150 Ngàn Doanh Nghiệp Việt Nam Sắp Phá Sản
Trần Nguyên Thao
Một đợt lạm phát mới có khả năng đe dọa Việt Nam sau một loạt biến động dồn dập trong nền kinh tế và quỷ thuật đàn áp chính trị do chính Hanoi gây ra. Giá xăng dầu vừa tăng 10%, thì đến lượt giá điện tăng 5%. Theo sau là bão giá ập tới quần quận bao phủ cảnh điêu linh, thống khổ lên cuộc sống dân lành. Trên 150 ngàn doanh nghiệp sẽ đi vào đình đốn hay phá sản. Trong khi đó, nhằm đàn áp mọi tiếng nói sự thật, chân chính. Hanoi kiểm soát gắt gao hệ thống thông tin trên mạng, gia tăng trấn áp, hành hung, khủng bố mọi thành phần dân chúng. Các sự kiện này làm cho các nhà quan sát tin rằng cách thức Hanoi đang làm hiện nay chỉ tăng thêm nhiễu loạn trong xã hội. Và không có khả năng đưa lạm phát xuống một con số như lời tuyên bố cuối năm ngoái của người đứng đầu bạo quyền Hanoi.
Vẫn khó vay tiền
Năm ngoái, xảy ra 857 cuộc đình công chỉ trong 11 tháng, trung bình mỗi tuần có 16 cuộc đình công. Đây là con số mà ông Nguyễn thiện Nhân, Phó Thủ Tướng VC nói là “nếu còn gia tăng các cuộc đình công nữa thì rất đáng lo ngại”. Tháng 3 năm nay, Hanoi vội ra chỉ thị phải giảm tình trạng đình công xuống 50%.
Cả nước có hơn 620.000 doanh nghiệp có giấy phép nhưng thực tế chỉ có khoảng 290.000 doanh nghiệp còn hoạt động. Con số mới nhất được phòng Thương Mai Công Nghệ loan báo, năm 2011, gần 79 ngàn doanh nghiệp bị đóng cửa, đưa đến nạn thất nghiệp cao, xã hội rơi vào nhiễu loạn như mọi người đều thấy.
Để gỡ rối tình thế này, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) hạ lãi xuất huy động từ 14% xuống còn 13% , và thêm rằng cứ 3 tháng sẽ hạ thêm 1 điểm. Lãi xuất NHNN cho Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) vay từ 15% xuống còn 14%.
Tuy việc hạ lãi suất cho vay được công bố rộng rãi nhưng thực tế không phải ai cũng tiếp cận được với mức lãi suất thấp. Đa phần các ngân hàng đều cho biết vốn ưu đãi chỉ dành cho một số đối tượng nhất định, và chỉ chiếm khoảng vài phần trăm so với tổng doanh nghiệp cần vốn. Chỉ khách hàng thân thuộc hay doanh nghiệp nhà nước mới có hy vọng nhận được mức lãi suất từ 18 -18.5%/năm, thấp hơn so với tháng trước khoảng 1-1.5 %. Ngoài ra, những doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả và biết “mặc cả” thì mới được ngân hàng xem xét cho vay ở mức thấp hơn mức cũ. Nếu doanh nghiệp không có thắc mắc thì ngân hàng sẽ “ngậm miệm ăn tiền” vẫn tính cho doanh nghiệp lãi suất cao theo hợp đồng vay đã ký từ trước. Nhiều doanh nghiệp sau khi mượn được tiền ra khoải ngân hàng, tính chung các khoản “lót tay” khác, thì lãi xuất lên đến 25% mỗi năm.
Lãi xuất dành cho doanh nghiệp các nước trong vùng quanh VN chỉ từ 4% đến 6% . Như vậy làm sao hàng hóa VN cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Dân vẫn không tin ngân hàng VC
Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc ngân hàng Eximbank cho biết, “hai tháng nay, mức tăng huy động trong hệ thống Eximbank hầu như không đáng kể.” Còn ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á (DongABank), cho hay: “Huy động không phải là dễ dàng. Huy động tháng 1 của DongABank có tăng nhưng mức tăng rất ít”. Ông Bùi Tấn Tài, phó tổng giám đốc ACB cho biết, “huy động vốn từ đầu năm đến nay chỉ tăng rất nhẹ.”
Nhận xét trên của các chủ ngân hàng cho thấy, rõ ràng dân chúng rất dè chừng trong việc bỏ tiền vô ngân hàng để lấy lời 13% mỗi năm, khi mà lạm phát đang ở mức 17.24%. Mặt khác, không ai dại gì gửi hàng trăm triệu đồng hay hơn thế trong ngân hàng mà mức bảo hiểm được nhà nước ấn định hiện không hơn 50 triệu đồng cho mỗi tài khoản, tương đương gần 70 tô phở bò Côbê đang bán với giá mỗi tô $35 Mỹ kim tại Hanoi !
