại:
“Tiếng ngọc từ vâng trước bệ hoa
Ngóng tai đồng vọng thuở thi ca,
Đường mây vó ký lần lần trải
Ải tuyết cờ mao thức thức pha”.
Tiếp đó là Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi (1380-1442) được đời sau coi là tập thơ Nôm cũ nhất còn lưu lại với 254 bài.
Hai bài thơ Nôm được truyền tụng như một giai thoại văn chương về cuộc gặp gỡ đầy lãng mạn, lẳng lơ của đôi trai tài gái sắc là Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Truyện truyền khẩu kể rằng ông Nguyễn Trãi đi bộ trên một đoạn đường gần hồ Tây ở thành Thăng Long đã gặp một cô gái bán chiếu xinh đẹp. Nhan sắc của cô bán chiếu đã khiến ông ngẫu hứng đọc luôn mấy câu thơ trêu ghẹo rằng:
“Ướm hỏi cô nàng bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn,
Xuân xanh ước độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa được mấy con”.
Cô gái bán chiếu cũng ứng khẩu đáp ngay rằng:
“Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh xấp xỉ chừng đôi tám
Chồng còn chửa có huống chi con”.
Vì là giai thoại truyền khẩu nên đã có nhiều cách đọc khác ở một số chữ nhưng vẫn giữ được cái chất lẵng lơ của hai bài thơ trên. Qua cuộc gặp gỡ kỳ thú này, sau đó ông Nguyễn Trãi đã lấy bà Thị Lộ làm vợ lẽ.
Trên đây là một số bài thơ Nôm được coi là xưa nhất mà văn học còn giữ lại được, từ đó chúng ta thấy tiếng Việt không thay đổi nhiều so với thời gian.
Chữ Nôm kể từ thời Hậu Trần về sau đã không còn được nhắc tới, nhà Minh đô hộ nước Nam đã dùng đủ cách đồng hóa dân Việt, năm1419 Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi “Nhà Minh sai Giám sinh Đường Nghĩa đem các sách Ngũ Kinh, Tứ Thư, Tính Lý Đại Toàn, Vi Thiện Âm Chất, Hiếu Thuận Sự Thực cho nho học các phủ, châu, huyện. Sai Tăng Học truyền giảng kinh phật tại Tăng Đạo Ty”.
Tới thời nhà Lê, từ Thái Tổ Lê Lợi lên ngôi năm 1428, thới Thái Tôn, Nhân Tôn đều sùng Nho học. Tới Lê Thánh Tôn (1460-1497) là thời kỳ được các sử gia đời sau gọi là thời Nho học độc tôn. Dân Đại Việt đua nhau đi học chữ Hán để gia nhập hàn ngũ sĩ phu, mong được làm quan. Vua Lê Thánh Tôn là người thích văn thơ, ông lập ra Tao Đàn với Nhị Thập Bát Tú (28 người) và ông là Nguyên Soái. Tao Đàn vừa làm thơ chữ Hán vừa làm thơ chữ Nôm, một số thơ Nôm được gom lại là Hồng Đức Thi Tập.
Sau đây là một bài thơ Nôm của Lê Thánh Tôn in trong Quốc Văn Trích Diễm:
Người Bồ Nhìn
Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ
Vốn lòng vì nước há vì dưa,
Xét soi trước mặt đôi vừng ngọc
Vùng vẩy trên tay một lá cờ
Dẹp giống chim muông xa phải lánh
Để quân cầy cuốc gọi không thưa.
Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi,
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa.
Mặc khác, chữ Nôm còn khó học hơn cả chữ Hán vì muốn học chữ Nôm thì trước hết phải học giỏi chữ Hán đã, sách Việt nam Văn học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm phân tích rằng “Chũ Nôm chưa thành một thứ văn tự hoàn toàn vì còn nhiều khuyết điểm là vì xưa kia chữ ấy không được triều đình công nhận nên không được sửa đổi cho thành quy củ nhất định, chỉ phó mặc người thường muốn viết thế nào thì viết thành ra mỗi người một ý không được nhất trí”.
Học chữ Nôm đã khó mà từ Vua, quan cho tới tầng lớp sĩ phu đều tôn sùng Nho học, họ lại chê bai rằng “Nôm na là cha mách qué” thì việc người ta hờ hửng với chữ Nôm là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên chữ Nôm lại được các giáo sĩ Tây Phương đến giảng đạo rất chú ý vì họ xét rằng dùng chữ Nôm đọc lên thì mọi người Việt đều hiểu ngay, rất tiện cho việc truyền đạo trong dân chúng; còn dùng chữ Hán đọc theo âm Việt thì chỉ có thiểu số là giới sĩ phu hiểu với nhau mà thôi, người Tầu nghe các Nho sĩ Việt đọc chữ Hán cũng không hiểu họ nói gì.
