Bài viết này đã đăng trên Tạp Chí Thế Kỷ 21
vào tháng Mười, tháng Mười Một năm 1994 và tháng Giêng, tháng Ba năm 1995.
CÂU CHUYỆN NHẠC TRUYỀN THỐNG
“Ai đưa con sáo sang sông, để cho con sáo…”
NGÔ ĐÌNH VẬN
Dáng dấp con sáo
Sinh mệnh của dòng dân nhạc Việt Nam, ở một số khía cạnh, đã giống như thân phận của loài sáo là loài chim mà ca dao Việt Nam đã có câu ví von “hót như sáo.”
Sáo không những đã hay hót mà lại hót hay nữa. Ở Việt Nam người ta có thể nghe được tiếng hót của loài chim này ở bờ tre, khóm chuối, bụi dứa, cành đa, vườn ổi… lúc sáng, ban trưa, buổi chiều, để nhận biết rằng nơi ấy, chỗ này đang bình yên, êm ả, vì sáo không thể hót ở những vùng bất an, đầy náo động được. Tiếng sáo hót lên là dấu chỉ của thanh bình, yên tĩnh.
Dân nhạc là hồn tính của cả một dân tộc trên suốt chiều dài của dòng lịch sử nhân loại. Ca dao, một thể loại quan trọng bậc nhất của dân nhạc Việt Nam , cũng có nhiều câu nói lên tính hay ca hát của người dân:
“Hát cho chó cắn, bò lồng,
Hát cho con gái bỏ chồng mà theo.
Hát cho chó cắn, mèo kêu,
Hát cho ông lão trong lều bò ra.”
Hay là:
“Đố ai ngồi võng không đưa,
Ru con không hát anh chừa rượu tăm.
Đố ai chừa được rượu tăm,
Chừa ăn thuốc chín, chừa nằm chung hơi.
Có tôi chừa được mà thôi
Chừa ăn thuốc chín, chung hơi chẳng chừa.”
Tuy nhiên các đặc tính của cả người và chim cùng sống ở một xứ nông nghiệp hiền hòa ấy đã không thể tránh được cái thuyết “tài mệnh tương đố” mà thi hào Nguyễn Du đã chọn làm chủ đề triết lý cho cả cuốn văn vần Đoạn Trường Tân Thanh tức là truyện Kiều với những câu mở đầu:
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”
Có thể Trời ghen với cả người và chim nên dân Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu cuộc bể dâu trong kiếp sống. Những con sáo hay hót cũng dễ rơi vào cảnh bất hạnh vì loài người thích bẫy để bắt nó đem nhốt vào lồng. Quái ác hơn, người còn bầy ra cái trò chơi dạy cho sáo tập hót tiếng người.
Người đè sáo ra, cạy mỏ, bóp cho lè lưỡi rồi cạo lột, nhét ớt bắt sáo ăn rồi sau đó dạy cho sáo học “ngoại ngữ” với mấy câu xã giao như “lậy ông, lậy bà, lậy cô, lậy cậu…”
Người nước Nam cũng vậy, trải qua rất nhiều thời kỳ đã rơi vào cảnh đô hộ, do đó rất ít khi nói được, hát được, chính tiếng lòng của mình.
Người dân luôn bị rơi vào cái cảnh gian truân, sống sót được đã là may mắn lắm rồi, thì cái hồn tính của dân tộc ấy là dân nhạc có bị mất mát, suy trầm cũng là điều dễ hiểu.
Chim và người ở nước Nam có vẻ khắng khít với nhau trong nhiều tình huống. Dân chúng cả nước ưa ngâm, ưa lẩy Kiều vì thấy câu chuyện bi phẫn này có cái bóng dáng của chính đời mình trong đó. Truyện kể một người con gái tài sắc mà luôn phải chịu cảnh đọa đầy, luân lạc.
Trong khi các con sáo bất hạnh bị nhốt trong lồng chỉ tìm cách sổ lồng mà bay.
Lý con sáo là một bài ca ngắn, bình dân. Có người giải thích Lý có cái nghĩa là nói về, nói về chuyện con sáo:
“Ai đưa con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay xa.”
Câu chuyện thật đơn giản, không biết ai đặt ra. Dân ca làm gì có tác giả. Dân ca là sự đóng góp của đại chúng. Không có xuất xứ rõ rệt, chưa ai có thể tìm tòi cho ra cái gốc tích, ngọn ngành “Rằng Là” ai, ở đâu, gặp hoàn cảnh gì mà đã lý tới chuyện con sáo.
Căn cứ vào việc thấy miền Nam hay Lý lắm nên người ta đoán rằng Lý xuất phát ở miền Nam, miền Nam ở đây lại phải hiểu là phía Nam của nước ta thời Trịnh Nguyễn phân tranh, từ 1533 đến 1788.
Lý con sáo giản dị, ngắn gọn nhưng đã được phổ biến trên khắp cả nước Việt Nam , tùy theo địa phương, đã thêm bớt những chữ đệm vào để cho thích hợp với thổ âm và lối hát của từng vùng .
Có thuyết còn nói rằng bài Lý Con Sáo Quảng (Quảng Nam) đã được vua Quang Trung Nguyễn Huệ chọn làm bài hát quân hành để cho quân sĩ của ngài nức lòng trên đường di chuyển mau lẹ ra Bắc mà quên bớt mệt nhọc. Dân cả nước Nam từ lâu rồi đã khát khao Tự Do, Thanh Bình, có thể đây cũng là một nguyên do khiến bài Lý Con Sáo đã được phổ biến sâu rộng trong dân gian, truyền từ đời này sang đời khác.
Dư luận bình thường, khi lý về dân nhạc Việt Nam hay nói rằng cái di sản ấy lớn lắm, nhưng lại mất mát quá nhiều, và tới “giờ đây” chỉ còn lối hơn 100 thể điệu với cả ngàn bài dân ca lời lẽ khác nhau.
Công việc tìm tòi dân ca Việt Nam thật giống như cảnh đi tìm kho tàng báu vật với một con số phỏng định tượng trưng nhưng thực tế thì chỉ thấy còn vài chục thể điệu cho các bài hát cũ. Chẳng hạn Trống Quân chỉ có một thể điệu dùng để hát cho tất cả các câu thơ theo lối lục bát.
Thoạt nghe việc đi tìm kho tàng dân nhạc Việt Nam , ai cũng cho là đáng làm. Nhưng đi sâu hơn một chút thì quả là một vấn đề vạn nan, rắc rối. Lớp bụi dĩ vãng quá dầy khó tìm ra được chân và giả.
Nội mấy câu ru cháu thôi cũng khó mà biết được thế nào là đúng hay sai:
“Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con chuối con trê
Xách cổ lôi về cho cái ngủ ăn…”
Câu này đúng hay sai không ai có thể biết được, bởi vì trên sách vở đã có tác giả viết:
“…Bắt được mười tám con chắm, con trê…”
Con số 18 có ưu thế để cho cái ngủ ăn không hết nhưng lại có nhược điểm là cá chắm không ở đồng sâu mà nuôi trong ao.
Lại có sách ghi:
“…bắt được con cá trê râu…”
hay “…bắt được con cá rô, trê…”
Ngay cả cử động của cái tay đưa cá về nhà cũng có nhiều khác biệt tùy theo tâm tính của người bắt cá và trình trạng sức khỏe của các con cá bị bắt! Có sách thì viết “túm cổ đem về”, có sách ghi “nắm cổ lôi về”, “Xách cổ đưa về.”
Câu nào là chính bản, câu nào là phụ bản, vả lại biết đâu tác giả của câu ru đó đã không có khuyết điểm. Cho nên cái việc “tam sao thất bản” là điều khó lòng tránh được.
Cụ Diệu Thư, 83 tuổi, quê ở Hải Dương, hiện cư ngụ tại Westminster, khi nghe chuyện tìm kiếm dân ca, đã đưa ra lời khuyến khích “việc làm này hay nhưng con đường thì hiểm hóc, gian nan lắm, không cẩn thận dễ bị rơi vào lệch lạc.”
Hiểm hóc, gian nan thế nào thì có chuyện cụ thể chứng minh ngay. Cụ Trần Thị Sương sinh năm 1912 tại Liễu Nha, Mỹ Lộc, Nam Định , bút hiệu Từ Phương, tác giả của một tập thơ và cũng là người em kết nghĩa của cụ Á Nam Trấn Tuấn Khải ngày trước, hiện ở Westminster, đã đưa cho chúng tôi một tập vở viết tay với 1161 câu ca dao, tục ngữ, rồi nói “chưa có hết đâu, tôi ngồi không, buồn nên viết lại…”
Cụ Từ Phương tiếp “chuyện ca dao đúng là hiểm hóc, khó khăn lắm.” Chẳng hạn như bài ca dao:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay.
Thoạt vào anh nắm cổ tay
Sao trước em trắng mà rày em đen.
Hay là lấy phải chồng hèn,
Cơm sống canh mặn nó đen mất người.
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi từ ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu,
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra…”
Bài ca dao này, bình thường thì có vẻ là một bài hát thuần túy huê tình, diễn tả sự đối đáp của một cặp trai gái bị rơi vào cảnh ngang trái, nhưng cụ Từ Phương lại cho biết ngay từ năm 1949, khi ở Hà Nội, cụ đã được đọc trong một cuốn sách ghi rằng bài ca dao này có gốc từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Đây là việc Chúa Trịnh (không rõ Chúa nào) thấy ông Đào Duy Từ vào Nam giúp Chúa Sãi nhà Nguyễn làm được nhiều việc lớn nên đã tiếc, bèn truyền cho một vị đại quan đặt ra các câu đồng dao dạy cho trẻ con hát mà dụ ông Đào Duy Từ trở về đất Bắc.
Ông Đào Duy Từ do đó cũng đáp lễ bằng cách làm lại đồng dao để trả lời Chúa Trịnh.
Cuộc đối đáp bằng đồng dao rất thi vị này đem ghép lại thành một bài ca.
Chuyện “Trèo lên cây bưởi” còn tiếp nối khi phe Bắc đưa ra câu đồng dao đánh vào nỗi nhớ nhà của những kẻ tha hương với câu:
“Có ai về tới đường Trong,
Nhắn nhe bố Đỏ (họ Đào nên gọi là đỏ) liệu trông đường về,
Ham danh lợi bỏ quê quán tổ,
Đất nước người dù có như không.”
Tới nước này thì ông Đào Duy Từ phải quyết liệt, dứt khoát trả lời:
“Có lòng thì giã (tạ) ơn lòng
Anh đừng đến nữa mà chồng em ghen.”
Trên đây cũng chỉ là một thuyết về chuyện Trèo Bưởi mà thôi, có người cho rằng đem đối chiếu với văn phong của ông Đào Duy Từ có phần lạc giọng. Vậy biết thế nào là thực, là hư.
Lại còn cái giai thoại về bài ca dao đầy tính khêu gợi nữa:
“Lấy chồng từ thuở mười lăm,
Chồng chê tôi bé không nằm với tôi.
Đến khi mười chín, đôi mươi
Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên gường
Một rằng thương, hai rằng thương,
Có bốn chân gường gãy một còn ba.
Ai về nhắn với mẹ cha
Chồng tôi nó đã giao hòa với tôi.”
Cụ Từ Phương nói rằng bài ca dao này đã được giới đi làm Cách mạng chống Thực dân Pháp giải thích là vào năm 1919-1920 các bậc tiền bối Tăng Bạt Hổ, Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, và Nguyễn Thượng Hiền, lúc đó đang hoạt động ở bên Tầu làm ra. Nhóm bốn người qua Tầu vận động Tầu giúp Việt Nam từ 1915 nhưng Trung Hoa cứ lờ đi mãi tới năm 1919 thì Tầu mới ve vãn với nhóm này để mưu hợp tác chống thực dân Pháp ở vùng biên giới Hoa Việt, nhưng lúc đó cái “chân gường bị gẫy” là cụ Nguyễn Thượng Hiền đã mất ở bên Tầu.
Sở dĩ các cụ trong nhóm Cách mạng này phải đặt ra bài ca dao khêu gợi đó là nhằm mục đích tránh sự theo dõi của mật thám Pháp mà vẫn gửi được tin tức ở hải ngoại về cho các đồng chí ở quốc nội.
Giáo sư Lưu Trung Khảo hiện cư ngụ ở Newport Beach , cũng xác nhận với chúng tôi rằng “qủa thực tôi đã nghe được cái giai thoại này trong các giới hoạt động chính trị lúc trước.”
Tìm kiếm tài liệu dân ca Việt Nam về các mặt lịch sử, văn học, thể điệu, kỹ thuật… đều gặp khó khăn chẳng khác nào chuyện đi tìm cố nhân thất lạc:
“Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể Bắc đi tìm bể Đông.”
Thăm hỏi qua Houston , tiểu bang Texas , chúng tôi được giới thiệu để tiếp xúc với cụ Nguyễn Văn Hòa. Cụ Hòa 86 tuổi, quê ở Thái Bình, đã cho biết rằng “tìm kiếm dân nhạc làm gì, mất mát quá nhiều, đời tôi nhiều lần chạy giặc, có ngờ đâu về già lại phải lưu lạc ở cái xứ lạ quê người này.”
Nói là nói thế, nhưng rồi sau đó cụ Hòa lại khuyến khích cứ gắng làm đi, nhiều ngưòi làm thì biết đâu câu chuyện “con sáo” không có ngày mọc lại lông cánh mà bay.
Cụ Hòa tâm sự là trong thời Việt Minh chiếm Thái Bình, các loại dân ca, các loại hò hát, ở vùng quê của Cụ đều bị liệt vào loại ca hát phong kiến, lạc hậu, ăn bám sức lao động. Đường lối triệt để bài phong (bài trừ phong kiến) của Việt Minh đã giết hết những gì là Truyền Thống, nhất là cuộc Cải Cách Ruộng Đất từ năm 1954 đến năm 1956.
Theo cụ Hòa thì những gì gọi là dân ca, dân nhạc miền Bắc còn sống sót được ít nhiều là do cái tập thể di cư gần một triệu người miền Bắc đã đem vào miền Nam trong số đó phải kể đến thành phần Văn Nghệ Sĩ Cổ Nhạc.
Một nghệ sĩ Cổ nhạc nhà nòi của đoàn hát gia tộc ở Hải Phòng là ông Lữ Liên cũng di cư vào Nam dịp đó. Ông Lữ Liên, 77 tuổi, gốc Hà Nam nhưng sinh ra tại Hải Phòng , là người xử dụng nhiều loại nhạc cụ cổ như đàn tranh, đàn sến, đàn bầu, hiện cư ngụ ở Nam California.
Kể lại dĩ vãng của một nghệ sĩ cổ nhạc suốt đời lận đận theo đuổi tổ nghiệp, ông Lữ Liên nói “bàn tới dân ca, dân nhạc của mình thật đau lòng, gần như cổ bản không còn gì cả. Xứ sở chúng ta gặp quá nhiều cảnh tang thương, đã thế trong giới nghệ sĩ của ta lại có nhiều người vì lầm lẫn đã nhúng tay vào việc làm mất đi tính cách truyền thống.”
Ông Lữ Liên tâm sự “bây giờ chúng ta còn tìm đâu ra được một người biết chơi đàn đáy, một loại nhạc cụ đặc thù của ngành hát ả đào theo đúng tiết điệu cổ bản.”
Một trong những người lầm lẫn làm hại cho dân nhạc, dân ca lại là nhà sưu khảo kiêm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Ông Lữ Liên nói “ông Khoát sau thời kháng chiến đã từng tập hợp các bô lão lại để được nghe các vị tiền bối truyền cho các thể điệu, các cổ bản. Nhưng ông Khoát lại biến cải đi rất nhiều. Ông Khoát có sự lầm lẫn lớn là ông tưởng như vậy là bảo tồn được dân nhạc truyền thống nhưng làm như vậy đã khiến cho những gì là cổ bản, bị lệch lạc đi nhiều, từ đó các nhạc sĩ tân nhạc cứ dựa vào lối dân nhạc cải biên này và coi như đó là nhạc truyền thống của miền Bắc.”
Về hoạt động của các Văn nghệ sĩ Cổ nhạc di cư vào Nam, ông Lữ Liên cho biết thời đó chính sách của Đệ Nhất Cộng Hòa có nâng đỡ và khuyến khích việc bảo tồn cổ nhạc vì thế các ông Văn Thuật, Nguyễn Đình Tòng, Nguyễn Tiến Đức đã tụ họp được các nghệ sĩ cổ nhạc để có ba chương trình hát cổ bản trên đài phát thanh quốc gia, ấy là chưa kể tới nhiều chương trình cổ nhạc miền Nam nữa.
Tuy thế, theo ông Lữ Liên , vì hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc đó ồ ạt chạy theo trào lưu mới, phần khác ngành cải lương được dân chúng thích hơn nên các ban hát chèo, hát Bộ, ca Bắc, ca Huế, ca Nam theo cổ bản đã bị lấn át. Phần khác, vì vấn đề muôn thuở là kiếp người không qua khỏi được cái vòng sinh lão bệnh tử nên các nghệ sĩ cổ nhạc đã mất đi, đem theo cả di sản qúy báu của ngành nhạc truyền thống.”
Theo nhạc sĩ Lữ Liên “trải qua biết bao nhiêu tai họa của cả dân tộc, bây giờ người ta chỉ còn thấy những gì là dân nhạc truyền thống ngày ngày trôi vào dĩ vãng, mờ ảo như một hình bóng chập chờn…”
Một mùa “Sáo Nạn”
Trong lịch sử Dân Nhạc VN kể từ thời nhà Lý 1025 tức là khi Vua Lý Thái Tổ đặt ra chức Quản Giáp cho giới ca nhạc tới ngày nay, chưa có thời kỳ nào nhạc Truyền Thống Dân Tộc đã và còn đang bị đánh phá một cách tàn bạo như hiện nay vì đường lối của Cộng Sản Việt Nam.
Nếu ví nhạc Truyền Thống Dân Tộc VN là loài sáo thì dưới thời Cộng Sản cai trị chính là một mùa “Sáo Nạn”, loài sáo đã bị hành hạ đến trụi lông, gãy cánh , què chân và nếu may mắn “sổ lồng” thì cũng khó “nhảy chân sáo” mà hót, mà bay được.
Phải nói rõ thủ phạm bạo hành “loài sáo” nhạc Truyền Thống Dân Tộc là ông Hồ Chí Minh và Đảng CSVN, Hồ Chí Minh, kẻ tự hào là “đệ tử trung thành của Marx-Lenin” theo triết gia Pháp Jean Francois Revel thì “Hồ Chí Minh là một trong những người thực hiện khắt khe nhất phương pháp mà chủ nghĩa Cộng Sản đã dùng trong suốt thế kỷ 20.”
Võ Nguyên Giáp trong cuốn “Những Chặng Đường Lịch Sử” trang 687 thì viết “Kỷ nguyên mới của loài người đã bắt đầu với Cách Mạng Tháng Mười Nga vĩ đại; Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) là người dân thuộc địa đã sớm tìm ra con đường cứu nước trong thời đại mới là con đường cách mạng vô sản, con đường của chủ nghĩa Lê-nin.”
Từ năm 1923, Hồ Chí Minh đã theo phe Cộng Sản Zinoviev để chống lại phe CS Trostky, vì vậy khi là nhân viên của cơ quan Viễn Đông Vụ Liên Sô (cơ quan tình báo) sang hoạt động tại Trung Hoa, Hồ Chí Minh đã thực hiện đúng theo đường lối của cơ quan này là tận diệt các phe phái quốc gia không nằm trong tổ chức Cộng Sản.
Điển hình nhất cho việc hãm hại các lãnh tụ quốc gia uy tín là vụ Hồ Chí Minh thông đồng với Nguyễn Công Viễn báo cho Mật Thám Pháp bắt chí sĩ Phan Bội Châu tháng 6 năm 1925 để lấy tiền, theo học giả Hoàng Văn Chí số tiền là 100 ngàn Đông Dương nhưng theo tác giả J.Buttinger là 150 ngàn đồng.
Từ năm 1933 ông Hồ Chí Minh đã phải chấp nhận cảnh “cá chậu, chim lồng” trong cá lồng thép của CS quốc tế mà tác giả Tưởng Vĩnh Kinh của cuốn Hồ Chí Minh tại Trung Hoa đã viết “từ năm 1933 đến 1938 ông Hồ ở hẳn Mạc Tư Khoa và bị cưỡng bách học tập.”
Nguyễn Khánh Toàn, cựu Bộ Trưởng Giáo Dục VC cũng viết “thời kỳ này có nhiều đồng chí người Việt Nam ở Mạc Tư Khoa nhưng không ai biết Hồ Chủ Tịch đã tới Liên Sô. Chỉ có tại Viện Nghiên Cứu Chủ nghĩa Thực Dân và các vấn đề dân thuộc địa là một nữ đồng chí bí thư, vì có trách nhiệm tiếp xúc, liên lạc với các đồng chí nên biết được việc này thôi. Nữ đồng chí đặc trách tiểu tổ VN vốn là một cán bộ quốc tế Cộng sản. Mấy ngày sau bất ngờ trên đường phố, tôi mới được gặp Hồ Chủ Tịch, nhưng vì tổ chức chưa có giới thiệu chính thức nên tôi không dám gọi, lại thêm mấy hôm nữa, chúng tôi mới được chính thứ hội kiến.”
Vào giai đoạn đó chính là lúc Stalin ra tay giết hại trên 10 triệu dân Ukraine , 1/4 dân số của dân tộc này vì dân Ukraine đã gây trở ngại cho cuộc Cách Mạng vô sản để tiến lên một thế giới Đại Đồng.
Về Truyền Thống Dân Tộc theo quan niệm của Lenin thì chỉ có Truyền Thống Cách Mạng kể từ Marx-Angels là đáng kể những gì cũ hơn thì chỉ là tàn tích của các chế độ Quân Chủ, Phong Kiến thối nát.
Dân Tộc thì là một trở ngại lớn cho Cách Mạng và vì thế Stalin đã thẳng tay tiêu diệt các dân tộc Kratchai, Kalmouks, Tchetchene, Irgouche, Banca, Ukraine từ 1943 đến 1944 theo như Tờ Trình Bí Mật của Krutchev về Stalin được nói lên trong Hội Nghị lần thứ 20 của Cộng Đảng Liên Sô vào năm 1956.
Ở thời kỳ đầu của Đảng CSVN, ông Hồ Chí Minh đang có nhu cầu cạnh tranh với các “đồng chí” đối thủ VN và cả các “đồng chí” thuộc các nước nhược tiểu khác để được sự tín nhiệm của Stalin thì người ta không ngạc nhiên gì khi thấy ông Hồ Chí Minh đã triệt để áp dụng đường lối “Cách mạng bạo lực” rất sắt máu của Stalin ở Việt Nam.
Trong thời kỳ này, Hồ Chí Minh mới chỉ có “Đạo Đức Cách Mạng” thôi, tức là “triệt để trung thành với Marx-Lenin,” đẩy mạnh “Kách Mạng” theo đường lối của Stalin để đưa cả dân tộc Việt Nam tiến lên “một thế giới đại đồng, vô sản chuyên chính.”
Về mặt “quản lý” văn hóa, ông Hồ Chí Minh đã giao cho Trường Chinh, Tố Hữu là những kẻ chỉ muốn làm “Kách Mạng” mau chóng, muốn đưa tất cả các Văn Nghệ Sĩ vào cái lồng của Đảng để phục vụ cho “Kách Mạng”.
Hồi ký của Nhạc sĩ Phạm Duy ghi rõ trong Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân vào năm 1950 tại Yên Giả, “Chủ tịch đoàn đưa ra một đường lối gọi là “Văn nghệ Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa”. Mục đích chính là đưa ra một thứ kim chỉ nam cho tất cả mọi ngành sang tác. Mục đích phụ (hay đây mới là mục đích chính) là biểu dương lực lượng văn nghệ sĩ báo cáo đường lối chỉ huy văn nghệ của Nhà Nước cho quan khách biết. Các quan khách đó là ai? Đó là một số cố vấn Liên Sô, Trung Cộng và vị tân khách Léo Figuères, đại diện của đoàn Thanh Niên Pháp Quốc đang ngồi ở hàng ghế đầu cùng với Trường Chinh, Tố Hữu, Trần Độ…”
Vẫn theo Hồi ký của Phạm Duy thì “Tố Hữu đã chỉ huy xong sự khai trừ bài Vọng Cổ, đi tới phán quyết thứ hai là mạt sát Kịch Thơ.”
Tố Hữu đã bất chấp các ý kiến khác, “lên án Vọng Cổ ủy mị làm mất nước, còn kịch thơ phần nhiều chỉ phản ảnh tinh thần phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn những nhân vật quan liêu.”
Vì quan niệm chỉ huy Văn Hóa, Văn nghệ của Trung Ương Đảng CS như vậy nên người ta không lấy gì làm lạ là ở hầu hết các vùng nông thôn do Việt Minh kiểm soát các tập tục ca hát cổ truyền đều bị dẹp bỏ không vì lý do là tàn tích của phong kiến thối nát thì cũng rơi vào “tội” mê tín dị đoan.
Chẳng hạn như tục lệ hát thờ (Chầu Văn) ở các văn chỉ, đình đám thì phải dẹp vì tàn tích phong kiến, lên đồng với dàn ca nhạc Cung Văn bị cấm vì “mê tín dị đoan.”
Suốt giai đoạn từ 1945 đến 1949, Việt Minh đã ra tay giết hại không biết bao nhiêu người quốc gia yêu nước mà họ coi là đối thủ nguy hại cho Cộng Sản
Việt Nam Máu Lửa của Nghiêm Kế Tổ, trang 89 ghi rõ “Đối với các đảng phái yêu nước , Việt Minh hoặc công khai thủ tiêu (giải tán Đại Việt, Thanh Niên Ái Quốc v.v…) hoặc dùng biện pháp quân sự (tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Vĩnh Yên, Nghĩa Lộ, Đồng Minh hội ở Tiên Yên, Phục Quốc ở Lạng Sơn…”
Tiếp đó tác giả Nghiêm Kế Tổ viết ở trang 176 “từ 1945, dưới bàn tay của Việt Minh, những phần tử có khuynh hướng quốc gia đều lần lượt bị thủ tiêu với cái nghĩa rộng rãi của nó.”
Trong giai đoạn này những xác chết bị thả xuống sông, trôi dạt thành bè trên sông Hồng đến độ những dân thuyền chài sợ không dám uống nước sông mà phải vào trong các làng mạc lấy nước giếng để dùng.
Ở nông thôn trong các vùng kháng chiến vào những năm 1949 trở đi, Việt Minh đã du nhập các điệu hát múa Nông Tác Vũ của Trung Cộng gọi là Nhảy Son Đố Mì hay bài “dân Liên Sô vui hát trên đồng hoa” và các bài hát “Kách Mạng” khác để thay thế toàn bộ sinh hoạt văn nghệ truyền thống của nông thôn miền Bắc.
Đàn Đáy, Đàn Nguyệt, Đàn Tranh, Nhị… bị dẹp bỏ, bị đem làm củi đun bếp rất nhiều vào giai đoạn “Kách Mạng” này.
Từ 1949 trở đi, tức là kể từ khi Mao Trạch Đông lấy trọn Hoa Lục thì “Bác Đảng” lại có thêm “tư tưởng Mao Trạch Đông” để hướng dẫn theo đường lối Cộng Sản Châu Á dựa vào sách Đông Phương Hồng của “Mao Chủ Tịch.”
Ông Hồ Chí Minh từ chỗ “Đạo Đức Cách Mạng” đã tiến sang thời kỳ “tác phong.” Các cơ quan tuyên truyền của Đảng phải làm chuyện cổ võ cho “nguyên tắc và trật tự mới” là “Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tác phong Hồ Chủ Tịch.”
Ông Hồ Chí Minh đã rất khôn khéo chọn vị thế thứ ba của CS ở vùng Á Châu. Người có “tác phong” về “Kách Mệnh” tức là kẻ đã học tập thấu triệt chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông để đem thực hiện một cách “đúng đắn” theo như sự giải thích của sách vở CSVN.
Tuy thế cái “trật tự” mới này đã biểu lộ rõ ràng trở ngại to lớn của mục tiêu “một thế giới Đại Đồng vô sản chuyên chính,” biến mục tiêu này thành ảo tưởng vì chưa tiến tới đại đồng đã vỡ thành hai phe CS Nga và CS Tầu.
Tới năm 1953 khi nhà độc tài Joseph Stalin qua đời, Tố Hữu dịp này đã làm một bài thơ tiếc thương mang tựa là “Đời đời nhớ ông” với những câu như sau:
“Stalin! Stalin
“Yêu biết mấy, nghe con tập nói!
“tiếng đầu lòng con gọi Stalin…”
Để rồi ai oán khóc than:
“thương cha, thương mẹ, thương chồng,
“thương mình thương một, thương ông thương mười,
“Yêu con, yêu nước, yêu nòi
“Yêu bao nhiêu lại yêu người bấy nhiêu…”
Ông Hồ Chí Minh cũng là kẻ rất ưa phô diễn “tác phong Cách Mạng”, ông ta đã thường ôm hôn các cán bộ CS theo tập tục của Liên Sô. Nhiều lần trong các buổi hòa nhạc liên hoan, ông Hồ đã dành lấy vai trò nhạc trưởng để điều khiển toàn ban ca nhạc hát bài “Kết Đoàn” của Trung Cộng với các lời lẽ như sau:
“Kết đoàn chúng ta là sức mạnh.
Kết đoàn chúng ta là sắt gang,
Mà sắt với gang còn kém bền vững.
Chúng ta thề phá tan quân thù
Thực dân, đế quốc sài lang
Với phe phản động ta đập tan hoang…”
Bức hình chụp ông đóng vai nhạc trưởng sau này được Nhà Nước CSVN dùng để in một con tem cho ngành Bưu Điện.
Tới thời kỳ 1954 đến 1956, là thời kỳ “Bác Đảng” đã gây ra một cuộc giết chóc đẫm máu nhất tại nông thôn miền Bắc qua “chính sách cải cách ruộng đất.”
Theo tài liệu của Giáo sư Lâm Thanh Liêm, nguyên Trưởng Ban Địa Lý thuộc Đại Học Văn Khoa Saigon thì “qua năm cuộc cải cách ruộng đất kế tiếp nhau đã làm cho nông dân miền Bắc đẫm máu…” Giáo sư Liêm viết tiếp “các chuyên viên nghiên cứu ước tính đã có khoảng từ 120,000 đến 200,000 người đã bị giết oan và hàng chục ngàn người khác đã bị đày đi các trại cải tạo.” Sau cuộc cải cách “bạo lực” này, Đảng CSVN thấy có nhiều khuyết điểm làm nông dân bất mãn, nên Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho Trường Chinh đứng ra nhận lỗi. Nhưng Trường Chinh đã đổ vạ việc sai lầm ấy là do các cán bộ địa phương làm quá chứ Đảng và Nhà Nước không hề sai lầm trong đường lối chính sách.
Võ Nguyên Giáp trong cuốn “Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước” nơi trang 45 thì viết rằng “Tuy cải cách ruộng đất có mắc phải sai lầm, nhưng sai lầm chỉ là bộ phận, là thứ yếu…”
Sau đó Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh “Thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến là một chủ trương chính xác của Đảng ta, một chủ trương có tính cách sáng tạo.”
Hậu quả của vụ thảm sát này đã khiến cho môi trường sinh hoạt của loài sáo dân nhạc VN là nông thôn biến thành “Đất Dữ.”
Ca dao Việt Nam nói “Đất lành chim đậu”, đất không còn lành nữa, nông dân bỏ ruộng đi kiếm các nghề sinh sống khác. Nông thôn miền Bắc qua cuộc cải cách ruộng đất và sau này được đưa vào tập thể thì miền Bắc không còn nông dân chuyên nghiệp theo cảnh:
“Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa…”
Tới cuối năm 1959 đến đầu 1960, “Bác Đảng” đã phát động chiến dịch “Đồng Khởi” để gây chiến tranh thôn tính miền Nam thì lúc đó cả miền Bắc biến thành hậu phương cung cấp người và của cho cuộc chiến tranh mới.
Nông thôn miền Bắc kể từ 1960 trở đi đã chỉ còn một vế của lối hát đối tức là phe nữ mà thôi. Vế đáp là phe Nam giới đã “được” vận động để lên đường chiến đấu, miền Bắc xảy ra nạn “gái thừa trai thiếu”, ca dao VN có câu:
“Gái phải hơi trai như thài lài phải cứt chó.”
Sức trai đã được điều động vào con đường xâm nhập mang tên đường mòn Hồ Chí Minh để cung ứng cho các trận đánh biển người ở Nam Bộ thì nữ giới miền Bắc đương nhiên biến thành những cọng thài lài tong teo, cằn cỗi, sống dập dờn ở ven ruộng, bờ ao là điều không thể tránh được.
Trong giai đoạn chiến tranh được gọi là “Chống Mỹ Cứu Nước”, ông Hồ Chí Minh cũng đóng góp vào việc cải biên dân nhạc.
Chẳng hạn ông Hồ đã lấy câu ca dao:
“Còn non, còn nước, còn trời,
Còn cô bán rượu anh thời say sưa…”
Để cải biên thành ca dao chống Mỹ như sau:
“Còn non, còn nước, còn người
Đánh thắng giặc Mỹ ta thời xây dựng gấp mười năm xưa.”
Ở trong cả một tình huống khổ cực như thế, miền Bắc còn gì là ca hát ngoại trừ tiếng “sáo hót trong lồng” để ca ngợi chủ nghĩa, tôn vinh Cách Mạng mà lãnh đạo chính là “Bác Đảng.” “Nhạc Đảng” đã đại diện cho toàn thể Nhân Dân, các cán bộ văn hóa của Đảng đã thay thế mọi sự lên tiếng của quần chúng, gạt bỏ nghệ sĩ dân gian ra ngoài.
Nhạc của miền Bắc vì thế đã bị lai Nga, lai Tầu, lai Hung… là điều đương nhiên. Trong giai đoạn mở rộng chiến tranh xâm lược vô miền Nam VN này, ông Hồ Chí Minh có nuôi chim nhưng không hiểu việc nuôi nấng này ra sao mà nhà thơ Bút Tre đã tức cảnh sinh tình làm thơ vịnh chim với hai câu rằng:
“Bác Hồ có một con chim
Nhờ bà Thị Định đi tìm cái lông.” (cái lồng).
Nhà thơ Bút Tre tự nhận là người làm thơ dở nhất, ngang phè nhưng biệt tài của ông lại là từ chỗ dở ấy người ta tìm ra được những điều mỉa mai, gai góc, ông đã đặt bẫy một cách tài tình để chơi trò “vuốt râu hùm, mó dái ngựa.”
Một chuyện khác đáng ghi nhận là miền Bắc rất “tự hào” vì không còn nạn ăn mày nữa. Nhưng dư luận từ dân chúng đã trả lời cho Nhà Nước rằng “toàn dân đã trở thành bần cùng cả rồi thì có đi ăn mày nữa cũng chẳng ai có gì mà cho.”
Đường lối “quản lý” lương thực, nhu yếu phẩm theo chế độ “nhân khẩu” của Nhà Nước CSVN rất khắc nghiệt vì thế trong dân chúng đã có câu ca dao:
“Một năm ba thước vải sô,
làm sao che nổi Bác Hồ đây em.”
Nhạc sĩ Phạm Duy sau này đã phổ nhạc câu trên và đặt ở phần “Ca dao thời Hồ” trong tập Ngàn Lời Ca.
Kết quả của sự “tự hào” này là ngành Hát Xẩm đã không còn đất để sống, cách chơi và những cây đàn bầu của nghề Hát Xẩm bị trôi vào lãng quên.
Năm 1969 thì ông Hồ Chí Minh qua đời, Đảng và Nhà Nước VC đã làm những bài điếu văn thương tiếc, ca tụng “sự nghiệp” của ông, bên cạnh những tiếng khóc đồng điệu đó, nhà thơ Bút Tre lại một lần nữa làm hai câu thơ thảm thiết rất lạc điệu là:
“Tin đâu như sét đánh ngang
Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần”
Cái thâm hiểm của ông Bút Tre nó nằm ở chỗ dở nhất, hai chữ chuyển sang nghe rất ép uổng, nhưng lại hàm ý rằng đây là cái chết thình lình, bất đắc kỳ tử mà phong tục VN vốn coi là điều gỡ dành cho những kẻ độc ác.
Sau khi xác của ông Hồ được Đảng CSVN nhờ Liên Sô ướp để đưa vào đặt ở trong Lăng thì Bút Tre lại ca ngợi tinh thần “kính cẩn” của phụ nữ với Bác của Đảng bằng 2 câu thơ:
“Vào thăm Lăng Bác âm u,
Chị em phụ nữ giở mũ ra chào.”
Phải cẩn thận khi đọc chữ mũ với dấu ngã cho dù có lạc vận cũng đành chứ không thì dị quá.
Trên cả cái tài làm thơ hay ở chỗ rất dở để “vuốt râu hùm” này, nhà thơ Bút Tre đã lách được các sự thanh trừng hay bị xếp vào loại “phản động” đó là điều kỳ lạ chưa ai tìm được nguyên do.
Tới năm 1975 khi miền Bắc đã chiếm được miền Nam rồi thì các đường lối, chính sách của Nhà Nước CS đã áp dụng ở miền Bắc được đưa vô thực hiện ở miền Nam theo khẩu hiệu “tiến nhanh, tiến mạnh lên Xã Hội Chủ Nghĩa.” Nhưng thực tế xảy ra thì lại khác, các cán bộ CS được “chi viện” cho miền Nam để nắm trọn guồng máy lãnh đạo đã chỉ thích thú các sản phẩm Văn Hóa của miền Nam mà thôi mặc dù Đảng gay gắt lên án và thẳng tay dán cho tất cả mọi sản phẩm Văn Hóa miền Nam là “đồi trụy”. Ở khắp nơi tại miền Nam vào các năm từ 1976 đến 1977 Nhà Nước đã cho Du kích, Công an đi tịch thu mọi loại văn hóa “ngụy” để tiêu hủy.
Có vùng thì tổ chức đốt sách vở “đồi trụy”, có nơi thì lập đám ma, thu hết sách vở “đồi trụy” bỏ vào những chiếc quan tài đem đi chôn.
Những bộ sách quý mang tên tác giả Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi… những sách dịch trong loại “học làm người” đều chịu chung số phận “đồi trụy” đưa đi chôn.
Tuy nhiên đường lối của Nhà Nước CSVN đã có nhiều sơ hở, mà cái sơ hở nhất là để cho các cán bộ Miền Bắc đưọc quyền “nghiên cứu tội ác Mỹ Ngụy.” Phần lớn các cán bộ Miền Bắc đều thích “nghiên cứu” cái phần “tội ác đồi trụy” lắm, vì thế ở nhiều nơi chính du kích lại là những kẻ hành nghề bốc mả “đồi trụy” lên, tức là đào trộm sách, băng nhạc vàng để cung cấp cho Cán Bộ, Bộ Đội đem về Miền Bắc làm quà “nghiên cứu” cho bà con. Hiện tượng trên đã khiến cho những gì gọi là Truyền Thống Dân Tộc còn lẫn lộn trong mớ sản phẩm “đồi trụy” có cơ hội sống sót và quảng bá rộng hơn, mặc dù Nhà Nước CS vẫn triệt để tiêu diệt “tội ác Mỹ Ngụy.”
Kể từ 1977, CSVN gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc, sau đó vì muốn tham gia vào các cơ cấu của Liên Hiệp Quốc và thế giới bên ngoài khối CS trong đó có tổ chức Nhạc Truyển Thống Dân Tộc Thế Giới thì CSVN mới tích cực đi tìm Truyền Thống Dân Tộc ngoài cái Truyền Thống Marx-Engels. Thế nhưng khi muốn gia nhập tổ chức này thì phải hội đủ các điều kiện tối thiểu về sự định nghĩa, phẩm chất, tiêu chuẩn và nguyên tắc chung. Nhà nưóc CSVN ở nhu cầu này đã đành phải chỉ cái kho tàng “cải biên dân nhạc” mà họ đã khởi đầu làm “Kách Mạng” từ cuối thập niên 40 đầu 50 kế tiếp về sau này để bảo đó là “nhạc Truyền Thống Dân Tộc,” vì những gì là Truyền Thống đã bị loại bỏ.
Đây chính là sự sai lầm tai hại vì không ai lại chỉ những món tân tạo mà bảo rằng đó là đồ cổ cả.
Cái dữ kiện mà nhạc sĩ cổ nhạc Lữ Liên đã kể lại về việc cải biên dân nhạc của ông Nguyễn Xuân Khoát cũng chỉ là một sự kiện nổi, giản lược mà thôi. Có cải biên dân nhạc cũng vẫn không sao cả, dùng ký âm pháp Tây Phương để ghi lại dân ca VN trong mục đích quảng bá rằng dân ca VN có nhiều làn điệu hay lạ, đây là cách chơi mới làm phong phú hơn cho nhạc truyền Thống Dân Tộc thì vẫn không có gì đáng trách. Từ lâu rồi các nghệ sĩ Tây Âu đã dùng dân nhạc của chính xứ sở họ làm nguồn hứng khởi, làm nhạc đề viết ra các khúc nhạc mới có sao đâu. Tchaikovsky của Nga Sô đã từng dùng nguyên một khúc nhạc Hát Xẩm để đưa vào tấu khúc Andante Cantabile, Brahms đã đem làn điệu của nước ông vào các tác phẩm Hungarian Dances, ngoài ra còn Chopin, Franz, Listz, Grieg, Mahler v.v… Ở Việt nam có nhiều nhạc sĩ như Thẩm Oánh, Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy… cũng dựa vào cái gồc dân nhạc để sáng tác các ca khúc mới thì có sao đâu.
Nhạc sĩ Phạm Duy, trong hồi ký của ông nói rõ, ông đã nghiên cứu Ương ca của Trung Cộng, dựa vào dân ca Việt Nam để viết ra những bản dân ca mới làm cho dân nhạc phong phú như một sự trở mình bừng dậy. Trong một buổi tiếp xúc với chúng tôi tại tư thất của ông vào tháng ba năm 1994 tại thị trấn Midway, California, nhạc sĩ Phạm Duy đã nói “tôi ôm lấy cái cuống rốn dân tộc là dân nhạc VN để sáng tác những bài dân ca mới và vì thế các làn điệu dân nhạc luôn thấy trong các tác phẩm của tôi”.
Trả lời câu hỏi rằng “có dư luận nói là ông lấy dân nhạc đưa vào các tác phẩm của ông nhiều lắm ông nghĩ sao?” Nhạc sĩ Phạm Duy đáp “đúng, tôi lấy dân nhạc nhiều lắm, nhưng cái cách lấy của tôi giống như người ta lấy một hạt lúa để làm lên cả một cánh đồng, việc lấy dân ca của tôi có thể chỉ có Nhạc sĩ Trần Văn Khê hiểu được.”
Do đó việc cải biên dân nhạc vẫn không có chi là sai trái, gây tác hại cho ngành nhạc Truyền Thống Dân Tộc Việt Nam .
Tuy vậy cái mục Nhạc Dân Tộc Cải Biên Việt Nam do các người lãnh đạo Văn Hóa của Việt Cộng chủ trương thì lại khác. Sự cải biên kể từ việc mở đầu của Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã kéo theo cả một phong trào cải biên tiếp tục từ cuối thập niên 40 đến nay với chủ đích làm cả “Cách Mạng” cho Truyền Thống, “Cách Mạng cho lịch sử” thì đây mới là sự tai hại vì đã tróc nã loài sáo nhạc Truyền Thống Dân Tộc rồi thì còn tìm đâu ra những nét đặc thù của Truyền Thống Dân Tộc VN nữa.
Trong thực tế mấy chữ Nhạc Truyền Thống Dân Tộc cũng chỉ được nhắc tới từ thời Lê Duẩn vì nhu cầu của Đảng, cũng như tư tưởng của ông Hồ Chí Minh, cũng chỉ được Đảng CSVN đẻ ra kể từ năm 1979, trong mục đích chứng tỏ rằng Đảng CSVN không còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưỏng Mao Trạch Đông nữa mà “hạ quyết tâm” đi theo đưòng lối của Liên Sô.
Tóm lại ngành nhạc Truyền Thống Dân Tộc Việt Nam đã bị đánh phá liên tục vì các nhu cầu ngắn hạn của Đảng CSVN nhưng nó không đi ra ngoài mục tiêu bảo vệ quyền lực cũng như sự sinh tồn của tập đoàn cầm quyền Hà Nội.
Ở Trung Hoa đã có một thời gian Mao Trạch Đông lên án chim trời là loài động vật ăn cắp thóc lúa của nông dân. Ông ta ra lệnh cho cả nước tận diệt “đồ ăn cắp,” chim bị giết hàng triệu con, những con may mắn “cao bay, xa chạy” đã tìm đất lành mà đậu.
Đồng lúa trên của nước Trung Hoa sau đó đã bị mất mùa vì nạn sâu rầy, lúc đó Mao Trạch Đông mới biết rằng chim trời đã giúp ích rất nhiều cho nông nghiệp.
Mao hạ lệnh cho cả nước chiêu dụ chim về nhưng đàn chim tan tác trở về rất ít, về rồi thì còn phải đẻ nữa, vì thế cả nước Trung Hoa đã gặp nạn đói qua mấy mùa sau.
Do đó tàn hại loài sáo là nhạc Truyền Thống Dân Tộc rồi thì bây giờ tìm kiếm lại là cả một vấn đề rắc rối cho giai đoạn “Đổi Mới” của Đảng CSVN.
Tự Do “đưa con sáo sang sông”…
Trong mọi cơn tai biến xảy ra cho dân nhạc Việt Nam thì “loài sáo” này luôn tìm về ẩn náu trong tâm tư của dân chúng để sồng sót, tồn tại.
Không một người Việt Nam nào không thuộc lòng một số tục ngữ , ca dao, vốn là cái gốc của dân nhạc.
Ngay trong cách nói của người Việt cũng thường dùng ca dao, tục ngữ để dẫn giải, ví von cho câu chuyện thêm đậm đà, thi vị.
Đối với nhiều người Việt thì hát cũng cần như thở. Truyền Thống Hát Ru là thói quen, là nhu cầu của Bà, của Mẹ, của Chị đã bảo tồn, nuôi dưỡng được một phần lớn cái di sản Văn Hóa Dân Tộc. Kho tàng quý báu này là một sự gạn lọc các tinh hoa chứa đầy hồn tính, tình tự của cả một giòng giống truyền từ đời này sang đời khác.
Đây chính là ngành Khoa Học Nhân Văn chứa đựng đức tin, tôn giáo , triết học, thiên văn, địa lý, nhân sinh quan của dân Việt gắn bó chặt chẽ với cái đạo làm người giao hòa giữa Trời và Đất.
Từ ba năm qua, khi còn ở Houston, Texas là lúc chúng tôi có ý định tìm kiếm, thăm hỏi để viết một loạt bài về Khái Lược Tiến Hóa của Dân Nhạc Việt Nam, chúng tôi đã chọn lối định nghĩa hai chữ Dân nhạc theo cách phổ quát bao gồm Cổ Nhạc (Nhạc Truyền Thống Dân Tộc) và cả Tân Nhạc chịu ảnh hưởng từ cái gốc truyền thống Việt Nam.
Do đó một định nghĩa Dân Tộc Nhạc Học theo kiểu quốc tế khởi đầu từ Jaap Kunst, người Hòa lan năm 1950 và tiếp đó là Claudie Marcel Dubois, người Pháp, Mantle Hood, người Mỹ, Kishibe Shigéo, người Nhật, Chuang Pen Li, người Trung Hoa, Kwabena Nketia, người Ghana… chỉ ảnh hưởng ít nhiều tới phần viết về cổ nhạc Việt Nam (Nhạc Truyền Thống Dân Tộc) mà thôi.
Trước năm 1954 thì các nghệ sĩ Việt Nam chính là thành phần chuyên chở dân nhạc từ miền này qua miền khác nhưng các sáng tác hay các cuộc trình diễn của họ chỉ có tính cách giới thiệu cái đặc thù của từng vùng trong một khung cảnh giới hạn.
Từ cơn quốc biến 1954, đất nước bị cắt đôi, gần một triệu người dân miền Bắc đã phải lìa bỏ quê cha, đất tổ để di cư vào Nam vì yêu chuộng Tự Do, thì sự giao hòa dân nhạc của ba miền đất nước mới phát triển sâu, rộng trong sinh hoạt hằng ngày của xã hội miền Nam Tự Do.
“Ai đưa con sáo sang sông” mở đầu bài dân nhạc là một câu hỏi trống, không có sự trả lời, nhưng trong hoàn cảnh của cuộc di cư năm 1954 thì cái việc “đưa sáo” miền Bắc vào miền Nam chính là lý tưởng Tự Do. Tự Do đã đưa “con sáo sang sông”…
Sau này, nhạc sĩ Phạm Duy đã diễn tả về cuộc chia lìa “đau đớn tới đứt ruột” của khối người Bắc di cư bằng một câu hát ngắn gọn nhưng hàm súc, tiêu biểu:
“Hà Nội yêu quý không thể ngăn người,
Vì người đã ra đi theo Tự Do.”
Ngay trong các trại tạm cư hồi 1954 tại Rạch Dừa (Vũng Tầu), Phú Thọ (Sàigon), Trường Tiểu Học Chí Hòa (Saigon), chúng tôi đã được chứng kiến những người Mẹ, người Chị hát ru cho trẻ ngủ bằng nhiều thể điệu của dân ca miền Bắc.
Nhiều buổi tối từ nơi tạm cư là một góc phòng của Trường Tiểu Học Chí Hòa, chúng tôi đám trẻ con di cư đã rủ nhau lân la ra các quán nhỏ ở chòm xóm này để mua nước đá nhận, kẹo, bánh. Cả đám chúng tôi đã ngơ ngác khi thấy chị bán hàng xé phăng tấm giấy bạc một đồng để gọi là “thối lại vì thiếu bạc cắc.” Khi trở về chỗ tạm cư, chúng tôi đã ngừng lại, tò mò nhìn ngắm và lắng nghe một đám dân Nam tụ tập ở hiên nhà gẩy đờn và ca vọng cổ.
Từ các sự kiện cụ thể xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày đó lâu dần người Bắc, người Nam trao đồi với nhau tất cả các phong tục, tập quán để miền Nam biến thành một xứ hòa hợp phong phú, đa dạng trong tinh thần của câu ca dao cổ:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Năm tháng trôi đi, xã hội miền Nam Việt Nam đã xứng đáng tiêu biểu cho sự hòa hợp của người dân cả nước.
Từ những buổi tụ tập ăn nhậu sau này cái thói kỳ thị địa phương đã biến đổi câu chuyện “rau muống, giá sống, ớt hiểm” trở thành một trò đùa, một sự khôi hài chọc ghẹo chứ không còn mang tính ghét bỏ nhau nữa vì mọi người đều ăn được cả.
“Tiếng hót” của các “con sáo” miền Bắc với những bài “Qua Cầu Gió Bay”, “Hát Hội Trăng Rằm” đã hòa cùng các điệu lý, điệu hò của miền Trung, miền Nam để trở thành các buổi trình diễn Dân Ca Ba Miền đa dạng được đại chúng yêu thích.
Lý, Hò của miền Nam phong phú, chằng chịt như sông, rạch, đầm, đìa. Người dân đụng nhằm cái gì thì Lý ngay cái đó. Lý hiền hòa, tình tự, đằm thắm không khác gì các điệu Quan Họ Bắc Ninh. Lý tới độ con cua của đồng bằng Cửu Long phải bò lên thưởng thức:
“Con cua huầy, nó ở huây a hang
í a dưới hang là í a dưới hang
Nó nghe huầy mà giọng lý huây a càng
í a kình càng là càng í a kình càng là bạn bò lên.”
Những sáng tác đầy giá trị nghệ thuật này là sự đóng góp không ngừng của đại chúng mà người dân Việt ở bất cứ nơi đâu cũng phải nhìn nhận cái hay, cái đẹp của nó.
Tuổi thanh xuân thì trai trẻ bất cứ ở miền nào đều đã từng nếm mùi “ngọt ngào, cay đắng” của tình ái. Có thể chỉ có các bậc chân tu mới thoát khỏi lưới tình, mới thoát được các tác động thừa thãi, vụng về như “bứt một ngọn cỏ,” “vân vê tà áo” hay là:
“Dơ tay mà ngắt cọng ngò
thương em muốn chết giả đò ngó lơ.”
Hơn thế nữa, người dân cả nước đều biết rõ rằng gái Bắc Ninh, nổi tiếng một thời là bạo dạn, hay hò hát trêu ghẹo trai tráng lạ mặt đi qua vùng họ. Ở miền nào thì cũng có các thiếu nữ lẳng lơ, lãng mạn nhưng lại thông minh, tinh quái rất đáng quyến rũ theo kiểu:
“Gái đâu có gái lạ đời
Chỉ còn có một ông giời (Trời) chưa chim.”
Chanh chua, ngoa ngoắt cũng dễ thương không kém:
“Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.”
Đi sâu vào miệt vườn Vĩnh Bình, người ta còn nghe được cả điệu hò đầy vẻ “sách nhiễu tình dục” nhưng cũng không kém thú vị, thanh tao:
“Hò ơ, mãn mùa rồi, ờ ơ con cá cà cửng, nó nhảy tửng lên bờ, em ơi tử du táng địa, ơ mờ anh xin chôn nhờ miếng đất em.”
Bị “quấy nhiễu” táo tợn như thế, nhưng lời “phá phách” lại tỏ ra có văn phong nên lời hò đối lại cũng chẳng kém thông minh để mà “trừng trị.” Phe hò đáp lại đã phản ứng tức thì chứ không phải đợi ra điều trần hay đâm đơn đi kiện như tình cảnh của các kiều nữ Anita Hill, Paula Corbin Jones của xứ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Phe hò đáp lại cũng văn hoa nhưng không kém khốc liệt, hò đối lại rằng:
“Hò ơ, miếng đất của em, tả thanh long, hữu bạch hổ có lỗ sẵn ơ dành ơ. Anh ơi, anh chôn vô đó ơ mà đặng nối dòng tổ tiên ơ.”
Câu chuyện đang ở tình cảnh bờm sơm thoắt “chuyển sang” nghiêm trang, đàng hoàng vì đụng tới hai chữ Tổ Tiên mà tập tục của người Việt Nam một lòng tôn kính.
Trở về dĩ vãng, những đứa bé được ru bằng làn điệu miền Bắc di cư dần dần trưởng thành trong xã hội miền Nam .
Sự hòa hợp của người dân một nước đã đi tới chỗ tốt đẹp, không thiếu gì các cuộc hôn nhân của người vùng này lấy người xứ khác. Chúng tôi đã từng được chứng kiến các gia đình chồng Bắc vợ Nam hay ngược lại.
Sự hòa hợp người dân một nước đến độ tuyệt hảo như trưòng hợp của gia đình người bạn tôi tên là Nguyễn Văn Giáp gốc Hà Đông lấy vợ là chị Võ Thị Hường ở Hốc Môn.
Khoảng năm 1971, chúng tôi đã được nghe chị Hường ru cháu bé bằng các bài ru con miền Nam :
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ vừa năm…”
Để rồi chuyển ngay qua điệu Cò lả của miền bắc:
“Con cò cò bay lả, lả bay la,
Bay ra ra cửa phủ bay vào Đồng Đăng…”
Chị Hường còn ru cháu nhỏ bằng câu hát:
“Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…”
Vì là chỗ thân tình, trong bữa ăn tối sau đó, chúng tôi đã hỏi chị là tại sao lại ưa ru con bằng làn điệu Bắc. Chị Hường rơm rớm nước mắt, tâm sự “Bị bà nội cháu thương tui như con ruột, lúc còn sống nội rất yêu các cháu thường ru như thế, bây giờ nội mất, tui nhớ nội, tui ru con nhỏ bằng bài ru của nội.”
Đây là một trường hợp trong nhiều hoàn cảnh hòa hợp đầy cảm động.
Bài ru “Cái Ngủ” thật ra từ lời lẽ, làn điệu không có gì đặc sắc nhưng nhiều bà vẫn dùng nó để ru cháu, ru con.
Chị Nguyễn Thị N. gốc Nam Định là bạn học của tôi khi mới học trung học, sau này là Giáo sư Việt Văn ở Biên Hòa, chị N. lấy chồng gốc Saigon vẫn ru con bằng bài “Cái Ngủ.”
Chị N. phát biểu rằng “cả đời tôi có đi cấy bao giờ đâu nhưng mẹ tôi đã ru như thế nên tôi quen miệng ru theo, có lẽ cái hay của bài hát này nằm ở mặt tình cảm, kỷ niệm…mẹ tôi kể cách đây trên 100 năm bà tôi là cái ngủ rồi truyền chức cái ngủ cho mẹ tôi, truyền tới đời tôi rồi con tôi nữa…Cái ngủ hay ở chỗ lúc nào cũng bé bỏng, đáng yêu… trăng bao nhiêu tuổi trăng già… cái ngủ chẳng bao giờ già được, cái ngủ thường mơ ngủ mỉm cười, xinh lắm.”
Đất nước Việt Nam nếu đã phải chịu cảnh tang thương đầy dẫy bom đạn vì chiến tranh thì ở trong cái nếp sinh hoạt hằng ngày cũng tràn đầy thương yêu, tình tự.
Tới tháng 4 năm 1975, một tai họa khác lại xảy ra đối với dân tộc Việt Nam, Cộng Sản xâm chiếm cả nước, một số dân chúng miền Nam may mắn được di tản trước ngày 30 tháng Tư 1975.
Cái hình ảnh tang tóc của chiều ngày 30 tháng Tư 1975 khi Tự Do bị bức tử ở Việt Nam là cái hình ảnh ghê rợn không bao giờ chúng tôi quên đưọc.
Chiều hôm ấy mây đen u ám bao trùm khắp vùng Saigon, chúng tôi như kẻ mất hồn lội bộ ở khu Ngã Ba Ông Tạ, khi ngẩng mặt nhìn lên bầu trời xám đục thì đụng ngay cả một mái tóc rất dài của một phụ nữ treo lơ lửng, vật vờ trên hàng dây điện ở giữa đưòng Lê Văn Duyệt. Mái tóc ấy bị gió thổi bay lõa xõa đầy vẻ ma quái, những ngưòi ở khu vực này cho hay quân CS đã pháo trúng một chiếc xe Lam, chở nguyên một gia đình chạy loạn.
Cả một bộ sọ cùng mái tóc dài tha thướt của nạn nhân đã bị sức mạnh của trái đạn bốc lên mắc kẹt vào sợi dây điện giăng ngang đường phố.
Mái tóc vướng lại trên cao bị gió thổi phất phơ, rũ rượi, đó là cái hình ảnh ma quái, chập chờn trôi dần vào bóng tối của một buổi hoàng hôn mà Tự Do đang hấp hối tại Việt Nam.
Bên dưới cả đám dân chúng đổ ra đường bàn tán xôn xao y hệt một đàn kiến vỡ tổ mà phần đông là những cái xác vô hồn vì tinh thần của chúng tôi đã phải chịu đựng một sự sụp đổ khốc liệt trong hoang mang, tuyệt vọng.
Về sau này, qua các cuộc tiếp xúc với những người thân thích ở Hưng Yên, ở Hà Nội vào thăm miền Nam thì chúng tôi được biết thêm rằng rất đông những người dân đứng tuổi ở miền Bắc đã bật khóc trong ngày Cộng Sản chiếm nốt miền Nam .
Dân chúng khóc cho Tự Do cũng là khóc cho sự thất vọng của chính đời mình trong lúc Đảng và Nhà Nước Cộng Sản huyên náo cổ võ cho “Đại thắng mùa xuân.”
Đảng nhạc đã tức thời thay thế cho Dân Nhạc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh cùng hát với cả đám “cán bộ 30” bài “Nối vòng tay lớn.” Nhưng dòng tiến hóa của dân nhạc đã không ngừng nẩy nở.
Vài ngày sau dư luận trong dân gian đã phản ứng lại mãnh liệt. Chữ “Đại thắng lợi” được đọc lái là “Đợi thắng lại” chữ “Saigon giải phóng” được nói ngược là “Saigon phỏng giái”, câu hát “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng’ được dân nhái lại là “như có bác Hồ trong nhà thương Chợ Quán” (nhà thương điên). Bài Nối Vòng Tay Lớn có lời đổi lại là “từ Bắc vô Nam tay cầm cái roi, một tay cầm sợi giây để bắt con cầy.”
Kể từ 1975 trở đi, cái giá Tự Do mà dân chúng Việt Nam phải trả là cái giá đắt nhất vì người tị nạn đã phải đánh đổi bằng chính mạng sống, sự nguy hiểm, điều ô nhục của đời người để tìm cho được cái đáp số của bài toán nan giải “chết hay là được sống tự do.”
Đi tìm tự do bằng đủ mọi phương cách, nhiều chục ngàn người đã chết trên biển cả, trên những con đường mòn vượt biên giới sang đất Cao Miên, sang đất Thái lan. Nhiều chục ngàn người đã là nạn nhân của Hải tặc ở Đông Nam Á hoặc là nạn nhân của các lực lượng dã man thuộc các phe phái Khmer.
Cho tới nay con số Tị Nạn Cộng Sản Việt Nam may mắn sống sót, định cư ở khắp các nước Tự Do trên thế giới đã lên tới trên một triệu người.
Trên một triệu người Việt tị nạn Cộng Sản đã đem theo tất cả cái vốn liếng Văn Hóa Dân Tộc mà họ có được, bao gồm kiến thức, những bài dân ca thuộc lòng và cả một số sách vở liên hệ đến dân nhạc Việt Nam nữa.
Ngay ở các trại tị nạn đầu tiên ở Mỹ rồi tiếp đó ở Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương, Phi Luật Tân… thì tiếng hát ru con, ru cháu của dân Việt cũng đã được cất lên vì nhu cầu cấp thiết ru cho trẻ ngủ.
Mặc dù trong hoàn cảnh khác lạ, đổi đời nhưng từ lâu người Việt Nam đã quen nhẫn nhục chịu đựng, đã thấm nhuần, đã thuộc lòng những kinh nghiệm sống khôn ngoan của tổ tiên với các câu ca dao xưa cũ:
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.”
hoặc là:
“Bầu ơi thương bí lấy cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”
Câu ca dao này có truyền thuyết cho rằng đã có từ thời đại Hùng Vương từ năm 1122 đến 837 trước Công Nguyên, tức là hơn 2000 năm nay dân Lạc Việt trên đường du mục đã sống chung , hòa thuận với các bộ tộc, thổ dân khác chẳng khác gì tinh thần bình đẳng, hỗ tương của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ngày nay. “Con sáo” dân nhạc Việt Nam được “đem ra” hải ngoại, bay vào lòng thế giới để tiếp tục sống còn, tồn tại.
Công cuộc tìm kiếm, phục hưng lại dân nhạc Việt Nam hiện nay đã được rất nhiều cá nhân, tổ chức Việt nam ở Hải ngoại cũng như quốc tế thực hiện nhằm mục đích duy trì, bảo tồn Truyền Thống Dân Nhạc Việt Nam là một thành phần của Dân nhạc Truyền Thống Thế Giới.
Đối với những người Việt Nam thì công việc trên còn mang thêm nhiều ý nghĩa khác, một mặt nhằm mục đích giới thiệu các làn điệu , âm hưởng Việt Nam với cộng đồng thế giới, một mặt còn là bổn phận đóng góp vào những nền Văn Hóa Đa Dạng của các xứ sở tự do, nơi mình đang cư ngụ như ở Hoa Kỳ, ở Âu Châu, ở Úc… mà nay một số đông những người tị nạn cộng sản Việt Nam đã là công dân của các xứ sở này.
Sáo hót từ muôn dặm xa
Cùng với đoàn người chạy giặc đầu tiên ra hải ngoại, giới nghệ sĩ là thành phần quan trọng nhất đã cưu mang dân nhạc Việt Nam đưa vào lòng thế giới.
Ở đây chúng tôi trình bày một số hoàn cảnh “di tản dân nhạc” của các nghệ sĩ mà do cơ duyên chúng tôi được biết về sinh hoạt riêng tư của họ.
Đây chỉ là những nét khái quát, điển hình cho rất nhiều hoạt động của giới nghệ sĩ Việt Nam đã may mắn “sổ lồng” bay vào các vùng trời tự do để tiếp tục công việc trình diễn, phổ biến, phong phú hóa dân nhạc Việt Nam .
Nghệ sĩ Lữ liên, một người chịu ảnh hưởng sâu đậm của ngành chèo cổ, các sáng tác của ông thường mang tính cách trào phúng, hài hước, đã cho biết rằng “cái gia sản cổ nhạc” cụ thể mà ông đem ra đảo Phú Quốc rồi leo lên tàu Mỹ là cây đàn cò mà ông đã đặt làm ở Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, năm 1952.
Ông Lữ Liên kể tiếp: “Tôi đeo hộp đàn trên lưng, từ chiếc xà lan leo thang dây lên tàu Mỹ suýt té, những người thân trong gia đình còn cho mình là quê mùa nữa.”
Nhưng cái gia sản tinh thần thì nghệ sĩ Lữ Liên đã đem theo đầy ắp trong tâm khảm. Ông Lữ Liên nhớ được rất nhiều điệu hát ru của bà chị ruột ông là Ni Sư Lã Thị Yến, từ lúc ông mới lên bốn, lên năm. Từ gánh hát chèo gia đình mang tên Hưng Cống là tên làng ông ở Hà Nam , cho tới những ngày tháng cộng tác với ban ca Bắc của Văn Thuật. Nhớ được 36 giọng của các nghệ sĩ Kim Bản, Kim Nhung, Hồ Điệp. Nhớ được tiếng đàn đáy độc đáo của hai tay đàn lừng danh là anh em ông Pháo, ông Mã.
Ông Lữ Liên tâm sự “tiếng đàn đáy nó lạ lùng lắm, tiếng đàn có lúc rất thanh nhưng có lúc lại rất rè, đánh được cái thanh trầm, rè rè ấy mới là đạt tới nghệ thuật của giới nhà nghề.”
Ông Lữ Liên còn nhớ được cả các làn điệu ca Huế của các nghệ sĩ Vĩnh Phan, Bửu Lộc, tiếng đàn cò của Chín Trích, đàn kìm của Sáu Tửng, các danh ca miền Nam như Năm Phỉ, Tám thưa, Phùng Há… và ban cổ nhạc Thành Công.
Ngay từ những ngày đầu tháng Năm 1975 khi vừa tới đảo Guam, cây đàn cò của miệt Lái Thiêu đã được nghệ sĩ Lữ Liên mang ra sử dụng trong các cuộc họp mặt cuối tuần ở nơi đất lạ cùng với Vũ huyến, Thúy Liễu.
Sau này nghệ sĩ Lữ Liên còn ôm cây đàn cò đi trình diễn với nghệ sĩ Việt Hùng, Ngọc Quí ở Los Angeles, với Hoàng Thi Thơ ở nhiều nước Âu Châu.
Gần nhất trong dịp Tết Giáp Tuất (1994), nhạc sĩ Lữ Liên đã thực hiện cuốn băng cổ nhạc trào phúng “Đánh Đu”. Ông nói: “Trong cuốn băng này tôi đã dùng nhiều làn điệu của phường Chèo và mượn ý trào phúng của nữ sĩ Hồ Xuân hương để sáng tác.”
Ngày 8 tháng Năm năm 1975, tiếng hát dân ca của Sài Gòn được cất lên ở đảo Guam trên Thái Bình Dương, đó là giọng ca Tuyết Hằng. Người nữ ca sĩ lưu vong này đã hát bài Lý Con Sáo và một số bài khác trong một thính phòng ở Guam, quy tụ trên hai trăm thính giả Mỹ. Tuyết Hằng hát thay vì khóc vì nhớ bạn, nhớ nhà.
Tuyết Hằng xuất thân từ trường Quốc Gia Âm Nhạc, là “đệ tử” của nhạc sĩ Hùng Lân, một nhạc sĩ đã có một thời nghiên cứu về dân ca cổ truyền. Tuyết Hằng rất mê dân ca, chọn dân ca làm chính trong sinh hoạt trình diễn nghệ thuật.
Là trưởng ban của ban tam ca Đông Phương được thành lập năm 1970 gồm Thu Hà, Hồng Vân, Tuyết Hằng. Ban tam ca Đông Phương chuyên trình diễn các bài dân ca cổ truyền, đã làm cho giới sành điệu ái mộ. Sân khấu Đêm Màu Hồng đã ký hợp đồng để ban tam ca Đông Phương trình diễn độc quyền cho họ.
Tới định cư ở tiểu bang Pennsylvania , Lễ Độc Lập Hoa Kỳ năm 1975. Tuyết Hằng cất tiếng hát trên một sân khấu ngoài trời của vùng Đông Bắc Mỹ. Từ đó, khi có cơ hội, Tuyết hằng tiếp tục trình diễn để quảng bá dân nhạc Việt Nam.
Dù có tên là Tuyết Hằng nhưng người ca sĩ này đã không chịu thấu những mùa tuyết rơi, băng giá của Pennsylvania . Tuyết Hằng đã từ biệt Đông Bắc Mỹ về cư ngụ ở Pasadena , California .
Tuyết Hằng cho biết “ban tam ca Đông Phương một thời đã thành công là nhờ ở sự hợp tác chặt chẽ của ba người ca sĩ, bây giờ Thu Hà đang hành nghề bác sĩ ở San Jose , Hổng Vân ở lại trong nước.”
Một điều đáng nhớ là cuốn băng dân ca của ban tam ca Đông Phương đã đoạt giải nhất về dân nhạc trong một cuộc thi của nhiều nước Á Châu được tổ chức tại Đại hàn năm 1971.
Trong các tháng Năm và Sáu năm 1975, nhiều họ đạo Cơ Đốc ở Hawaii đã ân cần tiếp đón nhạc sĩ Lê văn Khoa đến nói chuyện về dân nhạc Việt nam.
Nhạc sĩ Lê văn Khoa năm nay 61 tuổi, sinh quán ở Cần thơ, là một nghệ sĩ đa năng trong các sinh hoạt văn nghệ. Giáo hội Cơ Đốc của california đã giới thiệu ông với các họ đạo Tin Lành Hawaii, vì thế trong những ngày đầu tiên tới Hoa Kỳ là khoảng thời gian bận bịu nhất của ông Khoa trong việc giới thiệu dân nhạc Việt Nam với những người bạn mới thuộc nhiều sắc tộc. Kể từ những khởi đầu đó, nhạc sĩ Lê Văn Khoa là người đã có những nỗ lực thường xuyên trong việc đem các làn điệu Việt Nam vào sinh hoạt nghệ thuật đa văn hóa ở Hoa Kỳ. Liên tiếp trong nhiều năm qua, ông Khoa đã tổ chức các buổi trình diễn nhạc Việt Nam theo lối hòa tấu ở một số tiểu bang Mỹ.
Một điều đáng chú ý là trong mọi chương trình trình diễn, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã dùng rất nhiều chất liệu của dân nhạc Việt Nam để soạn các liên khúc dân ca, hay dùng những làn điệu dân ca làm nhạc đề cho các tấu khúc của dàn nhạc đại hòa tấu.
Cũng ngay từ tháng Năm năm 1975, tại trại tạm cư Pendleton, California, nghệ sĩ cải lương Việt Hùng đã cất tiếng ca bản vọng cổ mang tựa đề là “Tâm sự người viễn khách ly hương” của soạn giả Viễn Châu. Nghệ sĩ Việt Hùng năm nay 74 tuổi, hiện cư ngụ tại El Toro, California, ông là người đã sống chết với nghiệp cải lương từ 50 năm qua. Ông tâm sự rằng “Tôi còn sống và còn sức thì tôi còn ca hát, ca hát để giữ gìn những sắc thái đặc thù của dân tộc Việt Nam bởi vì trong Cải Lương đã chứa đựng không biết bao nhiêu thể điệu dân nhạc. Cải lương mãi mãi tồn tại trong tâm hồn của quảng đại quần chúng Việt Nam . Cải Lương chính là tiếng hát chất phác đầy tình tự của những tâm hồn bình dị.”
Trên đây chỉ là những sự kiện cá biệt khởi đầu của các nghệ sĩ tị nạn cộng sản trong rất nhiều khởi đầu của giới nghệ sĩ, nhưng phần nào các hoạt động đó đã mở ra cả một sinh hoạt văn nghệ rộng rãi của lớp người tị nạn mà bây giờ đã trở thành một yếu tố thực tế mang tính cách thế giới của dân tộc Việt Nam.
Trong khi đó tại quê hương Việt Nam , vào những năm đầu cộng sản thống trị thì sinh hoạt của giới nghệ sĩ dân gian đã bị nhà nước cộng sản dẹp bỏ hẳn.
Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn đổi tên là Nhạc Viện Thành Phố Hồ Chí Minh, cán bộ cộng sản Quang Hải thuộc thành phần tập kết, đã được cử làm giám đốc nhạc viện này. Riêng về ngành quốc nhạc, nhà nưóc vẫn để giáo sư Nguyễn Văn Đời làm trưởng khoa Âm nhạc truyền thống với khoảng hơn hai mươi giáo sư thuộc giới nghệ nhân để dạy dỗ “các con em thuộc gia đình cách mạng.”
Giáo sư quốc nhạc Nguyễn Hữu Ba được nhà nước cộng sản điều qua Viện Nghiên Cứu Âm Nhạc và ít lâu sau cho ông hưu trí. mọi hoạt động trình diễn văn nghệ đều do nhà nước xã hội chủ nghĩa chỉ đạo.
Một số lớn các nghệ sĩ ở niềm Nam thuộc thành phần quân đội Việt Nam Cộng Hòa thì đã bị đày đi các trại “cải tạo”. Đối với thành phần văn nghệ sĩ dân sự thì nhà nước Việt Cộng năm 1976 đã mở cả một chiến dịch “Tiêu diệt biệt kích văn hóa phản động, đồi trụy” vào các tháng Ba và tháng Tư năm đó. Trong đợt thanh trửng qui mô này, nhà nước Việt Cộng có cả một danh sách trên 200 “đối tượng” thuộc các ngành sinh hoạt nghệ thuật dân sự ở miền Nam, chỉ trừ một số nghệ sĩ nằm vùng hoặc “có liên hệ tốt với cách mạng” là không bị bắt như Vũ Hạnh, Sơn Nam, Thế Nguyên, Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn khánh…
Ký giả Như Phong Lê Văn Tiến hiện cư ngụ ở Santa Ana , California , là một nạn nhân của đợt khủng bố này. Ông cho biết “tất cả anh chị em văn nghệ sĩ bị bắt vào những nơi tạm giam, sau đó chuyển tới các khám Phan Đăng Lưu (Gia Định) và Chí Hòa (Saigon) rồi mới phát vãng từng nhóm đi các trại cưỡng bách lao động.
Ông Như Phong kể tiếp rằng “có khoảng 20 người được thả ra sau một năm tù, số văn nghệ sĩ còn lại bị giam từ bảy đến 12 năm.”
Bốn người con trai của nhạc sĩ Phạm Duy trong đó có Duy Quang, Duy Cường đã bị kẹt lại trong nước. Họ đã biến căn nhà của gia đình ông ở cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận, làm trại nuôi heo, mà Duy Quang nói là “nuôi heo để tránh khỏi phải đi kinh tế mới”. năm 1978, Duy Quang được đi đoàn tụ với gia đình ở Pháp, sau khi tới Ba Lê, Duy Quang đã ca hát trở lại. Hiện nay Duy Quang ở Orange County , California . Quang nói rằng “ba năm ở lại sống với chế độ Cộng Sản là một kinh nghiệm sống quý báu để biết cái giá trị của tự do.” Duy Cường và hai người em thì tới năm 1979 mới vượt biên bằng đường biển tới Mã lai Á, sau đó đoàn tụ với gia đình ở California, Hoa Kỳ.
Nữ ca sĩ Thái Thanh, một giọng hát hàng đầu tại miền Nam đã kẹt ở lại trong nước 10 năm. Trong suốt thời gian này Thái Thanh không một lần cất lên tiếng hát. Thái Thanh đã cắn răng nuốt những bài hát mà chị yêu thích vào lòng như nuốt trăm điều cay đắng về sự đổi đời của cả một xứ sở.
Tháng Tám năm 1985, Thái Thanh theo chương trình ra đi có trật tự tới California , Hoa Kỳ, đoàn tụ với gia đình và chỉ vài tháng sau khi thở không khí tự do, Thái Thanh đã ca hát trở lại. Thái Thanh hiện cư ngụ ở Westminster , California . Chị cho biết là những năm kẹt ở lại dưới chế độ cộng sản, chị không thể hát được, “tôi thấy tất cả mọi thứ không còn gì thuộc về mình nữa nên tôi đã nín lặng 10 năm, những năm sau lúc tôi sắp bỏ nước ra đi thì có nhiều đoàn hát tới mời tôi hợp tác nhưng tôi viện cớ là nhớ thương các con tôi ở nước ngoài nên quên hết bài bản để từ chối cho xong chuyện.”
Thái Thanh kết luận “tự do là điều kiện căn bản của cuộc sống con người, mất tự do thì không còn hứng khởi để làm bất cứ chuyện gì được nữa.”
Đi xa hơn nữa vào quá khứ, các trường hợp ray rứt của người nghệ sĩ miền Bắc cũng vô cùng khắc khoải. Trường hợp điển hình là nhạc sĩ Văn cao, tác giả của bài Tiến Quân Ca được nhà nước cộng sản dùng làm quốc ca. Tháng Tám năm 1981, trời Hà Nội vào thu đầy sương mù hiu hắt, nhạc sĩ Văn Cao hẹn tiếp một vài nghệ sĩ trẻ miền Nam ra thăm. Nhà của Văn Cao lúc này không ở “bên chiếc cầu soi nước” mà ở gần ga Hàng Cỏ, Hà Nội.
Một trong những người trẻ tới thăm nhạc sĩ Văn Cao hiện cư ngụ ở Anaheim, California, kể rằng “nhạc sĩ Văn Cao ở trên lầu của căn nhà này, ở dưới là gia đình khác, lúc chúng tôi tới thăm ông cụ thì gặp cảnh nhà đang được quét vôi trở lại, nhạc sĩ Văn cao ngồi trong nhà uống rượu trắng với đậu phộng, đám trẻ có người lên tiếng chà chà bác quét vôi lại sạch sẽ quá, nhạc sĩ Văn Cao đáp tôi đang bị người ta quét đấy.”
Trong câu chuyện sau đó mọi người được biết sở dĩ nhà nước CS cho người tới quét vôi nhà của nhạc sĩ Văn Cao vì có phóng viên Truyền hình Liên Xô sẽ tới phỏng vấn ông về vụ nhà nước CS khi đó có ý định bỏ bài “quốc ca” của họ.
Nhà nước CS đã yêu cầu nhạc sĩ Văn Cao tới tòa Đại sứ Liên Xô cho phóng viên truyền hình phỏng vấn nhưng ông từ chối. Sau đó họ đề nghị nhạc sĩ tạm dời đến một biệt thự sang trọng ở Hà Nội để tiếp ký giả nước ngoài nhưng ông vẫn từ chối. Cuối cùng nhà nước đành phải cho người tới quét vôi lại căn nhà cũ để làm cảnh quay phim.
Nhạc sĩ Văn Cao lúc đó chỉ thích uống rượu và khi ông uống thì vợ ông từ buồng trong hay chạy ra cản lại. Bà Văn Cao nói “ông đừng có uống lắm vào rồi nói bừa nữa thì chỉ có khổ vào thân.”
Nhưng nhạc sĩ Văn Cao trấn an “Bà biết rõ tôi biết xem tướng người, mấy cậu này trong Nam ra chơi đâu có như bọn kia.”
Sau đó qua các câu chuyện ở Hà Nội, người ta được biết rằng nhạc sĩ Văn Cao sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, đã bị quản thúc nhiều năm, trong thời gian đó ông luôn bị công an theo dõi, có khi còn giả làm nhạc sinh hay cho người ái mộ để theo dõi, lại còn tính để cho du đảng đánh ông để triệt hạ uy tín cá nhân ông nữa.
Nói về nhạc sĩ Việt nam, ông Văn Cao phát biểu “trong giới nhạc sĩ Việt Nam chỉ có hai người tôi nể là Dương Thiệu Tước và Phạm Duy.” Đề cập tới Tố Hữu, Văn Cao tỏ ý miệt thị, còn Đỗ Nhuận thì ông chỉ tặc lưỡi cho qua.
Trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có lên tiếng chỉ trích nhạc sĩ Văn Cao, và từ đó hai người kỵ nhau, nhưng dư luận nói là hai ông không chơi đòn bẩn để hạ nhau như những người khác ở Hà Nội. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát hơn 80 tuổi, đã qua đời cách đây vài năm, là một nhà mô phạm kín đáo hơn là một nghệ sĩ.
Cả hai nhạc sĩ lão thành Văn Cao và Nguyễn Xuân Khoát vẫn được giới trẻ nể trọng, họ hay đến thăm để xin ý kiến, để học hỏi. Điều mà nhạc sĩ Văn Cao thường nhắc nhở đám trẻ là “các cậu phải biết quý cái tự do, cái độc lập, đừng để mình rơi vào khuôn khổ, trường phái nào cả, phải can đảm nói lên cái bản chất đích thực của mình, tại sao lại sợ hãi, sợ hãi cả mình nữa thì còn làm gì được.”
Về chuyện nhạc sĩ Văn Cao “mượn rượu tiêu sầu” đã gây thành một cái “mốt” của giới “nghệ sĩ bất mãn”. Nhạc sĩ Văn Cao chỉ bóc lạc, uống rượu trắng chứ không thích hành động như lời lẽ của bài Tiến Quân Ca “thề phanh thây uống máu quân thù”, lời lẽ man rợ như vậy không thể là văn phong của tác giả Thiên Thai. Ít năm sau đó có anh cán bộ hô hoán trên báo rằng lời của bản Tiến Quân Ca là thơ của anh ta. Thật may mắn cho nhạc sĩ Văn Cao.
Chế độ CSVN có truyền thống thích dàn cảnh để bịp bợm dư luận, không phải chỉ có nhạc sĩ Văn Cao là nạn nhân trong vụ “quét vôi lại nhà ở” mà trước đó năm 1980, nhà văn Đặng Đình Hưng, thân phụ của danh thủ dương cầm Đặng Thái Sơn cũng đã từng nếm mùi cay đắng của tấn tuồng “dàn cảnh nhà cửa” để nói lên “sự ưu ái của chế độ ta đối với nghệ sĩ”.
Năm 1980, nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn đã được một nhạc sĩ Liên Sô của Viện Âm Nhạc Tchaikovsky đặc biệt để ý. Ông nhạc sư người Nga này muốn đưa Đặng Thái Sơn đi dự thi giải dương cầm Chopin ở Ba Lan. Ông này đã đề nghị với tòa đại sứ CSVN ở Mạc Tư Khoa chính thức cử Đặng Thái Sơn đi nhưng tòa đại sứ đã từ chối. Cuối cùng vị nhạc sư Liên Sô này phải đứng ra đở đầu cho Đặng Thái Sơn đi thi với tư cách là một nhạc sinh của viện âm nhạc Tchaikovsky.
Với tài năng nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn đã đoạt giải Chopin, mang danh dự về cho trường học, tới lúc đó Đảng và Nhà Nước Việt Cộng lại khai thác tên tuổi Đặng Thái Sơn để tuyên truyền. Xưởng phim của chế độ đã dàn dựng cả một bộ phim tài liệu để nói về sinh hoạt của danh thủ dương cầm Đặng Thái Sơn.
Nhà văn Đặng Đình Hưng thân phụ của nhạc sĩ Đặng Thái Sơn lúc bấy giờ đang ở nhờ trong gầm cầu thang nhà một người bạn, nhưng trong bộ phim tài liệu lại quay cảnh một tòa biệt thự nguy nga, có vườn cây rộng rãi và giới thiệu đây là tư thất của nhà văn Đặng Đình Hưng, gây cho khán giả xem phim nghĩ rằng chế độ Cộng Sản rất lưu tâm và đãi ngộ xứng đáng những tài năng trong giới nghệ sĩ.
Trở vào miền Nam, từ sau 1975, Việt Cộng đã cai trị với đường lối gay gắt, cứng rắn; mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ đều do các cán bộ Cộng Sản từ ngoài Bắc vào chỉ đạo, mặc dù bề ngoài vẫn dùng cái đám nhạc sĩ phản chiến trong Nam trước 75 làm bình phong.
Ngành nhạc của thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn họp hành, điều động các chiến dịch sáng tác, trình diễn với đề tài tùy theo từng đợt, từng mùa rất khắng khít với các nhu cầu giai đoạn của Đảng. Đám nhạc sĩ phản chiến trở thành một thứ công cụ để tuyên truyền cho chế độ qua các đề tài ca tụng Đảng, tung hô lãnh tụ, cổ võ các đường lối chính sách dập khuôn mẫu mực của Cộng Sản Quốc Tế.
Tới năm 1977, Cộng Sản Việt Nam đem quân qua đánh Cam Bốt thì đám nhạc sĩ được gọi là phản chiến trước 75 bây giờ bèn đổi giọng cổ võ cho chiến tranh, cho các điều gọi là “nghĩa vụ quân sự”, “nghĩa vụ quốc tế”.
Giải thích về việc chế độ đã gạt bỏ thành phần nghệ sĩ miền Nam, một cán bộ cao cấp của ngành “Văn Hóa” Việt Cộng đã phát biểu rằng “Nhà Nước Cách Mạng rất qúy trọng văn nghệ sĩ vì họ là những hạt kim cương, nhưng chỉ tiếc rằng những hạt kim cương của miền Nam đã bị dùng để lót ở cầu tiêu, đã bị ô nhiễm không thể dùng lại được”. Dư luận từ phía dân chúng miền Nam đã trả lời ngay rằng “điều đáng tiếc nhất là anh cán bộ cao cấp của Cộng Sản đã không biết rằng kim cương là một vật thể miễn nhiễm, kim cương dù để ở đâu thì vẫn là kim cương, chỉ có loại kim cương giả thì mới bị ô nhiễm”.
Về phía văn nghệ sĩ miền Nam, kể từ năm 1975 đến nay thì một số người đã chết trong các nhà tù Cộng Sản, một số khác qua đời vì bệnh, vì già. Số còn lại thì kẻ trước người sau bằng nhiều cách đã bỏ nước ra đi để tìm tự do, trừ một số những vị lão thành quyết định ở lại trong nước.
Tới được các phần đất tự do rồi thì các nghệ sĩ Việt Nam lại đụng đầu ngay với các thực tế khó khăn khác. Một số đông nghệ sĩ đã phải bỏ nghề cũ để kiếm sống bằng nghề khác, vì người Việt tị nạn ở tản mát nhiều nơi, nghệ sĩ lưu vong không còn sân khấu và khán giả để trình diễn thường xuyên nữa. Chỉ có một số rất ít sống được với nghề ca hát nhờ vào khả năng và tài nghệ đặc biệt; còn số đông chỉ coi việc sáng tác, trình diễn làm cái thú tiêu khiển, lâu lâu mới có dịp đi diễn. Tuy nhiên vì trình trạng tiến bộ kỹ thuật của thế giới, các nghệ sĩ Việt Nam cũng còn một thứ “sân khấu gián tiếp” để trình diễn ca nhạc, đó là thực hiện các băng nhạc, video hay các CD. Sinh hoạt của ngành “sân khấu gián tiếp” này vì lý do thương mại đã luôn luôn ồn ào và có lúc rơi vào cảnh lạm phát các loại băng và video.
Nhiều người quan ngại rằng sự lạm phát này sẽ làm giảm đi rất nhiều tính chất nghệ thuật, nhưng có dư luận lạc quan lại cho rằng những sản phẩm nào thực sự mang giá trị nghệ thuật thì sẽ tồn tại với thời gian.
Trình bầy khái lược về sinh hoạt văn nghệ trình diễn ở hải ngoại là một điều rất khó khăn vì khối người Việt tị nạn Cộng Sản ở tản mát khắp nơi trên thế giới.
Trên một năm qua, chúng tôi đã phỏng vấn một số nghệ sĩ, cũng như sưu tầm các tài liệu, sách báo nhưng trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi thấy còn quá nhiều thiếu sót. Việc mô tả các sinh hoạt văn nghệ của người Việt ở hải ngoại chỉ có tính cách khái quát mà thôi.
Ngô Đình Vận
No comments:
Post a Comment