Không huy động được tiền từ dân chúng, Hanoi đã tung vào thị trường một khối lượng tiền đồng rất lớn để mua ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng quốc doanh. Động thái này làm gia tăng lượng tiền đồng trong các ngân hàng, tránh cho ngân hàng rơi vào sụp đổ cấp thời. Nhưng nhiều NHTM lấy lý do thời điểm kinh tế suy sụp, nợ sẽ dễ biến thành nợ xấu, nên khá dè dặt khi cho vay mượn. Hậu quả là đồng tiền ứ đọng lại, các ngân hàng lại dùng tiền mua trái phiếu chính phủ để lấy lời, thay vì cho doanh nghiệp mượn.
Cuối cùng, “liều thuốc” của NHNN đưa thêm tiền đồng vào thị trường thu lại ngoại tệ, hạ lãi xuất huy động 1 điểm chẳng những không giúp được gì nhiều cho doanh nghiệp; mà lại làm nên một đợt lạm phát mới đe dọa trở lại đời sống dân chúng.
150 ngàn doanh nghiệp phá sản?
Theo Phòng Thương Mại & Công Nghiệp VN thì một số rất lớn doanh nghiệp, gần như quá một nửa, trong tổng số 290 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, đứng trước nguy cơ là đình đốn đi vào phá sản. Cộng đồng doanh nghiệp VN rất cần NHNN cung cấp tín dụng với lãi suất hợp lý, tức phải thấp hơn nhiều so với lãi suất hiện tại. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp VN cần được hỗ trợ hơn là cho vay.
Ông Bùi Kiến Thành , chuyên gia kinh tế, từng đưa ra nhiều ý kiến phê phán các quyết định của NHNN, nói vớ báo chí : “NHNN có thể cho NHTM vay với lãi suất thấp 3%-4% để NHTM có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất dưới 10%. Việc này tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều làm trong tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống NHTM. Việc cung ứng lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững là nhiệm vụ và cũng là quyền hạn của NHNN, vì cơ quan này có nguồn tín dụng không phải trả lãi xuất cho ai cả. Nếu NHTM không huy động được vốn với lãi xuất thấp để cho doanh nghiệp vay với lãi xuất thấp, thì lúc đó sự việc trở thành nhiệm vụ của NHNN phải giải quyết, chứ không thể nào để cho doanh nghiệp chết được.”
Không minh bạch
Bà Phạm chi Lan, nguyên cố vấn kinh tế Thủ Tướng than phiền giá xăng tại VN tăng quá đáng: “giá xăng dầu thị trường thế giới chỉ tăng 28% nhưng ở VNlại tăng đến 40%. Cách làm này chỉ đẩy sự thua thiệt về phiá người tiêu dung Việt Nam”.
Một bình gas giá mới là 477.000 đồng, giá cũ 425.000 đồng. Hiện tại mức lương tối thiểu ở khu vực Nhà nước là 830.000 đồng tháng, tức là mõt tháng lương chưa mua nổi hai bình gas theo thời giá hiện nay!
Bà Lan còn cho biết: “công luận rất “bất bình” ở chỗ “sự minh bạch” trong tăng giá vẫn chưa có”. Thuy nhiên bà Lan cũng khẳng định cần phải tìm hiểu thêm thì mới kết luận được các việc tăng giá này có vì ‘lợi ích nhóm” của các công ty có liên quan hay không.
Theo quyết định của Hanoi thì Điện Lực VN (EVN) được quyền tự quyết tăng giá bán điện không quá 5% theo định kỳ mỗi ba tháng sau cân đối chi phí đầu vào. Như vậy sau đợt tăng giá 5% vào cuối tháng 12 năm ngoái, thời hạn sau 3 tháng để điện nhảy thêm một mức giá mới đang đến gần. Một trong những lý do mà EVN giải trình với chính phủ về yêu cầu tăng giá điện là việc kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn với khoản lổ khổng lồ lên đến 10 ngàn tỷ đồng do đầu tư trái ngành vào chứng khoán và bất động sản.
Tổng Công ty Xăng Dầu Petrolimex cũng nói doanh nghiệp của họ vẫn lỗ. Năm ngoái, lúc mới lên làm Bộ trưởng tài chính, ông Vương Đình Huệ chỉ trích công khai Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam Petrolimex rằng “Petrolimex không nói thật về tình hình kinh doanh của họ.” Cũng vào thời gian ấy, một quan chức khác của Bộ Tài chánh, ông Nguyễn Anh Tuấn, được dẫn lời nói bộ Tài Chánh sẽ "quyết tâm kiểm soát giá cả minh bạch nhất nhằm đảm bảo quyền lợi của 84 triệu người dân quanh mặt hàng xăng dầu.”
Vật giá leo theo xăng dầu
Ngay sau khi xăng, dầu và điện tăng giá, các loại hàng phải vận chuyển từ xa và phương tiện giao thông, tăng giá theo ngay đợt đầu. Riêng các loại hàng tươi như thịt, cá tăng giá rất mạnh. Đây mới chỉ là đợt tăng giá sơ khởi. Thông thường, sau mỗi đợt bão giá, dân lành phải hứng chịu hậu họa rất lâu dài.
Hà Nội, Saigon và các thành phố lớn đang có hiện tượng người dân đổ xô tới các siêu thị mua thực phẩm đóng hộp như thịt hộp, cá hộp, mì tôm… vì sợ giá cả các loại thực phẩm này sẽ tăng theo chi phí vận chuyển. Nhiều siêu thị, cửa hàng tạp hoá vì thế rơi vào tình trạng thiếu nhu yếu phẩm để bán. Các loại mặt hàng tồn đọng khác ở nhiều siêu thị, và các cửa hàng bán lẻ đang rậm rịch bán theo giá mới do nhà cung cấp thiết lập giá mới leo theo giá xăng.
Giá xăng tăng, kết hợp giá sữa, giá gas, giá điện tăng, nếu một người có thu nhập ổn định với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng sẽ rất vất vả trong việc cân đối giữa các khoản ăn uống - đi lại - học hành - khám chữa bệnh… cho vừa thu nhập.
Ngành vận tải ở khắp nước đã thông báo tăng giá cước phí. Tăng giá nhanh và sớm nhất là “dịch vụ vận chuyển bình dân” như xe ôm, xe lôi, tải nhỏ… Tại bến xe Miền Đông, xe ôm tăng giá (20 % -25%) giao động từ 5.000 - 8.000 đồng/km (giá cũ), đã tăng lên 6.000 - 10.000 đồng/km. Hiệp hội Taxi Saigon cho biết, các hãng taxi đã thống nhất tăng giá từ 500 - 1.500 đồng/km. Thời gian tăng đã bắt đầu từ ngày 12 tháng 3. Các hãng xe đò liên tỉnh chất lượng cao đang cố gắng cầm cự và “nhìn mặt nhau” chứ chưa dám tăng giá vé vì sợ mất khách. Tuy nhiên, tại bến xe Miền Đông, một số doanh nghiệp nhỏ, có số lượng xe ít, đã thông báo điều chỉnh giá vé cước vận tải, trong đó các tuyến về miền Trung, miền Bắc đã áp dụng mức giá tăng khoảng 5-10% cao hơn giá cũ.
Đàn áp Internet = trì trệ kinh tế
Các báo mạng trước đây đặt trong tâm theo dõi các biến cố chính trị. Nhưng gần đây, báo mạng theo dõi rất sát các động thái của chính ông Thủ Tướng VC Nguyễn tấn Dũng và các tay đầu sỏ trong Cộng Đảng về sự giầu có, xa hoa của họ. Ông Dũng còn bị phanh phui trong việc “cài” các con vào các chức vụ then chốt trong Cộng Đảng, chính phủ và ngành tài chánh. Đồng thời cộng đồng mạng còn theo sát chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng. Kêu gọi dân chúng rút tiền khỏi các ngân hàng, là cách bao vây kinh tế Cộng đảng. Chính vì vậy mà Hanoi ra sức trấn áp báo mạng, bắt bớ giam cầm trái phép các nhà tranh đấu ôn hòa và nhiều bloggers.
Các nhà đầu tư cho rằng, khi Hanoi muốn ngăn chăn thông tin trên internet, thì đồng thời làm cho việc điều hành công ty của họ bị giới hạn rất nhiều. Bất lợi cho giao thương, doanh nghiệp trì trệ làm cho kinh tế dễ suy sụp.
Bênh vực cho quyền lên tiếng của dân chúng, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia là “kẻ thù” của Internet. Việt Nam lần này đứng thứ hai, sau Trung Quốc, trong nhóm 12 nước “thù địch” nhất với tự do Internet.
Dù Hanoi đàn áp, kiểm soát ngặt nghèo internet, các công dân mạng vẫn tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ và thu hút công chúng. Nhất là ngày càng có thêm người trẻ sử dụng thành thạo các phương tiện thông tin tân tiến, tình nguyện dấn thân làm truyền thông đại chúng.
Trần Nguyên Thao
March 19, 2012
No comments:
Post a Comment