Chữ Nôm các giáo sĩ gồm cả Tây Phương lẫn Việt dùng trong việc truyền đạo chính là ngôn ngữ bình dân, mộc mạc nghe được từ dân chúng, họ dùng chữ Nôm song song với việc hoàn thành một thứ chữ mới gọi là Quốc Ngữ La Tinh.
Việt Nam Sử Lược trích Khâm Định Việt Sử cho biết năm 1533 đời vua Lê Trang Tôn có người Tây tên là I-nê-Khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Trân (tức là Nam Trực) và Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy.
Việt Nam Sử Lược cũng trích Nam Sử của Trương Vĩnh Ký cho hay vào năm 1596 đời chúa Nguyễn Hoàng có người giáo sĩ Tây Ban Nha tên là Diego Adveste vào giảng đạo trước tiên nhưng lúc ấy lại có mấy chiếc tàu Tây Ban Nha cũng đến, chúa Nguyễn sợ có ý quấy nhiễu gì chăng bèn đuổi đi.
Tiếp sau đó, đã có nhiều giáo sĩ Tây Phương khác tới giảng đạo ở cả hai miền Nam, Bắc; điều quan trọng là các giáo sĩ này đã học tiếng Việt, học chữ Nôm, họ còn chế ra thứ chữ mới viết theo mẫu tự La Tinh có thể đọc ngay ra tiếng Việt. Thứ chữ mới này dùng vào việc chép sách, kinh cho các tín đồ theo đạo Công Giáo.
Việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ La Tinh là công trình tập thể của các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Pháp với sự trợ giúp các tu sĩ bản xứ. Việt Nam Giáo Sử của Phan Phát Huồn cho hay trong cuốn Ký Thuật Voyages et Mission, giáo sĩ Alexamdre de Rhodes (Đắc Lộ) viết rằng “Khi viết bài hay sách bằng Việt ngữ có nhận sự hợp tác của người bản xứ”, giáo sĩ Đắc Lộ cũng khen ngợi vị thầy giảng người Việt này rất có nhiệt tâm và thông thạo văn chương thi phú.
Trong thời gian đầu, các giáo sĩ Tây Phương trân trọng chữ Nôm đến độ họ viết nhiều sách, còn soạn ra cả tự vị Việt La Tinh, phần Việt bao gồm chữ Nôm dùng để đối chiếu với chữ quốc ngữ La Tinh. Sự việc này được viết trong bài biên khảo mang tựa “Chữ quốc ngữ và chữ Nôm: Tự Vị Taberd Và Di Sản Văn Hóa Việt Nam ” của Trần Văn Toàn viết năm 2004 và sau đó được đăng trên Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam (Vietcatholic Network).
Trong bài này ông Trần Văn Toàn viết rằng “Ngay từ thế kỷ thứ XVII, các giáo sĩ Tây phương sang Việt Nam truyền giáo, đã ra công quan sát phong tục tập quán, đồng thời học tiếng nói và chữ viết của ta để dễ bề chia sẻ niềm tin của họ với người mình. Họ rất có thiện cảm với người Việt và đã viết ra nhiều lời ca tụng văn hóa và ngôn ngữ của chúng ta. Ngay từ đầu thế kỷ XVII, giáo sĩ Giralamo Maiorica người Ý (Italia) đã soạn ra hàng chục cuốn sách bằng chữ Nôm. Sau đó giáo sĩ Alexamdre de Rhodes (Đắc Lộ) quê ở Avignon (nay thuộc về nước Pháp) đã cho in tại Roma năm 1751 sách giáo lý bằng quốc ngữ Việt Nam và La Tinh, sách về ngữ học Việt Nam bằng tiếng La Tinh và Tự Vị Việt - Bồ Đào Nha - La Tinh…”.
Theo Việt Nam Giáo Sử của Phan Phát Huồn thì trong lời tựa của cuốn Tự Vị Việt - Bồ - La này, giáo sĩ Đắc Lộ cho biết trước năm 1651 các giáo sĩ đã lưu hành hai cuốn tự điển viết tay của giáo sĩ Bồ Đào Nha là Gaspar d’Amaral và giáo sĩ Antonio Barbosa. Một giáo sĩ khác người Việt là Philiphê Bỉnh sinh năm 1759 tại Hải Dương, ông Bỉnh đã viết 23 cuốn sách gồm chữ Nôm, chữ quốc ngữ La Tinh, Bồ Đào Nha và La Tinh. Đặc biệt là giáo sĩ Bỉnh đã viết cuốn Truyện Nước Nam khoảng 1000 trang. Các sách này đều chưa được xuất bản và phần lớn còn được lưu trữ tại các văn khố ở Bồ Đào Nha, La Mã và Pháp Quốc.
