V Ă N H Ó A N H Â N B Ả N L Ạ C V I Ệ T
Ngô Đình Vận
Chương I
KHÁI NIỆM VĂN HÓA NHÂN BẢN LẠC VIỆT
Văn Hóa là hai tiếng mà chúng ta thường dùng đến hằng ngày; việc sử dụng từ ngữ Văn Hóa trong các câu chuyện thông thường thì cả người nói lẫn người nghe đều hiểu một cách khái quát miễn sao cảm được cái ý chính của hai chữ Văn Hóa trong câu chuyện.
Tuy nhiên, khi cần phải định nghĩa từ ngữ Văn Hóa thì thật là một điều rắc rối, phức tạp.
Mở cuốn Việt Nam Tự Điển do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo và phát hành ở Hà Nội năm 1931 thì thấy ghi “Văn Hóa; sự giáo dục cho văn học đã thấm vào trí não người ta”.
Một định nghĩa khác trong cuốn Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh xuất bản năm 1932 thì viết: “Văn hóa; Văn vật và Giáo hóa, dùng văn tự mà giáo hóa cho người”.
Cuốn sách thứ ba là Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức do nhà Khai Trí in năm 1970 tại Sài Gòn thì lại viết: “Văn Hóa; Văn Học và Giáo Dục tức sự học hỏi, dạy dỗ chữ nghĩa, văn chương”.
Đương nhiên là cả 3 cách định nghĩa trong 3 cuốn tự điển nêu trên đều quá vắn tắt và không đưa ra được một định nghĩa rõ ràng về hai chữ Văn Hóa.
Như vậy thì Văn Hóa là gì, Tìm đọc cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh viết xong ở Cố đô Huế năm 1938 thì mới vỡ lẽ ra là ngay cả vị học giả nổi tiếng này cũng từng bối rối về hai chữ Văn Hóa.
Ngay ở bài Tựa của cuốn sách Việt Nam Văn Hóa sử Cương, học giả Đào Duy Anh đã viết: “Theo giới thuyết của Felix Sartiaux thì Văn Hóa về phương diện động, là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì Văn Hóa là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định và tất cả các tính chất mà những tác dụng ấy bầy ra ở các xã hội loài người”.
Học giả Đào Duy Anh cũng viết rõ rằng: “dựa theo giới thuyết của Felix Sartiaux mà chia đại khái ra ba bộ phận như sau:
1. KinhTế Sinh Hoạt.
2. Xã Hội Sinh Hoạt.
3. Trí Thức Sinh Hoạt.
Tiếp đó, trong Thiên Thứ Nhất, phần Tự Luận, học giả Đào Duy Anh đã đặt ngay cái tiểu mục bằng câu hỏi “Văn Hóa là gì?”, để rồi đi đến kết luận: “Hai tiếng Văn Hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các Phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng: Văn Hóa tức là sinh hoạt”.
Học giả Đào Duy Anh cũng dẫn giải thêm: “Văn Hóa đã là sinh hoạt thì không kể là dân tộc văn minh hay dã man đều có văn hóa riêng của mình, chỉ khác nhau về trình độ cao thấp mà thôi”.
Tìm một sách có cái tựa Văn Hóa khác là cuốn Văn Hóa Dân Tộc và Văn Hóa Lưu Vong của Phạm Kim Vinh xuất bản năm 1986 tại miền Nam California, Hoa Kỳ thì cũng thấy ngay nỗi băn khoăn của tác giả về hai chữ Văn Hóa.
Luật Sư Phạm Kim Vinh cũng trích dẫn các điều lý giải về hai chữ Văn Hóa của học giả Đào Duy Anh và ông Phạm Kim Vinh còn chịu khó trích dẫn các ý kiến của học giả Hoàng Văn Chí và giáo sư Nguyễn Khắc Kham như sau:
“Học giả Hoàng Văn Chí thì cho rằng tuy mọi người đều hiểu đại khái về Văn Hóa là gì nhưng định nghĩa danh từ ấy là một việc rất khó, bằng chứng là trong cuốn Review of Anthropology xuất bản năm 1977, có tất cả 127 định nghĩa khác nhau”.
Giáo sư Nguyễn Khắc Kham cũng từng viết: “Những hình thức biểu hiệu của Văn Hóa Việt Nam là ngôn ngữ, văn tự, thơ văn và nghệ thuật”.
Qua các sự tìm kiếm, góp nhặt nói trên, chúng tôi thấy mình bị rơi vào hoàn cảnh của câu chuyện cổ “mù sờ voi”, càng tìm kiếm thì càng lạc vào cõi mơ hồ, mênh mông của hai chữ Văn Hóa.
Đọc một số ý kiến của các bậc cha, anh đi trước, chúng tôi dựa vào các vị này để “chẳng đặng đừng” phải chọn một định nghĩa Văn Hóa tương đối và thích hợp với chủ đề “Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt”.
Định nghĩa trong phạm vi của cuốn sách nhỏ Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt này là Văn Hóa bao gồm mọi mặt của đời sống con người trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất.
Thật ra thì trong cuốn sách kiểu tóm tắt nầy chúng tôi muốn góp ý rằng Văn Hóa Lạc Việt là một nền Văn Hóa Nhân bản, Đa chủng, Đại chúng và Thực dụng.
Tiện đây, chúng tôi cũng chọn việc định nghĩa các từ ngữ Nhân bản Lạc Việt, Đa chủng, Đại chúng, Thực dụng vì các chữ này đều là từ ngữ Hán Việt.
Nhân bản là cái tính gốc của con người gồm cả tốt và xấu nhưng theo thói quen thì bây giờ nói tới Nhân bản người ta chỉ còn hiểu là các tinh tốt.
Ở đây chúng tôi chọn ý nghĩa được hiểu theo cách bây giờ ; như vậy bất cứ chủng tộc nào cũng có nhân bản, sự khác biệt nhau nằm ở chỗ tùy từng sắc tộc bầy tỏ, ứng dụng, phát triển để thích ứng với hoàn cảnh, địa dư. Chính sự khác biệt này là nét đặc thù của mỗi sắc tộc.
Lạc Việt theo cuốn Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, tác giả đã trích dẫn rằng: “Ông Đào Duy Anh cho rằng nhóm Lạc Việt ấy đã thường tự sánh mình với một giống chim hậu điểu cứ đến mùa gió bấc lạnh lẽo cũng rời bờ biển Giang Nam với họ và tiến xuống miền Nam, đến khi mùa nóng trở về thì chim và người cùng quay lại chốn cũ. Dần dần trong tâm lý của họ phát sinh ra quan niệm tô tem Họ nhận giống chim Lạc là vật tổ rồi lấy tên của giống chim này đặt cho thị tộc của mình”.
Tuy nhiên việc chính yếu ở đây là chúng tôi muốn ghi nhận và nghiên cứu về thời kỳ Lạc Việt, tiếp đến là giai đọan Hùng Vương với nền Văn Minh Đồ Đồng vào khoảng trên 400 năm trước Tây Lịch.
Đại chúng là đông người, thí dụ như ca dao, tục ngữ của dân Việt là do sự sáng tạo của nhiều người thuộc nhiều đời để lại.
Về nội dung của cuốn sách nhỏ này, chúng tôi sẽ trình bầy tóm tắt theo thói quen viết báo. Các bài viết sau đây chỉ là kết quả của sự tìm đọc, phân tích cũng như quan sát cuộc sống bình thường của người Việt để trình bầy các thí dụ điển hình, giản dị.
Vì phương tiện và khả năng hạn hẹp, chúng tôi không thể đi sâu vào các lãnh vực chuyên môn như Lịch sử, Triết học, Nhân chủng, Khảo cổ, Xã hội, Khoa học
Việc trình bầy đề tài Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt, chúng tôi sẽ dựa vào các yếu tố sau đây:
Thứ nhất: một số truyền thuyết được coi như những chuyện liên quan đến thời thượng cổ của dân Việt.
Thứ hai: tiếng nói của dân Việt.
Thứ ba: phong tục tập quán của dân Việt.
Thứ tư: các di vật còn nhìn thấy, sờ mó được như đồ đồng, đồ gốm.
Từ 4 yếu tố trên bầy tỏ rằng từ khởi đầu dân Việt có một nền Văn Hóa riêng với những nét đặc thù của dân tộc.
Các đặc thù ấy không thể đem so sánh với bất cứ nền văn hóa của các sắc tộc khác vì người ta chỉ có thể so sánh cao thấp về Văn Minh của một xã hội bán khai với một xã hội tân tiến mà thôi.
Từ các chất liệu riêng biệt đó dân Lạc Việt giao tiếp với sắc tộc khác nên có thêm yếu tố thuộc về Văn Hóa của các chủng tộc khác để rồi biến thành một nền Văn Hóa có cả cái đặc thù và sự dung nạp, pha trộn được gọi là Văn Hóa Đa chủng.
Mặt khác, qua tiến trình lịch sử của dân Việt, nhiều tiếng nói, phong tục, tập quán đã biến đổi theo hoàn cảnh, theo thời gian.
Có các tiếng cổ đã mất hẳn, có các tập tục đã bị đào thải nhưng nó vẫn nằm trong tiến trình lịch sử của một dân tộc, chẳng hạn như tục lệ vẽ mình, nhuộm răng, ăn trầu của người Việt.
Tóm lại các yếu tố Văn Hóa cũng được phân loại như kiểu cổ ngữ và sinh ngữ tức là những gì đã lỗi thời thì chỉ còn lại trong sử sách, những gì hay, tiếp tục ứng dụng thì vẫn còn thấy được trong đời sống của dân Việt bây giờ.
Từ các ý kiến nói trên, chúng tôi thấy rằng qua những nét văn hóa đặc thù của mỗi chủng tộc, chung ta sẽ có thể tìm biết rằng chủng tộc ấy có quan niệm về sự sống thế nào và sinh hoạt ra sao.
Do đó, các chế độ, những chính sách chủ trương tiêu diệt văn hóa của sắc tộc khác là điều lầm lẫn vì nó làm mất đi sự phong phú của di sản văn hóa nhân loại.
(Xem tiếp Chương II)
No comments:
Post a Comment