Sunday, August 21, 2011

Trần Nguyên Thao - Nợ Xấu Ngân Hàng Việt Nam Sẽ Gây Bạo Loạn

Hà Nội trấn áp phong trào dân chủ trong nước mạnh mẽ hơn ngay sau khi chính phủ của Nguyễn tấn Dũng “đăng quang” lần thứ hai. Mục tiêu gia tăng đàn áp là để dân chúng quên đi thực trạng lãnh đạo bất tài, khiến đa phần dân chúng đi dần vào nghèo đói trong nền kinh tế ngày càng suy sụp . Nợ xấu tại các ngân hàng ở mức đáng ngại, lạm  phát vẫn chiếm giải quán quân thế giới, vật giá tăng 100%, tiền đồng tiếp tục trượt dốc chưa có dấu hiệu ngưng lại, nạn tham nhũng bất trị. Chính quyền  thì khiếp nhược trước kẻ thù xâm lược, nhưng lại tàn ngược, hung bạo với dân tệ hơn bọn phát xít... Đó là vài nét trong bức tranh kinh tế Việt Nam thời Mafia Việt Cộng.

Nợ xấu : mối nguy lớn

Hầu bao của đa phần dân chúng bị cộng đảng bòn rút bỏ vào túi riêng và triều cống Bắc Kinh qua nhập siêu mỗi năm hàng chục tỷ Đô la. Chỉ có đảng viên mới đủ thế lực cấu kết nhau, rút tiền ra từ các nhà băng để chia nhau, qua các dự án ma rồi gọi là “nợ xấu”.

Tại một hội thảo về kinh tế vĩ mô ở Hà Nội mới đây ông  Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia được Reuters trích lời nói: "Nợ xấu trong ngành ngân hàng là mối lo lớn. Các tập đoàn kinh tế quốc doanh hoạt động rất kém hiệu quả. Họ sử dụng phần lớn nguồn vốn quốc gia và gây ra nợ xấu cho ngân hàng".

Hãng tin Reuters nói trong tháng trước Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ tại các ngân hàng ở mức 125 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm 2010, nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội gần 20%.

Nợ xấu trong ngân hàng là bao nhiêu không được nhà nước công bố, vì là bí mật quốc gia. Nhưng nếu tổng số nợ tại các ngân hàng  là 125 tỷ Đôla, thì  dư luận trong giới tài chánh ước tính “nợ xấu – không đòi được”  đã lên đến 5%, tức khoảng 6.25 tỷ Đô la. Nếu vì có nhiều nợ xấu, ngân hàng không đủ tiền trả khi dân chúng  muốn rút tiền ra, thì đầu tiên sẽ tạo ra hốt hoảng, tin xấu sẽ lan rộng rất nhanh . . . dân sẽ ồ ạt đến các nhà băng rút tiền, tạo ra khủng hoảng tài chánh và rối loạn trong xã hội, bạo loạn sẽ xẩy đến. Trường hợp các ngân hàng có nợ xấu, phải xin “write off - hủy bỏ”  thì nhà nước phải bơm thêm tiền vào các nhà băng như hình thức “trả nợ đậy”.  Khi bơm thêm tiền để cứu nguy các ngân hàng đương nhiên góp phần làm gia tăng lạm phát, đưa đến cảnh người dân sẽ mua Đô la hay vàng để cất giữ, vì mất tin tưởng vào đồng tiền VN. Lúc đó Đô la sẽ khan hiếm. Ngoại tệ dự trữ tại VN cũng được xem là bí mật tài chánh quốc gia, không được tiết lộ, nhưng qua các nguồn tin “chưa hề bị vẩn đục” cho biết, ngân hàng nhà nước hiện giữ khoảng 12.6 tỷ Đô la, tương đương một tháng + một tuần để nhập cảng hàng hóa vào VN. Mức an toàn trong thương mại là 8 tuần lễ.

Hai “cái gai khá nhọn” khác làm ung nhọt trong nền tài chánh VN: một là công chi quá cao lên đến 28%, cao gần 200% so với “nước lạ” và gần 150% so với các nước khác;  một khác là trung ương yêu cầu các địa phương giảm chi, để đưa lạm phát xuống theo yêu cầu của các định chế quốc tế, nhưng địa phương, nhất là các công ty quốc doanh phản ứng bằng thủ tục thanh toán ma mãnh, chẳng những không giảm được chi tiêu mà còn tăng lên 30%, trong hai quý đầu năm. Hành vi này mang ý nghĩa địa phương muốn gởi cho trung ương tín hiệu, xin đừng đụng chạm đến “quyền hành, lợi lộc” của chúng tôi. Hai cái gai này ngoáy vào “vết thương” kinh tế, tài chánh làm cho lạm phát tại VN tăng cao nhất thế giới, gần 23% vào tháng 7. Đây cũng là mức cao nhất từ nhiều năm nay.  Điều này làm cho tiền đồng VN tiếp tục mất giá. Việc phải phá giá đồng bạc VN là chuyện không thể tránh trong tương lai gần.

Vàng miếng rất khó “nuốt”

Tân Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình được ký giả Roger Mitton, báo Phnom Penh Post nói là có quan hệ thân cận với cựu Thống đốc Lê Đức Thúy, người đang bị báo nước ngoài cáo buộc tham nhũng trong vụ công ty Securency của Úc in tiền Polymer cho VN nói, vàng miếng tai VN đang bị thương buôn đầu cơ làm cho giá vàng cao hơn giá thế giới từ tám trăm ngàn đến một triệu hai mỗi lượng. Nhà nước đang cân nhắc để ban hành chính sách dành độc quyền cho NHNN nhập cảng, quản lý, phân phối vàng miếng. Nhưng chưa cho biết khi nào áp dụng chính sách mới về vàng.

Hồi tháng 6, các diễn giả trong cuộc hội thảo về vàng miếng tại VN đã nói là, hiện có đến 1000 tấn vàng đang được cất giữ trong dân chúng. Số vàng này trị giá bằng một nửa tổng sản lượng nền kinh tế VN. Hanoi nhìn thấy một món mồi béo bở. Nhưng nếu cấm tư nhân buôn bán vàng, thì 10 ngàn đại lý và cửa hàng vàng lớn nhỏ sẽ tìm cách buôn bán “chợ đen”. Còn tạo thêm tham nhũng, đầu cơ gấp bội. Hanoi đắn đo đến 6 tháng nay mà chưa dám  đưa ra lệnh mới về vàng. Vàng miếng trông thì đep mắt, “ngon ăn” nhưng coi bộ rất khó “nuốt”.

Nợ Nước Ngoài

Bộ Tài Chánh VN công bố hôm 15 tháng 8, nợ nước ngoài của VN ở mức 32.5 tỷ Đôla, tương đương 42.2% tổng sản lượng toàn nước (GDP). Chỉ trong vòng một năm, nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng thêm gần 4,6 tỉ USD. Tính chung giai đoạn 5 năm 2006-2010, nợ công của Việt Nam đã tăng gấp đôi.

Công ty Fitch Ratings, cơ quan chuyên dánh giá tín dụng tầm mức quốc tế lại nói, nợ nước ngoài của VN là 50% GDP.  Fitch Ratings cũng nói thắt chặt chi tiêu chính phủ cũng là thành tố quan trọng của việc giảm lạm phát và ổn định kinh tế nhưng họ chưa nhìn thấy tia hy vọng nào chứng tỏ VN thực lòng cắt giảm công chi.

Hoa Kỳ cũng nợ nước ngoài số tiền rất lớn, Tầu cho Mỹ vay cả ngàn tỷ Đôla, nhưng Mỹ đã dùng 60% tiền nợ của Tầu để đầu tư ngay tại Hoa Lục, xây dựng cơ sở, sử dụng công nhân, vật dụng rẻ tại chỗ để sản xuất hàng hóa công nghệ cao, rồi đem bán khắp thế giới, thu lời về cho nước Mỹ. Vậy mà Tầu có phần phải “đa tạ” Mỹ, vì nhờ doanh nghiệp Mỹ mà công nhân có việc làm, xã hội bớt nhiễu loạn. Bây giờ mà doanh nghiệp Mỹ dọa rút ra, chắc Tầu phải đưa thêm vốn, mời Mỹ ở lại, vì Tầu đang sắp có loan to!

Nếu VN biết cách sử dụng tiền nợ để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho đất nước hay xây dựng doanh nghiệp tạo công việc làm trong xã hội thì tiền nợ trong trường hợp này lại góp phần làm xã hội thêm an hòa, lành mạnh. Đàng này, Hanoi đã dùng nợ nước ngoài đổ vào các công ty quốc doanh, rồi thanh toán ma mãnh, ăn cắp hết của công... tiến đến khai phá sản như đại công ty Vinashin, lúc sập tiệm đã để lại gánh nợ nần cho dân chúng đến một ngàn tỷ đồng, mà không ai bị khiển trách gì! Còn biết bao nhiêu vụ ăn cắp khác như dự án đại lộ Đông Tây, PMU 18, vụ công ty Securency của Úc in tiền Polymer. Phần lớn các đảng viên “lãnh đạo” các vụ tham nhũng đều ôm một đống bạc rồi nghỉ hưu!

TS Lê đăng Doanh, người sống ngay trong lòng chế độ nhận xét: Vấn đề quan trọng nhất, nhìn từ nợ công Việt Nam, là hiệu quả của đầu tư công quá thấp, đầu tư 1 đồng nhưng tài sản cố định chỉ tạo được bốn mươi xu, quá một nửa tiền đầu tư “biến mất” là nguyên nhân gây ra lạm phát. TS Doanh nói với BBC rằng nợ của doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ bảo lãnh cũng “rất cao và tăng nhanh” và hiện đạt khoảng 50% GDP. “Nếu cộng cả hai khoản mục nợ công và nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nợ của Việt Nam đã trên 100% GDP”. Gánh nặng nợ nước ngoài ngày càng đè nặng lên nền kinh tế và người đóng thuế Việt Nam. Việt Nam phải trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng 1,5 tỉ USD. Đến năm 2020, tổng số tiền phải trả hàng năm là 2,4 tỉ USD.

Chính vì cách làm thì ít, ăn cắp thì nhiều, nên  công ty Fitch Ratings đã cho điểm mức độ “đáng tín nhiệm” VN chỉ  ngang với Mông Cổ và Venezuela, còn “tệ” hơn cả hai nước Philippines và Indonesia.

Nếu không cải tổ chính trị, Hanoi sẽ phải tiếp tục chịu đựng với chính sách kinh tế, tài chánh “quay vòng” trong các xáo trộn của đồng tiền mất giá, hạn chế tín dụng, mua bán ngoại tệ, tham nhũng bất trị và công chi không ngừng tăng cao. Chỉ có cải tổ chính trị, mới huy động được nhân tài, như các nước tân tiến, mới dễ dàng đối phó khi quốc gia lâm vào khủng hoảng.

Trần Nguyên Thao
August 17, 2011

No comments:

Post a Comment