Việc làm của Giám Mục Taberd với cuốn tự vị có phần chữ Nôm, ông Trần Văn Toàn viết đại ý rằng Louis Taberd (tên Việt là Từ) sinh tại Pháp năm 1794, Taberd đi tu, thụ phong Linh Mục và được cử sang nước Nam truyền giáo. Sau đó, Linh Mục Taberd được tấn phong Giám Mục để coi địa phận Đằng Trong. Giám Mục Taberd đã gặp nhiều khốn khó dưới triều Minh Mệnh nên ông đã phải trốn qua Campuchia, Thái Lan, Penang, Singapore rồi Bengale (Ấn Độ). Giám Mục Taberd xin Toà Thánh cử người thay thế coi địa phận Đàng Trong và ông lại được cử làm Giám Mục coi Bengale năm 1838. Cùng năm đó Giám Mục Taberd cho xuất bản cuốn Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị (Dictionarium Anamitico - Latinum) do nhà in J.C Marshman ở Serampore in. Hai năm sau 1840, Giám Mục Taberd qua đời tại Calcutta .
Về chi tiết soạn sách trên, ông Trần Văn Toàn viết “Cuốn tự vị này được hoàn thành ít nhất đã có sự cộng tác của chủng sinh Philiphê Phan Văn Minh, vì ông này còn đang học tại chủng viện Penang, đã được Giám Mục Taberd mời sang Cacutta để cộng tác vào việc biên soạn. sau này Phan Văn Minh được thụ phong Linh Mục. Thực ra các soạn giả đã dùng làm căn bản bổ sung khá rộng cuốn tự vị chép tay Dictionarium Anamitico – Latium của Giám Mục Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) đã soạn vào những năm 1772-1773 nhưng chưa soạn xong hẳn…”.
Trở lại việc dùng chũ Nôm trong văn chương của dân Việt, chúng ta thấy một số tác phẩm tiêu biểu như sau:
Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh tình cảnh nước Nam rơi vào loạn lạc liên miên, vào thế kỷ thứ 17 thời Trịnh Giang, có Chinh Phụ Ngâm Khúc do Đặng Trần Côn viết bằng chữ Hán, sau đó được Đoàn Thị Điểm (1705-1748) dịch ra chữ Nôm. Đây là lời than thở của một người vợ nhớ thương chồng phải đi chinh chiến phương xa. Sau đây là một đoạn của Chinh Phụ Ngâm được diễn Nôm:
“Duy có một tấm lòng chẳng dứt
Vốn theo chàng giờ khắc nào nguôi,
Lòng theo song chửa thấy người
Lên cao mấy lúc trông vời bánh xe.
Trông bến Nam, bãi che mặt nước
Cỏ biếc um, dâu mướt ngàn xanh,
Nhà thôn mấy xóm chông chênh
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm.
Trông đường Bắc, đôi chòm quán khách,
Rườm rà xanh cây ngất núi non
Lúa thành thoi thóp bên cồn
Nghe thôi địch ngọc véo von bên lầu.
Non Đông thấy lá hầu chất đống
Trĩ xập xòe, mai cũng bẻ bai
Khói mù nghi ngút ngàn khơi
Con chim bạt gió lạc loài kêu thương”.
Qua 16 câu thơ Nôm, bà Đoàn Thị Điểm đã dùng những hình ảnh quen thuộc với dân gian như cỏ biếc, dâu xanh, xóm chông chênh, đàn cò… mà không cần dùng tới điển cố của Trung Hoa nhưng giòng thơ vẫn dạt dào linh động, truyền cảm.
Sau đó, khoảng giữa thế kỷ thứ 17 thời Trịnh Doanh có Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) viết bằng chữ Nôm. Đây là tiếng than thân trách phận của một cung phi sống ở cấm cung dưới thời quân chủ. Tác giả Nguyễn Gia Thiều tả tài sắc của cô gái trẻ lúc được tuyển vào cung đình như sau:
“Ánh đào kiểm đâm bông não chúng
Khóe thu ba gợn sóng khuynh thành,
Bóng gương lấp loáng trong mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.
Chìm đáy nước cá lừ lặn,
Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất viá, Hằng Nga giật mình
Câu cẩm tú đàn anh họ Lý
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương
Cờ tiên rượu thánh ai đang
Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm”.
Tác giả Cung Oán Ngâm Khúc đã dùng lối viết văn Nôm nhưng chứa đựng nhiều điển tích Hán học là lối viết phổ thông của nhiều nhà nho trong thời đại của ông.
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment